menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Mười vấn đề phụ khoa thường gặp nhất phụ nữ cần biết (Phần 2)

user

Ngày:

03/07/2023

user

Lượt xem:

162

Bài viết thứ 50/51 thuộc chủ đề “Các vấn đề Phụ khoa”

Biên dịch: Hoàng Sơn

Hiệu đính: BS. Trương Khánh Hùng

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) phát triển ở những vị trí bất thường. Như lớp cơ của tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và trong một số trường hợp hiện diện ở ngoài khung chậu.

Các triệu chứng bao gồm đau bụng kinh, đau khi quan hệ tình dục, chảy máu âm đạo nhiều trong và giữa các kỳ kinh, vô sinh ở nữ, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón và mệt mỏi trong thời kỳ kinh nguyệt.

Sau khi đã được chẩn đoán xác định bệnh, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng nhiều phương pháp. Bao gồm thuốc giảm đau và liệu pháp hormon như thuốc tránh thai, miếng dán hoặc đặt vòng tránh thai, thuốc tránh thai chỉ chứa progestin và danazol – một loại steroid tổng hợp.

Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, có thể chỉ định phẫu thuật bảo tồn để loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung. Bệnh nhân có tình trạng vô sinh có thể được sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Trong các trường hợp nghiêm trọng, cắt bỏ tử cung có thể thực hiện như một phương án cuối cùng trong thời kỳ sinh đẻ vì sau khi cắt bỏ tử cung, bệnh nhân sẽ không có khả năng mang thai.

Bệnh viêm vùng chậu

Là một loạt các bệnh nhiễm trùng và viêm các cơ quan đường sinh dục trên. Bao gồm tử cung, ống dẫn trứng, phúc mạc vùng chậu và các cấu trúc xung quanh. Bệnh viêm vùng chậu là mối nguy hiểm sức khỏe ở cả nước phát triển và đang phát triển. Bệnh cũng là một vấn đề lớn đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ trẻ.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm có kinh trong giai đoạn thanh thiếu niên, có nhiều bạn tình, không sử dụng thuốc tránh thai và tiền sử mắc bệnh viêm vùng chậu, đặt vòng tránh thai và khu vực dịch tễ có tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm đau bụng dưới và vùng chậu, sốt, mệt mỏi và nhức đầu, chảy máu âm đạo bất thường và lượng nhiều, đau khi quan hệ tình dục, ra dịch tiết âm đạo bất thường.

Điều trị bao gồm điều trị kháng sinh sau khi tìm ra sinh vật gây bệnh.

Viêm âm đạo

Là tình trạng viêm và nhiễm trùng ở âm đạo. Bệnh thường xuất hiện ở các bé gái, do giai đoạn này trẻ chưa có lượng estrogen đủ nhiều. Do đó, chưa có khả năng bảo vệ âm đạo của estrogen và dễ bị nhiễm trùng. Nguyên nhân viêm âm đạo phổ biến nhất trong độ tuổi sinh sản là nhiễm trùng bởi vi sinh vật.

Viêm âm đạo do Trichomonas là do vi khuẩn Trichomonas vagis gây ra. Bệnh nhân có tình trạng tiết dịch âm đạo lượng nhiều, gây khó chịu, kích thích và ngứa xung quanh âm đạo, đi tiểu đau, tăng tần suất đi tiểu. Xuất hiện khí hư loãng, màu vàng xanh, có bọt, có mùi hôi rất khó chịu. Bệnh nhân được điều trị bằng viên Metronidazole 200mg ba lần mỗi ngày trong một tuần.

Viêm âm đạo do nấm Candida hay còn gọi là bệnh monilasis do sinh vật Candida albicans gây ra. Bệnh nhân có tình trạng tiết dịch âm đạo kèm theo ngứa âm hộ, âm đạo dữ dội, đau khi quan hệ tình dục. Xuất hiện khí hư đặc, có màu trắng sữa, vón cục, thường dính vào thành âm đạo.

Việc điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc như nystatin, clotrimazole hoặc miconazole ở dạng kem hoặc thuốc đặt âm đạo. Bệnh nhân được đặt vòng nâng pessary ở vị trí cao trong âm đạo khi đi ngủ trong hai tuần liên tiếp.

Mãn kinh

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là thời kỳ người phụ nữ chấm dứt vĩnh viễn chu kỳ kinh nguyệt cho đến khi kết thúc cuộc đời. Mãn kinh xảy ra do buồng trứng giảm chức năng hoạt động. Thời kỳ mãn kinh được xác nhận sau khi ngừng kinh nguyệt trong mười hai tháng liên tục mà không có bất kỳ bệnh lý nào khác. Độ tuổi mãn kinh dao động trong khoảng 45-55 tuổi.

Ảnh hưởng của mãn kinh lên cơ thể

Sau thời kỳ mãn kinh, các cơ quan sinh sản giảm kích thước. Ngoài ra, phụ nữ có thể mất khoảng 3-5% khối lượng xương mỗi năm. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng loãng xương. Phụ nữ mãn kinh tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Triệu chứng đặc trưng của mãn kinh là bốc hỏa. Bốc hỏa được miêu tả bởi cảm giác nóng đột ngột sau đó đổ mồ hôi đầm đìa. Phụ nữ dễ rơi vào tình trạng khó chịu, nhức đầu, mất ngủ, dễ nổi nóng và trầm cảm.

Các triệu chứng khác bao gồm đau khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn tình dục, nhiễm trùng và khô âm đạo, đi tiểu đau, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Tất cả những thay đổi này xảy ra do sự thiếu hụt estrogen sau thời kỳ mãn kinh.

Các triệu chứng ở âm đạo được điều trị tối ưu bằng liệu pháp nội tiết tố tại chỗ (liệu pháp hooc-môn). Liệu pháp này ít tác dụng phụ hơn.

Các triệu chứng tim mạch có thể cần liệu pháp hooc-môn toàn thân được sử dụng tuân thủ nghiêm ngặt theo các khuyến cáo. Các liệu pháp phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể với liều lượng thấp nhất. Từ đó giúp tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng như hình thành cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch) và ung thư vú.

Bệnh khí hư

Bệnh khí hư được định nghĩa là dịch tiết âm đạo quá mức. Khí hư thường ra nhiều nhưng chưa gây viêm nhiễm. Sự bài tiết dư thừa này có thể thấy được bằng cách những vết màu nhuộm trên đồ lót (màu vàng nâu khi sấy khô). Hoặc bệnh nhân cảm thấy cần sử dụng thêm băng vệ sinh. Bệnh không gây nhiễm trùng và không có mùi hôi, không gây kích ứng và không gây ngứa. Hiện tượng này có thể xảy ra một cách bình thường trong thời kỳ dậy thì, rụng trứng và xung quanh ngày của chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai và hưng phấn tình dục. Trong một số trường hợp, bệnh khí hư xảy ra ở những bệnh nhân sa tử cung, tử cung ngả sau, viêm vùng chậu mãn tính và sử dụng thuốc tránh thai.

Phương pháp điều trị được khuyến cáo tùy từng trường hợp cụ thể và duy trì vệ sinh cá nhân.

Đau khi quan hệ tình dục

Đau khi quan hệ tình dục còn gọi là đau khi giao hợp, nghĩa là hành động giao hợp khó khăn hoặc đau đớn. Giao hợp đau là rối loạn chức năng tình dục phổ biến nhất.

Nguyên nhân có thể do âm đạo hẹp, màng trinh dày, nhiễm trùng âm hộ. Ngoài ra, còn có bệnh niệu đạo, viêm âm đạo, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu v.v.

Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Thông thường, tư vấn cho cả hai đối tác về thực hành tình dục phù hợp sẽ giúp làm giảm các triệu chứng.

Tầm quan trọng của việc khám phụ khoa

Việc thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân phụ khoa cần kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Điều này bao gồm việc khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng chuyên sâu.

Khám phụ khoa bao gồm khám vú, khám bụng và khám vùng chậu. Bao gồm cả khám cơ quan sinh dục ngoài, thăm âm đạo và cổ tử cung và khám trực tràng.

Tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục nên được sàng lọc. Bắt đầu từ 21 tuổi trở lên hoặc sau 3 năm quan hệ tình dục qua đường âm đạo. Sàng lọc phụ khoa nên được thực hiện hàng năm cho đến khi 30 tuổi. Sau đó, thực hiện cách nhau 2-3 năm một lần sau ba lần xét nghiệm phết tế bào âm tính hàng năm liên tiếp.

Cổ tử cung và âm đạo được thường được xét nghiệm tế bào học bằng phết tế bào để tầm soát.

Khám sàng lọc giúp bác sĩ giải thích cho bệnh nhân về lợi ích của việc duy trì lối sống lành mạnh. Ngoài ra giúp giảm thiểu rủi ro về sức khỏe và xác định các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư vú, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung.

Chẩn đoán sớm giúp điều trị hiệu quả và tiên lượng tốt hơn.

Lời khuyên sức khỏe

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh.
  • Uống nhiều nước.
  • Ăn uống theo chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả.
  • Tập thể dục thường xuyên và thực hành các kỹ thuật làm giảm căng thẳng như yoga.
  • Thực hành tình dục an toàn.
  • KHÔNG bỏ qua bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến các hệ cơ quan sinh sản.

Tài liệu tham khảo

https://www.medindia.net/patientinfo/ten-most-common-gynecological-problems-every-woman-must-know.htm

Xem lại bài viết “Mười vấn đề phụ khoa thường gặp nhất phụ nữ cần biết (Phần 1)” tại đây.

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích