menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

U sọ hầu ở trẻ em: Phương pháp điều trị

user

Ngày:

07/12/2019

user

Lượt xem:

327

Bài viết thứ 02/09 thuộc chủ đề “U sọ hầu ở trẻ em”

Biên dịch: Nguyễn Anh Tuấn

Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu

Bài viết này giới thiệu về các phương pháp điều trị khác nhau được bác sĩ sử dụng để điều trị cho các bệnh nhi mắc u sọ hầu. Sử dụng menu để xem các bài viết khác.

Nhìn chung, trẻ em thường ít bị mắc các bệnh lý liên quan đến khối u. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc lập kế hoạch điều trị, vì họ không biết phương pháp nào đem lại hiệu quả cao nhất. Đó là lý do tại sao hơn 60% trẻ mắc ung thư được điều trị như một phần của thử nghiệm lâm sang (một nghiên cứu y khoa nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới). “Điều trị chuẩn” là phương pháp điều trị tốt nhất được biết đến. Các thử nghiệm lâm sàng giúp kiểm nghiệm hiệu quả của các phương pháp điều trị như áp dụng một loại thuốc mới, sự kết hợp mới của các phương pháp điều trị tiêu chuẩn hoặc liều mới của các liệu pháp đang được sử dụng. Sức khỏe và sự an toàn của tất cả trẻ em tham gia thử nghiệm lâm sàng sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Để tận dụng các phương pháp điều trị u não tiên tiến, bệnh nhi mắc bệnh nên được điều trị tại một trung tâm y tế chuyên về nhi khoa. Các bác sĩ tại đây có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị cho trẻ bị u não cũng như được tiếp cận với công nghệ y khoa tiên tiến nhất. Một bác sĩ chuyên điều trị các bệnh lý khối u ở trẻ được gọi là bác sĩ ung bướu nhi. Một bác sĩ chuyên điều trị cho trẻ em bị u não được gọi là bác sĩ ung thư thần kinh nhi khoa. Nếu nhà bạn không gần một trung tâm điều trị nhi khoa nào, bạn có thể đưa bé đến khám tại các trung tâm ung bướu tổng quát, vì đôi khi ở đó cũng có các chuyên gia nhi khoa có thể chăm sóc sức khỏe cho bé.

Tổng quan về điều trị

Trong nhiều trường hợp, một nhóm các bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, được gọi là đội ngũ đa ngành, sẽ làm việc với bệnh nhi và gia đình. Các trung tâm điều trị nhi khoa thường có các dịch vụ hỗ trợ thêm như chuyên gia đời sống trẻ em, chuyên gia điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, các nhà vật lý trị liệu cơ năng và thực thể, nhân viên xã hội và nhân viên tư vấn. Tại đây cũng có các hoạt động và chương trình đặc biệt hỗ trợ cho bệnh nhi và gia đình.

Tỷ lệ điều trị thành công u sọ hầu khá cao. Các lựa chọn điều trị được liệt kê ở bên dưới. Kế hoạch điều trị phụ thuộc vào việc khối u có thể cắt bỏ hoàn toàn được hay không. Nếu khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn, các bác sĩ thường lựa chọn xạ trị. Tuy nhiên, cần xem xét tác dụng phụ của xạ trị để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Vì liệu pháp này có thể gây ra các vấn đề về học tập và trí nhớ vĩnh viễn cho trẻ nhỏ. Xạ trị cũng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất và làm giảm nồng độ các hormone cần thiết cho cơ thể của trẻ.

Một vài phương pháp điều trị đang được nghiên cứu ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dành cho những bệnh nhân không thể cắt bỏ hoàn toàn khối u, nhưng cũng không muốn tiến hành xạ trị. Thử nghiệm lâm sàng là một nghiên cứu nhằm tìm ra một phương pháp điều trị mới. Trao đổi với bác sĩ về việc tham gia các thử nghiệm lâm sàng có thể là một lựa chọn điều trị cho con bạn.

Dành thời gian để tìm hiểu về tất cả các phương pháp điều trị hiện có, và hãy đặt thật nhiều câu hỏi về những điều bạn chưa hiểu rõ. Trao đổi với bác sĩ về các mục tiêu của mỗi phương pháp điều trị và điều mà con bạn có thể kỳ vọng đạt được ở mỗi phương pháp. Bác sĩ và bạn sẽ cùng nhau trao đổi và bàn bạc, được gọi là “trao đổi nhằm đưa ra quyết định”, nhằm lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất cho trẻ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được chỉ định cho u sọ hầu, được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật thần kinh là các  chuyên gia phẫu thuật loại bỏ các khối u não.

Mục tiêu của phẫu thuật là chẩn đoán xác định và cắt bỏ càng nhiều khối u càng tốt. Phẫu thuật có thể thực hiện cho khoảng 70% đến 85% số trẻ em mắc bệnh.

Biến chứng của phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí của khối u. Phẫu thuật có thể làm tổn thương các vùng não gần khối u, ảnh hưởng đến chức năng nội tiết, trao đổi chất, thị lực, cử động tay chân hoặc ý thức. Đôi khi, khối u có thể chèn ép vào các mạch máu lớn hoặc  giao thoa thị giác, là một vùng não có vai trò kiểm soát thị giác. Những trường hợp này có thể gây khó khăn cho việc phẫu thuật. Ngoài ra, đối với một số khối u không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật do nằm ở các vị trí khó, các bác sĩ chỉ có thể cắt bỏ một phần nhỏ của khối u để sinh thiết (xem mục Chẩn đoán). Trong những trường hợp không thể phẫu thuật như vậy, bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị khác.

Các bác sĩ có thể đề nghị một số điều trị bổ sung sau phẫu thuật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị u sọ hầu được phẫu thuật cắt bỏ một phần khối u kết hợp thêm xạ trị có thời gian sống sau phẫu thuật tương đương với những người được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Ngoài ra, họ cũng thường ít gặp phải biến chứng như béo phì, thay đổi nội tiết, đột quỵ, chảy máu nghiêm trọng hoặc tổn thương vùng dưới đồi.

Trước khi phẫu thuật, hãy hỏi đội ngũ chăm sóc sức khỏe của trẻ về các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật. Tìm hiểu thêm về những kiến thức cơ bản của phẫu thuật tại đây.

Xạ trị

Xạ trị là liệu pháp sử dụng tia X cường độ cao hoặc các dạng tia khác để tiêu diệt các tế bào ung thư.  Bác sĩ chuyên về xạ trị để điều trị khối u được gọi là bác sĩ ung thư xạ trị. Loại xạ trị được dùng để điều trị nhất là xạ trị chùm tia ngoài, là phương pháp xạ trị được thực hiện từ một máy đặt bên ngoài cơ thể. Vì xạ trị có thể  ảnh hưởng đến sự phát triển của não trẻ, nên bác sĩ cần sử dụng các kỹ thuật lập kế hoạch điều trị tiên tiến để giảm lượng phóng xạ đến các vùng não khỏe mạnh

Xạ phẫu là một phương pháp giúp đưa một liệu pháp xạ trị liều cao duy nhất vào khối u mà không làm ảnh hưởng đến các vùng não khác. Kỹ thuật này sử dụng một khung đầu để các bác sĩ biết chính xác vị trí thực hiện xạ phẫu. Loại xạ trị này thường được sử dụng cho các bệnh nhận mắc u sọ hầu tái phát (xem bên dưới).

Tác dụng phụ ngắn hạn của xạ trị gồm mệt mỏi, phản ứng da nhẹbuồn nôn. Chúng sẽ biến mất ngay sau khi điều trị kết thúc. Các tác dụng phụ kéo dài hơn như rụng tóc, giảm khả năng học tập,  giảm nồng độ hormone, tăng cân và  suy giảm trí nhớ. Trao đổi với bác sĩ để biết về các tác dụng phụ ngắn hạn cũng như dài hạn mà con bạn có thể gặp.

Tìm hiểu thêm về những kiến thức cơ bản về xạ trị.

Ảnh hưởng về thể chất, tinh thần và xã hội của việc điều trị

U sọ hầu và việc điều trị thường gây ra một số tác dụng phụ trên cơ thể cũng như ảnh hưởng đến tinh thần, xã hội và tài chính. Ngoài các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, dừng sự tiến triển hoặc loại bỏ khối u, một phần quan trọng của việc chăm sóc là làm giảm các triệu chứng và các tác dụng phụ cho bệnh nhân. Đây được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ bao gồm chăm sóc các nhu cầu về thể chất, cảm xúc và xã hội cho bệnh nhân.

Chăm sóc giảm nhẹ là các phương pháp điều trị giúp làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như hỗ trợ cho bệnh nhân và gia đình. Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác hay loại khối u, đều có thể được chăm sóc giảm nhẹ. Để đạt hiệu quả tốt nhất, chăm sóc giảm nhẹ cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị. Trên thực tế, những bệnh nhân nhận được cả hai phương pháp điều trị cùng một lúc thường phục hồi nhanh hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và hài lòng hơn với điều trị.

Có nhiều phương pháp chăm sóc giảm nhẹ khác nhau, bao gồm dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, các kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và các liệu pháp khác. Hãy trao đổi với bác sĩ để nắm rõ mục tiêu của từng phương pháp điều trị trong kế hoạch điều trị cho trẻ.

Trước khi điều trị, bạn nên trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khỏe về các tác dụng phụ của kế hoạch điều trị và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ có thể áp dụng. Trong và sau khi điều trị, hãy báo với bác sĩ hoặc một thành viên khác của đội ngũ chăm sóc sức khỏe nếu trẻ đang gặp vấn đề để có biện pháp giải quyết kịp thời. Tìm hiểu thêm về chăm sóc giảm nhẹ.

Khả năng tái phát hay nặng thêm của khối u

“Không có bằng chứng của bệnh” hay NED là trường hợp không quan sát thấy khối u trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI). Tâm lý lo sợ khối u tái phát khiến bệnh nhân và gia đình lo lắng. Mặc dù tỷ lệ khối u tái phát thấp, nhưng bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về khả năng tái phát của trẻ. Hiểu được nguy cơ tái phát và các lựa chọn điều trị có thể giúp bạn và gia đình có sự chuẩn bị tốt hơn nếu điều đó xảy ra. Tìm hiểu kĩ hơn về cách đối phó với nỗi sợ khối u tái phát.

Khối u tái phát là tình trạng khối u xuất hiện hay phát triển trở lại sau đợt điều trị ban đầu. U sọ hầu thường tái phát tại vị trí ban đầu (tái phát tại chỗ) hoặc lân cận (tái phát vùng).

Khi phát hiện tái phát, một loạt các xét nghiệm sẽ được thực hiện để đánh giá tình trạng hiện tại của trẻ. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ cho bạn biết về các lựa chọn điều trị cho trẻ. Thông thường kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên như phẫu thuật và/hoặc xạ trị. Tuy nhiên, một loại xạ trị thường không thể sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, còn có nghiên cứu về phương pháp điều trị mới trong các thử nghiệm lâm sàng, đối với trẻ em bị u sọ hầu tái phát hoặc diễn tiến xấu. Trao đổi với bác sĩ để đánh giá xem đó có thể là một lựa chọn cho trẻ hay không. Cho dù chọn phương án điều trị nào, thì chăm sóc giảm nhẹ vẫn đóng vai trò quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Trong trường hợp khối u tái phát hoặc diễn tiến xấu, mặc dù đã được điều trị, bệnh nhân và gia đình thường cảm thấy hoài nghi hoặc sợ hãi.  Khi đó, bạn nên trò chuyện với đội ngũ chăm sóc sức khỏe để trình bày những thắc mắc và lo lắng, cũng như biết thêm các dịch vụ hỗ trợ trong tình huống này. Tìm hiểu nhiều hơn về cách xử trí khi khối u của trẻ tái phát.

Nếu quá trình điều trị không đem lại hiệu quả

Mặc dù tỷ lệ điều trị thành công u sọ hầu ở trẻ khá cao, song vẫn có những trường hợp thất bại. Nếu khối u của bệnh nhi không thể được chữa khỏi hay không thể kiểm soát, đây được gọi là khối u tiến triển hoặc khối u giai đoạn cuối. Chẩn đoán này khiến gia đình căng thẳng, cũng như cảm thấy khó khăn để trao đổi với bác sĩ. Tuy nhiên, bạn cần có các cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực với bác sĩ và nhóm chăm sóc sức khỏe của trẻ để bày tỏ cảm xúc, mong muốn và quan tâm của gia đình. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe luôn sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân, và nhiều thành viên trong nhóm có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để giảm nhẹ nỗi đau cho bệnh nhân và gia đình.

Chăm sóc an dưỡng cuối đời được thiết lập nhằm mang lại chất lượng sống tốt nhất cho những bệnh nhân có tiên lượng chỉ sống được dưới 6 tháng. Bố mẹ và người giám hộ cần trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khỏe để biết về các lựa chọn an dưỡng cuối đời, bao gồm chăm sóc cuối đời tại nhà, tại trung tâm an dưỡng cuối đời đặc biệt hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe khác. Chăm sóc điều dưỡng và thiết bị y tế đặc biệt giúp nhiều gia đình có thể thực hiện an dưỡng cuối đời cho trẻ tại nhà. Một số trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu được đi học bán thời gian hoặc duy trì các hoạt động và những sự kết nối xã hội khác. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe của trẻ có thể giúp cha mẹ hoặc người giám hộ quyết định mức độ hoạt động phù hợp cho trẻ. Đảm bảo cho trẻ thoải mái về thể chất cũng như không bị đau là một phần vô cùng quan trọng của chăm sóc an dưỡng cuối đời. Tìm hiểu nhiều hơn về cách chăm sóc cho một đứa trẻ bị ung thư giai đoạn cuốikế hoạch chăm sóc chuyên biệt.

Sự ra đi của một đứa trẻ là một mất mát rất lớn và các gia đình cần nhận được hỗ trợ để giúp họ vơi đi nỗi đau này. Các trung tâm điều trị nhi khoa thường có các nhân viên chuyên nghiệp và các nhóm hỗ trợ để giúp xoa dịu nỗi đau cho các gia đình. Tìm hiểu thêm về nỗi đau khi phải vĩnh biệt đứa con thân yêu.

Phần tiếp theo trong hướng dẫn này nói về các Thử nghiệm lâm sàng, cung cấp thông tin về các nghiên cứu đã được tiến hành để tìm ra những cách hiệu quả hơn trong việc chăm sóc bệnh nhân bị u não. Bạn có thể sử dụng menu để đọc một phần khác trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/craniopharyngioma-childhood/types-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích