menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Rụng tóc trong ung thư trẻ em

user

Ngày:

22/05/2020

user

Lượt xem:

304

Bài viết thứ 22/27 thuộc chủ đề “Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư trẻ em”

Rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến của một số phương pháp điều trị ung thư bao gồm hóa trịxạ trị. Các tế bào kiểm soát sự phát triển của tóc là các tế bào phát triển nhanh và có thể bị phá hủy bởi các phương pháp điều trị tấn công tế bào ung thư. Điều này là do các phương pháp điều trị ung thư tấn công các tế bào phân chia và phát triển nhanh như tế bào ung thư và tế bào của nang lông.

Nguy cơ rụng tóc, cách thức và thời điểm xảy ra có thể khác nhau đối với từng phương pháp điều trị và cho từng bệnh nhân. Rụng tóc do hóa trị và các loại thuốc trị ung thư khác thường là tạm thời và tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể thấy những thay đổi lâu dài của tóc, về kết cấu hoặc hình dạng, đặc biệt là sau khi xạ trị.

Rụng tóc có thể gây ra rất nhiều lo lắng và đau khổ cho trẻ em và thanh thiếu niên đang đối mặt với bệnh ung thư. Đội ngũ chăm sóc có thể giúp các gia đình biết được liệu các phương pháp điều trị có thể gây rụng tóc hay không và điều gì sẽ xảy ra.

Rụng tóc sau hóa trị

Không phải tất cả các loại thuốc hóa trị đều gây rụng tóc. Một số loại thuốc có nguy cơ rụng tóc rất cao. Các loại thuốc khác ít gây rụng tóc hơn, hoặc rụng tóc có thể ít được chú ý. Thời gian và mức độ rụng tóc phụ thuộc vào loại, liều lượng và lịch trình hóa trị.

Rụng tóc thường thấy rõ nhất ở da đầu về phía trán, nơi tóc không quá dày. Một số bệnh nhân bị hói đầu hoàn toàn. Những bệnh nhân khác có thể có tóc mỏng hoặc rụng tóc loang lổ. Bởi vì hóa chất đi khắp cơ thể, rụng tóc cũng có thể bao gồm lông mày, lông mi và lông trên cơ thể.

Đối với nhiều bệnh nhân, rụng tóc bắt đầu 2 – 4 tuần sau khi bắt đầu hóa trị. Tóc có thể rụng theo từng lọn hoặc mỏng dần. Sau khi hóa trị kết thúc, tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại. Có thể mất 2 – 3 tháng trước khi mọc tóc mới. Tóc có thể có kiểu dạng khác nhau, đặc biệt là lúc ban đầu. Một số bệnh nhân có thể có những lọn “tóc xoăn hóa học”, đám tóc này trở nên xoăn hơn so với tóc cũ của bệnh nhân.

Tại sao hóa trị gây rụng tóc?

Sự phát triển của tóc xảy ra dưới bề mặt da. Mỗi sợi tóc trải qua các bước của một chu kỳ, từ tăng trưởng đến rụng. Hóa trị có thể gây hại cho các tế bào kiểm soát sự phát triển và nâng đỡ nang tóc nơi tóc phát triển. Điều này có thể khiến tóc rụng và ngăn cản tóc mới mọc.

Thuốc trị ung thư nào gây rụng tóc?

Rụng tóc là tác dụng phụ phổ biến của một số loại thuốc trị ung thư, bao gồm một số loại thuốc hóa trị và thuốc điều trị đích. Khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của rụng tóc là khác nhau đối với mỗi loại thuốc. Gia đình nên nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ của họ để hiểu về nguy cơ rụng tóc đối với các thuốc cụ thể được kê đơn.

Các thuốc nguy cơ cao

gây rụng tóc

Các thuốc nguy cơ trung bình gây rụng tóc
Bleomycin (Blenoxane®)

Cyclophosphamide (Cytoxan®)

Daunorubicin (Cerubidine®)

Docetaxel (Docefrez®, Taxotere®)

Doxorubicin (Adriamycin®)

Epirubicin (Ellence®)

Etoposide (Toposar®)

Idarubicin (Idamycin PFS)

Ifosfamide (Ifex®)

Irinotecan (Camptosar®)

Paclitaxel (Abraxane®, Taxol®)

Temozolomide (Temodar®)

Vismodegib (Erivedge®)

Vemurafenib (Zelboraf®)|

Vorinostat (Zolinza®)

Carboplatin (Paraplatin®)

Cisplatin (Platinol®)

Cytarabine (Cytosar-U®, Depocyt®)

Dabrafenib (Tefinalar®)

Dactinomycin (Cosmegen®)

Fluorouracil (Adrucil®)

Gemcitabine (Gemzar®)

Hydroxyurea

Lomustine (Gleostine®)

Melphalan (Alkeran®, Evomela®)

Methotrexate (Rasuvo®, Trexall®)

Mitoxantrone (Novantrone®)

Sorafenib (Nexavar®)

Thiotepa (Tepadina®)

Topotecan (Hycamtin®)

Vinblastine (Velban®)

Vincristine (Vincasar PFS®)

Truy cập Danh sách các loại thuốc để xem các tác dụng phụ có thể có đối với các loại thuốc khác nhau.

Nguy cơ rụng tóc trong quá trình hóa trị phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Liều hóa trị – Liều hóa trị cao hơn làm tăng nguy cơ rụng tóc.
  • Phương pháp hoặc đường dùng – Hóa trị đường tĩnh mạch có thể có rủi ro lớn hơn so với thuốc uống.
  • Tần suất hóa trị – Bệnh nhân được hóa trị mỗi 2-3 tuần có thể bị rụng tóc nhiều hơn so với chế độ hóa trị hàng tuần.
  • Hóa trị được đưa ra dưới dạng một loại thuốc đơn lẻ hoặc kết hợp – Hóa trị liệu kết hợp thường làm tăng nguy cơ rụng tóc.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ rụng tóc trong quá trình hóa trị bao gồm:

  • Điều trị trước đó bằng hóa trị
  • Xạ trị vào da đầu
  • Thải ghép (GVHD)

Rụng tóc sau xạ trị

Bệnh nhân được xạ trị thường bị rụng tóc ở vị trí điều trị. Lượng tóc rụng sau khi xạ trị phụ thuộc vào kích thước của khu vực được xạ trị và liều lượng bức xạ. Một số bệnh nhân sẽ bị rụng tóc hoàn toàn trong khu vực đó, trong khi những bệnh nhân khác có thể bị mỏng tóc. Rụng tóc do phóng xạ đôi khi có thể là vĩnh viễn, đặc biệt là nếu sử dụng liều cao phóng xạ. Tóc mọc trở lại có thể không dày hoặc có thể là một hình dạng khác nhau. Tóc thường mọc trở lại 3 – 6 tháng sau khi kết thúc xạ trị.

Đối phó với rụng tóc: Lời khuyên cho các gia đình

Rụng tóc có thể là một trong những tác dụng phụ khó chịu nhất của điều trị ung thư. Rụng tóc là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc bị bệnh. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên đang cố gắng trở thành “một người bình thường” và hòa đồng với các bạn đồng trang lứa, điều này có thể có tác động lớn đến chất lượng cuộc sống. Đội ngũ chăm sóc, bao gồm các chuyên gia về đời sống trẻ em, nhân viên xã hội và nhà tâm lý học, có thể giúp đỡ gia đình và cung cấp các hỗ trợ cần thiết. Họ cũng có thể giúp gia đình nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các gia đình khác.

Trước khi bắt đầu điều trị / Trước khi rụng tóc

  • Thảo luận về tác dụng phụ với đội ngũ chăm sóc. Lập kế hoạch cho các tác dụng phụ, bao gồm rụng tóc, bằng cách nói chuyện với nhóm chăm sóc. Rụng tóc không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được, nhưng đội ngũ chăm sóc có thể giúp các gia đình hiểu liệu việc rụng tóc có khả năng xảy ra với phương pháp điều trị cụ thể của trẻ hay không.
  • Chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra. Rụng tóc có thể đột ngột hoặc từ từ. Nó có thể gây bất ngờ và sợ hãi khi nó xảy ra, ngay cả khi bạn đã được báo trước. Tóc có thể rụng khi tắm hoặc bạn có thể thấy tóc trên gối hoặc trong bàn chải tóc của bạn. Một chuyên gia về đời sống trẻ em có thể giúp các gia đình chuẩn bị cho trẻ sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phù hợp với lứa tuổi.
  • Lập kế hoạch khi tóc rụng. Một số bệnh nhân cắt tóc ngắn hoặc cạo đầu trước khi tóc rụng. Những bệnh nhân khác có thể chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Đây có thể là thời gian để thử một kiểu tóc điên rồ hoặc nhuộm tóc. Hãy chắc chắn báo với nhân viên y tế trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc nhuộm hoặc hóa chất nào. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thuốc nhuộm tóc có thể làm hỏng tóc và góp phần vào việc rụng tóc.
  • Xem xét các lựa chọn che đầu. Bạn có thể nghĩ về mũ, khăn choàng đầu và tóc giả trước khi tóc rụng. Mua sắm tấm choàng đầu có thể mang lại cho bệnh nhân cảm giác kiểm soát và tự do cá nhân. Khuyến khích bệnh nhân nghĩ về phong cách cá nhân và sự thoải mái của họ. Có rất nhiều lựa chọn có sẵn, và chúng có thể là một cách để thể hiện tính cách, giao tiếp giới tính và thúc đẩy giao tiếp xã hội. Mũ và tóc giả có sẵn các kích cỡ và kiểu dáng được thiết kế đặc biệt cho trẻ em.

Chọn một bộ tóc giả hoặc mũ

Một số bệnh nhân có thể chọn đội mũ, khăn choàng đầu, quấn băng đô hoặc đội tóc giả. Những bệnh nhân khác cảm thấy trùm đầu không thoải mái. Đó là một lựa chọn cá nhân cho bệnh nhân và gia đình. Các yếu tố cần xem xét bao gồm:

  • Thoải mái
  • Phong cách cá nhân
  • Giữ ấm /chống nắng
  • Giá cả
  • Dễ mặc
  • Dễ bảo quản

Nhiều bệnh viện trẻ em cộng tác với các tổ chức giúp cung cấp mũ, khăn choàng đầu và tóc giả cho bệnh nhân có nhu cầu. Một nhân viên xã hội cũng có thể giúp các gia đình khám phá các lựa chọn và biết cái gì là được bảo hiểm.

Magic Yarn Project / Wigs for Kids/ Ellie’s Hats/ Headcovers Unlimited /Love Your Melon

Trong thời gian điều trị / rụng tóc

  • Chăm sóc tóc nhẹ nhàng. Sử dụng dầu gội nhẹ như dầu gội trẻ em để làm sạch tóc và da đầu. Rửa nhẹ nhàng và tránh chà xát quá mạnh. Lau khô bằng khăn. Không nên gội đầu mỗi ngày. Chải tóc nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm hoặc lược có răng rộng. Cẩn thận với các phụ kiện tóc có thể gây rối tóc hoặc kéo lên tóc.
  • Bảo vệ da. Làn da trong khi điều trị là rất nhạy cảm. Da đầu có thể trở nên đỏ, bong và dễ bị tổn thương. Thực hiện theo các hướng dẫn của nhóm chăm sóc để chăm sóc và bảo vệ da, đặc biệt là sau khi xạ trị. Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách hạn chế thời gian ở ngoài trời, đội mũ và sử dụng kem chống nắng.
  • Nói chuyện với trẻ về cách xử lý các câu hỏi và tình huống khó. Rụng tóc có thể đặc biệt khó khăn khi trẻ đi học và hoạt động xã hội. Giúp trẻ suy nghĩ về cách chúng có thể trả lời các câu hỏi, những ánh mắt và thậm chí là bắt nạt. Trong hầu hết các trường hợp, mọi người chỉ tò mò. Chuẩn bị và thực hành trước các phản ứng để các ứng xử sau này ít khó xử hơn. Khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên là chính mình và không để ngoại hình ngăn cản chúng làm những việc chúng thích.

Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên vật lộn với những lo ngại về ngoại hình trong và sau ung thư. Một số bệnh nhân có thể phát triển các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm hoặc tránh bạn bè và các hoạt động xã hội. Nếu mối quan tâm về ngoại hình trở nên tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, hãy nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Sau khi điều trị / Mọc tóc mới

  • Tiếp tục chăm sóc tóc và da đầu nhẹ nhàng. Bảo vệ da đầu khỏi ánh nắng mặt trời trong khi tóc mọc.
  • Đợi cho đến khi tóc mọc hoàn thiện trước khi nhuộm tóc hoặc sử dụng các sản phẩm hóa học.
  • Không sử dụng vitamin, chất bổ sung, hoặc các sản phẩm mọc tóc tại chỗ mà không trao đổi với bác sĩ.
  • Tìm một nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, người đã làm việc với các bệnh nhân ung thư và có thể đưa ra lời khuyên trong quá trình tóc phát triển.

Mỗi bệnh nhân đối phó với rụng tóc khác nhau. Điều hữu ích cho người này có thể không hữu ích cho người khác. Ví dụ, bạn bè và gia đình thường muốn cạo đầu để hỗ trợ bệnh nhân. Đối với một số bệnh nhân, điều này có thể giúp họ cảm thấy như họ không đơn độc. Nhưng đối với những bệnh nhân khác, điều này có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Một số bệnh nhân nói rằng nhìn thấy gia đình hoặc bạn bè của họ không có tóc chỉ là một lời nhắc nhở khác và làm cho cuộc sống của họ trở nên không bình thường hơn. Gia đình và bạn bè có thể hỏi trực tiếp bệnh nhân về những gì họ muốn hỗ trợ.

Bệnh nhân thường có những cảm xúc trái ngược trong việc đối phó với rụng tóc. Các sự kiện trong cuộc sống, những khoảnh khắc lúng túng, đối phó với việc che đầu, hoặc chỉ là quá trình rụng tóc và mọc tóc lại có thể đem lại những thách thức và cảm xúc mới. Thất vọng, lo lắng, tự trách, buồn bã và tức giận là những cảm xúc phổ biến và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy, đặc biệt là một bệnh nhân khác hoặc người từng trải qua ung thư, có thể đem lại sự hỗ trợ cần thiết. Đối phó với việc rụng tóc là một quá trình. Nếu cảm xúc tiêu cực trở nên tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng vào các hoạt động hàng ngày, hãy trao đổi với nhóm chăm sóc của bạn. Luôn có các nguồn lực và dịch vụ sức khỏe tâm thần sẵn sàng để giúp đỡ.

Câu hỏi thường gặp về rụng tóc và ung thư

Hóa trị sẽ làm cháu rụng tóc? Nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Rụng tóc là rất phổ biến khi điều trị với một số loại hóa chất. Tuy nhiên, hóa trị không phải lúc nào cũng gây rụng tóc. Một số bệnh nhân có thể không bị rụng tóc. Những người khác có thể có mái tóc mỏng. Với một số hóa trị, rụng lông tóc xảy ra toàn bộ bao gồm lông mày, lông mi và lông trên cơ thể. Loại hóa chất cụ thể và liều trẻ nhận được sẽ xác định nguy cơ rụng tóc và cách nó xảy ra.

Khi nào tóc của cháu sẽ rụng sau khi hóa trị? Thông thường, tóc bắt đầu rụng 2-3 tuần sau khi bắt đầu hóa trị. Rụng tóc có thể thấy sớm hay muộn, tùy thuộc vào lịch trình hóa trị.

Tóc của cháu sẽ mọc lại sau khi hóa trị? Rụng tóc sau hóa trị thường là tạm thời. Nhưng nó có thể mất một thời gian để mọc lại tóc sau khi điều trị kết thúc. Hầu hết bệnh nhân thấy tóc mọc 2-3 tháng sau khi hóa trị hoàn tất. Tóc mới có thể xuất hiện nhiều hơn giống như lông măng và sau đó sẽ từ từ trở lại bình thường. Có thể mất 6-12 tháng trước khi tóc đạt đến độ dày đầy đủ. Cha mẹ có thể cần phải giải thích cho những đứa trẻ rằng mái tóc mọc dài ra có thể mất một thời gian rất dài. Trung bình, tóc mọc khoảng 12 cm mỗi năm.

Cháu sẽ bị rụng tóc sau khi xạ trị? Rụng tóc sau khi xạ trị thường giới hạn ở các bộ phận của cơ thể được điều trị. Bệnh nhân xạ trị các bộ phận của cơ thể ngoài đầu sẽ không bị rụng tóc trên đầu trừ khi họ cũng nhận được hóa trị hoặc các loại thuốc khác gây rụng tóc.

Cháu có thể ngăn ngừa rụng tóc trong quá trình hóa trị? Hiện nay, không có cách nào an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa rụng tóc ở trẻ em được hóa trị. Làm mát da đầu bằng mũ làm mát đã cho thấy một số lợi ích tiềm năng trong việc ngăn ngừa rụng tóc ở người lớn bị ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu còn hạn chế và không có đủ thông tin về sự an toàn hoặc hiệu quả ở trẻ em. Tìm hiểu thêm về mũ làm mát trong bệnh ung thư dưới đây.

FDA Sử dụng mũ làm mát để giảm rụng tóc trong quá trình hóa trị

Tài liệu tham khảo

https://together.stjude.org/en-us/diagnosis-treatment/side-effects/hair-loss.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích