menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim)

user

Ngày:

21/09/2016

user

Lượt xem:

552

Bài viết thứ 05/12 thuộc chủ đề “Các bệnh Tim mạch”

Tổng quan

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim (còn được gọi là cơn đau tim hay hội chứng vành cấp) xảy ra khi một phần của cơ tim bị phá hủy hoặc chết vì nó không nhận được đủ oxy. Lúc bình thường thì máu trong động mạch vành  mang oxy đến cơ tim. Hầu hết các cơn đau tim xảy ra khi có sự tắc nghẽn những động mạch này dẫn đến làm chậm hoặc ngưng hoàn toàn dòng máu.

Nhồi máu cơ tim thường có thể điều trị được khi được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, nếu không điều trị nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong.

Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim) 1

Phụ nữ cần biết gì về nhồi máu cơ tim?

Phụ nữ dễ bị tử vong hơn đàn ông khi bị nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân chưa rõ. Có thể vì nữ giới không tìm cách điều trị hay không được điều trị sớm như nam giới, hoặc do họ không nhận ra các triệu chứng của cơn đau tim, mà các triệu chứng này khác với các triệu chứng nam giới có. Cũng có thể vì tim và mạch máu của nữ giới nhỏ hơn nên dễ bị hủy hoại hơn. Các bác sĩ đang nghiên cứu để tìm câu trả lời cho các câu hỏi này. Rõ ràng điều này có ý nghĩa phòng ngừa bệnh tim trước khi bệnh khởi phát.

Triệu chứng

Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim là gì?

Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể bao gồm:

  • Khó chịu ở ngực, có thể cảm thấy đau, nặng, xiết chặt, đè nén hay nóng rát (cũng gọi là đau thắt ngực)
  • Đau hay khó chịu ở cổ, vai, hàm dưới, cánh tay, phần lưng trên hay bụng
  • Khó thở kéo dài hơn vài giây
  • Cảm giác choáng váng, chóng mặt hay ngất
  • Buồn nôn hay nôn
  • Đổ mồ hôi bất thường
  • Mệt mỏi nhiều
  • Lo lắng
  • Hồi hộp (cảm giác như tim đang đập nhanh hoặc loạn nhịp)

Với nữ giới thì những triệu chứng của cơn đau tim có khác không?

Giống như nam giới, triệu chứng nhồi máu cơ tim hay gặp nhất  ở nữ giới là đau hay khó chịu ở ngực. Tuy nhiên nữ giới có thể có nhồi máu cơ tim mà không có đau ngực.

Phụ nữ nên đặc biệt chú ý những triệu chứng khác của nhồi máu cơ tim, gồm khó thở, đổ mồ hôi, mệt mỏi và chóng mặt.

Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim) 2

Bạn nên làm gì nếu bạn có triệu chứng của cơn đau tim?

  • Nếu bạn nghĩ bạn có thể bị cơn đau tim thì điều quan trọng là tìm cách điều trị đúng. Hãy thực hiện các bước sau:
  • Gọi 115 hay gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Không tự lái xe đến bệnh viện.
  • Sau khi gọi cấp cứu giúp đỡ, hãy nhai và nuốt 1 viên aspirin lớn không có vỏ bọc (325 mg) hay 4 viên aspirin nhỏ không có vỏ bọc (81 mg). Không uống aspirin nếu bạn bị dị ứng với aspirin.
  • Nếu bạn ở một mình, đừng khóa cửa để nhân viên cấp cứu có thể vào nhà bạn dễ dàng.
  • Ngồi ở một chiếc ghế thoải mái và chờ sự giúp đỡ.
  • Giữ điện thoại gần bạn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim là gì?

  • Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một phần cơ tim bị phá hủy hay chết vì nó không nhận đủ oxy. Các động mạch mang máu và oxy đến tim gọi là động mạch vành.Tắc nghẽn ở một hoặc nhiều nhánh động mạch vành có thể gây giảm lưu lượng máu và oxy đến tim.
  • Thông thường sự tắc nghẽn bắt đầu với xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là sự tích tụ của các chất lắng đọng mỡ (được gọi là mảng xơ vữa) trong động mạch và sự cứng lên của thành động mạch. Sự tích tụ giống như chất nhớt tích tụ trong ống nước và làm chậm dòng nước chảy. Khi mảng xơ vữa bị vỡ hay bị tổn thương, các cục máu đông có thể hình thành. Nếu cục máu đông hình thành ở một hay nhiều động mạch vành, các cục máu đông có thể làm chậm hay tắc dòng máu đến tim.

Những yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim

  • Hút thuốc lá
  • Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)
  • Tuổi: nguy cơ tăng lên đối với nam giới hơn 45 tuổi và nữ giới hơn 55 tuổi (hay sau mãn kinh). Khoảng 83% người tử vong vì bệnh tim là ở độ tuổi 65 hay lớn hơn.
  • Mức cholesterol cao
  • Cao huyết áp
  • Tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Mexico, Mỹ gốc và Hawaii bản địa có nguy cơ cao hơn
  • Xơ vữa động mạch
  • Ít vận động
  • Căng thẳng (Stress)
  • Béo phì
  • Giới: nam giới dễ bị nhồi máu cơ tim hơn, mặc dù bệnh tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho phụ nữ Mỹ.

Chẩn đoán và xét nghiệm

Nhồi máu cơ tim được chẩn đoán như thế nào?

Có thể bạn cần một vài xét nghiệm để xác định nguyên nhân các triệu chứng của bạn.

  • Điện tâm đồ (ECG): Bác sĩ sẽ muốn bạn làm ECG. Xét nghiệm này sẽ ghi lại hoạt động điện của tim bạn. Nó có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về nhịp tim hay bất kì tổn thương tim mà do giảm lưu lượng máu.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm máu để giúp chẩn đoán những triệu chứng của bạn. Khi không đủ lưu lượng máu đến tim, các protein chuyên biệt được giải phóng vào máu. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể phát hiện những protein này. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn làm xét nghiệm máu vài lần trong vòng 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi triệu chứng bắt đầu.

Những xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể muốn bạn làm bao gồm:

  • Siêu âm tim: Xét nghiệm này phát đi các sóng âm cho phép bác sĩ có được những hình ảnh về tim bạn. Những hình ảnh cho bác sĩ biết tim của bạn tống máu tốt như thế nào. Nó cũng có thể cho thấy các bệnh van tim nếu có.
  • X-quang ngực: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ đánh giá kích thước và hình dạng của tim. Nó cũng có thể cho thấy tình trạng ứ huyết trong phổi nếu có.
  • Hình ảnh hạt nhân: Xét nghiệm này cần tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào máu của bạn. Chất này đi đến tim. Sau đó, một máy quay hoặc máy cắt lớp sử dụng chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh, những hình ảnh này cho thấy tim bạn bơm máu tốt như thế nào. Chất phóng xạ này an toàn và ra khỏi cơ thể bạn hoàn toàn sau khi xét nghiệm kết thúc.
  • Chụp mạch vành: Xét nghiệm này thỉnh thoảng được gọi là thông tim. Ở xét nghiệm này, một ống dài được đưa vào mạch máu. Ống này được hướng đến tim hay động mạch mang máu đến tim. Sau đó, một chất được tiêm vào trong ống. Chất này có thể nhìn thấy được bằng tia X quang. Nó cho phép bác sĩ thấy nơi bị tắc nghẽn gây ra sự giảm lưu lượng máu đến tim.

Điều trị

Nhồi máu cơ tim được điều trị như thế nào?

  • Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Nếu bạn bị đau thắt ngực cấp, bác sĩ có thể cho bạn uống nitroglycerin. Nitroglycerin có thể tạm thời làm giảm triệu chứng của bạn và cải thiện lưu lượng máu đến tim. Thuốc có tác dụng do làm giãn động mạch mang máu đến tim.
  • Nếu bạn đang bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc tiêu huyết khối hay chụp mạch vành và có thể nong mạch vành hay đặt stent. Thuốc tiêu huyết khối có thể giúp tan cục máu đông mà gây tắc động mạch vành. Nong mạch vành là thủ thuật mà một cái bóng nhỏ được đặt từ động mạch ở cánh tay hay ở đùi lên đến tim. Đẩy bóng làm thông những động mạch vành bị tắc. Một thanh thép nhỏ được gọi là stent có thể được đặt vào trong động mạch bị tắc để giữ cho động mạch được thông.
  • Nếu nong mạch vành và/hoặc đặt stent không phù hợp, có thể bạn cần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Đây là phẫu thuật lớn, mà bác sĩ sẽ lấy hoặc là tĩnh mạch ở cẳng chân và/hoặc một động mạch từ ngực của bạn để làm cầu bắc qua chỗ tắc nghẽn trong động mạch vành. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành cho phép máu chảy đến vùng tim đã bị tắc nghẽn.

Không kể phương pháp điều trị mà bác sĩ lựa chọn cho bạn, bạn có sự trợ giúp về y tế càng sớm, cơ hội sống sót sau cơn đau tim càng cao. Không nên trì hoãn việc chăm sóc y tế nếu bạn đang bị các triệu chứng của nhồi máu cơ tim.

Điều trị nhồi máu cơ tim cũng bao gồm các thuốc mà bạn sẽ cần uống thậm chí sau khi bạn xuất viện. các thuốc này giúp cải thiện dòng máu đến tim, phòng ngừa cục máu đông và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát. Các thuốc này gồm: Aspirin, chẹn beta, statin, ức chế men chuyển và dầu cá. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho bạn.

Chương trình phục hồi chức năng tim là gì?

Trước khi bạn ra viện, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về việc đăng kí một chương trình phục hồi chức năng tim. Chương trình phục hồi chức năng  tim cung cấp thống tin giúp bạn hiểu về các yếu tố nguy cơ của bạn. Chương trình cũng sẽ hướng dẫn cho bạn bắt đầu một lối sống khỏe mạnh cho tim mà có thể phòng ngừa những vấn đề tim mạch trong tương lai. Bạn sẽ học về các bài tập thể dục, chế độ ăn, và làm thế nào để đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Bạn cũng sẽ học các cách để kiểm soát mức độ căng thẳng, huyết áp và mức cholesterol của bạn.

Chương trình phục hồi chức năng tim cũng có thể bắt đầu khi bạn còn đang nằm viện. Sau khi bạn ra viện, sự phục hồi chức năng của bạn sẽ tiếp tục ở trung tâm phục hồi chức năng. Trung tâm  phục hồi chức năng có thể ở tại bệnh viên hoặc ở nơi khác.

Hầu hết các chương trình phục hồi chức năng tim kéo dài 3 đến 6 tháng. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về thời gian bạn cần tham gia vào chương trình. Khi bạn đã đăng kí chương trình phục hồi chức năng thì việc tham gia đều đặn là rất quan trọng. Bạn học và thay đổi lối sống khỏe mạnh cho tim càng nhiều thì cơ hội để phòng ngừa những vấn đề về tim mạch trong tương lai càng cao.

Các biến chứng

Chứng trầm cảm có ảnh hưởng gì đến nhồi máu cơ tim của tôi?

Trầm cảm thường xảy ra sau khi bị nhồi máu cơ tim. Hơn 1/3 người bị nhồi máu cơ tim nói rằng họ bị trầm cảm sau đó. Phụ nữ có trầm cảm trước đó và những người cảm thấy cô độc mà không có sự hỗ trợ về mặt tình cảm hay xã hội thì có nguy  cơ trầm cảm cao hơn sau khi bị nhồi máu cơ tim. Nhiều người bị trầm cảm tìm kiếm sự giúp đỡ hay điều trị nhưng không biết bị bệnh. Bị trầm cảm có thể khiến bạn khó phục hồi thể chất hơn. Tuy nhiên chứng trầm cảm có thể điều trị được.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một bệnh, cũng như đái tháo đường hay cao huyết áp. Những triệu chứng về cảm xúc và thực thể bao gồm vài hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Thường xuyên có cảm giác buồn hay khóc (tâm trạng trầm cảm)
  • Mất hứng thú với những hoạt động thường ngày từng làm bạn vui vẻ
  • Thay đổi về khẩu vị và cân nặng
  • Ngủ quá nhiều hay có vấn đề về giấc ngủ
  • Cảm giác cáu gắt, uể oải hay lờ đờ
  • Mất năng lượng
  • Cảm giác có lỗi hay không xứng đáng
  • Khó tập trung hay quyết định
  • Nghĩ đến cái chết hay tự sát

Làm sao biết bạn bị trầm cảm?

  • Người bị trầm cảm có các triệu chứng như trên gần như mỗi ngày, tất cả các ngày trong 2 hoặc hơn 2 tuần. Tâm trạng chán nản và mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày là hai trong các triệu chứng phổ biến nhất.
  • Nếu bạn có một vài hoặc tất cả các triệu chứng của trầm cảm, hãy gặp bác sĩ gia đình của bạn. Bác sĩ  sẽ hỏi bạn các câu hỏi về các triêu chứng, sức khỏe của bạn và tiền sử bệnh lý của  gia đình bạn.

Ngăn ngừa

Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim?

Một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa hội chứng vành cấp (ACS). Việc này bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc lá nếu bạn có hút, và tránh hút thuốc thụ động
  • Giữ một chế độ ăn khỏe mạnh: ít mỡ và ít cholesterol
  • Tập thể dục đều đặn
  • Kiểm soát tình trạng căng thẳng
  • Kiểm soát huyết áp
  • Kiểm soát đường huyết nếu bạn bị đái tháo đường
  • Tái khám bác sĩ đều đặn để kiểm tra

Tôi có phải uống thuốc trong suốt quãng đời còn lại không?

  • Có khả năng. Nếu bạn đã từng có nhồi máu cơ tim, có lẽ bác sĩ sẽ muốn bạn uống một số thuốc trong thời gian dài để làm giảm nguy cơ bạn bị thêm các vấn đề về tim mạch. Bác sĩ có thể trả lời bất kì câu hỏi nào bạn thắc mắc về các loại thuốc này, như là lợi ích và nguy cơ khi dùng chúng.
  • Aspirin có thể giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Bác sĩ có thể muốn bạn dùng thuốc với liều thấp mỗi ngày để giữ máu của bạn không hình thành cục máu đông mà cuối cùng chúng có thể gây tắc nghẽn động mạch. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các nguy cơ và lợi ích của liệu pháp aspirin.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu cũng giúp ngăn hình thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể gây tắc nghẽn động mạch mang máu và oxy đến tim và gây ra nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Những thuốc này đặc biệt quan trọng trong ít nhất một năm nếu bạn có đặt stent trong tim.

  • Chẹn beta là một nhóm thuốc làm giảm nhịp tim và huyết áp. Chúng giúp cải thiện dòng máu đến tim.
  • Thuốc ức chế men chuyển là nhóm thuốc có ích nếu tim bạn đang tống máu không tốt. Loại thuốc này giúp giãn các động mạch và làm giảm huyết áp của bạn. Điều này cải thiện dòng máu.
  • Statins là nhóm thuốc được sử dụng để làm giảm mức cholesterol “xấu” (được gọi là LDL hay lipoprotein trọng lượng thấp) và có thể giúp tăng cholesterol “tốt” (HDL hay lipoprotein trọng lượng cao). Nếu bạn có nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể kê thuốc statins cho bạn.

Liệu pháp thay thế estrogen có thể làm giảm nguy cơ tim mạch cho phụ nữ không?

Không. Liệu pháp thay thế estrogen, còn được gọi là liệu pháp thay thế hormone, đã được bác sĩ kê đơn vì họ hi vọng nó có thể giúp phòng tránh một số bệnh giống như điều trị các triệu chứng của mãn kinh. Người ta cũng từng cho rằng liệu pháp thay thế hormone có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tim. Khi nói đến sức khỏe tim thì những nghiên cứu mới đã cho thấy rằng liệu pháp thay thế hormon thật sự có hại hơn có lợi. Nếu bạn đang dùng liệu pháp thay thế hormon để giúp phòng ngừa bệnh tim thì hãy nói với bác sĩ về việc liệu bạn có nên ngừng lại hay không.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/heart-attack.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích