menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bú mẹ và vàng da

user

Ngày:

18/01/2021

user

Lượt xem:

1228

Bài viết thứ 02/11 thuộc chủ đề “Chăm sóc sau sinh”

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Oanh

Hiệu đính: ThS. BSNT. Lê Hữu Thắng

Sau quá trình sinh nở, nhân viên y tế thường phải theo dõi sát trẻ, đặc biệt là đánh giá vàng da. Vàng da hầu hết là sinh lý đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu da bé vàng vượt ngưỡng bình thường, thì tình trạng này cần phải được kiểm soát.

Vàng da thường gặp ở trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ hoặc có thể kéo dài lâu hơn. Tuy nhiên, có vài ý kiến trái chiều trong việc kiểm soát tình trạng này ở giai đoạn trẻ bú mẹ. Việc điều trị vàng da có thể ảnh hưởng lớn và lâu dài lên tình cảm mẹ con giai đoạn này.

Vàng da sơ sinh là gì?

Vàng da có thể xảy ra trong vòng 2 đến 3 ngày sau sinh. Đây là tình trạng da hoặc kết mạc mắt trẻ sơ sinh bị vàng. Gây ra bởi sự tăng nồng độ bilirubin trong máu trẻ. Thường xuất hiện đầu tiên ở mặt sau đó chuyển dần xuống phía dưới cơ thể như ngực, bụng, cánh tay và chân. Vàng da được quan sát dễ dàng nhất dưới ánh sáng tự nhiên và có thể khó nhận biết hơn ở những bé có da tối màu. Nếu nghi ngờ có vàng da sơ sinh, nhân viên y tế sẽ tiến hành xét nghiệm cho bé để định lượng nồng độ bilirubin máu.

Xem thêm bài: Vàng da ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ bú sữa mẹ?

Vàng da sinh lý rất thường gặp và là một loại vàng da lành tính. Có thể xuất hiện ở 60% trẻ đủ tháng trong tuần đầu sau sinh, gây ra bởi tình trạng tăng nồng độ bilirubin  máu. Bilirubin là một chất được hình thành bởi sự ly giải sinh lý của hồng cầu. Chúng được chuyển hóa và đào thải nhờ gan. Vàng da hình thành khi gan của trẻ không đủ khả năng loại bỏ bilirubin ra khỏi dòng máu. Khi trẻ đủ trưởng thành và số lượng hồng cầu giảm bớt, vàng da dần biến mất và không gây tác hại lâu dài nào đến trẻ. Tình trạng này thường kéo dài khoảng 1-2 tuần sau sinh.

Vàng da do sữa mẹ

Vàng da do sữa mẹ là vàng da hiện hữu sau khi giai đoạn vàng da sinh lý dần lắng xuống. Nó cũng được thấy ở những trẻ khỏe mạnh, đủ tháng và đang bú sữa mẹ. Người ta chưa tìm ra nguyên nhân của loại vàng da này, mặc dù có suy đoán rằng có thể do mối liên hệ giữa những chất có trong sữa mẹ với sự ức chế quá trình ly giải bilirubin. Tình trạng này thường mang tính gia đình.

Tuy vậy, loại vàng da này không có nghĩa rằng sữa mẹ bất thường hay cần phải ngưng cho trẻ bú mẹ. Đa số trẻ có tình trạng vàng da do sữa mẹ thật sự (khoảng 0.5% đến 2.4% trong tổng số) được ghi nhận với nồng độ bilirubin tăng trong khoảng 14 ngày rồi giảm. Vàng da do sữa mẹ thường kéo dài từ 3-12 tuần sau sinh, nhưng chỉ cần trẻ còn bú mẹ tốt và nồng độ bilirubin được theo dõi những biến chứng nguy hiểm hiếm khi xảy ra. Vàng da do sữa mẹ cần phải được phân biệt với vàng da do không bú mẹ, là tình trạng vàng da do không cung cấp đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ.

Vàng da do không bú mẹ

Vàng da do không bú mẹ xảy ra khi trẻ không được bú đủ sữa. Nó không liên quan đến loại vàng da do sữa mẹ. Một lượng sữa mẹ đủ giúp cho ruột của trẻ tăng nhu động, góp phần làm tăng tích tụ bilirubin. Vàng do không bú mẹ có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh không được khởi đầu bú tốt, ngậm vú mẹ không đúng cách hay được cho bú bằng những thực phẩm thay thế làm gián đoạn quá trình bú mẹ. Vàng da do không bú mẹ thường được điều trị bằng cách tăng cường cho bú và được tư vấn bởi chuyên gia sữa mẹ để đảm bảo rằng đứa bé đang được cho bú sữa đủ lượng.

Điều trị như thế nào?

Nếu nồng độ bilirubin máu dưới 20 mg, những phương pháp sau có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng vàng da do không bú mẹ cũng như vàng da do sữa mẹ ở những trẻ đủ tháng và khỏe mạnh:

  • Tăng số lần cho bú lên 8-12 lần/ngày. Cách tốt nhất để giảm lượng bilirubin trong máu là hỗ trợ quá trình đào thải chúng. Tăng cường cho trẻ bú sẽ thúc đẩy tăng nhu động ruột, cũng như tăng bài tiết bilirubin.
  • Thảo luận với chuyên gia tư vấn sữa mẹ để đảm bảo rằng cách ngậm bắt vú đúng, giúp cho trẻ bú được đủ lượng sữa cần thiết. Cách ngậm bắt vú sai có thể dẫn tới việc trẻ không bú được đúng lượng sữa như mong muốn.
  • Nếu cần tăng lượng sữa cung cấp cho trẻ, có thể tham vấn các chuyên gia về việc sử dụng dụng cụ hỗ trợ bú. Bà mẹ nên hút sữa trong giai đoạn này để không làm gián đoạn sự sản xuất sữa của cơ thể. Đồng thời, sử dụng những dụng cụ này để tiếp thêm sữa mẹ hoặc hỗn hợp sữa mẹ và sữa công thức, đây là cách tốt nhất để không ảnh hưởng tình cảm mẹ con khi bú mẹ.
  • Ở một số ít trường hợp, việc tạm ngưng bú mẹ có thể là phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu nồng độ bilirubin máu của trẻ chạm ngưỡng 20 mg hoặc cao hơn, người ta khuyến cáo rằng cần ngừng cho bú mẹ khoảng 24 giờ kết hợp với chiếu đèn. Việc này có thể giúp làm giảm nồng độ bilirubin xuống nhanh chóng. Bà mẹ sau đó có thể cho con bú trở lại. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ bú và hút sữa trong 24 giờ là phương pháp tốt nhất để tránh ảnh hưởng việc phát triển tình cảm mẹ con trong quá trình bú mẹ.
  • Nếu chiếu đèn được chỉ định (thường chỉ khi bilirubin đạt trên 15-20 mg), cần thảo luận bác sĩ của bạn về việc sử dụng đèn dạng chăn. Những thiết bị này có thể mang về nhà và giúp cho mẹ con không bị xa cách. Tăng số lần cho bú và sử dụng nghiệm pháp chiếu đèn rất hiệu quả cho việc làm giảm nồng độ bilirubin.

Nếu bé sinh non hoặc có bất kỳ bệnh lý nào, việc điều trị sẽ được cá nhân hóa theo chỉ định của bác sĩ. Những phương pháp điều trị không được khuyến cáo để làm giảm vàng da ở  trẻ đang bú mẹ bao gồm:

  • Thực phẩm bổ sung có chứa nước đường. Chúng có thể làm nặng hơn tình trạng vàng da do xen vào lượng sữa nạp vào của trẻ cũng như cản trở quá trình tạo sữa. Ngoài ra, quá trình đào thải bilirubin cũng bị làm chậm lại.
  • Cho bú gián đoạn: điều này dẫn đến tình trạng vàng da ngày càng nặng và phá vỡ công sức của người mẹ trong việc cố gắng cung cấp cho con của mình nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Bú mẹ đều đặn và hiệu quả là cách tốt nhất để làm giảm vàng da.

Làm sao để phòng ngừa vàng da?

Vàng da xảy ra ở khoảng 50-70% trẻ sơ sinh, nên có thể nói rằng không có cách nào để phòng ngừa vàng da. Nhưng những cách sau có thể ngừa không cho bệnh tiến triển nặng cũng như không để bệnh đạt đến mức cần phải can thiệp nhiều:

  • Bắt đầu cho bú mẹ càng sớm càng tốt. Nghiên cứu cho thấy việc thiết lập mối quan hệ mẹ-con dễ dàng hơn và có tỉ lệ thành công cao hơn khi cho trẻ bú ngay trong giờ đầu sau sinh.
  • Thảo luận với chuyên gia tư vấn sữa mẹ để chắc chắn rằng bạn đã cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách để bé bú được lượng sữa mẹ như mong muốn.
  • Cho trẻ bú đều đặn vào những tuần đầu sau sinh. Đừng cố gắng bắt trẻ bú theo một “lịch trình” cho đến khi mối quan hệ mẹ-con được tạo dựng thành công. Nếu trẻ ngủ, đánh thức trẻ dậy để trẻ có thể bú no.
  • Cần tránh những thực phẩm bổ sung hay làm gián đoạn quá trình cho bú nếu không cần thiết.

Tài liệu tham khảo

americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/breastfeeding-and-jaundice

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích