menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách cho bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị

user

Ngày:

23/10/2017

user

Lượt xem:

3524

Bài viết thứ 41/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Nhiều phương pháp điều trị ung thư có tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến miệng, răng và tuyến nước bọt của bệnh nhân. Những tác dụng phụ này có thể gây khó khăn khi ăn, nói, nhai hoặc nuốt. Tuy nhiên, bạn và bác sĩ có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện và kiểm soát các tác dụng phụ này bằng việc chăm sóc răng miệng đúng cách.

Ngoài nha sĩ tổng quát, một số chuyên gia khác cũng có thể giúp chăm sóc răng miệng trước, trong và sau khi điều trị ung thư:

  • Bác sĩ chuyên khoa ung thư miệng, người chuyên về sức khoẻ răng miệng của bệnh nhân ung thư
  • Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật miệng, người thực hiện phẫu thuật miệng và hàm
  • Bác sĩ chuyên khoa nha chu, người chẩn đoán và điều trị bệnh lý nướu
  • Bác sĩ chuyên khoa phục hình răng, người thay thế răng hoặc các cấu trúc bị mất trong miệng và hàm

Những thay đổi/tác dụng phụ ở răng và miệng thường gặp

Những triệu chứng hay tác dụng phụ ở miệng do ung thư hay việc điều trị ung thư có thể bao gồm:

Nhiều tác dụng phụ biến mất một thời gian ngắn sau khi điều trị kết thúc nhưng một số có thể tồn tại rất lâu, thậm chí vĩnh viễn.

Nguyên nhân liên quan đến ung thư gây thay đổi ở răng hoặc miệng

Không phải tất cả các phương pháp điều trị ung thư đều ảnh hưởng đến miệng, răng và hàm. Tuy nhiên, các phương pháp sau đây có thể gây ra tác dụng phụ đặc biệt với răng và miệng. Để tìm hiểu thêm về nguy cơ của các tác dụng phụ này, hãy nói chuyện với một thành viên trong nhóm chăm sóc sức khoẻ của bạn.

Xạ trị vùng đầu và cổ

Các tác dụng phụ do xạ trị vùng đầu và cổ có thể tồn tại tạm thời hay tiếp diễn nhiều năm sau điều trị. Các tác dụng phụ này bao gồm:

  • Khô miệng
  • Giảm nước bọt
  • Nước bọt đặc, quánh
  • Nhiễm trùng
  • Tăng nguy cơ sâu răng
  • Mất vị giác
  • Đau miệng
  • Bệnh lý về xương
  • Cứng hàm

Những bệnh nhân có sức khoẻ răng miệng tốt trước khi điều trị sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn bởi các tác dụng phụ này. Do đó, điều quan trọng là phải đi khám nha sĩ TRƯỚC khi bắt đầu điều trị ung thư. Trong những lần khám này, nha sĩ có thể điều trị răng sâu, răng mẻ hoặc bị nhiễm trùng. Nếu bạn mang hàm giả, nha sĩ sẽ kiểm tra xem chúng có khít sát và có gây khó chịu cho miệng của bạn không.

Xạ trị có thể gây ra sự thay đổi về số lượng và tính chất nước bọt, từ đó có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. Nha sĩ sẽ khuyên bạn dùng liệu pháp fluoride đặc biệt trong quá trình điều trị bằng xạ trị để ngăn ngừa sâu răng. Nói ngắn gọn, một hàm giả cá nhân bằng nhựa mềm, được bôi một lớp gel mỏng chứa fluoride được sử dụng 5 phút/lần, 2 lần/ngày sau khi đánh răng. Hạn chế tối đa việc nuốt fluoride và không súc miệng hay ăn uống bất cứ thứ gì trong 1 giờ sau khi tháo hàm giả. Điều trị này cùng với chế độ ăn ít đường có thể giúp bảo vệ răng miệng. Bác sĩ hay nha sĩ của bạn cũng có thể hướng dẫn tập luyện để tránh cứng hàm.

Tìm hiểu thêm các tác dụng phụ của xạ trị ở: http://www.cancer.net/node/24677

Hóa trị

Những tác dụng phụ trên răng miệng của hóa trị thường hết sớm sau khi kết thúc điều trị. Các tác dụng phụ này bao gồm:

  • Đau miệng
  • Đau trong miệng và lợi
  • Bong tróc hoặc bỏng rát lưỡi
  • Nhiễm trùng
  • Thay đổi vị giác

Một số loại hóa trị liệu cũng có thể tạm thời làm giảm khả năng sản xuất các tế bào chống nhiễm khuẩn của cơ thể. Do đó,tất cả các nhiễm trùng răng miệng cần được chữa khỏi TRƯỚC KHI điều trị ung thư. Ngoài ra, mắc cài chỉnh nha có thể gây kích ứng cho má hoặc lưỡi, vì vậy chúng phải được lấy ra trước khi bắt đầu hóa trị và có thể được thay thế sau khi kết thúc điều trị. Tương tự, nếu bạn mang hàm giả, hãy hạn chế tối đa thời gian sử dụng trong thời gian điều trị.

Tìm hiểu thêm các tác dụng phụ của hóa trị ở:http://www.cancer.net/node/24676

Ghép tế bào gốc/ Ghép tủy

Hóa trị liều cao thường được chỉ định trước khi cấy ghép tủy/tế bào gốc có thể gây ra các tác dụng phụ trên răng và miệng. Những tác dụng phụ này tương tự như đã mô tả trong phần “hóa trị ” ở trên.

Đau miệng là tác dụng phụ phổ biến của hóa trị liều cao được dùng để điều trị các bệnh ung thư máu (leukemia), u lympho (lymphoma) hay đa u tủy (multiple myeloma). Tùy trường hợp mà một số bệnh nhân sẽ được hóa trị liều cao trước khi ghép tế bào gốc. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt cho dùng palifermin (Kepivance) để ngăn ngừa đau/loét miệng do điều trị. Bệnh nhân dùng palifermin qua đường tiêm tĩnh mạch trước khi ghép.

Bạn cũng có thể có các tác dụng phụ được gọi là bệnh lý mô ghép chống chủ (graft-versus-host disease). Bệnh này có thể gây ra:

  • Khô miệng
  • Giảm nước bọt
  • Đau miệng
  • Nhạy cảm với thức ăn cay hay có chứa axit
  • Khó nuốt
  • Tăng nguy cơ sâu răng

Tìm hiểu thêm tác dụng phụ của cấy ghép tế bào gốc ở: http://www.cancer.net/node/24674

Thuốc biến đổi xương

Các loại thuốc như bisphosphonate và các loại thuốc mới khác đôi khi được sử dụng để làm giảm sự lan tràn/di căn của tế bào ung thư tới xương. Tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của các thuốc này là hoại tử xương hàm (osteonecrosis of the jaw – ONJ). Hoại tử xương hàm làm yếu hay mất xương ở hàm. Tác dụng phụ này có thể gây đau, sưng và nhiễm trùng xương hàm; lung lay răng và làm lộ xương. Để ngăn chặn hoại tử xương hàm, hãy đến gặp nha sĩ để đảm bảo răng không có nhiễm trùng trước khi bắt đầu điều trị. Có những cách điều trị hiệu quả với các tác dụng phụ này.

Tìm hiểu thêm về các thuốc biến đổi xương cho ung thư vú ở http://www.cancer.net/node/29876 và bisphosphonate cho bệnh đa u tủy tại http://www.cancer.net/node/29841.

Các loại thuốc điều trị mới

Các loại thuốc mới điều trị ung thư hiệu quả hơn đang được nghiên cứu và xuất hiện ngày càng nhiều. Một trong số này là các liệu pháp nhắm đích, tác động đến một số bước cụ thể trong phát triển ung thư. Liệu pháp nhắm đích cũng có các tác dụng phụ và một trong số đó có thể ảnh hưởng đến miệng. Ví dụ, các thuốc ức chế mTOR có thể gây ra viêm loét miệng (canker sores). Bệnh viêm loét miệng có thể được điều trị với 1 số loại gels hay dung dịch súc miệng do nhân viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe kê đơn.

Các loại thuốc khác

Các loại thuốc khác giúp kiểm soát các triệu chứng ung thư và các tác dụng phụ cũng có thể ảnh hưởng đến răng và miệng. Ví dụ, các thuốc giảm đau có thể gây khô miệng. Một vài loại nước súc miệng dùng để điều trị nhiễm trùng có thể làm đổi màu răng.

Phòng ngừa những thay đổi/ tác dụng phụ ở răng hoặc miệng

Những bệnh nhân có sức khỏe răng miệng tốt trước điều trị sẽ có nguy cơ gặp tác dụng phụ/ảnh hưởng ngoài ý muốn ở răng miệng thấp hơn. Do đó, điều quan trọng là nên gặp nha sĩ ít nhất 4 tuần trước khi bắt đầu điều trị ung thư.

Trong những lần thăm khám này, nha sĩ hay chuyên gia sức khỏe răng miệng có thể:

  • Điều trị sâu răng, mẻ răng hoặc các bệnh nhiễm trùng răng miệng khác
  • Đảm bảo bộ răng giả gắn khít và không gây kích ứng ở miệng
  • Lấy các móc răng ra để chúng không gây kích ứng ở má và lưỡi

Hãy đề nghị nha sĩ của bạn thông báo chi tiết tình hình sức khỏe răng miệng của bạn tới bác sĩ điều trị ung thư. Bằng cách này, cả hai bác sĩ có thể làm việc cùng nhau để lên kế hoạch chăm sóc cho bạn.

Thông thường, bạn nên chờ ít nhất 2 tuần cho việc lành thương sau thủ thuật nha khoa trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Bạn cũng nên thảo luận với nha sĩ hoặc thành viên khác trong nhóm chăm sóc về những vấn đề răng miệng cần được thông báo ngay lập tức. Nếu bạn đã bắt đầu điều trị ung thư mà chưa gặp bác sĩ nha khoa, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Thông tin liên lạc thường xuyên với nhóm chăm sóc là rất quan trọng để ngăn ngừa các tác dụng phụ về răng miệng. Trong quá trình điều trị, những lời khuyên sau đây có thể giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn và ngăn ngừa các tác dụng phụ:

  • Đánh răng nhẹ nhàng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Hãy thử ngâm bàn chải đánh răng cực mềm vào nước ấm để làm mềm lông trước khi chải răng. Hãy thử sử dụng bàn chải đánh răng mềm, có kích thước trẻ em, nếu bàn chải thường dùng của bạn quá cồng kềnh hoặc gây khó chịu. Bác sĩ cũng có thể hướng dẫn thêm cho bạn để giảm nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Ngoài ra, hãy hỏi nha sĩ về việc sử dụng gel hoặc nước súc miệng có fluoride.
  • Tránh uống rượu và ăn đồ quá cứng hay quá nhiều mùi vị. Ăn thực phẩm mềm và nhạt. Thực phẩm quá nóng, lạnh, cay, chua, hoặc giòn có thể gây khó chịu cho miệng. Theo dõi lượng đường ăn vào. Vi khuẩn trong miệng sử dụng đường để phát triển và quá trình này sinh ra acid gây sâu răng.
  • Tăng cường sức khoẻ xương. Nạp đủ lượng vitamin D và calci mỗi ngày giúp xương hàm và răng khỏe mạnh. Các sản phẩm từ sữa là những nguồn cung cấp calci và vitamin D (nếu có bổ sung) tốt. Các lựa chọn thực phẩm khác có thể là nước ép trái cây và ngũ cốc ăn sáng có tăng cường calci và vitamin D. Trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất cứ chất bổ sung/thực phẩm chức năng nào.

Kiểm soát và điều trị các tác dụng phụ/thay đổi ở răng và miệng

Nếu có tác dụng phụ/thay đổi ở răng miệng, hãy báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng, nha sĩ hoặc các thành viên khác trong nhóm chăm sóc. Giảm các tác dụng phụ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị bệnh ung thư.Đây được gọi là kiểm soát triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc xoa dịu.

Bác sĩ sẽ có các khuyến cáo điều trị cụ thể tùy theo các triệu chứng của bạn. Một số phương pháp điều trị phổ biến cho các tác dụng phụ/thay đổi ở răng và miệng:

  • Sử dụng nước súc miệng chứa muối ăn và muối nở (baking soda) có thể giúp điều trị đau miệng. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp, bạn có thể cần phải tránh nước súc miệng chứa muối. Có nhiều loại nước súc miệng được kê đơn có thể làm dịu các vết loét gây đau miệng.
  • Các thuốc giảm đau, kể cả các thuốc gây nghiện, cũng có thể được sử dụng để điều trị đau miệng. Thuốc có thể được đặt trực tiếp trên chỗ đau, uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus và/hoặc thuốc kháng nấm được sử dụng để điều trị nhiễm trùng.
  • Uống nước và thức uống không đường có thể giúp kiểm soát khô miệng. Mút nước đá viên cũng có thể có ích. Tránh những thực phẩm gây khô miệng, chẳng hạn như soda, nước trái cây, thuốc lá, nhai thuốc lá và rượu.
  • Các loại thuốc kích thích tạo nước bọt có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng khô miệng. Ngoài ra, các loại gel bôi trên bề mặt niêm mạc miệng hoặc các loại thuốc khác cũng có thể giúp giảm khô miệng do xạ trị vùng đầu và cổ.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/dental-and-oral-health
  2. http://www.dana-farber.org/Health-Library/Mouth-care-for-cancer-patients.aspx
  3. http://www.nidcr.nih.gov/OralHealth/Topics/CancerTreatment/
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích