menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh viêm động mạch Takayasu

user

Ngày:

01/08/2018

user

Lượt xem:

1180

Bài viết thứ 07/08 thuộc chủ đề “Bệnh tự miễn và dị ứng”

ĐỊNH NGHĨA

Viêm động mạch Takayasu là gì?

Viêm động mạch Takayasu (tah-kah-YAH-sooz AHR-tuh-Rie-tis) là một dạng hiếm của bệnh lý viêm mạch (vasculitis) – tên gọi chung các rối loạn viêm mạch máu.Trong bệnh viêm động mạch Takayasu, tình trạng viêm chủ yếu ảnh hưởng động mạch chủ – động mạch lớn vận chuyển máu từ tim đi khắp cơ thể – và các nhánh lớn của động mạch chủ.

buong tim va cac van tim

Hình: Buồng tim và các van tim

Bình thường, tim có 4 buồng, gồm 2 buồng ở tầng trên và 2 buồng ở tầng dưới. Tâm nhĩ phải và trái nằm ở tầng trên có nhiệm vụ nhận máu về. Các buồng tim ở dưới, tâm thất phải và trái có lớp cơ dày hơn, bơm máu ra khỏi tim. Các van tim có vai trò “cửa ra vào”, giúp điều hòa lưu thông máu đúng chiều.

Bệnh có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch hoặc hẹp lòng động mạch (stenosis) hoặc làm giãn bất thường động mạch – phình mạch (aneurysms). Bệnh viêm động mạch Takayasu cũng có thể gây đau ngực, đau tay, cao huyết áp và cuối cùng là suy tim hoặc đột quỵ.

Mục tiêu điều trị là giảm viêm trong lòng động mạch và ngăn ngừa biến chứng tiềm tàng. Tuy nhiên, ngay cả khi phát hiện và điều trị sớm, kiểm soát bệnh Takayasu vẫn còn là một thách thức.

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng Viêm động mạch Takayasu

Thường có hai giai đoạn.

Giai đoạn 1

Trong giai đoạn đầu tiên, bệnh nhân có thể đơn thuần cảm thấy không khỏe với các triệu chứng chung như:

  • Mệt mỏi
  • Giảm cân nhanh và không chủ ý
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Sốt nhẹ

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng biểu hiện các triệu chứng sớm.Tình trạng viêm có thể phá hủy động mạch trong nhiều năm trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.

Giai đoạn 2

Các triệu chứng giai đoạn hai bắt đầu xuất hiện khi viêm đã gây ra hẹp lòng động mạch.Tại thời điểm này, có ít máu, oxy và chất dinh dưỡng được đưa đến các cơ quan và mô. Các triệu chứng bao gồm:

  • Yếu chân hoặc cánh tay, hay đau nhức khi cử động chân tay (dấu hiệu đi cách hồi)
  • Cảm giác lâng lâng hay chóng mặt
  • Ngất
  • Đau đầu
  • Rối loạn trí nhớ
  • Giảm khả năng suy nghĩ
  • Khó thở
  • Rối loạn nhìn
  • Tăng huyết áp
  • Chênh lệch huyết áp đo ở 2 cánh tay
  • Khó bắt mạch hoặc không bắt được mạch ở cổ tay – bệnh viêm động mạch Takayasu đôi khi được gọi là bệnh vô mạch (pulseless disease) vì lòng động mạch bị thu hẹp, làm cho mạch khó bắt, hay không bắt được.
  • Giảm số lượng hồng cầu (thiếu máu)
  • Đau ngực
  • Đau bụng

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ bệnh viêm động mạch Takayasu, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán. Nhiều dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm động mạch Takayasu cũng tương tự như những bệnh lý khác, do đó việc chẩn đoán có thể khó khăn.Tuy nhiên, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm động mạch Takayasu, hãy nhớ rằng các triệu chứng thời kỳ bùng phát bệnh (tái phát) thường tương tự như trong giai đoạn đầu. Cũng cần chú ý đến bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng mới. Đây có thể chỉ ra một đợt bùng phát hoặc biến chứng của điều trị.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân dẫn đến Viêm động mạch Takayasu

benh viem dong mach Takayasu

Hình: Bệnh viêm động mạch Takayasu là một dạng bệnh lý viêm mạch máu, gây phá hủy các động mạch lớn, đặc biệt động mạch chủ

Trong bệnh viêm động mạch Takayasu, tình trạng viêm xuất hiện ở các mạch máu lớn, bao gồm động mạch chủ và các động mạch chính dẫn máu đến đầu và thận. Theo thời gian, tình trạng viêm gây ra những thay đổi trong lòng động mạch, bao gồm dày thành, hẹp lòng và gây sẹo. Kết quả làm giảm lưu lượng máu đến các mô và các cơ quan quan trọng, từ đó có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Đôi khi động mạch bị giãn ra bất thường, dẫn đến chứng phình mạch (aneurysms) với nguy cơ vỡ các túi phình mạch.

benh viem dong mach Takayasu

Hình: Viêm động mạch Takayasu

Nguyên nhân gây nên tình trạng viêm ban đầu không được biết rõ. Bệnh viêm động mạch Takayasu có khả năng là một bệnh lý tự miễn, trong đó, các rối loạn hệ miễn dịch nhận diện động mạch như một chất ngoại lai và phá hủy động mạch. Bệnh có thể khởi phát bởi virus hoặc nhiễm trùng khác.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Yếu tố nguy cơ dẫn đến Viêm động mạch Takayasu

Bệnh viêm động mạch Takayasu ảnh hưởng trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 30 tuổi. Bệnh xuất hiện khắp thế giới, nhưng phổ biến nhất ở đối tượng phụ nữ Châu Á.

BIẾN CHỨNG

Biến chứng Viêm động mạch Takayasu

Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể thay đổi.Ở một số người, tình trạng bệnh có thể nhẹ và không gây biến chứng. Nhưng ở một số trường hợp khác, các đợt viêm tái phát, lan rộng và thuyên giảm theo chu kỳ ở các động mạch có thể đưa đến biến chứng:

  • Hẹp mạch máu ,mạch máu trở nên hẹp và cứng lại, có thể gây giảm lưu lượng máu đến cơ quan và mô
  • Tăng huyết áp , thường do giảm lưu lượng máu đến thận
  • Tình trạng viêm ở tim , có thể ảnh hưởng đến cơ tim (viêm cơ tim – myocarditis), van tim (viêm van tim – valvulitis), hoặc màng ngoài tim (viêm màng ngoài tim – pericarditis)
  • Suy tim do tăng huyết áp, viêm cơ tim hoặc trào ngược động mạch chủ (aortic regurgitation) – trong đó, van động mạch chủ bị khiếm khuyết làm máu phụt ngược lại vào tâm thất – hoặc kết hợp nhiều tật ở tim
  • Đột quỵ thiếu máu cục bộ (ischemic stroke) ,do giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu trong động mạch nuôi não
  • Cơn thoáng thiếu máu não cục bộ (transient ischemic attack) , cơn đột quỵ tạm thời, bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của đột quỵ thiếu máu cục bộ (ischemic stroke), nhưng không gây tổn thương lâu dài
  • Phình mạch (aneurysms) trong động mạch chủ, xảy ra khi thành mạch bị suy yếu và căng giãn, hình thành một túi phình có nguy cơ bị vỡ
  • Nhồi máu cơ tim (heart attack) , không thường gặp, có thể xảy ra do giảm lưu lượng máu đến tim
  • Bệnh lý ở phổi khi các động mạch phổi bị tấn công

THAI KỲ

Thai kỳ và Viêm động mạch Takayasu

Phụ nữ mắc bệnh viêm động mạch Takayasu vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và mang thai của bạn. Nếu bạn có bệnh viêm động mạch Takayasu và đang có kế hoạch mang thai, việc thảo luận với bác sĩ để xây dựng một kế hoạch khám thai toàn diện là rất quan trọng, nhằm hạn chế các biến chứng của thai kỳ trước khi bạn thụ thai. Ngoài ra, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

CHUẨN BỊ GÌ KHI ĐI KHÁM

Chuẩn gì khi đi khám Viêm động mạch Takayasu

Nếu bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ tổng quát nghi ngờ bệnh viêm động mạch Takayasu, bạn có thể sẽ được chuyển đến một hoặc nhiều chuyên gia để được chẩn đoán và điều trị. Bệnh viêm động mạch Takayasu là một rối loạn hiếm gặp,việc chẩn đoán và điều trị có thể khó khăn. Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể được chuyển đến cơ sở y tế chuyên điều trị viêm mạch máu.

Các buổi khám bệnh thường hạn chế về thời gian, nhưng bạn lại cần trao đổi nhiều thông tin, vì vậy, việc tự chuẩn bị là cần thiết. Các thông tin sau đây có thể giúp bạn sẵn sàng và biết bác sĩ có thể hỗ trợ gì cho bạn.

Những gì bạn có thể làm

  • Hãy chú ý các kiêng cữ, hạn chế trước khi khám . Cùng lúc khi đặt lịch hẹn, hãy hỏi nếu có bất cứ điều gì bạn cần làm trước khi đến khám, chẳng hạn như chế độ ăn uống kiêng cữ, sử dụng vitamin hoặc thuốc nhất định.
  • Viết ra bất kỳ triệu chứng bạn đang gặp phải , ngay cả khi có vẻ triệu chứng không liên quan đến bệnh viêm động mạch. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh viêm động mạch Takayasu cũng tương tự như một số bệnh khác.
  • Ghi lại thông tin cá nhân quan trọng , bao gồm bất kỳ sự kiện gây stress hoặc thay đổi gần đây trong cuộc sống.
  • Ghi lại tất cả các loại thuốc , vitamin, thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng. Thậm chí tốt hơn, hãy mang theo chai thuốc, hoặc ghi lại liều lượng và hướng dẫn sử dụng thuốc.
  • Đi cùng với thân nhân hoặc bạn bè . Đôi khi, việc nhớ tất cả các thông tin bác sĩ cung cấp có thể khá khó khăn. Vì vậy, thân nhân hoặc bạn bè có thể hỗ trợ nhớ một vài thông tin bạn quên hay bỏ sót.
  • Viết ra câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn.

Thời gian bạn gặp bác sĩ là có hạn, vì vậy bạn nên chuẩn bị một danh sách các câu hỏi có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian khám bệnh. Đối với bệnh viêm động mạch Takayasu, một số câu hỏi cơ bản bao gồm:

  • Bệnh gì có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Có nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Tôi cần xét nghiệm gì?
  • Tình trạng bệnh của tôi là tạm thời hay lâu dài?
  • Phương pháp điều trị nào có sẵn? Bác sĩ khuyên dùng phương pháp nào cho tôi?
  • Tôi mắc các bệnh kèm theo,… Làm cách nào để có thể kiểm soát tốt nhất các bệnh cùng lúc?
  • Tôi có cần theo chế độ ăn kiêng hay kiêng cữ hoạt động nào không?
  • Có thuốc generic thay thế (generic alternative) cho các thuốc được kê đơn hay không?
  • Nếu tôi không thể hoặc không muốn sử dụng corticoid?
  • Tôi có thể mang theo tờ bích chương hay tài liệu in nào không? Bác sĩ có đề nghị tôi nên tham khảo trên website nào hay không?

Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị, đừng ngần ngại đặt thêm câu hỏi.

Bác sĩ có thể hỗ trợ bạn điều gì?

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, vì vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần trả lời nhằm giành nhiều thời gian hơn cho các câu hỏi cần thiết nêu trên. Bác sĩ có thể hỏi:

  • Triệu chứng bắt đầu khi nào?
  • Triệu chứng xuất hiện mọi lúc, hay biến mất?
  • Triệu chứng nghiêm trọng như thế nào?
  • Cái gì có vẻ cải thiện triệu chứng?
  • Cái gì có vẻ làm xấu đi các triệu chứng?

XÉT NGHIỆM VÀ CHẨN ĐOÁN

Xét nghiệm và chẩn đoán Viêm động mạch Takayasu

Việc phát hiện bệnh viêm động mạch Takayasu có thể thật sự là một thách thức, thậm chí một số bệnh nhân đi khám bệnh nhiều năm mà vẫn không được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể sử dụng một số bước và các xét nghiệm sau đây, để giúp loại trừ các điều kiện khác gần giống với bệnh viêm động mạch Takayasu và xác định chẩn đoán:

  • Bệnh sử và khám lâm sàng . Bác sĩ sẽ kiểm tra và hỏi bạn những câu hỏi về tình hình sức khỏe nói chung, bao gồm các câu hỏi về tim và bệnh lý mạch máu.
  • Xét nghiệm máu . Bác sĩ có thể xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu của tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như tăng số lượng bạch cầu, C-reactive protein tăng cao – một hoạt chất đánh dấu viêm được sản xuất bởi gan. Một xét nghiệm khác thường được sử dụng để giúp xác định các rối loạn viêm là tốc độ lắng máu (sed rate). Bác sĩ cũng có thể kiểm tra bệnh nhân có thiếu máu hay không?
  • Chụp động mạch . Thông thường, các bác sĩ dùng phương pháp chụp động mạch (một dạng của chụp Xquang) như một trong những xét nghiệm chính xác hơn để chẩn đoán bệnh viêm động mạch Takayasu. Trong quá trình chụp, một ống mỏng, mềm được gọi là ống thông (catheter) được đưa vào mạch máu lớn. Một thuốc nhuộm đặc biệt (thuốc cản quang) được tiêm vào ống thông, kỹ thuật viên chiếu tia X chụp lại các động mạch, tĩnh mạch phủ đầy thuốc nhuộm. Từ các phim chụp, bác sĩ có thể xem xét lưu lượng máu chảy bình thường hoặc chậm lại,lòng mạch máu có bị gián đoạn do hẹp (stenosis) hoặc tắc nghẽn. Một người bị bệnh viêm động mạch Takayasu thường có một số đoạn mạch bị hẹp.
  • Cộng hưởng từ mạch máu (MRA) . Càng ngày, các bác sĩ có xu hướng sử dụng phương pháp chụp động mạch ít xâm lấn này thay cho chụp động mạch truyền thống. MRA cho thấy hình ảnh chi tiết của các mạch máu mà không cần đặt ống thông hay sử dụng tia X, mặc dù vẫn sử dụng phương pháp bơm thuốc cản quang tĩnh mạch. MRA hoạt động bằng cách sử dụng các xung trong một phổ từ trường mạnh để tạo ra dữ liệu, sau đó máy tính chuyển đổi thành hình ảnh chi tiết từng lát cắt.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) . Tương tự MRA, MRI sử dụng các xung và từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan trong cơ thể, cho phép bác sĩ kiểm tra xem các thương tổn có thể. Tuy nhiên, MRI không sử dụng thuốc cản quang.
  • Chụp động mạch cắt lớp điện toán (CT – scan) . Đây là một dạng chụp động mạch không xâm lấn kết hợp phân tích hình ảnh X-quang trên máy tính, kèm sử dụng các thuốc cản quang tĩnh mạch. CT Scan cho phép bác sĩ kiểm tra cấu trúc động mạch chủ và các nhánh lân cận, theo dõi lưu lượng máu.
  • Siêu âm . Siêu âm Doppler, một dạng phức tạp hơn siêu âm thông thường, có khả năng tạo ra hình ảnh thành động mạch với độ phân giải rất cao, chẳng hạn như các động mạch ở cổ (động mạch cảnh) và động mạch ở vai (động mạch dưới đòn). Xét nghiệm có thể phát hiện những thay đổi tinh tế ở các động mạch này trước khi xét nghiệm hình ảnh khác phát hiện tổn thương. Siêu âm Doppler cũng có thể giúp phân biệt giữa bệnh viêm động mạch Takayasu và xơ vữa mạch máu – đây là một tình trạng phổ biến hơn nhiều, hình thành do sự tích tụ của các hạt cholesterol và mảnh vỡ tế bào khác trong lòng động mạch.

Không giống như các dạng bệnh lý viêm mạch máu, việc lấy mẫu mô để phân tích (sinh thiết) thường không được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm động mạch Takayasu.

Bởi vì bệnh viêm động mạch Takayasu có xu hướng tái phát hoặc bùng lên sau khi thuyên giảm một thời gian, các xét nghiệm nêu trên có thể được sử dụng không chỉ để chẩn đoán, mà còn để theo dõi tiến triển của bệnh, hiệu quả điều trị. Một vài loại thuốc điều trị bệnh có thể có tác dụng bất lợi về lâu dài. Vì vậy, điều quan trọng là bạn và bác sĩ cần biết khi nào thuốc có lợi, và khi nào nguy cơ lớn hơn lợi ích.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị Viêm động mạch Takayasu

Mục tiêu điều trị là nhằm kiểm soát tình trạng viêm, ngăn chặn tổn thương các mạch máu thêm, các tác dụng phụ lâu dài của thuốc tối thiểu. Bệnh viêm động mạch Takayasu đôi khi có thể khó điều trị, bởi vì ngay cả khi bệnh nhân có vẻ thuyên giảm triệu chứng, bệnh vẫn có thể hoạt động. Ngoài ra, ở một số bệnh nhân đã có thể có những tổn thương bất phục hồi cho đến khi được chẩn đoán bệnh.

Mặt khác, nếu bạn không có nhiều dấu hiệu và triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng, bạn có thể không cần điều trị gì cả.

Điều trị thường bao gồm thuốc và phẫu thuật trong một số trường hợp.

Thuốc

Nhiều loại trong số các loại thuốc này có tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, do đó, bác sĩ sẽ cố gắng để cân bằng lợi ích của thuốc với những tác dụng phụ có thể bằng cách kiểm soát liều lượng thuốc, thời gian sử dụng.

  • Corticosteroids .Điều trị đầu tay thường khởi đầu với một loại corticosteroid như prednisone hoặc methylprednisolone (Medrol). Thông thường, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn chỉ trong vòng một vài ngày sau, nhưng cần phải tiếp tục dùng thuốc duy trì trong thời gian dài. Sau tháng đầu tiên, bác sĩ có thể bắt đầu giảm liều dần dần cho đến khi đạt đến liều thuốc thấp nhất mà bạn cần mà vẫn kiểm soát được tình trạng viêm. Một số triệu chứng của bạn có thể tái phát trong thời gian giảm liều này. Tác dụng phụ lâu dài của corticosteroid bao gồm tăng cân, tăng đường huyết, tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương, kinh nguyệt không đều và vết thương chậm lành.
  • Thuốc ức chế miễn dịch . Nếu bệnh không đáp ứng tốt với corticosteroid hoặc bạn gặp khó khăn khi giảm liều, bạn có thể cần điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như methotrexate (Trexall, Rheumatrex) hoặc azathioprine (Imuran, Azasan). Một số bệnh nhân đáp ứng tốt với các thuốc dùng trong trường hợp ghép tạng, các nhóm thuốc này bao gồm mycophenolate (CellCept) tác dụng bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch,làm giảm tình trạng viêm mạch máu một cách hiệu quả ở những người bị bệnh viêm động mạch Takayasu. Tác dụng phụ thường gặp nhất là tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thuốc điều hòa hệ miễn dịch . Ở những bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bác sĩ có thể sử dụng nhóm thuốc điều chỉnh các bất thường trong hệ thống miễn dịch sinh học. Ví dụ như adalimumab (Humira), etanercept (Enbrel), infliximab (Remicade) và tocilizumab (Actemra). Một số nghiên cứu cho thấy những loại thuốc này có hiệu quả kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, cũng như làm giảm nhu cầu phải sử dụng corticosteroid. Tuy nhiên, những nghiên cứu đã tiến hành chỉ có quy mô nhỏ, do đó, cần những nghiên cứu lớn hơn về nhóm thuốc này. Tác dụng phụ thường gặp nhất là tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Phẫu thuật

Nếu lòng động mạch bị hẹp nghiêm trọng hoặc bị tắc nghẽn, cần chỉ định phẫu thuật mở (open) hoặc phẫu thuật bắc cầu (bypass) động mạch để tái lập lưu thông máu.Thông thường,phẫu thuật giúp cải thiện vài triệu chứng, chẳng hạn như tăng huyết áp và đau ngực.Trong một số trường hợp, dấu hiệu hẹp hoặc tắc nghẽn lòng động mạch có thể tái phát, đòi hỏi phẫu thuật lần hai. Ngoài ra, nếu xuất hiện biến chứng phình mạch lớn, phẫu thuật cần được chỉ định để phòng ngừa các túi phình bị vỡ.Phẫu thuật được thực hiện tốt nhất khi tình trạng viêm của động mạch đã thuyên giảm, bao gồm các phương pháp:

  • Phẫu thuật bắc cầu (bypass surgery) . Trong phương pháp này, phẫu thuật viên lấy một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch từ một phần khác của cơ thể và gắn vào động mạch bị tắc nghẽn, tạo mộtcầu nốiđể máu lưu thông.
  • Phẫu thuật nong rộng mạch máu (nong mạch vành qua da – percutaneous angioplasty) . Trong phương pháp này, một quả bóng nhỏ được luồn vào trong lòng và thành của động mạch bị tổn thương. Khi vào đến nơi, bóng được bơm lên để nong đoạn bị tắc nghẽn, sau đó bóng được xì hơi và kéo ra ngoài.
  • Đặt stent (stenting) .Các cuộn dây lưới nhỏ (stent) có thể được chèn vào các đoạn mạch máu đã được nong bằng phương pháp trên. Các stent có vai trò làm ống đỡ giữ cho động mạch được mở rộng, ngăn các mạch máu từ từ hẹp lại.

nong mach mau hep bang phuong phap dat stent

Hình: Nong mạch máu bị hẹp bằng phương pháp đặt stent

SỐNG CHUNG VỚI BỆNH

Sống chung với bệnh Viêm động mạch Takayasu

Khi bệnh viêm động mạch Takayasu được chẩn đoán và điều trị sớm, tiên lượng thường tốt. Một trong những thách thức lớn nhất là đối phó với tác dụng phụ của thuốc. Những gợi ý sau có thể giúp bạn:

  • Hiểu rõ tình trạng bệnh . Tìm hiểu các thông tin liên quan đến bệnh và phương pháp điều trị. Bạn nên biết rõ các tác dụng phụ có thể có của bất kỳ loại thuốc bạn sử dụng, và kể cho bác sĩ nghe về bất cứ thay đổi về tình trạng sức khỏe.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh . Chế độ ăn tốt có thể giúp ngăn ngừa các hậu quả tiềm tàng do tình trạng bệnh hoặc do thuốc, chẳng hạn tăng huyết áp, loãng xương và bệnh đái tháo đường. Bạn nên tiêu thụ nhiều các loại trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và cá trong khi hạn chế muối, đường và rượu. Hãy chắc chắn có được đủ lượng canxi và vitamin D để giúp ngăn ngừa loãng xương – tác dụng phụ chủ yếu của corticosteroid. Hãy hỏi bác sĩ bạn cần chính xác bao nhiêu vitamin và canxi. Ví dụ,nếu bạn ít dùng các sản phẩm từ sữa, do đó, khó hấp thu đủ canxi từ chế độ ăn, hãy hỏi bác sĩ về việc bổ sung thêm canxi, thường được kết hợp với vitamin D giúp chống loãng xương.
  • Tập thể dục thường xuyên .Các bài tập aerobic thường xuyên, như đi bộ có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất xương, tăng huyết áp và tiểu đường, tốt cho tim, phổi. Ngoài ra, nhiều người nhận thấy rằng tập thể dục giúp cải thiện tâm trạng và khiến họ hạnh phúc, yêu đời hơn.

tap the duc thuong xuyen

Hình: Tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa bệnh

  • Tránh tất cả các sản phẩm thuốc lá .Ngừng sử dụng tất cả các dạng sản phẩm thuốc lá rất quan trọng đối với bệnh nhân Takayasu, nhằmlàm giảm nguy cơ tổn thương mạch máu và mô nặng hơn.

Tài liệu tham khảo

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/takayasus-arteritis/basics/definition/con-20028085

www.hcmbiotech.com.vn

www.miamivascular.com

www.hxbenefit.com

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích