menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Nhiễm trùng virus Papilloma (HPV) ở người

user

Ngày:

28/11/2013

user

Lượt xem:

959

Bài viết thứ 13/51 thuộc chủ đề “Các vấn đề Phụ khoa”

Virus papilloma ở người (HPV) là gì?

Virus papilloma ở người (HPV) là một loại virus có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc da với da. Hơn 100 loại HPV đã được tìm thấy trong đó khoảng 30 loại gây nhiễm trùng sinh dục ở cả nam và nữ, các loài này hiện đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng qua đường tình dục.

HPV có phổ biến hay không?

HPV là một loại virus rất phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy ít nhất ba trong số bốn người quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV sinh dục ở một vài giai đoạn nào đó trong đời.

HPV lây lan như thế nào?

HPV chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn hay miệng nhưng không phải chỉ khi quan hệ tình dục mới bị nhiễm HPV. HPV lây  truyền qua tiếp xúc da với da, đường lây truyền phổ biến nhất là quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh, bất kể nam hay nữ. Giống như nhiều bệnh lây qua đường tình dục khác, nhiễm HPV sinh dục thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.

Nhiễm trùng HPV có thể gây ra những bệnh gì?

Khoảng 12 loại HPV gây ra mụn cóc sinh dục. Mụn cóc có thể xuất hiện ở bên ngoài hoặc bên trong âm đạo hoặc dương vật và có thể lây lan đến vùng da gần đó. Mụn cóc sinh dục cũng có thể phát triển xung quanh hậu môn, vào âm hộ, hoặc trên cổ tử cung. Khoảng 15 loại HPV có liên quan đến bệnh ung thư hậu môn, cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, và dương vật. Một số loại HPV còn có thể gây ra ung thư ở vùng đầu và cổ, những loại này được gọi là “các loại HPV có nguy cơ cao.”

HPV gây ung thư cổ tử cung như thế nào?

Cổ tử cung được bao phủ bởi một lớp mô mỏng tạo thành từ các tế bào. Nếu HPV xuất hiện, virus có thể thâm nhập vào các tế bào này. Các tế bào bị nhiễm bệnh có thể trở nên bất thường hoặc bị hư hỏng và bắt đầu phát triển một cách khác thường. Khi những thay đổi trong các tế bào này tiến triển có thể xem như là tổn thương tiền ung thư. Sự thay đổi ở lớp mô mỏng bao phủ cổ tử cung được gọi là loạn sản hay tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN). Ở hầu hết phụ nữ, hệ miễn dịch có thể tiêu diệt virus trước khi chúng gây ra ung thư. Nhưng ở một số phụ nữ, HPV không bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch và virus vẫn tồn tại trong cơ thể. Trong những trường hợp này, nhiễm HPV có thể  gây ra ung thư hay dạng thường gặp  hơn là tiền ung thư.

Có xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung hay không?

Ung thư cổ tử cung thường phát triển sau nhiều năm. Trong thời gian này, nhiễm HPV có thể làm cho các tế bào trên hoặc xung quanh cổ tử cung trở nên bất thường. Xét nghiệm PAP, còn gọi là xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, có thể giúp phát hiện sớm những thay đổi bất thường của tế bào ở cổ tử cung từ đó cho phép điều trị sớm để bệnh không tiến triển thành ung thư cổ tử cung (xem hỏi đáp về sàng lọc ung thư cổ tử cung). Ngoài ra, còn có xét nghiệm tìm sự hiện diện của HPV trong tế bào tử cung. Xét nghiệm này được sử dụng cùng với xét nghiệm PAP ở phụ nữ 30 tuổi trở lên đối với những trường hợp có kết quả xét nghiệm PAP bất thường hoặc có kết quả PAP là không chắc chắn bất thường. Xét nghiệm HPV có thể xác định 13-14  loại HPV có nguy cơ cao.

Có thể phòng ngừa nhiễm trùng do HPV hay không?

Hiện nay, có 2 loại vắc-xin chống lại một số loài HPV. Các phương pháp sau đây cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng:

  • Không quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm trùng khi quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn hay miệng.

Bao cao su không thể hoàn toàn bảo vệ bạn tránh khỏi nhiễm HPV. HPV có thể lây truyền từ người này sang người khác khi chạm vào khu vực bị nhiễm bệnh không được bao phủ bởi bao cao su. Các khu vực này có thể bao gồm da ở vùng sinh dục hay hậu môn. Bao cao su dùng cho nữ có thể bao phủ vùng da lớn hơn nên có thể bảo vệ tốt hơn một chút so với bao cao su dùng cho nam.

Xem thêm bài  Ung thư cổ tử cung, Tầm soát ung thư cổ tử cung, Vaccine chống virus papilloma ở người (HPV)

Giải thích thuật ngữ

Tế bào: đơn vị nhỏ nhất của cấu trúc cơ thể, cấu thành tất cả các bộ phận của cơ thể.

Tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN): một thuật ngữ khác dùng mô tả cho chứng loạn sản, một bệnh không phải ung thư, xảy ra khi các tế bào bình thường trên bề mặt cổ tử cung được thay thế bởi một lớp tế bào bất thường. CIN được phân loại gồm CIN 1 (loạn sản nhẹ), CIN 2 (loạn sản trung bình), hoặc CIN 3 (loạn sản nặng hoặc ung thư biểu mô tại chỗ).

Cổ tử cung: Đoạn nối giữa tử cung và phần trên của âm đạo.

Loạn sản: một bệnh không phải ung thư, xảy ra khi các tế bào bình thường trên bề mặt cổ tử cung được thay thế bởi một lớp tế bào bất thường.

Hệ miễn dịch: hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân lạ và sinh vật xâm nhập, chẳng hạn như vi khuẩn gây bệnh.

Xét nghiệm Pap: Một xét nghiệm trong đó các tế bào cổ tử cung và âm đạo được lấy ra để kiểm tra đặc điển và hình dạng dưới kính hiển vi.

Giao hợp: Hành động khi dương vật của nam giới đặt vào âm đạo của nữ giới (hay còn gọi là “quan hệ tình dục” hoặc “làm tình”).

Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Những bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm Chlamydia, bệnh lậu, nhiễm trùng virus papilloma ở người (nhiễm HPV), mụn nước (nhiễm herpes), giang mai và nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV, nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải [AIDS]).

Âm hộ: phần bên ngoài bộ phận sinh dục nữ.

Tài liệu tham khảo 

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq073.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích