menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tác dụng không mong muốn của phẫu thuật

user

Ngày:

27/07/2018

user

Lượt xem:

1738

Bài viết thứ 04/09 thuộc chủ đề “Phẫu thuật”

Phẫu thuật ung thư, giống như tất cả các phương pháp điều trị ung thư khác, có lợi ích, rủi ro và tác dụng không mong muốn của nó. Kiểu và mức độ các tác dụng không mong muốn rất đa dạng, tùy từng bệnh nhân, dựa trên một số yếu tố:

  • Loại và vị trí của ung thư
  • Loại phẫu thuật
  • Các phương pháp điều trị trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như hóa trị
  • Tổng trạng của bệnh nhân

Trước khi đồng ý phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được giải thích về những rủi ro và lợi ích của phẫu thuật, cũng như về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Các phẫu thuật ít xâm lấn được thực hiện ngày càng nhiều hơn. Chúng giúp giảm tác dụng không mong muốn của phẫu thuật và bệnh nhân thường phục hồi sớm hơn. Đồng thời, bác sĩ đã làm tốt hơn trong công tác giảm đau và hạn chế các tác dụng không mong muốn khác về thể chất do phẫu thuật. Hạn chế tác dụng không mong muốn là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị ung thư. Nó được gọi là quản lý triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Hãy nói với nhóm chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân bất kỳ điều gì về biến chứng của phẫu thuật, mà bệnh nhân gặp phải, gồm sự xuất hiện hay biến đổi của chúng.

Tác dụng không mong muốn thường gặp của phẫu thuật ung thư

Tác dụng không mong muốn của phẫu thuật ung thư có thể bao gồm:

Đau sau mổ.

Số lượng và vị trí của cơn đau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Vị trí phẫu thuật
  • Kích thước vết mổ
  • Lượng mô mất đi
  • Tình trạng đau trước khi phẫu thuật

Đau sau mổ giảm dần khi cơ thể lành lại. Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ có thể cho thuốc giảm đau để giảm sự khó chịu của bệnh nhân.

Mệt mỏi.

Nhiều bệnh nhân cảm thấy rất mệt sau phẫu thuật lớn, đặc biệt là khi phẫu thuật liên quan đến vùng bụng hoặc ngực. Nguyên nhân gây mệt mỏi do phẫu thuật bao gồm:

  • Các phương pháp vô cảm (gây mê/gây tê)
  • Cơ thể sử dụng năng lượng để hồi phục
  • Chế độ dinh dưỡng
  • Chán ăn sau phẫu thuật
  • Stress của phẫu thuật.

Mệt mỏi thường giảm dần, trong vòng 2 đến 4 tuần sau khi phẫu thuật.

Chán ăn sau mổ.

Là rất phổ biến, đặc biệt là khi gây mê. Nó có thể làm giảm cân nặng nhất thời. Hầu hết các bệnh nhân sẽ lấy lại cảm giác ngon miệng và trở về cân nặng như trước khi phẫu thuật.

 Chán ăn không chỉ là cảm giác, mà còn là dấu hiệu cảnh báo của nhiều chứng bệnh. Ảnh minh họa.

Hình 1. Chán ăn sau phẫu thuật.

Sưng xung quanh vị trí phẫu thuật

Đó là diễn tiến tự nhiên sau khi trải qua bất kỳ cuộc mổ nào. Vết mổ là một dạng thương tích cho cơ thể và phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với tổn thương là quá trình viêm, gây sưng. Khi vết mổ lành lại, sưng thường sẽ biến mất.

Thoát dịch từ vết mổ.

Đôi khi dịch tích tụ tại vết mổ chảy qua ngoài. Dịch này có mùi hôi cùng với nóng và đỏ quanh vết mổ là dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân cần liên hệ với nhân viên y tế.

Bầm tím xung quanh vị trí phẫu thuật và tê.

Sau bất kỳ đường mổ nào, máu có thể bị rò rỉ từ các mạch máu nhỏ dưới da. Nó gây bầm tím và rất thường gặp sau mổ. Tuy nhiên, nếu vết mổ sưng to cùng với bầm tím, thì cần liên hệ với nhân viên y tế.

Bệnh nhân thường cảm thấy bị tê ở chỗ rạch vì các dây thần kinh da bị cắt trong khi phẫu thuật. Mặc dù nó không gây ra vấn đề lớn cho bệnh nhân, nhưng nó thường sẽ tồn tại trong một thời gian dài.

Chảy máu.

Bệnh nhân thường mất máu trong khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nó thường rất ít và không ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Đôi khi, bệnh nhân có thể mất một lượng máu lớn hơn tùy thuộc vào phẫu thuật. Trong những tình huống này, nhóm phẫu thuật sẽ chuẩn bị sẵn sàng để truyền máu nếu cần thiết. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị chảy một ít máu từ vết mổ. Hãy đắp vết mổ bằng băng sạch, khô và liên hệ với nhân viên y tế. Nếu có nhiều máu chảy ra, hãy băng ép vết mổ lại cho đến khi có thể liên hệ với nhân viên y tế.

Hình 2. Nguy cơ chảy máu trong phẫu thuật.

Nhiễm trùng

Có thể xảy ra tại vết mổ, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở những nơi khác trong cơ thể. Phẫu thuật viên rất cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ dạy bệnh nhân cách ngăn ngừa nhiễm trùng trong quá trình hồi phục. Các dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ bao gồm đỏ, ấm, tăng đau và đôi khi là chảy dịch từ vết mổ.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy liên hệ với nhân viên y tế. Hầu hết nhiễm trùng vết mổ sẽ điều trị khỏi bằng kháng sinh. Tuy nhiên, một số sẽ hình thành ổ mủ và cần phải được rút mủ ra. Thuốc kháng sinh không thể điều trị khỏi hẳn trong trường hợp này.

Hình 3. Vết mổ viêm đỏ

Phù bạch huyết

  1. Là một biến chứng phổ biến có thể xảy ra sau khi lấy các hạch bạch huyết. Loại phẫu thuật này được gọi là nạo vét hạch. Các hạch bạch huyết là những cơ quan nhỏ có hình hạt đậu giúp chống nhiễm trùng. Chúng lọc vi khuẩn và các chất độc hại khác từ bạch huyết. Bạch huyết là một chất lỏng không màu có chứa các tế bào bạch cầu di chuyển qua hầu hết các mô của cơ thể. Đôi khi, khi các hạch bạch huyết được lấy ra làm mất đường lưu thông của mạch bạch huyết gây ứ trệ bạch huyết trong các mô xung quanh. Điều này gây ra sưng được gọi là phù bạch huyết.
  2. Phù bạch huyết gây khó chịu và căng tức ở vùng bị sưng. Nó làm hạn chế vận động và chức năng của khu vực đó, chẳng hạn như cánh tay hoặc chân. Bệnh nhân cần liệu pháp cụ thể để quản lý tác dụng không mong muốn này. Nói chuyện với nhóm chăm sóc phẫu thuật của bệnh nhân về nguy cơ bị phù bạch huyết trước khi loại bỏ bất kỳ hạch bạch huyết nào. Nếu tác dụng không mong muốn này xảy ra, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ giới thiệu một chuyên gia y tế chuyên về điều trị phù bạch huyết.

Rối loạn chức năng cơ quan.

Phẫu thuật ở một số vùng nhất định trên cơ thể, chẳng hạn như vùng bụng hoặc ngực, có thể gây ra các vấn đề tạm thời với các cơ quan xung quanh. Ví dụ, khi phẫu thuật được thực hiện ở vùng bụng, ruột có thể bị liệt trong một thời gian ngắn, nghĩa là thức ăn, chất lỏng và khí không được đẩy đi trong lòng ruột, gọi là liệt ruột. Nó có thể gây buồn nôn và nôn, co thắt dạ dày, và đầy hơi cho đến khi ruột bắt đầu hoạt động trở lại. Rối loạn chức năng cơ quan sau phẫu thuật thường biến mất khi bệnh nhân hồi phục.

Các mối quan tâm khác sau phẫu thuật ung thư

Quan tâm về chế độ ăn uống.

Trong quá trình phục hồi, cơ thể cần thêm năng lượng và protein. Một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi ăn, phụ thuộc vào vị trí phẫu thuật được thực hiện. Ví dụ, loại bỏ bất kỳ phần nào của miệng, họng, dạ dày, ruột non, đại tràng hoặc trực tràng có thể gây ra các vấn đề sau.

  • Chán ăn
  • Giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể
  • Các vấn đề sau khi ăn, như đầy hơi, co thắt, hoặc táo bón
  • Khó nhai hoặc nuốt thức ăn
  • Giảm khả năng hấp thụ các loại vitamin, đặc biệt là sau khi phẫu thuật dạ dày. Các bác sĩ thường chỉ định bổ sung vitamin. Một số vitamin có thể được bổ sung bằng đường tiêm

Thẩm mỹ.

Phẫu thuật ung thư có thể thay đổi ngoại hình của bệnh nhân và chức năng của cơ thể.

Tính thẩm mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bệnh nhân không nhận được kết quả mong đợi sau phẫu thuật. Ví dụ, trong khi phẫu thuật, phẫu thuật viên có thể thấy rằng cần mổ rộng hơn. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi đối mặt với thay đổi này sau đó.

Một số người có thể cảm thấy bất an về những thay đổi này và đấu tranh với ngoại hình của họ.

Các sang chấn tâm lý của phẫu thuật ung thư cũng quan trọng trong điều trị như là các tác dụng phụ về mặt thể chất. Trước khi phẫu thuật ung thư, cần tư vấn tâm lý với bác sĩ của bệnh nhân về những thay đổi sẽ xảy ra. Hỏi về các lựa chọn cho phẫu thuật tái tạo hay bộ phận giả. Và hỏi về các tình huống có thể xảy ra trong khi phẫu thuật có thể dẫn đến kết quả khác.

Bệnh nhân cũng có thể cân nhắc việc nói chuyện với một chuyên gia tâm lý.

Điều này có thể giúp bệnh nhân đối phó với những thay đổi đối với cơ thể. Ngoài ra, một số bệnh nhân thấy hữu ích khi tham gia một nhóm hỗ trợ của những bệnh nhân khác có hoàn cảnh tương tự.

vicare.vn-rut-chi-mo-de-co-dau-khong

Hình 4. Vết mổ lành tốt bảo đảm tính thẩm mỹ.

Sinh sản

Một số loại phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tình dục của bệnh nhân. Đặc biệt, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi phẫu thuật. Liệu rằng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân như thế nào. Khả năng sinh sản là khả năng thụ thai của một người phụ nữ hoặc duy trì thai nghén và khả năng có thể làm cha.

Tình dục.

Tùy thuộc vào vị trí phẫu thuật, cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị tác dụng không mong muốn lên tình dục. Ví dụ, phẫu thuật tuyến tiền liệt, bàng quang, đại trực tràng hoặc các loại ung thư khác. Nó có thể gây ra những thay đổi về ham muốn tình dục, sản xuất tinh dịch, hoặc khả năng cương cứng hoặc xuất tinh. Một số phẫu thuật phụ khoa có thể gây đau hoặc khô âm đạo.
Nhiều bệnh nhân trải qua một loạt các cảm xúc sau phẫu thuật. Điều này có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và sự thân mật. Điều quan trọng là thảo luận các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải với bác sĩ, điều dưỡng hoặc nhân viên y tế. Có nhiều cách khác nhau để giúp bệnh nhân cải thiện các vấn đề tình dục và quá trình điều trị ung thư.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/surgery/side-effects-surgery

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích