menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Làm thế nào để có làn da rám nắng an toàn?

user

Ngày:

10/11/2013

user

Lượt xem:

452

Bài viết thứ 18/23 thuộc chủ đề “Những hướng dẫn dành cho thanh thiếu niên”

Đối với nhiều người, mùa hè có nghĩa là đi bể bơi hoặc đi biển, tắm mình trong ánh nắng để có được một làn da rám nắng như ý. Nhưng trước khi mặc áo tắm và đi tới bể bơi (hoặc tới cửa hàng chuyên tắm nắng), bạn hãy giành vài phút để tìm hiểu về làn da của mình và việc để da tiếp xúc với ánh nắng nhé.

Hãy đọc những kiến thức cơ bản, trong đó có cả biện pháp làm sao để có được vẻ đẹp lý tưởng mà không gây hại tới làn da của mình.

Rám nắng

Quá trình rám nắng xảy ra như thế nào

Tia mặt trời bao gồm hai loại tia cực tím: Đó là tia UVA và tia UVB. Tia cực tím UVB, khi tiếp xúc với da người, sẽ đốt cháy bề mặt da (biểu bì), đó là hiện tượng cháy nắng.

Tia UVA là tia làm cho da rám nắng. Tia cực tím này đi vào lớp da bên dưới (hạ biểu bì) và kích thích tế bào melanocyte (tế bào hắc tố) tạo ra hắc tố melamin. Melamin là một tố chất màu nâu, làm cho da rám nắng.

Hắc tố melamin có vai trò bảo vệ cho da người khỏi bị cháy nắng. Những người da sẫm màu thường rám nắng nhiều hơn người da sáng màu bởi tế bào hắc tố thường tạo ra nhiều melamin hơn. Nhưng một người không bị cháy nắng thì không có nghĩa rằng người đó sẽ không bị ung thư da hoặc các vấn đề khác về da.

Nhược điểm của việc rám nắng

Tia UVA làm cho da bạn rám nắng, nhưng tia này cũng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng. Lý do là vì khác với tia UVB, các tia UVA có thể đi sâu vào da hơn. Tia UVA cũng có thể đi qua lớp biểu bì bảo vệ da ở ngoài cùng để đi vào lớp hạ bì, nơi có nhiều mạch máu và dây thần kinh đi qua.

Chính vì vậy mà tia UVA có thể làm tổn thương hệ miễn dịch của con người, khiến cho cơ thể khó chống lại bệnh tật và dẫn tới các loại bệnh như bệnh melanoma (bệnh ung thư tế bào hắc tố), một dạng ung thư da nguy hiểm nhất. Ung thư tế bào hắc tố có thể gây chết người. Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh này sẽ nhanh chóng xâm nhập từ da vào các bộ phận khác của cơ thể con người.

Bệnh ung thư da là một bệnh dịch tại Mỹ với trên 1 triệu người bị mắc bệnh mỗi năm. Mặc dù số ca mới mắc các loại ung thư khác đang giảm hoặc giữ nguyên trạng thái thì số ca mới mắc ung thư tế bào hắc tố đang ngày càng tăng.

Trước đây, ung thư tế bào hắc tố thường chỉ xuất hiện ở người ở độ tuổi từ 50 trở lên, nhưng hiện nay, các bác sỹ da liễu cho biết bệnh có thể gặp ở nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 20 và thậm trí có thiếu niên ở cuối độ tuổi lên 10, cũng bị mắc bệnh này. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân một phần là việc sử dụng dịch vụ giường và đèn làm rám nắng, những thiết bị tạo tia UVA với mức độ cao. Để da bị cháy nắng hoặc ra nắng nhiều cũng làm tăng khả năng bị mắc căn bệnh ung thư chết người này.

Để da tiếp xúc nhiều với tia UVB cũng làm tăng khả năng mắc hai loại ung thư da. Đó là bệnh ung thư tế bào đáy (basal) ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma).

Cách điều trị cơ bản nhất là cắt bỏ khối u. Tuy nhiên vì nhiều khối u do hai bệnh ung thư này thường có ở mặt và cổ, nên việc phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ để lại sẹo trên mặt. Sẹo do phẫu thuật cắt bỏ u do ung thư da có thể ở khắp nơi trên cơ thể và thường là sẹo to.

Ung thư chưa phải là vấn đề duy nhất gây ra do việc tiếp xúc nhiều với tia cực tím. Tổn thương do tia UVA gây ra là nguyên nhân chính của hiện tượng lão hóa sớm ở da. Cách nhanh nhất để có thể biết được tia nắng ảnh hưởng tới da là hãy quan sát da của cha mẹ bạn để thấy sự khác biệt với da của bạn như thế nào. Phần lớn sự khác biệt đó là do tiếp xúc nhiều với tia nắng chứ không phải là do khác biệt do tuổi tác!

Tia cực tím cũng có thể dẫn tới những vấn đề khác thường gặp ở người già đó là bệnh đục thủy tinh thể.

Tận dụng tia nắng một cách thông minh

Cách tốt nhất để không bị mắc bệnh là hoàn toàn không tiếp xúc với tia nắng. Nhưng có ai lại muốn sống tù túng như vậy? Điều cơ bản là chúng ta cần tiếp xúc tia nắng một cách hợp lý, làm sao để giữ cân bằng giữa việc bảo vệ da khỏi sự tiếp xúc với tia nắng với các hoạt động sôi nổi trong mùa hè như đi bơi hoặc chơi bóng chuyền bãi biển.

Sử dụng các loại kem chống nắng hoặc làm thay đổi ảnh hưởng của tia nắng là những biện pháp tốt nhất để chống lại tác hại của tia nắng, không ảnh hưởng tới mức độ hoạt động cũng như sự thoải mái của bạn.

Chỉ số SPF trong kem chống nắng cho thấy mức độ mà loại kem đó có thể chống lại tia UVB đến đâu. Kem càng có độ SPF cao thì khả năng chống lại tia UV càng cao.

Sau đây là một vài gợi ý để bạn có thể vừa có những hoạt động bên ngoài mà vẫn bảo vệ được da và mắt không bị ảnh hưởng của tia nắng:

  • Hàng này, nên bôi kem chống nắng có độ SPF ít nhất là 15, kể cả những ngày trời râm và khi không định đi ra ngoài lâu. Việc bôi kem chống nắng rất quan trọng bởi có tới 80% việc tiếp xúc với tia nắng xảy ra ngoài ý thức của bản thân. Tức là bạn có thể bị tiếp xúc với tia nắng khi đưa chó đi dạo hoặc lúc ngồi ăn trưa ở bên ngoài. Nếu bạn không thích dùng loại kem chỉ có tác dụng chống nắng mà thôi thì hãy dùng loại kem giữ ẩm có tác dụng chống nắng, nhưng điều quan trọng là phải bôi đủ liều.
  • Sử dụng loại kem chống nắng có nhiều chức năng, có thể ngăn được cả tia UVA và tia UVB . Lý tưởng nhất là nên sử dụng loại kem không gây dị ứng và không gây nổi mụn để tránh da không bị mẩn ngứa và bị bịt lỗ chân lông.
  • Cứ 1 tiếng rưỡi hoặc 2 tiếng lại bôi kem chống nắng một lần . Nếu bạn không chắc rằng mình có sử dụng đúng liều hay chưa thì lên sử dụng loại kem có chỉ số SPF cao hơn, ví dụ SPF 30 chẳng hạn. Tuy nhiên, dù mức độ SPF có cao hay không thì tia mặt trời vẫn có thể phân giải các thành phần chống UVA trong kem chống nắng. Và dù không bị cháy nắng đi chăng nữa thì tia UVA vẫn có thể gây ra những tổn thương da mà bạn không nhận thấy.
  • Sau khi bơi hoặc sau khi ra mồ hôi, nhớ bôi lại kem chống nắng.
  • Thường xuyên nghỉ ngơi . Tia mặt trời mạnh nhất là vào khoảng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Trong khoảng thời gian này, thỉnh thoảng bạn nên nghỉ ngơi ở những nơi có mái che hoặc trong bóng râm một lúc, trước khi lại đi ra ngoài nắng.
  • Hãy đội mũ/nón rộng vành và đeo kính râm, những vật bảo vệ gần như 100% cho bạn khỏi ảnh hưởng của tia cực tím.

Một số điểm khác để tránh ảnh hưởng của tia nắng:

  • Có thể bạn đã biết rằng nước là vật thể chính phản chiếu tia cực tím, nhưng cát, tường bê-tông và cả tuyết cũng là những nơi phản chiếu tia cực tím. Đi trượt tuyết và các hoạt động ngoài trời khác vào mùa đông cũng có nguy cơ bị cháy nắng. Vì vậy trước khi trượt tuyết bạn cũng nên dùng kem chống nắng.
  • Một số loại thuốc nhất định, ví dụ như kháng sinh dùng để trị mụn trứng cá, hoặc thuốc ngừa thai, có thể làm tăng khả năng bị cháy nắng (hoặc làm cho da nhạy cảm đối với loại giường làm rám nắng). Hãy hỏi ý kiến bác sỹ xem liệu thuốc mà bạn đang uống có gây ảnh hưởng này hay không và nếu có thì nên làm gì.
  • Nên tránh các loại thuốc “thúc đẩy” quá trình rám nắng, hoặc thuốc rám nắng mà người ta quảng cáo là thúc đẩy quá trình sản xuất melamin của cơ thể hoặc làm cho da sẫm màu. Không có chứng cớ rằng những loại thuốc này có tác dụng ấy cả và các cơ quan chính phủ cũng không công nhận những loại thuốc đó cho việc làm rám nắng.​

Các hình thức làm rám nắng không sợ hại da

Ngay cả khi rất cẩn thận bảo vệ da, thì cũng có những lúc bạn cảm thấy muốn có một làn da rám nắng nâu sậm màu. Rất may là trên thị trường có nhiều sản phẩm – không phải là đèn hoặc giường làm rám nắng – mà là các sản phẩm có thể mang lại cho bạn làn da rám nắng an toàn, mà không cần phải phơi dưới ánh mặt trời.

rám nắng 2

Một cách làm an toàn là sử dụng loại “rám nắng đóng chai”, tức là một sản phẩm có dihydroxyacetone, là một dạng hóa chất nhuộm màu dần dần những tế bào chết trên da bề mặt (tầng biểu bì) của bạn. Màu “rám nắng” này sẽ bị mất đi khi tế bào chết bị thải loại. Vì vậy khi kỳ cọ hay xối nước mạnh thì màu rám này sẽ mất dần đi. Thông thường, loại “giả rám” này sẽ tồn tại được độ vài ngày hoặc 1 tuần.

Bạn cũng có thể thử một vài loại sản phẩm tự làm rám nắng để tìm ra loại nào phù hợp nhất với làn da của mình. Có thể những sản phẩm như thuốc xịt, dung dịch và giấy ẩm v.v. là những thứ dễ dùng. Nếu sợ thất bại, thì bạn có thể dùng một loại chất giữ ẩm mới có chứa một lượng vừa phải chất làm giả rám nắng, để dần dần có được làn da rám nắng mà da không bị loang lổ hoặc biến dạng, hoặc có mùi gây khó chịu cho người khác. Tất cả những hóa phẩm này đều rất rẻ, chỉ khoảng trên dưới 10 đôla (tương đương 200.000 đồng).

Hãy nhờ một người bạn bôi hộ những hóa phẩm tự làm rám nắng này ở những chỗ mà bạn không với tới được, ví dụ ở phần lưng chẳng hạn. Làm như vậy bạn sẽ có một làn da rám nắng đều hơn. Cần rửa sạch thuốc ở những bộ phận mà thường không cần phải phơi nắng, ví dụ lòng bàn tay, lòng bàn chân… Nếu không trông những chỗ đó rất dơ.

Bạn cũng có thể tìm kiếm những cửa hàng làm rám nắng bằng máy phun nén. Loại máy này có thể tạo làn da rám nắng tự nhiên hơn. Ở một số hình thức làm rám nắng bằng máy phun nén, bạn chỉ cần đứng trong một căn phòng kín và quay theo những hướng được chỉ định để máy phun thuốc rám nắng vào người. Đôi chỗ, nhân viên cửa hàng sẽ tự dùng máy phun nén để phun thuốc lên người bạn.Trong quá trình phun thuốc, họ sẽ phải bịt mắt, môi và mũi bạn lại để thuốc không bay vào.Việc phun thuốc sẽ kéo dài từ 5 giây tới 1 phút. Vài giờ sau khi được phun thuốc, bạn sẽ có được một làn da rám nắng mới và an toàn.

Với cả hai hình thức: tự làm rám nắng và làm rám nắng bằng máy phun nén đều có hiệu quả cao hơn nếu trước khi bôi/phun thuốc, bạn cọ người bằng bàn chải hoặc xơ mướp để tẩy được những tế bào chết trên da và làm cho da mịn màng, dễ ăn thuốc hơn.

Và đối với cả hai loại rám nắng không cần tiếp xúc với tia nắng này, mỗi khi đi ra ngoài bạn vẫn cần phải sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da. Rám nắng giả không khiến cho cơ thể tạo ra melamin vì thế không thể bảo vệ cho cơ thể bạn chống lại tình trạng cháy nắng.Tuy nhiên ưu điểm của hai biện pháp này là bạn có thể vẫn có làn da rám nắng như ý mà vẫn giữ được làn da đẹp trong nhiều năm sau nữa.

Ghi chú: Tất cả những thông tin trong bài này chỉ để sử dụng trong việc giáo dục. Còn đối với những chỉ dẫn cụ thể về y tế, chẩn đoán, và điều trị, hãy hỏi bác sỹ chuyên ngành.

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích