menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chương 1: Kiến thức về sự thụ thai

user

Ngày:

08/08/2022

user

Lượt xem:

244

Bài viết thứ 00/247 thuộc chủ đề “Uncategorized”

Phần 1: Chu Kỳ kinh nguyệt bình thường và sự thụ thai

Sinh lý chu kỳ kinh nguyệt bình thường

Chu kỳ kinh nguyệt là ra huyết âm đạo hàng tháng ở phụ nữ thông qua sự thay đổi đều đặn chu kỳ nội tiết tố của hệ thống cơ quan sinh sản của người phụ nữ (buồng trứng và tử cung) (Wikipedia, n.d.).

Chu kỳ kinh nguyệt thường gặp là 28 ngày, tuy nhiên, mỗi chu kỳ kinh nguyệt có thể biểu hiện dài ngắn khác nhau ở các phụ nữ khác nhau. Thậm chí, trên cùng một phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể thay đổi khác nhau từ tháng này qua tháng khác. Do vậy, gọi là chu kỳ kinh đều khi chu kỳ kinh thay đổi từ 24-38 ngày (Reed, B.G., Carr, B.R., 2015).

Chu kỳ kinh nguyệt xảy ra do tác động trên 2 cơ quan sinh sản chính gồm sự phát triển của nang noãn từ buồng trứng và sự chuẩn bị của nội mạc tử cung từ tử cung. Đầu tiên, nang noãn phát triển từ các nang noãn nhỏ tại buồng trứng và khi đạt đến kích cỡ tối đa (còn gọi là noãn trưởng thành), noãn này sẽ thực hiện phóng noãn vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt (Hình 1 và Hình 2). Tiếp theo, nội mạc tử cung giai đoạn này sẽ phản ứng dầy lên và chứa nhiều dinh dưỡng phục vụ cho sự làm tổ (Hình 3). Nếu không có sự thụ thai xảy ra, lớp nội mạc tử cung sẽ bong tróc và tạo thành kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt được điều khiển bởi sự thay đổi nội tiết tố (hormones). Trong mỗi chu kỳ, được chia thành 3 pha trên cả buồng trứng (gọi là chu kỳ buồng trứng) và tử cung (gọi là chu kỳ tử cung). Trong chu kỳ buồng trứng gồm pha noãn, pha rụng trứng và pha hoàng thể; trong khi chu kỳ tử cung gồm pha hành kinh, pha tăng sinh và pha chế tiết.

Buồng trứng tiết ra nội tiết tố là estrogen. Estrogen gia tăng trong pha noãn của chu kỳ buồng trứng và giảm nồng độ pha hành kinh của chu kỳ tử cung.  Các nang noãn của buồng trứng bắt đầu phát triển dưới tác dụng phức hợp nội tiết tố từ tuyến yên là FSH (Follicular Simulating Hormones), sau đó trong các nang noãn phát triển sẽ có 1 nang noãn trở thành noãn vượt trội, các nang khác sẽ bị thoái triển (Hình 1). Vào giữa chu kỳ, khi nội tiết tố LH (Luteinizing Hormone) được chế tiết từ 24-36 giờ, nang noãn vượt trội sẽ giải phóng noãn nang (oocyte) gọi là hiện tượng rụng trứng (Hình 2, 3). Sau khi rụng trứng, noãn nang sẽ tồn tại 24 giờ cho dù có xảy ra hiện tượng thụ tinh hay không, phần còn lại của noãn vượt trội sẽ trở thành hoàng thể, thực hiện việc chế tiết progesteron. Dưới ảnh hưởng của progesteron, nội mạc tử cung chuyển sang giai đoạn chế tiết để thuận lợi cho sự làm tổ. Nếu thụ tinh không xảy ra trong vòng 2 tuần, hoàng thể sẽ thoái triển và làm giảm cả hai nồng độ estrogen và progesteron. Khi nội tiết tố giảm nồng độ, nội mạc tử cung bong tróc và hiện tượng hành kinh xảy ra (Beckman C et al., 2010).

sự phát triển nang noãn trong thai kỳ

Hình 1: Sự phát triển của nang noãn trong chu kỳ kinh (Wikipedia, n.d.)

sự phát triển của nang noãn giai đoạn noãn trội

Hình 2: Sự phát triển của nang noãn giai đoạn noãn trội (Wikipedia, n.d.)

sự thay đổi hormone trong chu kỳ

Hình 3: Sự thay đổi hormone trong chu kỳ (Wikipedia, n.d.)

Cơ quan sinh sản của phụ nữ và nam giới và sự thụ thai

Cơ quan sinh sản của người phụ nữ gồm 2 buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng. Hoạt động chức năng của các cơ quan này được điều khiển bởi nội tiết tố sản xuất từ não bộ và tuyến yên (Hình 4). Nội tiết tố là các chất hoá học được hình thành trong cơ thể và lưu thông trong máu. Các nội tiết tố này điều hoà chu kỳ kinh nguyệt, giúp ổn định quá trình mang thai và giúp sản xuất sữa mẹ sau khi sinh con. Estrogne và Progesteron là 2 nội tiết tố do buồng trứng sản xuất, giúp tạo ra kinh nguyệt và chuẩn bị nội mạc tử cung sẵn sàng cho trứng thụ tinh làm tổ. Ngoài ra 2 nội tiết tố này còn giúp đảm bảo cho hoạt động của tim, xương, gan, và nhiều cơ quan trong cơ thể (Beckman C et al., 2010).trục hạ đồi tuyến yên buồng trứng

Hình 4: Trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng (NIOSH, n.d.)

Vào giai đoạn dậy thì, phụ nữ bắt đầu có kinh và có hiện tượng phóng noãn mỗi tháng. Mỗi chu kỳ kinh bắt đầu bằng ngày hành kinh đầu tiên, và khi chu kỳ mới bắt đầu, sẽ có 1 trứng mới phát triển và trưởng thành trong 2-3 tuần, sau đó sẽ dẫn đến hiện tượng rụng trứng. Noãn nang được phóng thích từ nang trứng vượt trội nằm trong buồng trứng, sẽ qua ống dẫn trứng và có thể gặp tinh trùng tại đây để thụ tinh. Nếu noãn nang không được thụ tinh, trứng sẽ chết và 2 tuần sau đó sẽ bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt mới. Nếu trứng được thụ tinh, hợp tử sẽ di chuyển vào buồng tử cung và bám vào nội mạc tử cung hình thành phôi thai

trứng được thụ tinh

Hình 5: Trứng được thụ tinh (NIOSH, n.d.)

  • Cơ quan sinh sản của người đàn ông là 2 tinh hoàn, có 2 chức năng quan trọng:
  1. Sản xuất ra nội tiết tố testosterone, giúp phát triển giọng trầm của nam, mọc râu và các hoạt động tình dục,
  2. Sản xuất ra tinh trùng

Sau khi tinh trùng được tạo thành (khoảng 72 ngày), chúng được giữ trong mào tinh hoàn (epididymis) là cấu trúc ngoài cùng của tinh hoàn. Tinh trùng tồn tại tại đây từ 15-25 ngày, phát triển trưởng thành hơn, có thể bơi được. Nếu tinh trùng không được xuất tinh, chúng sẽ bị chết và bị cơ thể hấp thu. Nếu tinh trùng được xuất tinh, tế bào tinh trùng trưởng thành sẽ di chuyển qua các ống dẫn tinh (vas defenrens), đi đến túi tinh (seminal vesicles) và tiền luyệt tuyến. Túi tinh và tiền liệt tuyết sẽ cũng cấp phần lớn dịch trong tinh dịch (semen) (Beckman et al., 2010), (Reed BG and Carr BR, 2015).

Khi tinh dịch nằm trong âm đạo, tinh trùng sẽ bơi qua cổ tử cung vào buồng tử cung và đến ống dẫn trứng. Nếu hiện tượng rụng trứng xảy ra, sự thụ tinh sẽ xuất hiện tại ống dẫn trứng. Khi ấy, trứng và tinh trùng đóng góp 23 nhiễm sắc thể riêng biệt để thụ tinh. DNA trong các nhiễm sắc thể này sẽ xác định em bé (có 46 nhiễm sắc thể) như thế nào và thực hiện chức năng của nó. Sau đó trứng được thụ tinh sẽ di chuyển xuống tử cung, bám vào nội mạc tử cung và phát triển. Nếu không có trứng được rụng trứng, và tinh trùng không gặp được noãn nang để thụ tinh thì tinh trùng có thể sống trong từ cung đến 2 ngày rồi thoái triển (Reed BG and Carr BR, 2015).

Trong quá trình tạo thành tinh trùng, các hoá chất như chất phóng xạ, hoặc hoá chất công nghiệp có thể làm thay đổi hoặc phá vỡ chuỗi DNA, dẫn đến việc tinh trùng bị hư hoại DNA và không thể thụ tinh với trứng; hoặc nếu có thể thụ tinh, trứng được thụ tinh bị ảnh hưởng xâú lên thai nhi. Một số thuốc điều trị ung thư cũng có tác động tương tự (NIOSH, n.d.).

Theo một số nghiên cứu, chỉ có giai đoạn gần rụng trứng, khả năng thụ thai mới đạt cao nhất. Sơ đồ dưới đây cho thấy chi tiết về khả năng mang thai theo ngày trong chu kỳ kinh nguyệt

Ngày 0 là ngày rụng trứng, và việc mang thai dễ dàng xảy ra hơn khi cặp đôi quan hệ từ 2-3 ngày trước khi rụng trứng (ví dụ, cơ hội mang thai khi quan hệ trước ngày rụng trứng 2 ngày, tức là ngày -2, thì khả ngăn có thai là 26% so với 1% nếu quan hện sau ngày rụng trứng 1 ngày, tức là vào ngày -1)

Tài liệu tham khảo

  1. Wikipedia (n.d). Mentrual cycle. Retrieved on September 15, 2020 fromhttps://en.wikipedia.org/wiki/Menstrual_cycle 
  2. Reed, B.G., Carr, B.R. (2015). The Normal Menstrual Cycle and the Control of Ovulation. Endotext [Internet]. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.
  3. Fraser, I.S., Critchley, H., Broder, M., Munro, M.G. (2011). The FIGO Recommendations on Terminologies and Definitions for Normal and Abnormal Uterine Bleeding.(link is external)The Seminars in Reproductive Medicine;29(5): 383-390.https://www.cdc.gov/niosh/docs/96-132/
  4. Beckman C et al. (2010). Obstetrics and Gynecology – ACOG, 6th edition. Chapter 33: Reproductive Cycle, page 303-308 National Institute Occupational Safety and Health (NIOSH) (n.d.). Workplace hazards on Female reproductive health. Retrieved on September 15, 2021 from https://www.cdc.gov/niosh/docs/99-104/pdfs/99-104.pdf?id=10.26616/NIOSHPUB99104 

Các yếu tố thuận lợi cho sự thụ thai

Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, nhưng chu kỳ có thể thay đổi từ 21-35 ngày. Thời điểm rụng trứng có thể khác nhau ở các phụ nữ. Ngay cả cùng một phụ nữ, thời điểm rụng trứng cũng khác nhau từ tháng này sang tháng khác, thay đổi từ 13-20 ngày.

Một số yếu tố được xem là yếu tố thuận lợi cho sự thụ thai ở phụ nữ bao gồm

Tuổi tác: Tuổi phụ nữ từ 18-35 là lý tưởng cho sự thụ thai. Các nghiên cứu cho thấy sự thụ thai giảm dần khi phụ nữ đạt 35 tuổi, bởi vì khi phụ nữ càng lớn tuổi, hoạt động của buồng trứng suy giảm, và các noãn nang có chất lượng kém hơn, do vậy làm khó có khả năng thụ thai hơn, ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt vẫn còn đều đặn. Bên cạnh đó, các phụ nữ thụ thai sau 35 tuổi, do chất lượng trứng suy giảm, nên dễ nguy cơ sẩy thai, thai lưu, và sinh em bé có các rối loạn về di truyền như Hội chứng Down (Beckman C et al., 2010).

Không có bệnh cảnh nền: vì một số bệnh cảnh nền sẽ ảnh hưởng lên nồng độ nội tiết tố và ngăn cản sự thụ thai

  • Phụ nữ có các rối loạn nội tiết như tăng tiết prolactine, rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp hoặc nhược giáp)… sẽ dẫn đến rối loạn rụng trứng và gây khó thụ thai,
  • Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome: PCOS) thường không có hoặc hiếm khi có sự rụng trứng, do vậy khó thụ thai,
  • Phụ nữ suy buồng trứng nguyên phát (Primary Ovarian Insufficiency: POI), là tình trạng buồng trứng dừng hoạt động trước tuổi 40, giống như rơi vào mãn kinh sớm nên việc thụ thai không xảy ra,
  • Phụ nữ mắc chứng khiếm khuyết pha hoàng thể (Luteal Phase Defect: LPD), là tình trạng nội mạc tử cung không được chuẩn bị đầy đủ cho việc thụ thai, dẫn đến trứng được thụ tinh không thể làm tổ được và gây ra hiện tượng sẩy thai.
  • Phụ nữ có một số bệnh lý của cơ quan sinh sản như u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu gây tắt ống dẫn trứng… Các bệnh lý này khi kết hợp cùng với yếu tố phụ nữ ở độ tuổi trên 35 tuổi sẽ làm khó khăn hơn việc thụ thai (Mayo clinic, n.d.),  (NIOSH, n.d.)

Lối sống lành mạnh: thể hiện qua việc không hút thuốc lá, không nghiện rượu, kiểm soát tốt cân nặng, ăn uống đều độ, tập thể dục thường xuyên, điều chỉnh các áp lực tốt, phòng ngừa tốt các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, tránh tiếp xúc các hoá chất có hại (thuốc trừ sâu, chì, chất tẩy rửa công nghiệp…), tránh việc bị bạo hành…Khi phụ nữ giữ được một lối sống lành mạnh sẽ giúp tăng khả năng thụ thai (Office on women’s health, n.d.).

Đối với nam giới, các yếu tố sau đây giúp tăng khả năng thụ thai

Tuổi tác: Tuổi lý tưởng để thụ thai ở nam giới có giao động lớn hơn nữ giới là từ 18-60 tuổi. Khi đàn ông càng lớn tuổi, chất lượng, số lượng, hình dạng tinh trùng và hình bị thay đổi theo khuynh hướng giảm, một số tinh trùng bị đột biến gene … làm giảm khả năng thụ thai.

Không hút thuốc lá và không uống rượu: giúp cải thiện chất lượng tinh trùng

Không có các bệnh căn bản: các bệnh cụ thể như nhiễm trùng do lây lan qua đường tình dục (Sexually Transmitted Infections: STI), đái tháo đường, phẫu thuật trên tuyến tiền liệt hoặc có tiền căn chấn thương tinh hoàn… là các yếu tố làm giảm khả năng thụ thai

Môi trường sống trong lành, không có tiếp xúc chì hoặc thuốc trừ sâu: các yếu tố môi trường cũng làm tăng khả năng thụ thai (Beckman C et al., 2010), (NIOSH, n.d.)

Tài liệu tham khảo

  1. Office on women’s health (n.d.). Trying conceive. Retrieved on Septerm 16, 2021 from: https://www.womenshealth.gov/pregnancy/you-get-pregnant/trying-conceive 
  2. Mayo clinic (n.d.). Getting pregnant. Retrieved on September 16, 2021 from:https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/female-fertility/art-20045887 
  3. Beckman C et al. (2010). Obstetrics and Gynecology – ACOG, 6th edition. Chapter 33: Reproductive Cycle, page 303-308

Giáo dục kiến thức về sự thụ thai

Phụ nữ và đàn ông nên chuẩn bị đầy đủ cho sự mang thai, cần được cung cấp các kiến thức liên quan như sự thụ thai như thế nào, các yếu tố nào tốt cho việc thụ thai… Sự chuẩn bị này nên được thực hiện trước khi có thai tối thiểu 3 tháng. Do vậy, cả hai cần phải dừng các hoạt động được xem là ảnh hưởng xấu đến việc thụ thai, cụ thể như việc hút thuốc lá và tăng cường các hoạt động có lợi cho việc thụ thai, chẳng hạn như cần kiểm soát tốt cân nặng, điều chỉnh đúng và đủ loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh lý nền (nếu có).

Tốt nhất, cả hai vợ chồng (cặp đôi) nên đi khám kiểm tra, để bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm đánh giá sức khoẻ trước khi mang thai. Tại phòng khám “trước sinh” hoặc “trước khi mang thai”, bên cạnh việc kiểm tra sức khoẻ tổng quát, cả hai vợ chồng cũng được sàng lọc về các rối loạn liên quan di truyền thông qua việc hỏi về tiền căn bệnh lý di truyền trong gia đình. Dựa trên các yếu tố nguy cơ về di truyền, cặp vợ chồng có thể được chuyển đến chuyên gia tư vấn di truyền nếu có các vấn đề sau:

  • Trong gia đình có người mắc bệnh lý di truyền, di tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể, hoặc ung thư,
  • Đã có trên 2 lần bị thai lưu, hoặc từng có em bé bị chết sau sinh,
  • Đã sinh ra bé bị rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh, hoặc chậm phát triển trí tuệ,
  • Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên và có ý định mang thai,
  • Có kết quả xét nghiệm cho thấy có rối loạn di truyền,
  • Thuộc nhóm chủng tộc nguy cơ cao với một số bệnh lý di truyền,
  • Quan hệ hôn nhân cùng huyết thống (Office on women’s health, n.d.)

Đối với phụ nữ, có 5 việc quan trọng nên được thực hiện nhằm nâng cao sức khoẻ trước khi mang thai gồm:

  • Uống 400-800 microgram (hoặc 0.4-0.8mg) acid folic mỗi ngàykhi phụ nữ đang có ý định mang thai từ 3 tháng trước khi mang thai. Việc dùng acid folic làm giảm nguy cơ bất thường não và cột sống cho thai nhi, cụ thể là tật gai đôi cột sống
  • Không được hút thuốc và uống rượu
  • Nếu có bệnh lý nền, ví dụ thiếu máu mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, hoặc cường giáp…, phụ nữ nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo bệnh được kiểm soát tốt. Trên thực tế, một vài bệnh lý nền có thể ảnh hưởng xấu lên thai kỳ như hen suyễn, đái tháo đường, béo phì, động kinh, bệnh lý răng miệng… Nên hỏi bác sĩ trước về các thuốc đang sử dụng để điều trị bệnh lý nền có gây ảnh hưởng đến thai nhi hay không
  • Nếu chưa chích ngừa, cụ thể như chích ngưà viêm gan siêu vi B, Rubella, uốn ván…,  phụ nữ cần đi khám để xin được chủng ngừa trước khi mang thai. Nếu đã chích ngừa, cần kiểm tra lại nồng độ kháng thể có đủ số lượng để bảo vệ trong giai đoạn mang thai không. Ngoài ra, phụ nữ cần phải thực hiện phết mỏng cổ tử cung (Pap’s smear) trước khi mang thai và nên sàng lọc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STIs) kể cả HIV.
  • Nên trách tiếp xúc với các chất gây độc cho thai nhi như chì, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa công nghiệp. Nên tránh tiếp xúc hoá chất và phân chó, mèo… (Office on women’s health, n.d.), (British fertility society, n.d.), (NIOSH, n.d.)

Đối với đàn ông, cần thực hiện các bước sau đây trước khi người vợ hoặc bạn tình mang thai

  • Cùng thống nhất quyết định sẽ có con với vợ/bạn tình. Khi cả 2 vợ chồng đều mong muốn có thai, người đàn ông và phụ nữ sẽ có ý thức hơn việc chăm sóc sức khoẻ trong thai kỳ và tránh được các hành vi có hại cho thai nhi như xung đột, hút thuốc là và uống rượu,
  • Sàng lọc và điều trị (nếu có) các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục(STIs), để tác nhân gây nhiễm trùng không lây cho vợ/bạn tình,
  • Người đàn ông có thể cải thiện sức khoẻ sinh sảnbằng cách không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu hoặc các chất gây nghiện, chọn lựa các thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, và điều chỉnh phương cách sống và làm việc nhằm giảm stress. Các nghiên cứu cho thấy nếu đàn ông uống rượu nhiều, hút thuốc và dùng chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng của tinh trùng. Nếu đàn ông không thể bỏ thuốc lá, thì chỉ nên hút thuốc lá ở nơi riêng biệt để tránh ảnh hưởng bất lợi do việc hút thuốc lá thụ động cho vợ/bạn tình

Đàn ông làm việc trong môi trường có hoá chất hoặc chất độc, cần cẩn thận để không lây nhiễm cho người tiếp xúc (vợ/bạn tình). Ví dụ, nếu đàn ông làm việc trong môi trường có thuốc trừ sâu hoặc phân bón, cần phải tắm và thay quần áo dơ trước khi về nhà và tiếp xúc với vợ/bạn tình. Quần áo dơ phải được ngâm giặt riêng biệt với đồ mặc thông thường (Office on women’s health, n.d.), (British fertility society, n.d.), (NIOSH, n.d.).

Tài liệu tham khảo

  1. Office on women’s health (n.d.).Preconceptional health. Retrieved Septerm 16, 2021 from: https://www.womenshealth.gov/pregnancy/you-get-pregnant/preconception-health 
  2. British fertility society (n.d.). When are women and men most fertile? Retrieved on September 16, 2021 from:https://www.britishfertilitysociety.org.uk/fei/when-are-women-men-most-fertile/ 
  3. National Institute Occupational Safety and Health (NIOSH) (n.d.). Workplace hazards on Female reproductive health. Retrieved on September 15, 2021 from https://www.cdc.gov/niosh/docs/99-104/pdfs/99-104.pdf?id=10.26616/NIOSHPUB99104 

Phần 2: Ba mẹ khỏe mạnh và em bé khỏe mạnh

Phụ nữ khoẻ mạnh

Tất cả phụ nữ nếu được chăm sóc sức khoẻ tốt trước khi mang thai, sẽ ít gặp các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh ra đời một em bé khoẻ mạnh. Việc chăm sóc sức khoẻ trước khi mang thai, cũng sẽ giúp phụ nữ duy trì sự khoẻ mạnh trong suốt cuộc đời của họ.

Theo khuyến cáo từ hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn (Việt Nam), cũng như khuyến cáo từ tổ chức kiểm soát và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm (CDC, Mỹ), những phụ nữ chuẩn bị có thai cần nắm rõ các thông tin và thực hiện các tư vấn và một số xét nghiệm để đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khoẻ trước khi mang thai:

  • Nên lên kế hoạch mang thai, và đề ra các mục tiêu sức khoẻ cần đạt được,
  • Nên đi khám sức khoẻ trước khi mang thai để kiểm tra về
  •  Tình trạng bệnh lý có sẵn, đặc biệt là các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (Sexual Transmitted Infections: STIs) cụ thể là nhiễm trùng do lậu, giang mai, viêm gan siêu vi B, nhiễm Chlamydia, HIV…, đái tháo đường, tăng huyết áp, hoặc các bệnh lý mạn tính khác. Các phụ nữ đang dùng các thuốc điều trị bệnh, hoặc các thuốc gây nghiện cũng phải được kiểm tra và đánh giá kỹ trước khi mang thai (HDQG, n.d.), (CDC, n.d.),
  • Đánh giá về vaccin đã tiêm chủng và hiệu giá kháng thể hiện tại, đồng thời tiến hành chủng ngưà vaccin ngừa Rubella (vaccin MMR – sởi, quai bị, Rulbella) trươc khi mang thai. Cần lưu ý: Không để mang thai trong vòng 1 tháng sau khi chích vaccin MMR và phải kiểm tra kháng thể sau khi chích ngừa 1 tháng (CDC)
  • Uống 400 microgram acid folic mỗi ngày. Acid folic giúp sản xuất ra các tế bào trong cơ thể khoẻ mạnh, và giữ vai trò quan trọng trong dự phòng dị tật bẩm sinh ở não và cột sống của thai nhi nếu phụ nữ mang thai  (HDQG, n.d.), (CDC, n.d.).
  • Tại Việt Nam,theo hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn, tất cả các phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được tầy giun bằng albedazol, tiêm vaccine phòng ngừa uốn ván từ trước khi mang thai  (HDQG, n.d.)
  • Không hút thuốc, không uống rượu và không dùng các chất gây nghiện, vì các chất này không chỉ gây hại cho cơ thể người phụ nữ, mà còn gây dị tật thai nhi. Điều chỉnh các áp lực trong công việc, thay đổi môi trường sống hoặc môi trường làm việc nếu có tiếp xúc với hoá chất hoặc độc tố. (HDQG, n.d.), (CDC, n.d.).
  • Tránh tiếp xúc các độc chất từ nơi làm việc hoặc nơi sinh sống như các hoá chất tổng hợp, kim loại nặng, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, hoặc phân mèo… vì các chất này có thể gây tổn thương hệ thống sinh sản của cả phụ nữ và đàn ông (NIOSH, n.d.)
  • Duy trì cân nặng hợp lý, vì phụ nữ béo phì sẽ có nhiều nguy cơ bệnh lý tim mạch, đái tháo đường type 2, và một vài bệnh lý ung thư (ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư đại tràng). Ngược lại phụ nữ quá nhẹ cân cũng có nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Do vậy, cần duy trì cân nặng hợp lý thông qua việc tập thể dục đều đặn và chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng phù hợp (CDC, n.d.).
  • Cần tránh việc bạo hành xảy ra trong gia đình hoặc nơi làm việc bằng việc thông tin cho bác sĩ hoặc các tổ chức xã hội để được hỗ trợ (CDC, n.d.).
  • Nên tìm hiểu về tiền căn bệnh lý trong gia đình để bác sĩ có thể nhận biết các yếu tố nguy cơ bệnh lý trước khi mang thai, từ đó có kế hoạch điều trị cụ thể.
  • Nên giữ trạng thái tinh thần khoẻ mạnh, tránh các sự lo lắng, căng thẳng hoặc tình trạng stress kéo dài
  • Khi đã chuẩn bị cẩn thận và đầy đủ các việc cần thiết trước khi mang thai, phụ nữ đã sẵn sàng làm mẹ và có thể mang thai

Tài liệu tham khảo

  1. Centers for disease control and prevention (CDC) (n.d.). Vaccines before pregnancy. Retrieved on September 17, 2021 from:https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/vacc-before.html 
  2. National Institute Occupational Safety and Health (NIOSH) (n.d.). Workplace hazards on Female reproductive health. Retrieved on September 15, 2021 from: https://www.cdc.gov/niosh/docs/99-104/pdfs/99-104.pdf?id=10.26616/NIOSHPUB99104
  3. Centers for disease control and prevention (CDC) (n.d.). Preconception. Retrieved on September 17, 2021 from: https://www.cdc.gov/preconception/women.html 
  4. Hướng dẫn quốc gia về sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn (HDQG) (n.d.). Chăm sóc trước khi sinh. Retrived on September 20,2021 from: http://benhviendkkvdongthapmuoi.com/upload/news/doc/HuongDanQGSKSS_4620QD-BYT.pdf?AspxAutoDetectCookieSupport=1

Đàn ông khoẻ mạnh

Rất nhiều người cho rằng, việc chăm sóc sức khoẻ trước khi mang thai chỉ dành cho phụ nữ. Điều này là chưa đầy đủ vì đàn ông cũng cần được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định cùng vợ/bạn tình sinh con.  Sau đây là các bước quan trọng mà người đàn ông cần thực hiện để đảm bảo sức khoẻ khoẻ mạnh trước khi vợ chồng/cặp đôi quyết định mang thai:

  • Lên kế hoạch mang thai và đặt ra các mục tiêu sức khoẻ cần đạt được,
  • Phòng ngừa và điều trị các bệnh lây lan qua đường tình dục (STIs), đặc biệt các bệnh lý nhiễm trùng Chlamydia, lậu, viêm gan siêu vi B, HIV, Herpes virus…, vì các bệnh lý này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trên thai kỳ và thai nhi, hoặc gây ra vô sinh (CDC, n.d.),
  • Không hút thuốc lá, hạn chế dùng thuốc và các chất gây nghiện. Việc hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ra tử vong và tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ em và người trưởng thành. Các nghiên cứu ghi nhận có đến 20% phụ nữ mang thai hút thuốc lá thụ động có thể sinh bé nhẹ cân so với phụ nữ mang thai không hút thuốc lá thụ động. Việc dùng rượu và chất gây nghiện cũng là nguyên nhân gây vô sinh ở đàn ông (CDC, n.d.).
  • Nên cẩn thận khi tiếp xúc các độc chất tại nơi làm việc và khu vực sinh sống, vì các hoá chất tổng hợp, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, phân bón hoá học, phân sinh học có thể làm ảnh hưởng xấu lên hệ thống sinh sản của phụ nữ và đàn ông và làm việc thụ thai khó khăn hơn. Thậm chí, việc tiếp xúc với các độc chất này dù ở số lượng nhỏ trong giai đoạn mang thai, nhũ nhi, trẻ nhỏ, hoặc tuổi dậy thì có thể gây ra một vài bệnh lý. Cần phải biết cách tự bảo vệ bản thân và những người thân khỏi việc tiếp xúc các độc chất và các chất có hại khác tại nơi làm việc và tại khu vực sinh sống  (NIOSH, n.d.),
  • Nên tránh các yếu tố gây vô sinh (làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng) như đái tháo đường type 1,béo phì, nghiện rượu nặng, dùng thuốc gây nghiện và các dẫn xuất từ thuốc phiện, hút thuốc lá, các độc chất gây hại gồm thuốc xịt côn trùng, kim loại nặng (chì), các bệnh lý như quai bị, rối loạn nội tiết tố, bệnh lý thận, các thuốc điều trị bệnh (thuốc kê toa, không kê toa, và sản phẩm thảo dược), điều trị ung thư bằng xạ trị và hoá trị  (NIOSH, n.d.)
  • Nên duy trì thể trạng khoẻ mạnh và cân nặng phù hợp vì những người béo phì, hoặc thừa cân có nguy cơ cao mắc các bệnh nội khoa như đái tháo đường type 2, ung thư. Bên cạnh đó, việc béo phì làm tăng nguy cơ vô sinh nam. Đàn ông suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ về sức khoẻ nghiêm trọng. Do vậy, đàn ông cần tăng cường tập luyện thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ chất và đủ dinh dưỡng, kiểm soát tốt cân nặng phù hợp  (CDC, n.d.), (NIOSH, n.d.),
  • Nên tìm hiểu về tiền căn bệnh lý trong gia đình, vì điều này rất quan trọng cho thế hệ con. Ví dụ: nếu chị gái của người đàn ông bị bệnh tim bẩm sinh, hoặc chị họ bệnh hồng cầu hình cầu (sickle cell disease), con của người đàn ông đó có thể bị ảnh hưởng bệnh lý. Dựa trên tiền sử bệnh lý gia đình (như tiền căn thai lưu, con chết sau sinh hoặc khó có con), cặp vợ chồng (cặp đôi) có thể được tư vấn di truyền ở cấp độ chuyên sâu hơn  (CDC, n.d.),
  • Nên tránh các bạo hành, vì việc bạo hành có thể ảnh hưởng nặng nề trong cuộc sống của trẻ em và người trưởng thành. Những người sống sau giai đoạn bạo hành thường bị tổn thương tình cảm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến thể chất trong suốt cuộc đời. Việc bạo hành sẽ phá huỷ mối quan hệ gia đình  (CDC, n.d.),
  • Nên giữ tinh thần khoẻ mạnh. Tránh các lo lắng, kích thích, buồn bã, và stress kéo dài. Nếu tình trạng này không tự cải thiện, người đàn ông nên tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ và các tổ chức xã hội  (CDC, n.d.),
  • Nên hỗ trợ và động viên cho vợ/bạn tình. Chẳng hạn, nếu bạn tình/vợ cố gắng điều chỉnh chế độ ăn phù hợp để chuẩn bị có thai, đàn ông nên động viên và sát cánh cùng với cô ấy thực hiện điều đó, hoặc nếu cô ấy có bệnh lý nội khoa, đàn ông nên khuyến khích cô ấy đi khám sức khoẻ và tuân thủ chế độ điều trị  (CDC, n.d.).

Tài liệu tham khảo

  1. National Institute Occupational Safety and Health (NIOSH) (n.d.). Workplace hazards on Female reproductive health. Retrieved on September 15, 2021 from; https://www.cdc.gov/niosh/docs/96-132/
  2. Centers for disease control and prevention (CDC) (n.d.). Preconception. Retrieved on September 17,2021 from: https://www.cdc.gov/preconception/women.html 

Em bé khoẻ mạnh 

Một vài các hoá chất, virus, thuốc… có thể gây hại đến sức khoẻ sinh sản của phụ nữ, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt (ví dụ: carbon disulfide gây phá vỡ sự cân bằng của trục não bộ-tuyến yên buồng trứng làm cho mất cân bằng giữa estrogen và progesterone dẫn đến việc kéo dài kinh nguyệt và chậm trễ rụng trứng), sự thụ thai, thai lưu, dị tẩm bẩm sinh thai, trẻ sinh ra nhẹ cân và sinh non, rối loạn phát triển và ung thư trẻ em (ví dụ chất phóng xạ và tia X) (CDC, n.d.).

Các hoá chất có hại có thể xâm nhập vào cơ thể người phụ nữ qua đường không khí (hít thở), qua tiếp xúc trên da, qua đường ăn uống. Chẳng hạn như rượu, có thể qua máu người mẹ, truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến thai; hoặc các chất phóng xạ có thể qua cơ thể người mẹ làm hư hại trứng và ảnh hưởng đến thai nhi (CDC, n.d.). Cần lưu ý rằng, không phải phụ nữ nào khi tiếp xúc hóa chất độc hại cũng có thể bị ảnh hưởng xấu lên sức khoẻ, vì tuỳ thuộc vào số lượng chất độc gây hại, thời gian và cách thức họ tiếp xúc với các chất có hại cho sức khoẻ sinh sản.  Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm và phòng ngừa lây bệnh tại Mỹ (CDC) đã liệt kê các chất sau đây có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nếu họ tiếp xúc với các hóa chất như:

  • Thuốc điều trị ung thư (Methotrexate): Có thể gây ra vô sinh, thai lưu, dị tật bẩm sinh, bé nhẹ cân
  • Các hoá chất dẫn xuất từ ethylene glycol ethers gồm 2-ethoxyethanol (2EE) và 2-methoxyethanol (2ME): Có thể gây ra thai lưu
  • Carbon disulfide (CS2): Gây ra thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Chì (có trong các loại pin thông thường): Có thể gây ra vô sinh, thai lưu, trẻ nhẹ cân, rối loạn phát triển
  • Tia xạ (X-quang và tia gamma): gây ra vô sinh, thai lưu, dị tật bẩm sinh, trẻ nhẹ cân, rối loạn phát triển tâm thần, ung thư trẻ em
  • Lao động thể lực căng thẳng (đứng lâu, khuân vác nặng…): gây ra thai lưu vào giai đoạn cuối thai kỳ, sinh non (NIOSH, n.d.).

*Các loại virus và vi trùng có thể ảnh hưởng lên sức khoẻ của phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa nhiễm trùng ghi nhận bao gồm:

  • Cytomegalovirus (CMV) gây ra dị tật bẩm sinh, trẻ nhẹ cân, trẻ bị rối loạn phát triển
  • Virus viêm gan siêu vi B có thể gây ra tình trạng thai nhi nhẹ cân
  • Human Immuno-deficiency virus (HIV) gây ra thai nhi nhẹ cân, ung thư trẻ em
  • Human parvovirus B12 gây ra thai lưu
  • Rubella (Bệnh sởi Đức) gây ra dị tật bẩm sinh và trẻ nhẹ cân
  • Toxoplasmosis gây ra thai lưu, dị tật bẩm sinh, rối loạn phát triển
  • Thủy đậu gây ra dị tật bẩm sinh và trẻ sinh ra nhẹ cân (NIOSH, n.d.).

Trong trường hợp người phụ nữ phải làm việc ở môi trường có tiếp xúc hóa chất hoặc nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, họ cần phải hiểu về các chất hoặc tác nhân có hại ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ sinh sản của họ, và đặc biệt là phải biết cách thực hành đúng các dụng cụ bảo vệ cá nhân. Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo các yếu tố sau đây lại nơi làm việc:

  • Lưu trữ các hoá chất trong thùng chứa có dãn nhãn và niêm phong khi không dùng các hoá chất đó,
  • Rửa tay cẩn thận trước khi ăn, trước khi uống nước hoặc trước khi hút thuốc
  • Tránh để da tiếp xúc với hoá chất. Nếu da tiếp xúc hoá chất, cần tuân theo hướng dẫn chi tiết về việc tắm rửa và vệ sinh
  • Nên tìm hiểu thông tin về các hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ sinh sản tại nơi làm việc. Nếu phụ nữ lo lắng việc hoá chất tại nơi làm việc ảnh hưởng lên sức khoẻ sinh sản, cần đến gặp và tư vấn bác sĩ để làm rõ các lo lắng của họ, cũng như chỉ ra được các cách phòng ngừa hiệu quả.
  • Cần phòng ngừa việc lây nhiễm cho gia đình sau khi kết thúc thời gian làm việc trong ngày bằng cách:
    • Thay quần áo bị nhiễm và giặt với xà phòng và nước trước khi về nhà
    • Quần áo bị nhiễm phải giặt và phơi riêng trong khu làm việc để tránh lây nhiễm xung quanh
    • Giặt quần áo tại nơi làm việc tách riêng với các đồ giặt khác
    • Tránh mang quần áo bị nhiễm, hoặc các vật dụng khác từ nơi làm việc về nhà. Nếu phải mang quần áo về nhà, cần bọc quần áo này bằng trong túi nhựa và gói lại kỹ
  • Cần tham gia vào các buổi huấn luyện về an toàn và bảo vệ sức khoẻ, cũng như tuân theo các chương trình đánh giá sức khoẻ định kỳ tại nơi làm việc
  • Nên nghiêm túc học tập về cách thực hành làm việc, kiểm soát máy móc và động cơ và các dụng cụ bảo vệ cá nhân (găng tay, máy thở, dụng cụ bảo vệ cá nhân)  để có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với chất gây hại,
  • Tuân thủ nghiệm ngặt quy tắc an toàn sức khoẻ tại nơi làm việc, và các nội quy để phòng ngừa các ảnh hưởng có hại lên sức khoẻ sinh sản  (NIOSH, n.d.)

*Các yếu tố ảnh hưởng lên sức khoẻ sinh sản của đàn ông tại nơi làm việc

Mặc dù có nhiều nghiên cứu ghi nhận các tiếp xúc có hại trong môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản của đàn ông, tuy nhiên, các ảnh hưởng này không phải xảy ra ở tất cả người đàn ông. Các ảnh hưởng này tuỳ thuộc vào số lượng chất gây hại, thời gian ngắn hay dài, cách thức mà họ tiếp xúc, và còn tuỳ thuộc vào các yếu tố đề kháng của mỗi cá nhân.  Các chất có hại có thể đi vào cơ thể qua đường không khí (hít thở), qua da, hoặc qua đường ăn uống (nếu người đàn ông không rửa tay cẩn thận trước khi ăn, uống nước hoặc hút thuốc). Khi tiếp xúc trong môi trường làm việc, người đàn ông có thể mang theo về các chất độc gây ảnh hưởng lên sức khoẻ sinh sản của người vợ/bạn tình và ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé chưa sinh ra đời. Ví dụ, độc chất từ chì bám trên da, tóc, quần áo, túi dụng cụ của người đàn ông tại nơi làm việc, có thể gây ngộ độc chì trong gia đình và gây ra các ảnh hưởng có hại lên sự phát triển thần kinh của thai nhi.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh nhiễm trùng (CDC) đã đưa ra danh sách một số chất có hại tác động lên sức khoẻ sinh sản của người đàn ông bao gồm

  • Chì: làm giảm số lượng tinh trùng, làm bất thường hình dạng tinh trùng và thy đổi nội tiết tố sinh dục
  • Dibromochloropropane gây giảm số lượng tinh trùng
  • Carbaryl (Sevin) gây bất thường hình dạng tinh trùng
  • Toluenediamine and dinitrotoluene gây giảm số lượng tinh trùng
  • Ethylen Dibromide làm giảm số lượng tinh trùng, bất thường và thay đổi hình dạng tinh trùng
  • Sản xuất nhựa (styrene và acetone) gây ra bất thường hình dạng tinh trùng
  • Ethylene Glycol Monoethyl Ether gây ra giảm số lượng tinh trùng
  • Hàn sắt làm bất thường và thay đổi hình dạng tinh trùng
  • Perchloroethylene gây thay đổi hình dạng tinh trùng
  • Hơi thủy ngân làm thay đổi nội tiết tố sinh dục
  • Nhiệt (nóng)  và sóng radar quân đội làm giảm số lượng tinh trùng
  • KeponneKeponne* làm thay đổi hình dạng tinh trùng. Các nghiên cứu cho thấy một vài đàn ông bị ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ trong môi trường làm việc có hoá chất này, tuy nhiên, sự ảnh hưởng sức khoẻ này không luôn luôn xảy ra ở tất cả đàn ông vì tuỳ thuộc vào thời gian, số lượng và các đề kháng của mỗi cá nhân khi tiếp xúc với các chất gây hại
  • Hơi Bromine** làm giảm số lượng tinh trùng, thay đổi và bất thường hìnnh dạng tinh trùng. Nếu đàn ông tiếp xúc với nồng độ cao chất này được xem như là tai nạn lao động
  • Chất phóng xạ** (Chernobyl) gây giảm số lượng tinh trùng, thay đổi và bất thường hình dạng tinh trùng, và thay đổi nội tiết tố sinh dục
  • Carbon disulfide gây thay đổi nội tiết sinh dục
  • 2,4 Dichlorophenoxy làm thay đổi và bất thường hình dạng tinh trùng(NIOSH, n.d.)

Đàn ông nên thực hiện các bước sau để bảo vệ sức khoẻ sinh sản của họ và đảm bảo họ được an toàn trong môi trường làm việc:

  • Lưu trữ các hoá chất trong thùng chứa được dán nhãn và niêm phong khi không dùng các hoá chất,
  • Rửa tay cẩn thận trước khi ăn, trước khi uống nước hoặc trước khi hút thuốc,
  • Tránh để da tiếp xúc với hoá chất. Nếu da tiếp xúc hoá chất, cần tuân theo hướng dẫn chi tiết về việc tắm rửa và vệ sinh,
  • Nên có một sự hiểu biết rõ về các hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ sinh sản tại nơi làm việc,
  • Cần phòng ngừa việc lây nhiễm tại nhà bằng cách:
    • Thay quần áo bị nhiễm và giặt với xà phòng và nước trước khi về nhà,
    • Quần áo bị nhiễm phải giặt và phơi riêng trong khu làm việc để tránh lây nhiễm xung quanh,
    • Giặt quần áo tại nơi làm việc tách riêng với các đồ giặt khác,
    • Tránh mang quần áo bị nhiễm, hoặc các vật dụng khác từ nơi làm việc về nhà
  • Cần tham gia vào các buổi huấn luyện về an toàn và bảo vệ sức khoẻ, cũng như tuân theo các chương trình đánh giá sức khoẻ định kỳ tại nơi làm việc,
  • Nên nghiêm túc học tập về cách thực hành làm việc, kiểm soát máy móc và động cơ và các dụng cụ bảo vệ cá nhân (găng tay, máy thở, dụng cụ bảo vệ cá nhân)  để có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với chất gây hại,
  • Tuân thủ nghiệm ngặt quy tắc an toàn sức khoẻ tại nơi làm việc, và các nội quy để phòng ngừa các ảnh hưởng có hại lên sức khoẻ sinh sản  (NIOSH, n.d.)

Tài liệu tham khảo

  1. National Institute Occupational Safety and Health (NIOSH) (n.d.). Workplace hazards on Female reproductive health. Retrieved on September 15, 2021 from: https://www.cdc.gov/niosh/docs/96-132/
  2. National Institute Occupational Safety and Health (NIOSH) (n.d.). Workplace hazards on Female reproductive health. Retrieved on September 15, 2021 from: https://www.cdc.gov/niosh/docs/99-104/pdfs/99-104.pdf?id=10.26616/NIOSHPUB99104
  3. Centers for disease control and prevention (CDC) (n.d.). Preconception. Retrieved on September 17, 2021 from: https://www.cdc.gov/preconception/women.html 

Phần 3: Tuổi tác và sự thụ thai

Sự thụ thai thay đổi theo tuổi

Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể thụ thai từ sau tuổi dậy thì. Đối với bé gái, giai đoạn hoạt động sinh sản được đánh dấu bằng sự bắt đầu rụng trứng và có kinh. Do vậy, khả năng hoạt động sinh sản của phụ giảm đi khi phụ nữ trở nên lớn tuổi vì khi ấy buồng trứng đã suy giảm chức năng tạo nang noãn cũng như rụng trứng, và sự thụ thai kết thúc từ 5-10 năm trước khi mãn kinh.

Hiện nay, vô sinh liên quan đến tuổi ngày càng phổ biến, vì do nhiều lý do, trong đó lý do liên quan đến chờ đợi một cuộc sống ổn định về mặt kinh tế và xã hội là một trong các lý do thường gặp nhất hiện nay. Chẳng hạn, nhiều phụ nữ chờ đợi đến tuổi 30 mới lập gia đình, mặc dù sức khoẻ của họ tốt và họ cũng biết cách chăm sóc sức khoẻ bản thân, tuy nhiên, việc cải thiện sức khoẻ khi tuổi đã lớn vẫn ảnh hưởng đến sự thụ thai của họ. Nguyên nhân chính là do sự giảm số lượng trứng trong buồng trứng của người phụ nữ, và điều này có thể xảy ra trước khi các phụ nữ nhận biết đến điều này.

Khi mới sinh ra, bé gái có một số lượng trứng chưa trưởng thành trong buồng trứng (khoảng 1 triệu nang noãn), và số lượng này giảm dần theo tuổi. Đến khi dậy thì, số lượng nang noãn giảm còn 300,000, và có 300 nang noãn rụng trứng trong suốt tuổi hoạt động sinh sản. Đến 37 tuồi, số lượng trứng còn khoảng 25,000. Khi đến tuổi 51, vào mãn kinh, họ còn khoảng 1,000 trứng chưa trưởng thành và trứng này không thể thụ thai. Phần lớn các nang noãn không được chọn lọc để rụng trứng sẽ trải qua quá trình thoái triển (atresia). Việc thoái triển nang noãn là tiến trình xảy ra không liên quan đến tình trạng có thai, hay có chu kỳ kinh bình thường, hoặc dùng thuốc tránh thai hay ngay cả khi đang điều trị vô sinh. Các phụ nữ hút thuốc cho thấy diễn tiến đến mãn kinh sớm hơn 1 năm so với các phụ nữ không hút thuốc (ASRM, 2012)

sự thụ tinh và tuổi tác

sự thụ tinh và tuổi tác

Hình 1: Sư thụ tinh và tuổi tác (BFS, n.d.)

Đàn ông dưới 40 tuổi có cơ hội có con tốt hơn sau 45 tuổi vì chất lượng tinh trùng sẽ giảm dần khi đàn ông càng lớn tuổi  (sau 45 tuổi). Phần lớn đàn ông sản xuất hàng triệu tinh trùng mới mỗi ngày, nhưng sau tuổi 40 số lượng tinh trùng khỏe mạnh sẽ ít hơn đàn ông trẻ tuổi. Số lượng tinh dịch (dịch chứa tinh trùng) và sự di chuyển của tinh trùng (để gặp trứng) sẽ giảm dần từ 20-80 tuổi (ASRM, 2012). Phụ nữ thụ thai với đàn ông lớn tuổi (trên 40 tuổi), nguy cơ thai lưu cao hơn khi họ kết hôn với đàn ông ở độ tuổi 25 (ASRM, 2012), (BFR, n.d.).

Sự thụ tinh ở phụ nữ lớn tuổi

Giai đoạn thụ tinh tốt nhất ở phụ nữ là khi họ trong độ tuổi 20-29. Sự thụ tinh giảm dần khi phụ nữ đạt đến tuổi 30, đặc biệt khả năng mang thai giảm mạnh sau tuổi 35. Mỗi tháng, một phụ nữ khoẻ mạnh tuổi 30 có khoảng 20% cơ hội có thai. Điều này có nghĩa là trong 100 phụ nữ khoẻ mạnh tuổi 30 cố gắng để có thai trong 1 chu kỳ, chỉ có 20 phụ nữ có thai và 80 phụ nữ còn lại thất bại với việc đậu thai. Đến tuổi 40, cơ hội thụ thai của phụ nữ còn thấp hơn tuổi 30, chỉ còn 5% trong 1 chu kỳ, có nghĩa là có ít hơn 5 phụ nữ  40 tuổi có thể thụ thai trên 100 phụ nữ. Mặc dù độ tuổi trung bình của phụ nữ rơi vào mãn kinh ở độ tuổi 51, nhưng phần lớn họ không thể có thụ thai ở độ tuổi 45- 48. Tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng thụ thai nêu trên đúng với việc thụ thai tự nhiên và cả thụ tinh ống nghiệm (in vitro fertilization-IVF). Do khi lớn tuổi, chất lượng và số lượng trứng dần dần giảm sút và khả năng thụ thai của phụ nữ cũng suy giảm theo  (ASRM, 2012), (BFR, n.d.).

Sự thụ tinh ở đàn ông lớn tuổi

Không giống như khả năng thụ thai giảm sớm ở phụ nữ vào độ tuổi 35 trở lên, đàn ông sụt giảm chất lượng và số lượng tinh trùng muộn hơn vào sau độ tuổi 60. Khi đàn ông lớn tuổi, tinh hoàn thường nhỏ và mềm hơn, hình dạng tinh trùng và sự di chuyển của tinh trùng cũng giảm. Bênh cạnh đó, các khiếm khuyến về di truyền (gene) trên tinh trùng cũng gia tăng cùng với sự gia tăng tuổi đàn ông. Đồng thời, đàn ông lớn tuổi thường có các vấn đề về nội khoa gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và hoạt động tình dục của họ. Nếu đàn ông có các vấn đề về rối loạn cương hoặc giảm ham muốn tình dục (libido), họ nên đi khám bác sĩ niệu khoa. Việc giảm libido có thể liên quan đến giảm nồng độ testosterone  (ASRM, 2012), (BFR, n.d.).

Chất lượng trứng

Chất lượng trứng suy giảm rõ rệt khi phụ nữ bước vào tuổi 40, và sự thay đổi chất lượng trứng quan trọng nhất được quan sát là bất thường di truyền (gọi là lệch bội – aneuploidy) biểu hiện bằng quá nhiều hoặc quá ít nhiễm sắc thể trong trứng. Khi thụ tinh, trứng bình thường chứa 23 nhiễm sắc thể sẽ kết hợp với 23 nhiễm sắc thể của tinh trùng tạo thành phôi bình thường có 46 nhiễm sắc thể. Ở các phụ nữ lớn tuổi, sẽ có nhiều trứng trong tình trạng mang rất ít nhiễm sắc thể hoặc rất nhiều nhiễm sắc thể, dẫn đến phôi thai có rất nhiều hoặc rất ít nhiễm sắc thể. Một số phôi thai có dư 1 nhiễm sắc thể thứ 21 gọi là Hội chứng Down. Phần lớn phôi thai có rất nhiều hoặc rất ít nhiễm sắc thể sẽ bị chết lưu. Điều này giải thích tại sao khi phụ nữ lớn tuổi, cơ hội mang thai thấp hơn và nguy cơ thai lưu cao hơn  (ASRM, 2012), (BFR, n.d.).

Số lượng trứng

Sự giảm số lượng trứng chứa nang noãn trong buồng trứng gọi là “mất dự trữ buồng trứng” (loss of ovarian reserve). Phụ nữ bị mất dự trữ buồng trứng sẽ bị vô sinh và bị dừng chu kỳ kinh nguyệt. Khi dự trữ buồng trứng bị giảm, các nang noãn trở nên ít nhạy cảm với sự kích thích của FSH (Follicular Simulating Hormone), do đó sẽ cần nhiều kích thích hơn để nang noãn trưởng thành và rụng trứng. Đầu tiên, chu kỳ kinh sẽ gần nhau hơn với khoảng cách từ 21-25 ngày. Dần dần, nang noãn không thể đáp ứng đủ tốt với kích thích từ FSH để rụng trứng, dẫn đến chu kỳ kinh dài và không đều. Sự giảm dự trữ buồng trứng thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, do sự mất trứng tự nhiên khi lớn tuổi và sự giảm chất lượng trứng. Tuy nhiên, ở các phụ nữ trẻ hút thuốc hoặc gia đình có tiền căn mãn kinh sớm, và trước đó có phẫu thuật buồng trứng cũng sẽ có sự giảm dự trữ buồng trứng. Một số phụ nữ trẻ cũng xuất hiện sự giảm dự trữ buồng trứng mà không biết yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này (ASRM,2012), (BFR, n.d.) 

Có một số xét nghiệm giúp đánh giá dự trữ buồng trứng, nhưng không cho thấy các xét nghiệm này có thể đánh giá khả năng có thai. Các xét nghiệm đo FSH ngày thứ 3, antimullerian hormone (AMH), và xét nghiệm estrogen vào ngày thứ 2-3-4 trong chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, nếu FSH cao hoặc estrogen giảm chứng tỏ dự trữ buồng trứng giảm. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng vẫn có nồng độ FSH bình thường vào ngày 3, do vậy xét nghiệm FSH không đặc hiệu về việc đánh giá dự trữ buồng trứng bình thường. Các xét nghiệm khác như kích thích bằng clomiphene citrate (clomiphene citrate challenge test), và siêu âm đếm số nang noãn (antral follicle count: AFC) cũng được dùng để đánh giá dự trữ buồng trứng  (ASRM, 2012), (BFR, n.d.).

Tài liệu tham khảo

  1. Associate between female and male age and fecundability, fitted by restricted cubic splines, PRESTO 2013-2017
  2. American Society for Reproductive Medicine  (ASRM) (2012). Age and Fertility. Retrived on September 24, 2021 from: https://www.reproductivefacts.org/globalassets/rf/news-and-publications/bookletsfact-sheets/english-fact-sheets-and-info-booklets/Age_and_Fertility.pdf 
  3. British Fertility Society (BFS) (n.d). At what age does fertility begin to decrease. Retrieved on September 24, 2021 from: https://www.britishfertilitysociety.org.uk/fei/at-what-age-does-fertility-begin-to-decrease/
  4. Van Noord-Zaadstra et al. (1991). Delaying childbearing: effect of age on fecundity and outcome of pregnancy. BMJ 1991 Jun 8;302(6789):1361-5 Your infertility (n.d). Understanding how to improve your chance of having a baby. Retrieved on September 24, 2021 from: https://www.yourfertility.org.au/everyone/age
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích