menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Táo bón trong ung thư trẻ em

user

Ngày:

22/05/2020

user

Lượt xem:

287

Bài viết thứ 13/27 thuộc chủ đề “Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư trẻ em”

Biên dịch: BS. Phạm Võ Phương Thảo 

Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Văn Tuy

Táo bón là gì?

Táo bón là tình trạng tiêu phân khó khăn, phân khó đi qua hoặc di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa. Điều này có thể làm rối loạn nhu động ruột dẫn đến các vấn đề như đau, chán ăn, trĩ, nứt kẽ hậu môn.

Táo bón là tác dụng phụ phổ biến của các phương thức điều trị ung thư và ung thư. Nó có thể gây khó chịu, cản trở các hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng sống. Táo bón nặng có thể dẫn đến u phân, một tình trạng mà khối phân cứng bị kẹt trong đại tràng hoặc trực tràng. Phân cứng cũng có thể gây ra vết xướt xung quanh hậu môn. Đối với trẻ bị ung thư và hệ thống miễn dịch yếu, nứt kẽ hậu môn có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng.

Táo bón là điều mà trẻ em, và đặc biệt là thanh thiếu niên, có thể không muốn nhắc đến. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiểm soát táo bón. Thay đổi chế độ ăn, uống nước và hoạt động thể chất có thể giúp ích. Bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc giúp trị táo bón.

Triệu chứng táo bón ở trẻ em

  • Phân cứng, khô hoặc vón cục
  • Phân lớn hơn bình thường hoặc ở dạng nhỏ như phân dê
  • Ít đi tiêu hơn bình thường
  • Ngồi lâu trong nhà vệ sinh
  • Đau bụng
  • Cảm giác như vẫn phải đi sau khi đi tiêu
  • Chướng bụng hoặc đầy hơi
  • Ăn mất ngon
  • Chảy máu khi lau bằng giấy
  • Có phân hoặc dấu phân trên đồ lót
  • Khóc hoặc tránh đi vệ sinh

Chẩn đoán táo bón

Thói quen đại tiện ở mỗi người là khác nhau, tuy nhiên, thông thường sẽ đi tiêu khoảng 3 lần trong một tuần.

Chẩn đoán táo bón xem xét khi:

  • Tần suất đi tiêu (2 hoặc ít hơn mỗi tuần)
  • Biểu hiện phân (cứng, khô, vón cục hoặc đường kính lớn)
  • Khó khăn khi đi tiêu

Khám lâm sàng táo bón có thể bao gồm:

  • Tiền sử bệnh và thói quen đi vệ sinh
  • Khám bụng
  • Khám vùng hậu môn
  • Xét nghiệm máu và phân
  • Xét nghiệm hình ảnh

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em ung thư

Khi thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa, chất dinh dưỡng và nước được hấp thu. Chất thải được thải qua đại tràng và trực tràng dưới dạng phân. Đôi khi hệ thống tiêu hóa chậm lại, và phân di chuyển qua ruột quá chậm, điều này có thể cho phép hấp thụ nhiều nước hơn, làm cho phân cứng và khô hơn.

Một số yếu tố có thể dẫn đến táo bón trong điều trị ung thư:

  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Giảm lượng thức ăn
  • Lượng nước uống ít hoặc mất nước
  • Không hoạt động thể chất
  • Áp lực lên dạ dày hoặc ruột do khối u
  • Thuốc giảm đau hoặc chống nôn
  • Một số loại thuốc hóa trị
  • Các bệnh lí khác như tiểu đường, suy giáp hoặc bệnh celiac

Thuốc gây táo bón

Một tác dụng phụ phổ biến của một số loại thuốc là táo bón. Đối với trẻ bị ung thư, các loại thuốc thường gây táo bón là thuốc giảm đau và thuốc chống nôn. Táo bón là tác dụng phụ của một số loại thuốc hóa trị như vincristine và vinblastine. Trẻ em được điều trị bổ sung sắt cho bệnh thiếu máu cũng có thể bị táo bón.

Các loại thuốc dễ gây táo bón bao gồm:

  • Thuốc giảm đau bao gồm thuốc opioid và NSAIDS
  • Thuốc chống nôn
  • Thuốc kháng axit
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc dị ứng bao gồm cả thuốc kháng histamine
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Sắt

Tại sao Opioids gây táo bón?

Thuốc opioid thường được dùng để giúp kiểm soát cơn đau trong quá trình điều trị ung thư ở trẻ em. Một số loại thuốc này là codein, fentanyl, hydrocodone, methadone, morphin và oxycodone. Thuốc opioid có thể gây táo bón theo một số cách:

  • Opioids có thể làm chậm nhu động ruột. Điều này làm chậm sự di chuyển của chất thải qua hệ thống tiêu hóa.
  • Opioids có thể làm giảm lượng nước trong ruột. Điều này có thể làm cho phân trở nên khô và cứng.
  • Opioids có thể làm giảm trương lực cơ và làm suy yếu các phản xạ kiểm soát phân.

Vì táo bón là tác dụng phụ phổ biến, bác sĩ khuyên dùng thuốc nhuận tràng để ngăn ngừa táo bón nếu kê đơn một thuốc opioid.

Phương pháp điều trị táo bón

Có một số cách giúp ngăn ngừa và điều trị táo bón ở trẻ bị ung thư. Điều quan trọng là gia đình phải hợp tác chặt chẽ với đội ngũ chăm sóc để đảm bảo các triệu chứng của trẻ được ghi nhận. Táo bón nhẹ thường được điều trị ban đầu bằng chế độ ăn và thay đổi hành vi như uống nhiều nước hơn và tăng hoạt động thể chất. Bước tiếp theo trong điều trị thường là thuốc để nhuận tràng.

Thuốc trị táo bón

Thuốc trị táo bón thường được gọi là thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau như làm mềm phân hoặc kích thích nhu động ruột.

  • Chất làm mềm phân (docusate) làm tăng hàm lượng nước và chất béo trong phân để làm cho nó mềm hơn.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (Miralax®, lactulose) làm tăng nước trong đường tiêu hóa để giảm táo bón.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích (senna, bisacodyl) làm tăng sự co bóp của các cơ trơn ở ruột để giúp phân đi qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu / Chất làm mềm phân Thuốc nhuận tràng kích thích Phối hợp
Polyethylene glycol 3350 (MiraLax®) Senna (Ex-Lax®, Senexon®, Senokot®) Senna + Docusate (Correctol 50 Plus®, Ex-Lax Gentle Strength®, Peri-Colace®, Senokot S®)
Docusate (Colace®, Pedia-Lax®) Bisacodyl (Correctol®, Dulcolax®)

Thuốc trị táo bón thường được dùng bằng đường uống. Thuốc nhuận tràng đôi khi có thể được dùng dưới dạng thuốc đạn trực tràng hoặc thuốc xổ, nhưng chúng chỉ nên được sử dụng nếu có chỉ định của bác sĩ.

Nhiều loại thuốc nhuận tràng có sẵn trên quầy mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, việc trao đổi với bác sĩ là rất quan trọng trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Thuốc nhuận tràng có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, chuột rút, tiêu chảy và mất nước khi không được sử dụng đúng cách.

Nếu táo bón là do opioids, một loại thuốc gọi là methylnaltrexone (Relistor®) có thể được dùng để giúp giảm táo bón do opioids gây ra. Bác sĩ cũng có thể xem xét thay đổi thuốc điều trị đau.

Thay đổi chế độ ăn uống để giúp táo bón

Buồn nôn, chán ăn và mệt mỏi có thể khiến bệnh nhân bị thiếu năng lượng và chất xơ trong quá trình điều trị ung thư. Một số thay đổi chế độ ăn để hạn chế táo bón bao gồm:

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc, đậu và các loại hạt.
  • Uống nhiều nước.
  • Ăn đúng giờ.
  • Uống đồ ấm hoặc bột yến mạch ấm cho bữa sáng. Nhiệt độ ấm có thể giúp kích thích đường tiêu hóa.

Một số cách để ngăn ngừa và điều trị táo bón bao gồm:

  • Tránh căng thẳng, và hạn chế thời gian ngồi trong nhà vệ sinh.
  • Lau nhẹ hậu môn bằng giấy ẩm hoặc khăn ướt, nhưng đảm bảo làm sạch hoàn toàn.
  • Tắm nước ấm, hoặc áp một miếng vải ấm vào quanh hậu môn.
  • Áp dụng một loại kem theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn.

Táo bón ở trẻ em bị ung thư: Lời khuyên cho gia đình

  • Chuẩn bị tâm lí cho trẻ khi trao đổi về các tác dụng phụ trong điều trị ung thư, trong đó có táo bón. Giúp trẻ trao đổi cởi mở về các triệu chứng.
  • Nói về các vấn đề như nứt hậu môn và bệnh trĩ, và đảm bảo rằng trẻ em và thanh thiếu niên biết các dấu hiệu và triệu chứng này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các triệu chứng cho bác sĩ.
  • Thảo luận về táo bón với bác sĩ. Có những loại thuốc và các chiến lược khác thay thế.
  • Giữ thói quen ghi nhật kí khi đi vệ sinh. Ghi lại số lần đi cầu và tình trạng phân cùng các triệu chứng đi kèm.
  • Cung cấp thực phẩm giàu chất xơ.
  • Khuyến khích hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt.
  • Thực hiện theo các hướng dẫn dùng thuốc cho thuốc nhuận tràng.

Thêm tài liệu về táo bón ở trẻ em bị ung thư

Táo bón – Nhóm ung thư trẻ em

Táo bón và điều trị ung thư – Viện Ung thư Quốc gia

Tài liệu tham khảo

https://together.stjude.org/en-us/diagnosis-treatment/side-effects/constipation.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích