menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tiền sản giật sau sinh

user

Ngày:

05/09/2021

user

Lượt xem:

395

Bài viết thứ 08/11 thuộc chủ đề “Chăm sóc sau sinh”

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Tuyến 

Hiệu đính: BS. Thiều Đình Hoàng

Tiền sản giật sau sinh là một tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi người mẹ bị cao huyết áp và xuất hiện protein trong nước tiểu sau khi sinh. Tiền sản giật là một tình trạng tương tự, nhưng xảy ra trong thai kỳ và thường tự khỏi sau khi sinh.

Hầu hết các trường hợp xuất hiện trong vòng 48 giờ sau sinh con. Tuy nhiên, đôi khi bệnh phát triển đến 6 tuần hoặc nhiều hơn (6 tuần) sau khi sinh con. Đây được gọi là tiền sản giật sau sinh muộn.

Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Triệu chứng bệnh tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh thường khó tự phát hiện. Nhiều phụ nữ bị bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng trong khi mang thai. Sau khi sinh, người mẹ phải tập trung vào việc chăm sóc em bé cũng như phục hồi cơ thể mà có thể bỏ qua những dấu hiệu của bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật sau sinh, thường giống với các triệu chứng của tiền sản giật có thể bao gồm:

  • Tăng huyết áp (trị số huyết áp đạt 140/90 mm Hg trở lên)
  • Protein niệu
  • Đau đầu dữ dội
  • Thay đổi thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải
  • Thiểu niệu (giảm lượng nước tiểu)

Nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần được nhập viện ngay lập tức.

tiền sản giật sau sinh

Nguyên nhân

Nguyên nhân của tiền sản giật sau sinh và tiền sản giật xảy ra trong thai kỳ vẫn chưa được hiểu rõ.

Các yếu tố nguy cơ

Một số nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm:

  • Cao huyết áp trong lần mang thai gần nhất. Nguy cơ bị tiền sản giật sau sinh tăng nếu bị cao huyết áp sau 20 tuần của thai kỳ.
  • Béo phì: nguy cơ bị tiền sản giật sau sinh cao hơn nếu bị béo phì.
  • Đa thai: sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn sẽ làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật.
  • Tăng huyết áp mãn tính. Tăng huyết áp không kiểm soát trước khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và tiền sản giật sau sinh.
  • Bệnh tiểu đường: mắc bệnh tiểu đường týp 1 hoặc týp 2 làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và tiền sản giật sau sinh. 

Các biến chứng

Bao gồm:

  • Sản giật sau sinh: là chứng tiền sản giật sau sinh cùng các cơn co giật. Bệnh có thể làm tổn thương vĩnh viễn các cơ quan quan trọng gồm não, mắt, gan và thận.
  • Phù phổi: Tình trạng phù phổi đe dọa tính mạng  khi chất lỏng dư tràn ngập trong phổi.
  • Đột quỵ: Tai biến mạch máu não xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc giảm nghiêm trọng, làm mất oxy và chất dinh dưỡng của mô não. Đột quỵ là một cấp cứu y tế.
  • Thuyên tắc huyết khối: thuyên tắc huyết khối là tình trạng tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông di chuyển từ nơi khác của cơ thể. Tình trạng này cũng là một cấp cứu y tế.
  • Hội chứng HELLP: Hội chứng HELLP viết tắt của chứng tán huyết (Hemolysis), tăng men gan (Elevated Liver) và số lượng tiểu cầu thấp (Low Platelet) có thể đe dọa tính mạng. Tán huyết là sự phá hủy các tế bào hồng cầu.

Phòng ngừa

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng Aspirin hàm lượng thấp (81mg) để ngăn ngừa tiền sản giật trong lần mang thai tiếp theo. Đồng thời khuyến khích bạn có một lối sống năng động và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh. Đừng ngại liên hệ với các cơ sở chăm sóc sức khỏe nếu bạn có thắc mắc hoặc lo lắng về sức khỏe trong giai đoạn phục hồi sau khi sinh.

Chẩn đoán

Nếu đã xuất viện sau khi sinh nhưng bác sĩ nghi ngờ rằng bạn bị tiền sản giật sau sinh, bạn có thể cần nhập viện.

Chẩn đoán bệnh bằng các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu. Những xét nghiệm này có thể xác định gan và thận có đang hoạt động tốt không và số lượng tiểu cầu có bị giảm hay không, chức năng đông máu tốt hay không.
  • Phân tích nước tiểu. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm mẫu nước tiểu của bạn để xem có protein không, hoặc có thể yêu cầu bạn lấy nước tiểu trong 24 giờ và kiểm tra tổng lượng protein.

Điều trị

Tiền sản giật sau sinh có thể được điều trị bằng thuốc, bao gồm:

  • Thuốc chống tăng huyết áp (thuốc hạ huyết áp). Nếu huyết áp ở mức nguy hiểm, bác sĩ có thể kê thuốc hạ huyết áp cho bạn.
  • Thuốc ngăn ngừa co giật. Magnesium sulfate có thể giúp ngăn ngừa co giật ở phụ nữ có các dấu hiệu và triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Magnesium sulfate thường được dùng trong 24 giờ.  Sau khi điều trị bằng magnesium sulfate, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ huyết áp, nước tiểu và các triệu chứng khác.

Những loại thuốc này được coi là an toàn và có thể sử dụng cho những phụ nữ con bú. Hỏi bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có những vấn đề mà bạn không chắc chắn. 

Quản lý và hỗ trợ

Giai đoạn sau sinh thường mang đến những khó chịu về thể chất cũng như về mặt cảm xúc. Nếu bạn bị tiền sản giật sau sinh, bạn có thể cần phải ở lại bệnh viện lâu hơn dự định hoặc được chuyển tuyến. Điều này có thể gây thêm căng thẳng.

Trong giai đoạn này bạn sẽ cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình và người thân. Ngoài ra, hãy trao đổi với bác sĩ để biết cách quản lý tình trạng của mình an toàn đồng thời có thể chăm sóc tốt cho bé.

Chuẩn bị cho việc tái khám của bạn

tiền sản giật sau sinh

Nếu bạn vừa mới sinh con và có bất kỳ triệu chứng nào bài viết nhắc đến. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn tái khám của mình, cũng như những gì bác sĩ của bạn mong đợi.

Bạn nên làm những

Trước cuộc hẹn, bạn nên:

  • Tái khám cùng một người thân hoặc người mà bạn tin tưởng. Sợ hãi và lo lắng có thể khiến bạn khó tập trung vào những gì bác sĩ của bạn nói. Người đi cùng có thể thay bạn nhớ tất cả thông tin.
  • Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ. Bằng cách này, bạn sẽ không quên bất kỳ điều gì quan trọng mà bạn muốn hỏi và có thể tận dụng tối đa thời gian tái khám với bác sĩ.

Dưới đây là một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ:

  • Tình trạng của tôi nghiêm trọng đến mức nào?
  • Các phương pháp điều trị là gì?
  • Tôi cần làm những loại xét nghiệm nào?
  • Tôi có thể tiếp tục chăm sóc con và nuôi con bằng sữa mẹ không?
  • Cách giúp tôi có thể kiểm soát tốt nhất các tình trạng sức khỏe khác cùng với chứng tiền sản giật sau sinh?
  • Những dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khiến tôi nên gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện?

Ngoài những câu hỏi bạn đã chuẩn bị, đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác trong cuộc hẹn tái khám.

Những mong đợi từ bác sĩ của bạn

Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi, ví dụ như:

  • Gần đây bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào không, chẳng hạn như mờ mắt hoặc đau đầu?
  • Lần đầu tiên bạn nhận thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của mình là khi nào?
  • Bạn có thường bị cao huyết áp không?
  • Bạn có từng bị tiền sản giật hoặc tiền sản giật sau sinh với lần mang thai nào trước đó không?
  • Bạn có bị biến chứng nào khác trong lần mang thai trước không?
  • Bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác không?
  • Bạn có tiền sử đau đầu hoặc đau nửa đầu không?

Tài liệu tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-preeclampsia/symptoms-causes

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích