menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Não úng thủy – Dị tật bẩm sinh

user

Ngày:

23/09/2014

user

Lượt xem:

555

Bài viết thứ 00/13 thuộc chủ đề “Dị tật bẩm sinh”

Não úng thủy là gì?

Bình thường dịch não tủy được tạo thành trong não thất được lưu thông giữa các não thất và được hấp thụ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau quá trình này có thể bị cản trở làm dẫn đến việc tính tụ dịch não tủy trong hộp sọ gây ra tật não úng thủy (hình 1, hình 2).

Trẻ bị não úng thủy

Hình 1: Trẻ bị não úng thủy (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Ở trẻ nhỏ mặc dù lúc mới sinh trẻ có kích thước đầu bình thường nhưng do các khớp sọ chưa đóng kín nên sự gia tăng lượng dịch não tủy sẽ làm kích thước của đầu to lên nhanh bất thường. Thóp trước giãn to và căng hơn, các mạch máu da đầu cũng giãn to hơn bình thường. Trán trẻ rất rộng. Mắt thường ở tư thế nhìn xuống tạo nên dấu hiệu mặt trời lặn (khi thấy dấu hiệu này có nghĩa là tình trạng đã nặng, trẻ có thể bị mù và tổn thương nặng ở não).

Não úng thủy - Tích tụ dịch não trong hộp sọ

Hình 2: Não úng thủy – Tích tụ dịch não trong hộp sọ (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn )

Não úng thủy có nguy hiểm không ?

Nếu không phẫu thuật sớm để làm giảm áp lực ở não, trẻ sẽ bị tổn thương não không hồi phục. Do não bị tổn thương, trẻ có thể bị mù, chậm trí, động kinh hoặc bại não.

Dấu hiệu gì giúp nhận biết một đứa trẻ có nguy cơ bị não úng thủy?

Biểu hiện dể nhận biết nhất là đầu đứa trẻ to dần, thóp trước rộng và phồng căng. Trẻ hay quấy khóc, bú kém thậm chí nôn ói, ánh mắt luôn nhìn xuống (mắt mặt trời lặn), hai tay và hai chân có thể mềm nhũn, kém linh hoạt. Nếu các bà mẹ phát hiện con mình có những dấu hiệu như thế nên đưa trẻ đến khám tại bệnh viện để có chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Nếu nghi ngờ đầu trẻ có dấu hiệu to ra hơn bình thường, hãy đo vòng đầu của trẻ để đối chiếu với sự phát triển bình thường vòng đầu như sau: khoảng 32cm lúc mới sinh, 46cm khi trẻ 1 tuổi, 48cm khi 2 tuổi, 49cm khi 3 tuổi, 51cm khi 7 tuổi, 52cm khi 12 tuổi.

Cách đo vòng đầu

Việc đo vòng đầu của trẻ cho phép tiến hành kiểm tra một cách gián tiếp sự tăng trọng lượng của bộ não trẻ và quá trình tuần hoàn của các chất lỏng trong não. Lần đo vòng đầu thứ nhất được coi là khởi điểm để có thể so sánh với những lần đo sau, nhằm phát hiện sự phát triển quá nhanh hoặc quá chậm vòng đầu của trẻ.

Dùng thước dây quấn quanh đầu trẻ, phía trước trán (nơi nhô cao nhât), phía bên cạnh (ở trên hai vành tai) rồi kéo thẳng ra phía sau, tính bằng cm (hình 3).

Đo vòng đầu của trẻ

Hình 3: Đo vòng đầu của trẻ (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Trường hợp não úng thủy sẽ được điều trị như thế nào?

Não úng thủy sẽ được điều trị bằng phẫu thuật để đặt một ống dẫn lưu dịch từ não tới ổ bụng, phẫu thuật này cần được thực hiện sớm trước khi lượng dịch trong não trở nên quá lớn gây chèn ép và tổn thương não.

Đặt ống dẫn lưu để điều trị não úng thủy

Điều trị não úng thủy

Hình 4: Điều trị não úng thủy (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn )

Ống dẫn lưu dùng trong điều trị não úng thủy là một loại ống dẫn mềm dẻo được đặt vào hệ thống não thất và dẫn lưu dịch não tủy từ não đến một vùng khác của cơ thể nơi dịch não tủy có thể hấp thụ được, chẳng hạn như khoang phúc mạc hoặc tâm nhĩ phải (hình 4) .

Khi nào không cần đặt ống dẫn lưu ?

Việc đặt ống dẫn lưu không nên thực hiện trong những tình huống sau:

  • Trẻ có đầu rất to, việc đặt ống dẫn lưu có thể gây xuất huyết trong não. Kết quả của việc đặt ống dẫn lưu cũng không khả quan.
  • Trẻ bị não úng thủy ổn định, không có dấu hiệu của tăng áp lực nội soi, vòng đầu không phát triển bất thường thì không cần điều trị.
  • Trẻ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng liên quan đến dịch não tủy, thì cần được điều trị trước khi đặt ống dẫn lưu.
  • Khi sức khỏe tổng quát của trẻ (suy dinh dưỡng, thiếu máu, sốt rét, sốt…) chưa sẵn sàng cho việc phẩu thuật, thì việc điều trị trước khi phẫu thuật là cần thiết.

Kỹ thuật mới trong điều trị não úng thủy

Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi phá sàn não thất 3 đã được áp dụng để điều trị não úng thủy (hình 5).

Kỹ thuật này có ưu điểm là trẻ sẽ không phải mang ống dẫn lưu trong người, do đó tránh được các biến chứng thường xảy ra trong phương pháp đặt ống dẫn lưu như tắc nghẽn ống, nhiễm trùng v.v…. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được trong một số dạng não úng thủy nhất định.

Kỹ thuật mới điều trị não úng thủy

Hình 5: Kĩ thuật điều trị não úng thủy (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Cám ơn bác sĩ BS.Lê Thanh Nhã Uyên đã chia sẻ bài viết này.

Tài liệu tham khảo

http://chaodontuonglai.vn/modules.php?name=Thongtin&go=page&pid=41

David Werner (1996), Disabled Village Children, The Hesperian Foundation, 2nd Edition.

Gideon Koren (2007), Medication Safety in Pregnancy & Breastfeeding. The Evidence-Based A to Z Clinician’s Pocket Guide. International Edition. Mc Graw Hill.

Hydrocephalus, MayoClinic.com, http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hydrocephalus/basics/definition/con-20030706

Hydrocephlus, Neurosurgerytoday.org, http://www.neurosurgerytoday.org/what/patient_e/hydrocephalus.asp

Hydrocephlus, National Institute of Neurological Disorders and Stroke, http://www.ninds.nih.gov/disorders/hydrocephalus/hydrocephalus.htm

Hydrocephalus and shunts in person with spina bifida, Spina Bifida Association of America, http://www.spinabifidaassociation.org/site/c.liKWL7PLLrF/b.2725875/k.BDDF/Hydrocephalus_and_Shunts_in_the_Person_with_Spina_Bifida.htm

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích