menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Buồn nôn và nôn ở trẻ bị ung thư

user

Ngày:

20/05/2020

user

Lượt xem:

709

Bài viết thứ 06/27 thuộc chủ đề “Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư trẻ em”

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Together.stjude.org, tháng 3/2020

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 3/2020

Buồn nôn và nôn là tác dụng phụ phổ biến của ung thư và điều trị ung thư. Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi điều trị. Trẻ bị ung thư và gia đình thường than phiền rằng buồn nôn là một trong những tác dụng phụ làm phiền họ nhất. Nếu không được kiểm soát, buồn nôn và nôn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cảm xúc, cản trở việc tuân thủ điều trị, cản trở các hoạt động hàng ngày. Dẫn đến dinh dưỡng kém, sụt cân và các biến chứng sức khỏe khác.

Đối với hầu hết trẻ bị ung thư, có những cách hiệu quả để giảm buồn nôn và nôn. Chúng bao gồm thuốc chống nôn, thay đổi chế độ ăn uống và các chiến lược đối phó khác như thở sâu và làm sao lãng sự chú ý. Các liệu pháp bổ sung như châm cứu, liệu pháp mùi hương và thôi miên cũng có thể có hiệu quả.

Buồn nôn là gì?

Buồn nôn là cảm giác ốm yếu hoặc khó chịu, liên quan đến sự thôi thúc nôn. Buồn nôn là cảm giác chủ quan, có nghĩa là nó phụ thuộc vào cảm nhận của chính người đó. Buồn nôn thường liên quan đến những cảm giác khó chịu ở cổ họng, thực quản hoặc dạ dày. Các cảm giác khác có thể liên quan đến buồn nôn là chóng mặt, khó nuốt, đổ mồ hôi, cảm thấy ớn lạnh hoặc đỏ bừng.

Nôn là gì?

Nôn, hoặc ói, xảy ra do tác động của cơ hoành và các cơ bụng. Các cơ này co lại, đẩy chất chứa trong dạ dày lên thực quản và ra khỏi miệng. Điều này được điều khiển bởi các dây thần kinh đáp ứng với các kích thích nhất định. Các tác nhân phổ biến gây buồn nôn và nôn là virus và vi khuẩn, sự di chuyển và các tín hiệu vật lý hoặc hóa học. Chúng kích hoạt các con đường thần kinh kiểm soát phản xạ nôn. Buồn nôn và nôn có liên quan với nhau, nhưng mỗi cái có thể xảy ra mà không kèm cái kia.

Nguyên nhân gây buồn nôn và nôn ở trẻ bị ung thư

Hóa trị là nguyên nhân chính gây buồn nôn ở trẻ em bị ung thư. Tuy nhiên, xạ trị và các loại thuốc khác cũng có thể gây ra cảm giác buồn nôn. Một số trẻ bị buồn nôn do ảnh hưởng của chính bệnh ung thư hoặc do các vấn đề sức khỏe khác. Trẻ bị u não có thể bị não úng thủy, một tình trạng tích tụ chất lỏng trong não. Áp lực trong khoang sọ não tăng có thể kích hoạt các dây thần kinh gây nôn.

Nguyên nhân phổ biến gây buồn nôn và nôn ở trẻ bị ung thư bao gồm:

  • Hóa trị
  • Các loại thuốc khác bao gồm kháng sinh, thuốc opioid và thuốc chống động kinh
  • Xạ trị
  • Bản thân ung thư, đặc biệt là nếu khối u ảnh hưởng đến não hoặc hệ tiêu hóa
  • Rối loạn dạ dày và đường tiêu hóa
  • Vấn đề về tai trong
  • Mất cân bằng nội tiết và trao đổi chất
  • Sốt và nhiễm trùng
  • Căng thẳng và lo lắng
  • Đau đớn
  • Cơn nôn trước đó

Buồn nôn và nôn là do sự tương tác phức tạp giữa một vài hệ thống trong cơ thể bao gồm hệ thống thần kinh tự động, hệ thần kinh trung ương, hệ nội tiết và hệ tiêu hóa. Suy nghĩ và cảm xúc cũng đóng một vai trò quan trọng trong buồn nôn và nôn.

Buồn nôn và nôn mửa trong quá trình hóa trị

Có tới 70% trẻ em được hóa trị liệu sẽ bị buồn nôn tại một số thời điểm trong quá trình điều trị. Các triệu chứng khác nhau từ khó chịu nhẹ đến nôn mửa nghiêm trọng. Có 3 loại buồn nôn và nôn liên quan đến hóa trị liệu:

  • Nôn cấp tính – xảy ra trong 24 giờ đầu sau hóa trị. Nó thường bắt đầu 1-2 giờ sau khi hóa trị và trở nên tốt hơn sau 4 – 6 giờ.
  • Nôn trì hoãn – biểu hiện sau 24 giờ. Thông thường, nghiêm trọng nhất là khoảng 48-72 giờ sau khi hóa trị và sẽ tốt hơn trong vài ngày sau đó.
  • Nôn tiền triệu (xảy ra trước) – xảy ra trước khi hóa trị và được kích hoạt bởi các yếu tố liên quan đến hóa trị. Đây là một phản ứng mắc phải và rất phổ biến ở những bệnh nhân đã bị buồn nôn và nôn dữ dội với các phương pháp điều trị trong trước đó.

Thuốc hóa trị có thể được phân loại theo nguy cơ hoặc khả năng gây buồn nôn và nôn:

  • Cao (nguy cơ > 90%)
  • Trung bình (nguy cơ 30-90%)
  • Thấp (nguy cơ 10-30%)
  • Tối thiểu (nguy cơ <10%)

Bảng phân loại này dựa trên khả năng xảy ra triệu chứng nếu trẻ không được kê thuốc chống nôn. Trẻ được hóa trị có nguy cơ nôn mửa cao hoặc trung bình, thường được dùng thuốc để ngăn ngừa buồn nôn và nôn trước khi các triệu chứng xảy ra.

Thuốc điều trị ung thư có thể gây nôn và buồn nôn

Nhóm nguy cơ cao Nhóm nguy cơ trung bình
Carboplatin Carmustine
Cisplatin Clofarabine
Cyclophosphamide (liều cao) Cyclophosphamide(liều thấp)
Cytarabine (liều cao) Cytarabine (liều trung bình)
Dactinomycin Daunorubicin
Methotrexate (liều cao) Doxorubicin (liều thấp)
Dacarbazine Ifosfamide
Doxorubicin (liều cao) Imatinib
Cytarabine + Etoposide hoặc Teniposide Hóa chất nội tủy
Doxorubicin + Ifosfamide Methotrexate (liều thấp)
Etoposide + Ifosfamide Temozolomide
Cyclophosphamide + doxorubicin, epirubicin, hoặc etoposide

Tại sao hóa trị gây buồn nôn và nôn?

Mối liên hệ giữa buồn nôn và nôn với hóa trị liệu chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nhiên, hóa trị có thể giải phóng một số chất dẫn truyền thần kinh điều hòa phản ứng buồn nôn và nôn. Các chất dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamine, serotonin và chất P đóng vai trò là tín hiệu hóa học trong các khu vực của não kiểm soát buồn nôn và nôn. Một số loại thuốc chống buồn nôn hoạt động trên các hệ thống dẫn truyền thần kinh này để chặn các tín hiệu.

Cách điều trị buồn nôn và nôn ở trẻ em

Có một số cách giúp kiểm soát buồn nôn và nôn trong quá trình điều trị ung thư. Điều quan trọng là gia đình phải hợp tác chặt chẽ với đội ngũ chăm sóc để đảm bảo rằng các triệu chứng của trẻ được theo dõi sát.

 Thuốc trị buồn nôn

Thuốc chống nôn có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị buồn nôn và nôn. Các loại thuốc phổ biến được sử dụng ở trẻ bị ung thư bao gồm:

  • Ondansetron (Zofran®)
  • Granisetron (Kytril®)
  • Lorazepam (Ativan®)
  • Diphenhydramine (Benadryl®)
  • Dexamethasone (Decadron®,
  • Dexamethasone Intensol®,
  • Dapiak®)
  • Aprepitant (Emend®)
  • Metoclopramide (Reglan®)
  • Olanzapine (Zyprexa®)
  • Scopolamine (Transderm Scop®)

Một số bệnh nhân sẽ được sử dụng kết hợp của các loại thuốc. Nhiều loại thuốc dùng để giảm buồn nôn và nôn còn có những công dụng khác. Các gia đình nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ của họ để biết mục đích và hướng dẫn dùng thuốc cho mỗi loại thuốc mà con họ đang dùng.

Các bác sĩ kê toa thuốc chống nôn dựa trên kế hoạch hóa trị, tuổi của trẻ, loại ung thư và các khía cạnh khác của bệnh nhân. Một số bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc trước khi bắt đầu hóa trị. Tuy nhiên, thuốc chống nôn chỉ được kê đơn khi thực sự cần thiết. Điều quan trọng đối với các gia đình là thảo luận về các triệu chứng với nhóm chăm sóc để có thể kiểm soát buồn nôn và nôn theo cách tốt nhất có thể.

Thay đổi chế độ ăn uống để hỗ trợ giảm buồn nôn

Một số thực phẩm và mùi có thể làm cho buồn nôn tồi tệ hơn. Nhiều bệnh nhân mất cảm giác ngon miệng trong quá trình điều trị ung thư. Những đứa trẻ có sự khác biệt về những gì chúng có thể ăn khi chúng không thấy khỏe. Có thể cần một vài thử nghiệm và thất bại để tìm ra cái gì là hiệu quả nhất. Một số lời khuyên chung là:

  • Chia nhỏ bữa ăn.
  • Ăn, uống chậm.
  • Tránh có chất lỏng trong bữa ăn.
  • Cung cấp thực phẩm khô, vị nhạt như bánh quy giòn hoặc bánh mì nướng.
  • Tránh thức ăn cay, có tính axit, hoặc đa dạng.
  • Ăn ở nơi không có mùi mạnh.
  • Cho phép trẻ lựa chọn ăn khi nào và ăn gì.

Tìm thêm lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân buồn nôn và nôn.

Xem thêm bài: Liệu pháp dinh dưỡng trong chăm sóc ung thư

Các chuyên gia dinh dưỡng là thành viên quan trọng của đội chăm sóc, đặc biệt là đối với trẻ em bị buồn nôn và nôn. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp gia đình tìm cách giải quyết các thách thức về dinh dưỡng. Nếu trẻ bị buồn nôn và nôn nghiêm trọng, chúng có thể cần phải truyền dinh dưỡng qua ống thông dạ dày (dinh dưỡng qua đường ruột) hoặc dinh dưỡng đường tĩnh mạch (dinh dưỡng ngoài đường ruột). Đây là những loại chăm sóc hỗ trợ quan trọng để khuyến khích cung cấp dinh dưỡng và nước thích hợp. Tìm hiểu thêm về dinh dưỡng lâm sàng trong chăm sóc ung thư nhi khoa.

Các chiến lược khác để điều trị buồn nôn và nôn

Một loạt các chiến lược đối phó và các liệu pháp hỗ trợ đã được chứng minh là giúp giảm buồn nôn và nôn. Bao gồm:

  • Tâm lý trị liệu
  • Phản hồi sinh học
  • Kỹ thuật thở sâu và thư giãn
  • Thôi miên
  • Châm cứu
  • Bấm huyệt
  • Hương liệu
  • Thảo dược bổ trợ – gừng
  • Làm phân tâm (chơi trò chơi điện tử, nghệ thuật, âm nhạc)
  • Tập thể dục

Các gia đình nên nói chuyện với nhóm chăm sóc của họ trước khi thử bất kỳ liệu pháp hỗ trợ nào để đảm bảo rằng nó an toàn. Đội ngũ chăm sóc cũng có thể giúp gia đình tìm ra sự kết hợp hiệu quả nhất giữa các liệu pháp, để kiểm soát các triệu chứng.

Buồn nôn và nôn ở trẻ bị ung thư: Lời khuyên cho các gia đình

  • Trao đổi với nhóm chăm sóc của bạn về buồn nôn và nôn. Có một số loại thuốc và chiến lược có thể hữu ích.
  • Làm một sổ ghi các triệu chứng. Ghi lại khi nào buồn nôn xảy ra, điều gì làm cho nó tồi tệ hơn, điều gì làm cho nó tốt hơn và bất kỳ triệu chứng nào khác như đau, chán ăn, tiêu chảy hoặc táo bón. Điều này có thể giúp bạn và nhóm chăm sóc của bạn hiểu các triệu chứng của trẻ và lên kế hoạch điều trị.
  • Hãy nói cho nhóm chăm sóc của bạn biết nếu con bạn gặp vấn đề khi ăn uống. Hỗ trợ dinh dưỡng hoặc truyền dịch có thể cần thiết.
  • Dừng đưa những loại thức ăn trẻ thích khi trẻ buồn nôn. Thực phẩm này có thể làm trẻ cảm giác ốm yếu.
  • Cho trẻ thử nhai kẹo cao su hoặc mút kẹo cứng, kem cây.
  • Tránh nằm xuống ngay sau bữa ăn.
  • Luôn cho trẻ súc miệng sau khi nôn. Axit dạ dày có thể gây kích ứng miệng và sâu răng.
  • Thực hiện theo các hướng dẫn dùng thuốc cho thuốc chống nôn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã mua lại thuốc chống nôn trước khi con bạn dùng hết.

Thêm nguồn tài liệu về buồn nôn và nôn mửa ở trẻ em bị ung thư 

Buồn nôn và nôn mửa – Nhóm ung thư trẻ em

Buồn nôn và nôn mửa – Bệnh viện nghiên cứu St. Jude Children

Buồn nôn và nôn mửa liên quan đến điều trị ung thư – Viện Ung thư Quốc gia

Tài liệu tham khảo

https://together.stjude.org/en-us/diagnosis-treatment/side-effects/nausea-vomiting.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích