menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bài 6 – Siêu âm là cái gì vậy?

user

Ngày:

13/04/2018

user

Lượt xem:

560

Bài viết thứ 06/65 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Lê Tiểu My”

Bài này để dẫn dắt cho bài “Siêu âm cổ tử cung trong thai kỳ”, tại vì lúc làm việc thấy bệnh nhân ngơ ngác đến tội nghiệp cho cái vụ “tử cung em thấp nên em sinh non”.

Lâu lâu lại có người hỏi “siêu âm hoài con em có sao không?”. Mà chưa biết có sao hay không cứ thích đi siêu âm hoài.

Siêu âm là gì vậy?

Siêu âm là một thiết bị (hay dễ hiểu hơn là cái máy) có thể ghi nhận hình ảnh bên trong cơ thể của bạn. Đến đây chỉ xin bàn về em bé trong tử cung của mẹ, tại suốt ngày chỉ thấy em bé thôi. Dĩ nhiên, có thể thấy gan, thận, lách, ruột…trong bụng nhưng mấy cái đó nhìn không thích bằng nhìn em bé. Bác sĩ siêu âm có thể quan sát thấy: bao nhiêu bé trong tử cung; kích cỡ bé như thế nào, tim bé đập như thế nào, nhanh hay chậm (tính trên một phút); các cơ quan trên cơ thể bé có bình thường không, có thể tính tương đối chính xác ngày dự sanh nếu siêu âm sớm.
Ghi nhận hình ảnh bằng máy siêu âm có thể ghi lại giống như video, hay hình ảnh hiển thị ra máy tính, nhân viên y tế sẽ in lại ảnh này cho bạn.

Siêu âm hoạt động như thế nào?

Siêu âm là những sóng âm tần số cao mà tai mình không nghe được. Nhớ nghe, nó là sóng âm (tức là âm thanh- nên bé không có chói mắt, không có đau khi làm siêu âm). Sóng âm này được phát từ một thiết bị gọi là “đầu dò”, truyền sóng âm qua da, đi qua thành bụng để ghi nhận hình ảnh bên trong bằng cách dội lại.
Siêu âm khác X quang ở chỗ tia siêu âm không phải tia xạ. Đây chính là yếu tố chính để khẳng định tính an toàn của siêu âm cho thai nhi.

Tại sao khi có thai phải siêu âm?

Tại vì siêu âm giúp mình biết: mình có mấy thai, bé có phát triển đúng tuổi thai hay không (có nhỏ quá hay to quá so với tuổi thai không), có bất thường gì ở mặt mũi tay chân, hay tim gan phổi không, bánh nhau có ở vị trí bình thường không…Quá giúp ích còn gì! Còn cái này nữa, con mình là con trai hay con gái. Tuy nhiên điều này chỉ nên hỏi nhỏ, chứ đừng nghĩ là điều quan trọng. Nhưng đôi khi, nó quan trọng thiệt, tại bất thường sinh dục bẩm sinh cũng là chuyện có thật, bác sĩ sẽ luôn khảo sát xem có tinh hoàn không, có bị dị tật sinh dục không, còn khẳng định 100% giới tính thì không thể. Đôi khi biểu hiện cơ quan sinh dục ngoài là nam, nhưng nhiễm sắc thể lại là nữ. Tuy hiếm xảy ra nhưng phải ví dụ vậy để bạn đừng hỏi “chắc chắn 100% không bác sĩ, hay sao siêu âm con trai tui đẻ con gái kỳ vậy” dễ đau lòng nhau. Mấy câu này thật sự là cần hỏi đây nè:

  • Con tôi có phát triển đúng tuổi thai không?
  • Con tôi có gì bất thường về hình dạng không? Cái đó có nghiêm trọng không?
  • Nước ối như vậy có gọi là bình thường không?
  • Bánh nhau có bất thường không?
Xem thêm bài Xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh của TS. BS. Nguyễn An Nghĩa và BS. Lê Thanh Nhã Uyên

Cần chuẩn bị gì trước khi đi siêu âm?

Nếu siêu âm ngã bụng, bác sĩ sẽ dặn bạn nhịn tiểu. Tuy nhiên khi siêu âm thai, cái này không cần thiết tuyệt đối. Vì đặc điểm phụ nữ mang thai sẽ tiểu nhiều lần do bàng quan bị chèn ép, nên nếu có đi tiểu trước khi siêu âm cũng không sao. Trong một số trường hợp đặc biệt cần siêu âm ngả âm đạo, bạn cần đi tiểu trước đó thì siêu âm sẽ dễ dàng hơn, chính xác hơn và bạn cũng dễ chịu hơn.

Siêu âm bình thường thì chắc chắn con tôi bình thường phải không?

Câu trả lời – đáng buồn – là không chắc chắn. Do vậy, khi có thai, bạn sẽ được tử vấn và giải thích thực hiện nhiều loại xét nghiệm khác nhau để tầm soát các bất thường. Một mình siêu âm chỉ dự đoán khoảng 80% dị tật. Nguyên nhân: có những dị tật nhỏ, biểu hiện muộn, hay khiếm khuyết về chức năng (ví dụ như điếc) không thể chẩn đoán bằng siêu âm.
Tay nghề – kinh nghiệm và máy siêu âm tốt cũng góp phần ảnh hưởng để khả năng tầm soát. Ngoài ra, tư thế em bé, thành bụng của mẹ dày, nước ối quá ít cũng là những yếu tố cản trở cho khảo sát thai nhi. Do đó, mặc dù có thể phát hiện nhiều bất thường nhưng không thể phát hiện tất cả bất thường.

Siêu âm nhiều lần trong thai kỳ có gây hại gì không?

Siêu âm thai được ứng dụng tầm khoảng hơn 30 năm. Cho đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy gây hại đến thai. “Chưa có” không đồng nghĩa với “không có”, do đó, chỉ cần thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ khám thai. Hạn chế trong những trường hợp sau:

  • Siêu âm chỉ để khảo sát giới tính.
  • Siêu âm chỉ để ghi nhận hình ảnh hay video của bé để “cho vui”
  • Siêu âm mỗi tuần để biết bé có lên cân hay không vì mẹ không lên cân.

Không có điều kiện siêu âm thì nên siêu âm mấy lần là đủ?

Câu hỏi này khó à, tại vì mỗi tuổi thai, siêu âm lại có những giá trị khác nhau. Thôi thì nếu vì lý do gì đó, chỉ có thể siêu âm 1 lần, nên chọn siêu âm lúc khoảng 22-23 tuần, đánh giá tổng thể thai nhi (còn gọi là siêu âm hình thái học). Hy vọng không ai rơi vào cái lựa chọn oái oăm này, nếu không bác sĩ siêu âm cũng buồn.

Thật ra thì có rất nhiều thông tin, nhưng lược giản ở mức tối thiểu để giới thiệu cho bài siêu âm kênh tử cung sau này (chưa biết khi nào).

Cuối tuần rồi, mình đọc ít thôi, nếu đang có thai, mình để dành thời gian “nói chuyện” với con, suy nghĩ về những điều tươi đẹp. Chứ đừng mất công đi xem “hôm nay con được mấy trăm gram rồi”.

Xem thêm bài Siêu âm trong thai kỳ của Bác sĩ Ths. Nguyễn Hoàng Long 

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/947218625374722

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích