menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Mười vấn đề phụ khoa thường gặp nhất phụ nữ cần biết (Phần 1)

user

Ngày:

03/07/2023

user

Lượt xem:

189

Bài viết thứ 49/51 thuộc chủ đề “Các vấn đề Phụ khoa”

Biên dịch: Trần Thị Thái Hiền

Hiệu đính: BS. Trương Khánh Hùng

Rối loạn phụ khoa là gì?

Rối loạn phụ khoa là những rối loạn ảnh hưởng đến hệ sinh dục ở phụ nữ. Các cơ quan trong hệ sinh dục nữ bao gồm vú, tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và cơ quan sinh dục ngoài.

Trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, đều có thời điểm sẽ mắc một số bệnh phụ khoa nào đó. Những rối loạn phụ khoa này ảnh hưởng rất lớn đến chức năng tình dục. Những rối loạn này không nên xem nhẹ vì chúng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản, hoặc tệ hơn có thể đe dọa đến tính mạng của phụ nữ.

Mười rối loạn phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ là gì?

Bài viết này sẽ đề cập đến mười rối loạn phụ khoa hàng đầu phổ biến nhất, bao gồm:

  • Đau bụng kinh hoặc đau nhiều khi hành kinh
  • Khí hư (ra nhiều nhiều huyết trắng âm đạo)
  • Vô kinh hoặc không có kinh trong một thời gian dài
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • U xơ tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Viêm nhiễm vùng khung chậu
  • Viêm âm đạo
  • Mãn kinh
  • Đau khi quan hệ tình dục

Những triệu chứng thường gặp nào mà khi chúng xuất hiện, bạn nên đi khám bác sĩ phụ khoa?

Ra máu âm đạo, tiết dịch âm đạo thường xảy ra với mọi phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện bất cứ triệu chứng gì bất thường, bạn không được chủ quan phớt lờ nó, mà phải hỏi ý kiến ​​bác sĩ phụ khoa. Các triệu chứng nhẹ có thể được điều trị. Nhưng các trường hợp nghiêm trọng hoặc bị bỏ qua trong thời gian dài có thể dẫn đến vô sinh. Một số dấu hiệu sau đây ở âm đạo có thể gợi ý bạn đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc thậm chí có thể là ung thư cổ tử cung. Bạn cần đi khám và hỏi bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:

  • Kinh nguyệt đến quá sớm hoặc quá muộn so với bình thường
  • Ra máu âm đạo bất thường trong khi hành kinh hoặc giữa các kỳ kinh
  • Đau ở vùng chậu hông, mà không phải là đau bụng kinh
  • Đau vú hoặc nổi các u, cục ở vú
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Ra máu âm đạo trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Ngứa, sưng hoặc đỏ ở vùng âm đạo
  • Bất kỳ u, cục hoặc khối bất thường nào ở vùng sinh dục
  • Âm đạo tiết nhiều dịch (huyết trắng)
  • Dịch âm đạo có mùi hôi khó chịu hoặc có màu bất thường như xanh, vàng hoặc nâu

Các bệnh phụ khoa thường gặp

Thống kinh (hay đau bụng kinh)

Đau bụng kinh nói về khoảng thời gian đau lúc hành kinh, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Được chia thành hai loại: Đau bụng kinh nguyên phát và thứ phát.

Đau bụng kinh nguyên phát

Trong đau bụng kinh nguyên phát, không có bệnh vùng chậu nào khác đi kèm. Đau bụng kinh nguyên phát chủ yếu xuất hiện ở thanh thiếu niên và trong chu kỳ rụng trứng. Cơn đau sẽ tự giảm khi người phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con. Nó thường xuất hiện trong vòng hai năm sau khi có kinh nguyệt. Vấn đề này cũng có thể liên quan đến yếu tố gia đình như tiền sử mẹ hoặc chị gái cũng từng có triệu chứng tương tự. Đau bụng kinh nguyên phát thường xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ sống ở môi trường xã hội sung túc đầy đủ. Cơn đau thường bắt đầu vài giờ trước hoặc ngay khi bắt đầu hành kinh và thường kéo dài vài giờ, có thể kéo dài cả ngày. Cơn đau co thắt ở vùng bụng dưới, có thể lan ra phía sau và mặt giữa của đùi.

Điều trị bằng cách cải thiện sức khỏe thể chất và ổn định tâm lý, trấn an người bệnh. Trong thời kỳ kinh nguyệt, nên đại tiện khi cần và tránh táo bón. Nếu co thắt, dùng thuốc chống co thắt đơn giản có thể giúp giảm đau. Axit mefenamic 250-500 mg mỗi 8 tiếng, hoặc ibuprofen 400 mg mỗi 8 tiếng. Có thể loại trừ các bệnh vùng chậu bằng siêu âm.

Đau bụng kinh thứ phát

Đau bụng kinh thứ phát xảy ra có liên quan đến bệnh vùng chậu tiềm ẩn. Các nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như nhiễm trùng vùng chậu mãn tính, lạc nội mạc tử cung vùng chậu, u xơ tử cung, đặt vòng tránh thai,… Bệnh nhân thường là những phụ nữ độ tuổi 30 và đã có con. Đặc trưng của cơn đau là đau âm ỉ, đau ở cả phía sau và phía trước, không lan đến vùng khác. Cơn đau này thường xảy ra 3-5 ngày trước kỳ kinh nguyệt và thuyên giảm khi bắt đầu ra máu.

Điều trị tập trung vào nguyên nhân thay vì điều trị triệu chứng.

Vô kinh (mất kinh)

Vô kinh nghĩa là không có kinh nguyệt. Vô kinh có thể phân thành hai loại: Vô kinh sinh lý và vô kinh bệnh lý. Vô kinh sinh lý xảy ra trước tuổi dậy thì (tức là trước khi bắt đầu hành kinh), trong khi mang thai, trong thời kỳ cho con bú và sau khi mãn kinh. Vô kinh bệnh lý xảy ra khi có một số bệnh liên quan. Được chia thành chứng kinh nguyệt ẩn, vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.

Chứng kinh nguyệt ẩn

Xuất hiện tình trạng bong và chảy máu nội mạc tử cung định kỳ nhưng máu kinh không thể chảy ra ngoài âm đạo do một số tắc nghẽn đường sinh dục. Nguyên nhân tắc nghẽn phổ biến nhất là do màng trinh đã cản đường ra của máu kinh.

Vô kinh nguyên phát

Độ tuổi bình thường xuất hiện kinh nguyệt trễ nhất là 15 tuổi. Con gái đến 16 tuổi vẫn chưa có kinh thì không còn là chậm kinh nữa, mà được xác định là vô kinh nguyên phát. Nguyên nhân có thể là do sự phát triển bất thường như không có âm đạo, bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Turner, rối loạn chức năng tuyến giáp và tuyến thượng thận. Việc chữa bệnh thành công là rất hạn chế và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Vô kinh thứ phát

Là tình trạng không xuất hiện kinh nguyệt từ 6 tháng trở lên, ở phụ nữ mà trước đó có kinh nguyệt bình thường. Một số nguyên nhân có thể kể đến là lao nội mạc tử cung, bệnh buồng trứng đa nang, u buồng trứng, căng thẳng, suy giáp, suy dinh dưỡng, tiểu đường,… Cách điều trị vấn đề này phụ thuộc theo từng nguyên nhân cụ thể.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang là vấn đề thường gặp nhất ở các cô gái trẻ hiện nay. “Thủ phạm” chính của hội chứng này đó là lối sống căng thẳng và ít vận động.

Đây là một hội chứng được biểu hiện bằng các triệu chứng như vô kinh, rậm lông và béo phì liên quan đến việc buồng trứng có nhiều nang.

Hội chứng này được đặc trưng bởi sự sản xuất quá mức hooc-môn testosterone, chủ yếu do buồng trứng. Buồng trứng to ra và xuất hiện nhiều nang (hơn 12 nang), với đường kính mỗi nang từ 2-9 mm. Bệnh nhân xuất hiện tình trạng béo phì ngày càng tăng, đặc biệt là béo vùng bụng, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, rậm lông và mụn trứng cá. Bệnh nhân cũng xuất hiện tình trạng đề kháng insulin và dễ mắc bệnh tiểu đường hơn.

Cách điều trị tùy vào từng trường hợp cụ thể. Quan trọng là giảm cân, có chế độ ăn uống lành mạnh, yoga và tập thể dục. Nhiều loại thuốc có thể giúp làm giảm bớt triệu chứng. Và vô sinh cũng có thể được khắc phục bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

U xơ

U xơ tử cung là khối u lành tính phổ biến nhất của tử cung và cũng phổ biến nhất ở phụ nữ. Ít nhất, có hai mươi phần trăm phụ nữ ở tuổi ba mươi có u xơ tử cung. May mắn thay, hầu hết trong số họ (50%) vẫn không có triệu chứng. U xơ gặp phổ biến hơn ở những phụ nữ không có con hoặc ở những phụ nữ bị vô sinh sau khi sinh một con. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở độ tuổi 35-45.

Các triệu chứng bao gồm ra máu mức độ nhiều trong kỳ kinh nguyệt, ra máu bất thường, đau bụng kinh, vô sinh, đau khi quan hệ tình dục, sẩy thai tái phát dưới dạng sẩy thai hoặc sinh non, đau bụng dưới hoặc vùng chậu và bụng to ra.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Và quyết định phẫu thuật có thể cân nhắc dựa trên tuổi của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Tài liệu tham khảo

https://www.medindia.net/patientinfo/ten-most-common-gynecological-problems-every-woman-must-know.htm

Xem tiếp bài viết “Mười vấn đề phụ khoa thường gặp nhất phụ nữ cần biết (Phần 2)”

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích