menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Hội chứng ly giải u

user

Ngày:

23/05/2020

user

Lượt xem:

2433

Bài viết thứ 20/27 thuộc chủ đề “Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư trẻ em”

Hội chứng ly giải u là gì?

Hội chứng ly giải u (TLS) là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong giai đoạn đầu khi điều trị ung thư. Khi các tế bào ung thư chết đi và vỡ ra, chúng giải phóng các chất vào máu bao gồm kali, photpho và axit nucleic. Nồng độ cao của các chất này gây ra những biến đổi về chuyển hóa mà có thể gây hại cho tim, thận, gan và các cơ quan khác. Hội chứng ly giải u có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân và được coi là một cấp cứu liên quan đến ung thư.

Hội chứng ly giải u phổ biến nhất ở bệnh nhân U lympho Non-Hodgkin hoặc bệnh bạch cầu cấp. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra khi điều trị bất kỳ ung thư tiến triển nhanh khác. Nếu hội chứng ly giải u xảy ra sau khi bắt đầu liệu pháp điều trị ung thư, nó thường biểu hiện trong vòng 1-3 ngày đầu. Một số bệnh nhân có thể có những biến đổi về chuyển hóa này ngay cả trước khi bắt đầu điều trị do sự chuyển hóa nhanh của các tế bào ung thư. Hội chứng ly giải u có thể tiến triển rất nhanh, và bệnh nhân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các xét nghiệm máu thường quy được thực hiện để theo dõi và điều trị biến đổi về chuyển hóa trước khi chúng trở thành vấn đề hoặc gây ra các triệu chứng thực thể.

Bệnh nhân mắc một số loại ung thư như u lympho Burkitt, bạch cầu cấp dòng lympho (ALL), bạch cầu cấp dòng tủy (AML) hoặc có các yếu tố nguy cơ khác được theo dõi chặt chẽ trong giai đoạn đầu điều trị. Điều trị dự phòng có thể gồm dịch truyền tĩnh mạch để bù dịch và các loại thuốc như rasburicase hoặc allopurinol để kiểm soát sự gia tăng axit uric, anthanum hoặc nhôm hydroxide (Amphojel®) để kiểm soát sự gia tăng phốt pho.

Chẩn đoán hội chứng ly giải u

Hội chứng ly giải u có thể gây tổn thương cơ quan vĩnh viễn hoặc thậm chí gây đột tử. Trẻ em có nguy cơ cao sẽ được theo dõi một cách chặt chẽ.

Chẩn đoán hội chứng ly giải u được thực hiện bằng các xét nghiệm máu. Các bác sĩ tìm xem có sự biến đổi bao gồm:

  • Lượng Kali cao
  • Lượng Axit uric cao
  • Lượng Phospho cao
  • Lượng canxi thấp

Triệu chứng của hội chứng ly giải u

Triệu chứng của hội chứng ly giải u là do mất cân bằng chuyển hóa trong cơ thể. Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng ly giải u cần được theo dõi chặt chẽ. Trong hầu hết các trường hợp, sự mất cân bằng chuyển hóa được điều trị trước khi các triệu chứng xảy ra. Tuy nhiên, các triệu chứng liên quan đến hội chứng ly giải u có thể bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Ăn mất ngon
  • Co giật
  • Thay đổi nhịp tim
  • Chuột rút hoặc co thắt cơ
  • Ngất xỉu
  • Yếu
  • Mệt mỏi hoặc li bì
  • Đau bụng hoặc lưng
  • Giữ nước, sưng nề hoặc phù

Nhiều triệu chứng trong số này cũng có thể là tác dụng phụ của hóa trị liệu hoặc có các nguyên nhân khác.

Yếu tố nguy cơ của Hội chứng ly giải u

Loại ung thư thường liên quan đến hội chứng ly giải u ở trẻ em bao gồm bạch cầu cấp Burkitt hay u lympho Burkitt, bạch cầu cấp dòng lympho (ALL), bạch cầu mạn dòng tủy (CML)

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng ly giải u bao gồm:

  • Ung thư đang phát triển nhanh
  • Ung thư đáp ứng nhanh với hóa trị
  • Khối u lớn
  • Ung thư giai đoạn tiến triển
  • Gánh nặng ung thư lớn

Các bác sĩ đánh giá gánh nặng ung thư bằng cách sử dụng kích thước khối u, số lượng bạch cầu, mức Lactac dehydrogenase (LDH) và liên quan của tủy xương.

Một số đặc điểm của bệnh nhân cũng có thể làm tăng nguy cơ. Bao gồm:

  • Nồng độ axit uric hoặc phosphat cao trước điều trị
  • Chức năng thận kém
  • Bài niệu ít
  • Nước tiểu có tính axit
  • Huyết áp thấp
  • Mất nước
  • Khối trung thất
  • Lách lớn

Dự phòng và điều trị hội chứng ly giải u

Các bước sau có thể được thực hiện để giúp dự phòng hội chứng ly giải u và điều trị mất cân bằng chuyển hóa nếu chúng xảy ra. Bù dịch đường tĩnh mạch và thuốc được sử dụng như điều trị dự phòng cho trẻ có nguy cơ cao. Đối với một số bệnh nhân, hóa trị ít xâm nhập có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn trước khi bắt đầu trị liệu tích cực để khối u ly giải xảy ra chậm hơn. Điều này có thể giúp xử trí dễ dàng hơn, giúp cơ thể duy trì cân bằng hóa học và ngăn ngừa tổn thương thận. Điều trị hội chứng ly giải u bao gồm theo dõi các xét nghiệm máu, điều trị đặc hiệu mất cân bằng chuyển hóa và hỗ trợ chức năng thận.

Xét nghiệm và theo dõi triệu chứng

Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc hội chứng ly giải u nên được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trong tuần đầu điều trị. Chăm sóc y tế kịp thời có thể làm giảm các tác động độc hại trên cơ thể.

Theo dõi hội chứng ly giải u nên bao gồm:

  • Đánh giá các triệu chứng
  • Đo lượng nước tiểu
  • Xét nghiệm để kiểm tra nồng độ kali, phosphat, canxi, axit uric, urê máu (BUN), creatinine và lactate dehydrogenase

Lịch trình theo dõi sẽ phụ thuộc vào việc bệnh nhân được coi là nguy cơ cao, trung bình hay thấp.

Bù dịch đường tĩnh mạch

Truyền dịch đường tĩnh mạch thường bắt đầu khi chẩn đoán và tiếp tục xuyên suốt quá trình hóa trị. Bù dịch đầy đủ là rất quan trọng để ngăn ngừa sự mất cân bằng hóa học trong máu và hỗ trợ chức năng thận. Bệnh nhân có lượng nước tiểu thấp sẽ được theo dõi chặt chẽ. Một số bệnh nhân có thể cần thuốc để giúp đi tiểu (thuốc lợi tiểu) hoặc thậm chí thẩm phân máu để giúp lọc máu cho đến khi thận có thể phục hồi.

Thuốc làm giảm axit uric

Thuốc dùng để điều trị axit uric máu cao trong hội chứng ly giải u ở trẻ em bao gồm allopurinol và rasburicase.

Allopurinol ngăn ngừa sự hình thành axit uric. Bệnh nhân thường dùng allopurinol 2-3 ngày trước khi bắt đầu hóa trị và tiếp tục dùng thuốc trong vòng 10 – 14 ngày. Nó chủ yếu được sử dụng như một loại thuốc dự phòng.

Rasburicase hoạt động bằng cách phân giải và làm hạ axit uric trong máu. Thuốc tác dụng nhanh, thường có tác dụng trong vòng 4 giờ. Rasburicase có thể được sử dụng để dự phòng hoặc điều trị axit uric cao. Tuy nhiên, bệnh nhân bị thiếu G6PD không nên dùng thuốc này. Rasburicase cũng là một điều trị có giá thành cao hơn khi so với allopurinol và nhiều nơi không có sẵn.

Thuốc làm giảm Phosphate

Thuốc có thể được sử dụng để làm hạ nồng độ phosphate trong máu. Những loại thuốc này được gọi là chất kết dính phosphate, gắn vào phosphate để ngăn chặn nó được hấp thụ tại hệ thống tiêu hóa. Ví dụ về các loại thuốc này bao gồm lanthanum và nhôm hydroxit (Amphojel®).

Điều trị mất cân bằng điện giải

Mất cân bằng chuyển hóa (kali cao, phosphate cao và canxi thấp) thường có thể được điều trị bằng cách hỗ trợ chức năng thận. Tuy nhiên, những mất cân bằng này có thể là nguy cơ tức thời cho bệnh nhân và có thể cần điều trị đặc hiệu. Duy trì lượng dịch đầy đủ là rất quan trọng. Một số chất bổ sung điện giải nên được loại bỏ khỏi dich truyền trong quá trình xử trí hội chứng ly giải u.

Chạy thận nhân tạo

Tổn thương thận là một biến chứng phổ biến của hội chứng ly giải u. Axit uric cao có thể khiến các tinh thể hình thành trong ống thận-những vùng nhỏ của thận giúp lọc máu. Các bước được thực hiện để bảo vệ thận bao gồm bù dịch, sử dụng thuốc lợi tiểu và điều trị dự phòng bằng allopurinol hoặc rasburicase. Tuy vậy, ngay cả khi được chăm sóc y tế đầy đủ, thận vẫn có thể ngừng hoạt động. Bệnh nhân có thể cần thẩm phân máu để lọc máu cho đến khi thận lành. Đối với hầu hết bệnh nhân, chức năng thận sẽ cải thiện từ từ theo thời gian. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị tổn thương thận kéo dài sau hội chứng ly giải u, ngay cả với các biện pháp dự phòng.

Hội chứng ly giải khối u là hiếm. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bệnh nhân có nguy cơ cần được theo dõi chặt chẽ để điều trị mất cân bằng chuyển hóa kịp thời. Điều quan trọng là phải làm theo hướng dẫn về lượng dịch đưa vào, chế độ ăn uống và thuốc. Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu hội chứng ly giải u và cho biết liệu con bạn có nguy cơ hay không. Luôn luôn nói chuyện với đội chăm sóc của bạn về bất kỳ mối quan tâm sức khỏe nào và báo lại những thay đổi về triệu chứng xảy ra trong hoặc sau điều trị.

Tài liệu tham khảo:

Tumor Lysis Syndrome

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích