menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Sự thay đổi cơ thể của các bạn nữ ở tuổi dậy thì

user

Ngày:

13/07/2015

user

Lượt xem:

3719

Bài viết thứ 14/23 thuộc chủ đề “Những hướng dẫn dành cho thanh thiếu niên”

Tuổi dậy thì là gì?

Tuổi dậy thì là khoảng thời gian khi cơ thể của bạn thay đổi và trở nên giống người lớn hơn.

Tuổi dậy thì bắt đầu khi nào?

Thông thường những thay đổi có thể bắt đầu sớm vào khoảng 8 tuổi hoặc muộn vào khoảng 13 tuổi. Tuối dậy thì bắt đầu khi não bộ của bạn gửi tín hiệu đến những cơ quan nhất định của cơ thể để các cơ quan này bắt đầu phát triển và thay đổi. Những tín hiệu này được gọi là hormone. Hormone là những chất hóa học giúp kiểm soát chức năng của cơ thể.

Những thay đổi nào diễn ra trong tuổi dậy thì?

Trong suốt tuổi dậy thì, các hormone sẽ gây ra những thay đổi sau đây:

  • Phát triển cao hơn và nặng hơn.
  • Hông rộng hơn.
  • Các vú phát triển.
  • Mọc lông ở vùng dưới cánh tay và xung quanh âm hộ.
  • Mùi cơ thể có thể thay đổi.
  • Có thể có mụn nhọt.
  • Có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong đời (thường được gọi là sự hành kinh).

Tuổi dậy thì

Vú của tôi sẽ thay đổi như thế nào?

Khi các vú của bạn bắt đầu thay đổi, vùng màu tối xung quanh các núm vú (được gọi là quầng vú) trông sưng lên. Các vú cũng phát triển tròn đầy hơn. Một bên vú có thể có vẻ lớn hơn một chút so với bên còn lại. Thỉnh thoảng bạn có thể cảm thấy đau. Tất cả những dấu hiệu này là bình thường.

Kinh nguyệt là gì?

Bắt đầu vào tuổi dậy thì, mỗi tháng, cơ thể của bạn sẽ chuẩn bị cho sự mang thai có thể xảy ra. Các hormone gửi tín hiệu cho buồng trứng để giải phóng một trứng vào mỗi tháng. Trứng sẽ di chuyển vào một trong hai ống dẫn trứng. Cùng lúc đó, lớp nội mạc của tử cung bắt đầu phát triển và dày hơn. Nếu trứng không được thụ tinh với tinh trùng của người đàn ông, sự mang thai không xảy ra. Lớp nội mạc tử cung này sẽ bong ra và thoát ra ngoài cơ thể qua đường âm đạo. Đây gọi là sự hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt, hay đơn giản là “chu kỳ” của bạn.

Kinh nguyệt bắt đầu khi nào?

Hầu hết bạn nữ ở Hoa Kỳ bắt đầu vào khoảng giữa tuổi 12 và 14, nhưng cũng có một vài người bắt đầu sớm hơn hay muộn hơn.

Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu?

Việc hành kinh thường kéo dài khoảng từ 2 đến 7 ngày. Thông thường, việc hành kinh xảy ra mỗi 21 – 45 ngày. Ban đầu sự có kinh thường không đều đặn. Bạn có thể bị mất kinh một vài chu kỳ. Bạn cũng có thể có kinh 2 lần trong một tháng. Điều này là bình thường. Mất khoảng 6 năm từ lần có kinh đầu tiên để cơ thể của bạn có được một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Luôn nhớ rằng nếu bạn có quan hệ tình dục, việc mất kinh ở một chu kỳ bị có thể là một dấu hiệu cho biết bạn đang có thai.

Làm sao tôi có thể chuẩn bị cho chu kỳ kinh nguyệt của mình?

Tốt nhất là nên chuẩn bị trước cho chu kỳ của bạn, thậm chí nếu bạn vẫn chưa bắt đầu. Để sẵn băng vệ sinh hoặc tampon tại nhà và mang nó theo đến trường.

Băng vệ sinh và tampon được sử dụng như thế nào?

Băng vệ sinh được dán vào mặt trong quần lót của bạn. Chúng sẽ rút máu chảy từ âm đạo. Tampon (là một dạng băng vệ sinh) được đưa vào trong âm đạo. Nó sẽ hút máu trước khi máu chảy ra ngoài cơ thể.

Bao lâu thì tôi nên thay băng vệ sinh hay tampon?

Bạn nên thay băng vệ sinh hoặc tampon tối thiểu mỗi 4-8 tiếng. Vào ngày hành kinh đầu tiên, bạn có thể cần thay băng vệ sinh thường xuyên hơn bởi máu sẽ ra nhiều hơn.

Chu kỳ kinh nguyệt có gây khó chịu không?

Một số bạn gái có những cơn quặn (cảm giác nặng trằn và đau) ở vùng bụng dưới và vùng lưng vào ngày có kinh đầu tiên. Một số bạn bị đau đầu hoặc cảm thấy chóng mặt. Một số lại bị tiêu chảy.

Làm sao để làm dịu bớt cơn đau quặn bụng?

Để làm dịu những cơn quặn bụng, bạn có thể thử:

  • Dùng ibuprofen hoặc naproxen sodium (nếu bạn không bị dị ứng với aspirin hoặc hen suyễn nặng).
  • Tập thể dục.
  • Đặt một tấm tỏa nhiệt (heating pad) vào bụng hoặc lưng dưới.

Với những vấn đề nào về kinh nguyệt thì tôi nên đến gặp bác sỹ?

Đến gặp bác sỹ hoặc nói với ba mẹ về chu kỳ kinh của bạn nếu có những vấn đề sau:

  • Bạn 15 tuổi và chưa có kinh nguyệt lần nào.
  • Chu kỳ của bạn trước đây đều đặn mỗi tháng và sau đó bị mất sự đều đặn.
  • Các chu kỳ của bạn cách nhau dưới 21 ngày hoặc hơn 45 ngày.
  • Các chu kỳ của bạn bị ngắt quãng đến 90 ngày (dù cho điều này chỉ xảy ra một lần).
  • Việc hành kinh của bạn kéo dài trên 7 ngày.
  • Việc ra máu kinh nhiều đến nỗi bạn phải thay băng vệ sinh hay tampons thường xuyên (nhiều hơn một lần mỗi 1-2 giờ).
  • Những cơn đau bung khi hành kinh làm bạn không thể thực hiện các hoạt động thường ngày của bạn và chúng không giảm đi khi sử dụng thuốc giảm đau.

Bắt đầu từ khi nào thì tôi nên đến gặp bác sỹ sản phụ khoa?

Nhà sản phụ khoa là một bác sỹ có chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Các bạn gái nên đến khám phụ khoa lần đầu tiên vào khoảng giữa 13 và 15 tuổi. Lần khám đầu tiên này có thể chỉ là một buổi nói chuyện giữa bạn và bác sỹ. Bạn có thể biết được sẽ mong đợi điều gì ở những lần hẹn sau và có được các thông tin về cách giữ gìn sức khỏe. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi về cơ thể của bạn, sự phát triển, và tình dục.

Mụn là gì?

Mụn được gây ra bởi các tuyến hoạt động quá mức dưới da. Chúng tạo nên một lớp dầu tự nhiên gọi là bã nhờn. Trong tuổi dậy thì, những tuyến này sẽ tiết ra lượng bã nhờn dư thừa làm bít kín các lỗ chân lông trên da.

Tôi có thể làm gì khi có mụn?

Rửa mặt thường xuyên bằng nước và chất tẩy rửa nhẹ nhàng để loại bỏ bã nhờn dư thừa. Điều này sẽ làm giảm mụn nhọt và mụn trứng cá. Tránh các sản phẩm làm khô hay kích thích da của bạn. Không chà xát hay xoi xỉa vào da. Nếu bạn lo lắng về mụn, một số loại thuốc có thể giúp bạn. Nói với bác sỹ về những lo lắng của bạn.

Giải thích thuật ngữ

Trứng: Tế bào sinh dục ở phụ nữ được sản xuất và tiết ra từ buồng trứng; còn được gọi là noãn.

Ống dẫn trứng: Các ống dẫn qua đó trứng di chuyển từ buồng trứng vào tử cung.

Hormone: Các chất được sản xuất bởi cơ thể để kiểm soát chức năng của nhiều cơ quan.

Sự hành kinh: Máu và mô thoát ra từ tử cung mỗi tháng khi một trứng không được thụ tinh (còn gọi là chu kỳ kinh nguyệt).

Nhà sản-phụ khoa: Một bác sỹ với những kỹ năng, được giáo dục và đào tạo đặc biệt về sức khỏe của phụ nữ.

Buồng trứng: Hai tuyến nằm hai bên của tử cung, chứa các trứng được giải phóng lúc rụng trứng và sản xuất ra các hormone.

Tuổi dậy thì: Giai đoạn trong đời khi các cơ quan sinh dục bắt đầu hoạt động chức năng và các đặc điểm giới tính khác phát triển.

Quan hệ tình dục: Hành vi trong đó dương vật của nam được đưa vào âm đạo của nữ (còn gọi là “giao hợp” hay “làm tình”).

Tinh trùng: Tế bào sinh dục ở nam được sản xuất trong các tinh hoàn, có thể thụ tinh với trứng của người phụ nữ.

Tử cung: Một cơ quan có thành phần chính là cơ, nằm trong vùng chậu của nữ, chứa đựng và nuôi dưỡng cho bào thai đang phát triển trong suốt quá trình mang thai.

Âm đạo: Một cấu trúc dạng ống được bao quanh bởi cơ, dẫn từ tử cung ra ngoài cơ thể.

Âm hộ: Vùng sinh dục phụ nữ ở bên ngoài.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Your-Changing-Body-Puberty-in-Girls-Especially-for-Teens

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích