menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thức uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, thanh quản và hầu họng

user

Ngày:

03/07/2014

user

Lượt xem:

212

Bài viết thứ 02/09 thuộc chủ đề “Phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư”

Ung thư vùng đầu – cổ (bao gồm ung thư khoang miệng, thanh quản và hầu họng) có chung nhiều yếu tố nguy cơ đã được biết đến như thuốc lá, nghiện rượu, vi rút gây u nhú ở người (HPV-Human Papilloma Virus), vệ sinh răng miệng kém, phơi nhiễm do nghề nghiệp (tham khảo thêm các bài về ung thư đầu cổ)… Gần đây, kết quả tổng hợp từ các nghiên cứu trong thời gian dài chứng minh rằng thức uống có cồn cũng góp phần làm tăng nguy cơ của nhóm bệnh lý này. Một kết luận không mới, nhưng đầy đủ và thuyết phục để mọi người có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của bản thân. Nhất là tại Việt Nam, nơi mà các quán “nhậu” rất phổ biến, “nhậu” trở thành một thói quen, một nét văn hóa ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói riêng và nước ta nói chung. Quan niệm “bàn nhậu” là nơi để bàn bạc công việc, hợp tác kinh doanh, và sự du nhập nhiều loại thức uống quốc tế thịnh hành trong giới trẻ hiện nay.

Thức uống có cồn là gì?

Thức uống có cồn là từ dùng để chỉ tất cả các loại thức uống (được lên men, chưng cất hay pha chế) mà trong thành phần có chứa rượu ethylic hay ethanol (C2H5OH) với nồng độ khác nhau, bao gồm cả các loại bia, rượu vang, rượu nặng trên thị trường hiện nay, cũng như các loại cocktails được pha chế từ rượu (vodka, rum, whisky,…)…

Trong bài viết này, xin quy ước một số thuật ngữ để tránh gây nhầm lần cho độc giả. Từ “cồn” dùng để chỉ hợp chất ethanol (C2H5OH), dân gian thường gọi là “rượu”. Và “uống rượu” bao gồm việc sử dụng tất cả các sản phẩm có chứa cồn.

Hình 1. Các loại thức uống chứa cồn có khả năng gây ung thư vùng đầu cổ.

Ảnh hưởng của cồn đối với sức khoẻ

Tính hai mặt của cồn

So với thuốc lá – một yếu tố nguy cơ hoàn toàn có hại cho sức khỏe, ngược lại, cồn được xem là “con dao hai lưỡi” khi tác động đến cuộc sống của con người. Điều này tùy thuộc vào cách thức và liều lượng cồn được sử dụng.

Ở các nước phương Tây, rượu vang là một đặc sản được biết đến từ lâu, là một thức uống khai vị không thể thiếu trong các bữa ăn truyền thống. Việc sử dụng một lượng rượu vang hợp lý mỗi ngày, nhất là đối với người lớn tuổi, đã được chứng minh có tác dụng trong việc phòng chống một số bệnh lý về tim mạch.

Tại Ai Cập, người ta vẫn lưu truyền bài thuốc về sự trường sinh – rượu tỏi, được cho là lý do để giải thích hiện tượng nước này vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20 là một nước nước nghèo, khí hậu sa mạc khắc nghiệt, nhưng sức khỏe chung của người dân lại vào loại tốt, ít bệnh tật, tuổi thọ trung bình tương đối cao vì hầu như nhà nào cũng có một chai rượu tỏi. Tại Việt Nam, các loại rượu thuốc ngâm thảo dược hay động vật cũng được biết đến với tác dụng điều trị một số bệnh lý về xương khớp, cường dương, bổ thận…

Trong khi đó, theo kết quả tổng hợp năm 2007 từ nhiều nghiên cứu được tiến hành trong thời gian dài của Viện nghiên cứu quốc tế về ung thư (International Agency for Research on Cancer) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêu thụ cồn với số lượng lớn và trong thời gian dài làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng, thanh quản và hầu họng.

Năm 2011, tổng quan của tác giả Pelucchi cũng có cùng kết luận. Đối với những người nghiện rượu nặng (tiêu thụ từ 4-5 đơn vị tiêu chuẩn/ngày) (1 đơn vị tiêu chuẩn (units of alcohol) tương đương 10 gam cồn (ethanol) nguyên chất) có nguy cơ mắc các loại ung thư này gấp 2,5-5 lần so với người không sử dụng thức uống chứa cồn. Tuy nhiên, đối với những người tiêu thụ lượng cồn ớ mức trung bình (1 đơn vị tiêu chuẩn/ngày) chỉ tăng nguy cơ mắc ung thư đầu cổ khoảng 20-30%.

Mặt khác, cần chú ý rằng nguy cơ mắc ung thư vẫn hiện diện ở những người đã từng tiêu thụ nhiều cồn trước đó. Cụ thể, đối với những người nghiện rượu đã ngưng sử dụng rượu và thức uống có cồn trong vòng 10 năm, nguy cơ mắc ung thư đầu cổ chỉ giảm 20%, và hiển nhiên vẫn cao hơn so với người không uống rượu.

Cơ chế gây ung thư của cồn

Theo Viện nghiên cứu quốc tế về ung thư, cồn tác động lên quá trình phát triển ung thư bằng nhiều cách khác nhau. Một vài phân tử trong cồn như acetaldehyde có khả năng gây ung thư. Cồn cũng tạo nhiều gốc tự do, những phân tử này gây độc cho cơ thể nếu tồn tại với số lượng lớn. Việc tiêu thụ nhiều cồn cũng dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng (do giảm khả năng tiêu hóa, ít tiêu thụ thức ăn như rau, củ, quả) – một yếu tố thuận lợi cho ung thư phát triển. Cuối cùng, cồn làm suy giảm hệ thống miễn dịch có khả năng chống lại các yếu tố gây ung thư khác và làm tăng khả năng di căn khối u.

Vai trò kết hợp của cồn và thuốc lá trong bệnh sinh của ung thư vùng đầu cổ

Cồn và thuốc lá có tác động kết hợp trong quá trình gây ung thư ở vùng đầu cổ. Thật vậy, những độc chất trong thuốc lá làm tổn thương các tế bào của cơ thể, song song đó, cồn ngăn cản quá trình phục hồi hiệu quả của các tế bào này, tạo điều kiện cho tác nhân gây ung thư xâm nhập vào tế bào.

Masberg (ACJC, 1989) qua nhiều nghiên cứu trên 20 năm ghi nhận mối liên quan giữa thuốc lá và cồn với ung thư khoang miệng như sau:

  • Hút thuốc và không uống rượu nguy cơ cao gấp 2-4 lần so với người kiêng cả hai thứ.
  • Nếu hút thuốc và uống rượu nguy cơ cao gấp 6-15 lần người kiêng cả hai thứ.
Xem thêm bài viết Thức uống có cồn (hay rượu bia) & sức khỏe: Tốt nhất là không uống!

Lượng cồn tiêu thụ bao nhiêu là hợp lý?

Để bảo vệ sức khỏe của chính bạn, khuyến cáo về lượng cồn tiêu thụ tối đa được các chuyên gia đưa ra như sau:

  • Đối với nam giới, tối đa 3 đơn vị tiêu chuẩn/ngày và 15 đơn vị tiêu chuẩn/tuần.
  • Đối với nữ giới, tối đa 2 đơn vị tiêu chuẩn/ngày và 10 đơn vị tiêu chuẩn/tuần.
  • Lý tưởng phải có ít nhất 2 ngày trong tuần không dùng thức uống có cồn.

Cần lưu ý rằng, đây là khuyến cáo dành cho người chỉ dùng các sản phẩm chứa cồn, mà không có sự hiện diện của những yếu tố nguy cơ khác. Nếu bạn là người mang nhiều yếu tố nguy cơ ung thư đồng thời (như hút thuốc, thường xuyên làm việc ngoài nắng, quan hệ tình dục qua đường miệng,…) thì cần giảm tối thiểu việc tiêu thụ rượu so với khuyến cáo trên đây.

Làm sao biết được lượng cồn trong các loại thức uống khác nhau?

Đối với những người không có thói quen uống rượu thường xuyên, có lẽ không cần quan tâm lượng cồn có trong các thức uống khác nhau; vì như đã nói ở trên, việc tiêu thụ rượu với lượng trung bình, ít có nguy cơ gây ung thư đầu cổ. Tuy nhiên, với những ai xem thức uống có cồn là một sản phẩm không thể thiếu hàng ngày (do nguyên nhân chủ quan hay khách quan) cần chú ý lượng cồn có trong các loại thức uống để tự điều chỉnh một cách hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe của chính bạn:

1 đơn vị tiêu chuẩn tương đương 10 gam cồn (ethanol) nguyên chất (cũng xin lưu ý đơn vị tiêu chuẩn này không có sự thống nhất giữa các quốc gia, dao động từ 6-18 gam), có trong:

  • 250ml bia 6°;
  • 125ml rượu vang hoặc sâm-panh 11°;
  • 60ml rượu khai vị 20°;
  • 30ml rượu whisky 40°;
  • 20ml rượu pastis 45°;

Cụ thể, như khuyến cáo ở trên, một nam thanh niên được phép tiêu thụ tối đa 3 đơn vị tiêu chuẩn trên ngày, tức là 250ml bia 6 độ x 3 đơn vị tiêu chuẩn = 750ml bia 6 độ/ngày.

Hình 2. Lượng cồn trong các thức uống khác nhau.

Ngoài ra, bạn có thể tính được độ cồn trong từng loại thức uống cụ thể trên các trang web http://www.nhs.uk/Tools/Pages/Alcohol-unit-calculator.aspx hay ứng dụng điện thoại. Đơn giản hơn, nhớ công thức tính độ rượu: Độ rượu = số ml cồn/100 ml dung dịch rượu. Ví dụ rượu 45 độ có chứa 45ml cồn trong 100ml dung dịch rượu.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.extenso.org/article/les-boissons-alcoolisees-augmentent-le-risque-de-developper-des-cancers-de-la-bouche-du-pharynx-et-du-larynx/
  2. Kiadaliri A.A., Jarl J., Gavriilidis G. and Gerdtham U-G. Alcohol drinking cessation and the risk of laryngeal and pharyngeal cancers: a systematic review and meta-analysis. PLoS ONE 2013;8(3):e58158
  3. Pelucchi C., Tramacere I., Boffetta P. et coll. Alcohol consumption and cancer risk. Nutrition and cancer 2011;63(7):983-990
  4. http://fr.wikipedia.org/wiki/Boisson_alcoolis%C3%A9e
  5. http://dantri.com.vn/suc-khoe/ruou-toi-mot-bai-thuoc-quy-cua-the-gioi-841463.htm
  6. http://www.stop-alcool.ch/une-substance-psychoactive/combien-y-a-t-il-d-alcool-dans-un-verre
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích