menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Trật khớp háng bẩm sinh

user

Ngày:

17/09/2014

user

Lượt xem:

851

Bài viết thứ 00/13 thuộc chủ đề “Dị tật bẩm sinh”

Thế nào là trật khớp háng bẩm sinh?

Trật khớp háng bẩm sinh (hình 1) là dị tật trong đó đầu trên xương đùi không khớp một cách chính xác với ổ khớp trên xương chậu hoặc nằm trật ra phía ngoài ổ khớp. Khớp háng có thể bị trật bên đùi trái hoặc phải.

Tỉ lệ mắc tật này là 1/800 – 1000 trẻ sơ sinh, xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam.

Những trường hợp có nguy cơ cao là sinh ngược và sinh con so.

Trật khớp háng bẩm sinh

Hình 1: Trật khớp hàng bẩm sinh (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Đầu trên xương đùi trái nằm lệch phía trên ổ khớp

Biểu hiện của trật khớp háng bẩm sinh như thế nào?

  • Biểu hiện sớm nhất của tật trật khớp háng bẩm sinh là tiếng “clíc” khi kéo duỗi đùi của trẻ (mặc dù không thể kéo duỗi thẳng đùi của trẻ ra được).
  • Sau thời kỳ sơ sinh đùi bị kéo lên cao trên ổ khớp dẫn đến trật khớp hoàn toàn và làm cho chân phía khớp bị trật ngắn hơn chân bên kia, vị trí đầu gối hai bên không cân xứng.
  • Nếp mông không cân xứng 2 bên, bên bị trật khớp có nếp mông cao hơn.
  • Vào tuổi biết đi nhưng trẻ chỉ bò hoặc có xu hướng sử dụng phía chân không bị trật khớp.

Việc chẩn đoán bằng X quang trước 4 tháng tuổi đối với tật trật khớp háng bẩm sinh không cho kết quả đáng tin cậy vì đầu xương đùi vẫn chưa thấy được trên phim. Do đó chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh bằng siêu âm rất có giá trị đối với trẻ dưới 4 tháng tuổi.

Làm thế nào để có thể phát hiện sớm trật khớp háng bẩm sinh?

Nên khám cho tất cả các trẻ khi trẻ được 10 ngày tuổi để xem có các biểu hiện sau đây của tật trật khớp háng bẩm sinh hay không:

So sánh hai đùi nếu có xảy ra tật trật khớp háng ở một trong hai đùi thì bên trật khớp sẽ có các dấu hiệu sau (Hình 2):

  • Phần trên của đùi hơi lấn vào phía trong hơn so với bên lành.
  • Phía trong đùi có ít nếp gấp hơn.
  • Đùi có vẻ ngắn hơn và hơi khép góc ra phía ngoài.

Biểu hiện trật khớp hàng bẩm sinh

Hình 2: Biểu hiện trật khớp hàng bẩm sinh

Nghiệm pháp phát hiện trật khớp háng bẩm sinh của Ortolani:

  • Cho trẻ nằm ngữa, giữ hai đùi ở tư thế gấp đầu gối như hình 3a và ấn ra sau
  • Dạng hai đùi ra hai bên và dùng tay đẩy khớp háng ra trước như hình 3b và 3c. Nếu một đùi dừng lại và không dạng ra tiếp được nữa, hoặc làm trẻ giật mình, hoặc kêu clíc khi ta dạng rộng hai đùi ra hai bên chứng tỏ ở đùi đó đã xảy ra trật khớp háng.

Nghiệm pháp Ortolani phát hiện trật khớp háng bẩm sinh

Hình 3a,b,c: Nghiệm pháp Ortolani – phát hiện trật khớp háng bẩm sinh (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Đối với trẻ hơi lớn hơn một chút, cho trẻ nằm ngữa gấp khớp gối và so sánh chiều cao của chúng (hình 4).

Nếu một trong hai đầu gối thấp hơn thì có thể bên phía đó bị trật khớp háng bẩm sinh và bên bệnh thường hạn chế động tác dạng khớp háng (hình 5).

Phát hiện trật khớp háng bẩm sinh (4) Phát hiện trật khớp háng bẩm sinh (5)

Hình 4, 5: Phát hiện trật khớp háng bẩm sinh

Nguyên nhân của trật khớp háng bẩm sinh là gì?

Nguyên nhân không rõ, thường xảy ra ở trẻ sinh non. Có thể do chấn thương trong khi sinh, vị trí bất thường của thai trong tử cung, lỏng lẽo khớp do giảm nội tiết tố của mẹ khi đang mang thai, loạn sản nguyên phát của ổ cối, yếu tố di truyền v.v…. Tuy nhiên đối với các gia đình có người đã mắc tật này, nguy cơ trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh thường cao hơn.

Có thể phòng trật khớp háng bẩm sinh được không?

Cho đến hiện nay chưa có cách nào để phòng ngừa tật trật khớp háng bẩm sinh.

Nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh mà không được điều trị thì hậu quả sẽ như thế nào?

Nếu trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh mà không được điều trị thì sẽ bị một số biến chứng gồm:

  • Thoái hóa khớp háng phía bên trật khớp gây đau, làm dáng đi trở nên bất thường.
  • Hai chân có chiều dài không cân xứng, trẻ trở nên chậm chạp ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Đối với trẻ gái, trật khớp háng sẽ gây biến dạng khung chậu làm ảnh hưởng đến vấn đề sinh đẻ sau này.
  • Gây gù, vẹo cột sống do tình trạng bất cân xứng của chi dưới.

Điều trị trật khớp háng bẩm sinh như thế nào?

Nếu tật này được phát hiện ngay sau sinh việc điều trị chỉ đơn giản là duy trì vị trí của khớp háng trong tư thế đầu gối co lên và giạng ra phía ngoài trong khoảng 2 tháng (Hình 6). Tuy nhiên việc điều trị nên kéo dài cho tới khi kết quả X quang và siêu âm cho thấy đầu trên xương đùi đã ở vị trí bình thường. Tư thế này giúp duy trì vị trí chính xác của đầu trên xương đùi và kích thích ổ khớp phát triển bình thường.

Điều trị trật khớp háng bẩm sinh (6) Điều trị trật khớp háng bẩm sin (7)

Hình 6, 7: Điều trị trật khớp háng ở trẻ

Đối với trẻ bị tật này từ 1 đến 6 tháng tuổi, việc điều trị cũng được thực hiện theo cách trên để nắn đầu trên xương đùi vào ổ khớp và thông thường sau từ 3 đến 4 tuần đầu trên xương đùi sẽ trở lại vị trí bình thường. Kỹ thuật này cho phép thành công từ 90 dến 95% trường hợp.

Để làm được điều này nên dùng nhiều lớp tả dày quấn cho trẻ theo cách như (hình 6). Không nên dùng tả ba góc vì sẽ làm háng dang rộng ra, đây là vị trí không tốt cho sự phát triển của khớp háng bình thường. Giữ chân của trẻ theo tư thế như (hình 7) khi trẻ ngủ. Nên mang trẻ ở tư thế hai đùi dạng ra khi làm việc (hình 8).

Điều trị trật khớp háng bẩm sinh - mang trẻ khi làm việc Điều trị trật khớp háng bẩm sinh - Tư thế hai đùi dạng ra

Hình 8: Điều trị trật khớp háng bẩm sinh – Tư thế hai đùi dạng ra

Nếu biện pháp trên không thành công hoặc đối với trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, có thể điều trị bảo tồn bằng bột hoặc phải can thiệp phẫu thuật.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp tỉnh hoặc trung ương để bác sĩ chuyên khoa nắn đầu trên xương đùi vào ổ khớp sau đó bó bột hoặc dùng máng, nẹp đặc biệt để giữ cố định. (hình 9, 10)

Việc bó bột thường duy trì từ 2 đến 4 tháng hoặc lâu hơn, thơi gian này tùy thuộc vào hai yếu tố:

  • Tuổi của trẻ ( trẻ càng lớn thì thời gian bó càng dài)
  • Mức độ trật khớp.

Điều trị trật khớp háng bẩm - Nẹp đặc biệt để giữ cố định (9) Điều trị trật khớp háng bẩm - Bó bột (10)

Hình 9: Nẹp đặc biệt để giữ cố định

Hình 10: Bó bột

Khi trẻ mắc tật trật khớp háng bẩm sinh được điều trị bằng cách bó bột hoặc mang máng, nẹp đặc biệt cần phải lưu ý điều gì?

  • Trong những ngày đầu nên ở bên trẻ để an ủi và làm cho trẻ yên tâm hơn.
  • Lấy máng nẹp ra khi tắm cho trẻ và cho trẻ mang lại ngay.
  • Nên dùng một cái chai cho trẻ đi tiểu để nước tiểu khỏi chảy vào trong phía trong lớp bột bó.
  • Bột bó cần được thay mỗi 1 tháng.
  • Tái khám đúng thời hạn, kiểm tra bằng X quang, siêu âm và CT scan.
  • Trở người của trẻ trên giường mỗi 2 giờ vào buổi ngày và mỗi 4 giờ vào buổi đêm.

Nếu từ khi sinh đến 18 tháng trẻ bị trật khớp bẩm sinh nếu không được can thiệp thì sau 18 tháng trẻ chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật.

Những trường hợp nào cần phải điều trị bằng phẫu thuật?

  • Thất bại khi điều trị bằng nẹp hoặc bó bột.
  • Trẻ đến điều trị muộn sau 18 tháng tuổi.

Trật khớp háng bẩm sinh thường đi kèm với những loại loại khuyết tật nào?

Những trẻ mắc các khuyết tật sau thường kèm theo tật trật khớp háng bẩm sinh:

  • Hội chứng Down
  • Tật nứt đốt sống bẩm sinh
  • Bại não
  • Chân khoèo
  • Tật co cứng đa khớp bẩm sinh.

Do đó với những trẻ này cần xem xét cẩn thận sau sinh để chắc chắn không có tật trật khớp háng bẩm sinh.

Trẻ mắc tật trật khớp háng bẩm sinh có cần dùng thuốc và chế độ ăn uống đặc biệt không?

  • Không

Nên đưa trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh đi khám khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau:

  • Trẻ sốt (nhiệt độ đo ở hậu môn lên tới 38oc hay hơn) cần cảnh giác vì trẻ có thể bị nhiễm trùng.
  • Việc điều trị không thấy có kết quả, dường như đầu xương đùi vẫn không vào trong ổ khớp.
  • Trẻ cảm thấy đau nhiều.
  • Trẻ chán ăn.
  • Da đùi của trẻ đổi màu.
  • Thay đổi vận động của đùi.

Để phát hiện sớm tình trạng trật khớp háng tái phát và thoái hóa khớp háng cần phải làm gì?

Sau khi cắt bột hoặc sau phẫu thuật, trẻ cần được tiếp tục tái khám mỗi 6 tháng trong 3 năm đầu. Tiếp tục tái khám hằng năm cho đến 6 tuổi. Sau đó khám lại sau mỗi 3 năm cho đến tuổi trưởng thành.

Cám ơn bác sĩ BS.Lê Thanh Nhã Uyên đã chia sẻ bài viết này

Tài liệu tham khảo

http://chaodontuonglai.vn/modules.php?name=Thongtin&go=page&pid=50

1. Beaty J.H. (2007), Congenital Anomalies of the Lower Extremity, Campbell’s Operative Orthopaedics, 11th edition, 1079-1099.

2. Hefti F. (2007), Developmental dysplasia and congenital dislocation of the hip, Pediatric orthopaedics in pratice. 177-200.

3. Rab G. T. , Salamon P. B. (2001), Surgery for developmental dysplasia of the hip, Chapman’s Orthopaedic Surgery, 3rd edition, 4242-4258.

4. Staheli L.T. (2006), Hip, Practice of pediatric orthopedics, 2nd edition, 160-196

5. Weinstein S.L. (2006), Developmental Hip Dysplasia and Dislocation, Lovell & Winter’s Pediatric Orthopaedics, 6th edition, 988-1037.

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích