menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thoát vị bẹn

user

Ngày:

17/09/2014

user

Lượt xem:

846

Bài viết thứ 07/13 thuộc chủ đề “Dị tật bẩm sinh”

Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị xảy ra khi một cơ quan lồi ra khỏi khoang chứa nó thông qua một lỗ tự nhiên hay bất thường. Thoát vị bẹn là trường hợp thoát vị xảy ra qua ống bẹn, một ống nối thông giữa bụng và bìu (ở nam) hoặc môi lớn (ở nữ).

Đại đa số trường hợp thoát vị bẹn ở trẻ em là bẩm sinh. Các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột hoặc buồng trứng) sẽ đi xuống qua ống bẹn làm vùng bẹn bị phồng lên, chỗ phồng này chạy xuống dần về phía bìu hoặc đi vào trong bìu (ở nam) (hình 1) hoặc môi lớn (ở nữ).

Thoát vị bẹn ở bé trai

Hình 1: Thoát vị bẹn ở bé trai (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Có nhiều trẻ mắc thoát vị bẹn không?

Tỉ lệ trẻ mắc thoát vị bẹn là từ 1-2% trẻ sơ sinh. Xảy ra phổ biến ở nam hơn so với nữ (tỉ lệ 4 nam: 1 nữ). 60% trường hợp thoát vị bẹn xảy ra ở bên phải, 30% xảy ra ở bên trái và 10% xảy ra ở cả hai bên.

Khoảng 50% số trường hợp được thấy từ trước 1 năm tuổi và trong số đó hầu hết đều xuất hiện từ trước 6 tháng tuổi.

Ở trẻ sinh non tỉ lệ mắc thoát vị bẹn cao hơn. Có tới 7% số trẻ sơ sinh nam mắc tật này nếu trẻ sinh trước 30 tuần của thai kì. Trẻ sinh non với trọng lượng nhỏ hơn 1.500 gram sẽ có tỉ lệ mắc tật này cao 20 lần hơn so với trẻ có trọng lượng lớn hơn.

Xem thêm bài viết Thoát vị bẹn ở trẻ em

Tại sao trẻ bị mắc thoát vị bẹn?

Bình thường trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn sẽ đi từ vùng bụng vào ống bẹn để đến bìu thông qua một ống được gọi là ống phúc tinh mạc. Quá trình này bắt đầu khoảng từ tháng thứ 5 và kết thúc vào khoảng tháng thứ 8 của thời kì bào thai. Sau đó ống phúc tinh mạc sẽ bị bịt kín trong những tuần lễ cuối cùng của thời kỳ bào thai hoặc ngay sau khi sinh (hình 2a). Thoát vị bẹn xảy ra khi ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bị bịt kín (hình 2b).

Cấu trúc Bìu - Tinh hoàn - Ống phúc tinh mạc (a) Thoát vị bẹn (b)

Hình 2a: Cấu trúc bìu, tinh hoàn, thừng tinh và ống phúc tinh mạc.

(1) Ống phúc tinh mạc đã bịt kín ; (2) Ống dẫn tinh ; (3) Màng tinh ; (4) Khoang ổ bụng.

Hình 2b: Thoát vị bẹn

  • Nếu ống phúc tinh mạc chỉ bịt kín một phần, thì tùy vị trí và mức độ có thể gây ra thoát vị bẹn (nếu không bịt kín hoặc bịt kín ở phía gần tinh hoàn).
  • Gây ra tràn dịch màng tinh (nếu chỉ bịt kín phần gần ống bẹn) (hình 3a).
  • Hoặc nang thừng tinh (nếu chỉ bịt kín phần gần tinh hoàn và ống bẹn còn trừa lại đoạn giữa) (hình 3b).

Tràn dịch màng tinh (3a) Nang thừng tinh (3b)

Hình 3a: Tràn dịch màng tinh. Hình 3b: Nang thừng tinh.

Chẩn đoán thoát vị bẹn như thế nào?

Việc chẩn đoán thoát vị bẹn thường không khó. Bố mẹ của trẻ thường là người đầu tiên phát hiện ra tình trạng này ở trẻ.

Khối thoát vị không phải có mặt thường xuyên mà chỉ xuất hiện và phồng to lên khi trẻ khóc (hình 4), hoặc gắng sức làm gì đó (như đi cầu chẳng hạn). Khi trẻ ngủ hoặc được nghỉ ngơi thì khối thoát vị sẽ biến mất.

Dấu hiệu xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn, trong bìu (ở nam) hoặc trong môi lớn (ở nữ) rồi biến mất một cách tự nhiên là biểu hiện điển hình của thoát vị bẹn ở trẻ.

Khối thoát vị bẹn ở trẻ em

Hình 4: Khối thoát vị phồng lên khi trẻ khóc

Nên khám cho trẻ để phát hiện thoát vị bẹn như thế nào?

Ở trẻ nhỏ không nên cố gắng phát hiện sự có mặt của ống bẹn bằng cách dùng ngón tay để kiểm tra sự tồn tại của ống này như ở người lớn vì cách khám này thường làm trẻ khó chịu, hơn nữa ở trẻ nhỏ ống bẹn cũng chưa định hình rõ.

Nên khám cho trẻ dưới 1 tuổi bằng cách cho trẻ nằm ngữa, duỗi thẳng hai chân và đưa hai tay lên quá đầu, tư thế này thường làm cho trẻ khóc và làm tăng áp lực ổ bụng do đó sẽ làm lộ rõ khối thoát vị.

Đối với trẻ lớn hơn nên khám cho trẻ ở tư thế đứng, tư thế này cũng làm tăng áp lực ổ bụng và làm lộ khối thoát vị.

Làm thế nào để phân biệt thoát vị bẹn làm ruột đi vào trong bìu với tràn dịch màng tinh hoặc nang thừng tinh?

Khối phồng do thoát vị bẹn gây ra sẽ gia tăng kích thước hoặc chỉ xuất hiện khi trẻ khóc hoặc gắng sức, biến mất hoặc nhỏ lại rất nhiều khi trẻ được thư giãn.

Tràn dịch màng tinh thể không thông ổ bụng hoặc nang thừng tinh sẽ không thay đổi kích thước trong ngày.

Các phương tiện chẩn đoán như siêu âm có thể giúp dễ dàng phân biệt. Tuy nhiên trong thực tế có thể sử dụng nghiệm pháp soi đèn để xác định tràn dịch màng tinh hoàn, khi sử dụng đèn pin chiếu qua, trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn sẽ cho hình trong suốt (hình 5).

Cần nhớ là tràn dịch màng tinh có thể dần dần biến mất khi trẻ trên 1 tuổi và không nên hút dịch trong tật tràn dịch màng tinh.

Tràn dịch màng tinh hoàn

Hình 5: Tràn dịch màng tinh hoàn khi soi bằng đèn pin sẽ cho hình trong suốt (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Thoát vị bẹn có nguy hiểm cho trẻ không?

Thoát vị bẹn có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm cho trẻ.

  • Trẻ có thể bị nghẹt ruột do ruột trong khối thoát vị không thể đi ngược trở lại vào ổ bụng (thoát vị nghẹt). Tình trạng này thường hay xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi. Khám sẽ thấy một khối chắc ở ống bẹn hoặc ở trong bìu, đau khi đụng vào. Trẻ nhỏ sẽ có tình trạng quấy, bỏ ăn, khóc dai và bìu sưng liên tục. Ở trẻ lớn sẽ có biểu hiện đau liên tục ở bìu, trẻ không cho đụng vào vùng bìu hoặc gây đau khi đụng vào. Phần da phía trên khối phồng có thể hơi phù nề và đổi mầu nhưng không có màu đỏ. Đây là trường hợp cần phải mổ cấp cứu để tránh hiệu tượng hoại tử của ruột và có thể gây tử vong cho trẻ. Khi trẻ có triệu chứng nôn, chướng bụng thường là đã muộn.
  • Ở trẻ nữ, buồng trứng và vòi trứng thường bị nghẹt trong ống bẹn hoặc trong môi lớn và có thể dẫn đến nhồi máu và hoại tử buồng trứng.

Thoát vị bẹn được điều trị như thế nào?

Thoát vị bẹn không thể tự lành một cách tự nhiên mà phải được điều trị bằng phẫu thuật. Sau khi đã có chẩn đoán xác định, nên chuẩn bị cho việc điều trị bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thoát vị bẹn nghẹt rất hay xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi.

Nguyên tắc phẫu thuật là đưa trả tạng vào lại trong ổ bụngkhâu kín ống phúc tinh mạc lại.

Tất cả trẻ gái bị thoát vị bẹn, dù không đau nhưng nếu không xẹp đi khi trẻ ngủ thì phải mổ càng sớm càng tốt do tạng thoát vị là buồng trứng.

Không nên cho trẻ mặt quần lót chật, không nên băng ép hoặc băng treo bìu cho trẻ thoát vị bẹn vì làm tăng nguy cơ teo tinh hoàn và thoát vị nghẹt.

Xử trí như thế nào với trẻ bị thoát vị bẹn nghẹt?

Thoát vị bẹn nghẹt là một cấp cứu ngoại khoa. Khi trẻ có các triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và có phương án xử trí.

Cám ơn bác sĩ BS.Lê Thanh Nhã Uyên đã chia sẻ bài viết này

Tài liệu tham khảo

  1. http://chaodontuonglai.vn/modules.php?name=Thongtin&go=page&pid=45
  2. Nguyễn Văn Liễu (2007), Điều trị thoát vị bẹn, NXB Đại học Học Huế.
  3. Krischnabhakdi S. Hernien (1997), Klinikleitfaden Chirurgie, Fischer Verlag; Edit Hasse FM, 533-543.
  4. Juan A.Tovar (2006), Hernias – Inguinal, Umbilical, Epigastric,Femoral and Hydrocele, Pediatric Surgery (Puri P.; Höllwarth M. E. (Eds.)) © Springer-Verlag, 139-152.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích