menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Đợt bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

user

Ngày:

03/08/2018

user

Lượt xem:

572

Bài viết thứ 16/25 thuộc chủ đề “Các bệnh Nội hô hấp”

Đợt bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là sự tiến triển xấu đột ngột các dấu hiệu, triệu chứng vượt quá mức độ hàng ngày, đặc biệt là tình trạng tăng dần khó thở, ho và khạc nhiều đàm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT, viết tắt tiếng Anh là COPD) là một thuật ngữ thường sử dụng cho các tình trạng viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, hoặc bệnh tắc nghẽn đường hô hấp mãn tính. Đây là một bệnh phổi mạn tính phổ biến với các triệu chứng như ho, khạc đàm và khó thở, gây ra bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở tiến triển trong nhiều năm nhưng là bệnh có thể dự phòng và điều trị được. Các phương pháp điều trị giúp người bệnh giảm độ nặng của các triệu chứng qua thời gian.

BPTNMT là nguyên nhân gây bệnh và tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh sẽ tăng lên gấp 3 – 4 lần trong thập kỷ này và đến năm 2020. Nghiên cứu dịch tễ tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh chung là 4,2%, ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%. Tại Anh, trong số 7.000 người đăng ký khám ở bác sĩ gia đình có khoảng 200 người mắc BPTNMT và nhiều người trong cộng đồng vẫn chưa được chẩn đoán.

Các yếu tố kích khởi đợt bùng phát?

Hầu hết các đợt bùng phát xảy ra bởi tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do siêu vi hoặc vi khuẩn. Sự ô nhiễm không khí trong các thành phố lớn cũng là nguyên nhân kích khởi đợt bùng phát.

Ai có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

BPTNMT tiến triển một cách âm thầm, các triệu chứng của bệnh khó phát hiện trong lần khám đầu tiên. Phần lớn người bệnh không được chẩn đoán trước độ tuổi 50.

Người bệnh BPTNMT tăng theo độ tuổi và thay đổi theo từng khu vực, vùng miền. Bệnh có xu hướng phổ biến ở những nơi có đời sống thiếu thốn, nhưng điều này chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các yếu tố nguy cơ khác như phơi nhiễm khói thuốc lá hoặc các chất gây ô nhiễm không khí, dinh dưỡng kém, môi trường quá đông đúc đã được xác nhận.

Đây là bệnh phổ biến hơn ở nam giới nhưng có xu hướng tăng ở nữ giới trong những năm gần đây. Điều này là do số phụ nữ hút thuốc đang tăng dần và phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới.

Các triệu chứng của đợt bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Đợt bùng phát BPTNMT có thể biểu hiện:

  • Khó thở và hụt hơi nhiều hơn, giảm khả năng gắng sức ảnh hưởng đến việc tập thể dục hoặc ngay cả các hoạt động hàng ngày
  • Ho nhiều hơn
  • Tăng lượng đờm và thay đổi màu sắc đờm (màu xanh hoặc nâu)
  • Tăng thở khò khè
  • Cảm thấy rất mệt mỏi và thường không khỏe

Mức độ nặng của BPTNMT có thể gây ra chứng xanh tím ở môi và lưỡi, người bệnh cảm giác buồn ngủ và lú lẫn. Đây là những dấu hiệu cho thấy người bệnh không nhận đủ oxy và báo hiệu cần phải điều trị khẩn cấp tại bệnh viện.

Nhân viên y tế có thể nhận thấy các dấu hiệu khác ở người bệnh:

  • Khó nói chuyện trọn câu
  • Tăng nhịp thở (>20 lần/phút)
  • Thở chúm môi
  • Phải sử dụng thêm cơ thành ngực, cơ cổ để thở
  • Tăng lú lẫn
  • Tái xanh xung quanh môi
  • Sưng mắt cá chân
  • Khó làm công việc thường nhật

Cần phân biệt đợt bùng phát BPTNMT với bệnh nào khác?

Nếu bạn mắc BPTNMT, tình trạng xấu đi nhanh chóng của các triệu chứng không nên mặc nhiên giả định là do đợt bùng phát. Người bệnh cần đi khám bệnh nếu không chắc chắn, nhằm loại trừ các nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự như:

Có cần làm thêm xét nghiệm nào không?

Bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định chẩn đoán và chắc chắn rằng bạn đã được điều trị đúng.

Các xét nghiệm có thể cần thiết để đánh giá các nguyên nhân làm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu (bao gồm kiểm tra thiếu máu và chức năng thận)
  • Điện tâm đồ
  • Xét nghiệm mẫu đờm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng
  • X-quang ngực

Bạn cần nhập viện để xét nghiệm theo dõi thêm nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc khi chẩn đoán không chắc chắn.

Đánh giá chức năng hô hấp (hô hấp ký) trong đợt bùng phát không giúp ích nhiều nên không được khuyến cáo thực hiện.

Phương pháp điều trị cho đợt bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Các nguyên tắc chung của điều trị là tăng hít thuốc giãn phế quản và uống thuốc kháng viêm. Kháng sinh chỉ nên sử dụng nếu có bằng chứng bị nhiễm khuẩn.

Bạn cần hành động nhanh chóng ngay khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Hầu hết những bệnh nhân BPTNMT đã được lập kế hoạch điều trị để xử trí khi các triệu chứng tiến triển xấu hơn. Điều trị bao gồm uống steroid (prednisolone) càng sớm càng tốt khi khó thở hơn làm ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật. Bạn cũng cần hỏi ý bác sĩ về việc sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt khi đàm đổi màu.

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không tốt lên một cách nhanh chóng, thực sự xấu đi, hoặc nếu bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ.

Điều trị tại nhà

Việc điều trị cho một bùng phát tại nhà bao gồm:

  • Tăng liều thuốc giãn phế quản đường hít tác dụng ngắn. Dụng cụ này giúp làm mở đường thở giúp bệnh nhân dễ thở hơn. Buồng đệm giúp người bệnh hít được thuốc nhiều hơn và điều trị hiệu quả hơn. Sử dụng dụng cụ hít kèm buồng đệm sẽ có hiệu quả tương đương với hít thuốc bằng máy khí dung.
  • Một đợt thuốc steroid (thường là prednisolone) uống trong 7-14 ngày thường được sử dụng nếu khó thở tăng đáng kể, nhưng cũng có khi bác sĩ không kê toa vì một số lý do.
  • Bạn chỉ nên uống kháng sinh nếu đàm đổi màu hoặc nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể bị nhiễm trùng phổi đi kèm. Một mẫu đờm của bạn thường được gửi đến phòng thí nghiệm vi sinh để hỗ trợ việc chọn thuốc kháng sinh phù hợp.
  • Nếu đợt bùng phát nặng, bạn có thể cần phải dùng thêm điều trị oxy.

Nhập viện

Nếu các triệu chứng rất nghiêm trọng, hoặc nếu việc điều trị tại nhà không đủ cắt cơn, bạn có thể cần nhập viện để được theo dõi chặt chẽ hơn.

Thường thì bạn sẽ được sử dụng các loại thuốc tương tự nhưng có liều cao hơn hoặc dưới dạng chế phẩm khác.

Các xét nghiệm hay điều trị có thể được thực hiện thêm, bao gồm:

  • Chụp X quang lồng ngực.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch

Vật lý trị liệu hô hấp

Giúp thải đờm và thở dễ dàng hơn.

Khí dung

Nếu bạn đang rất khó thở và không thể sử dụng ống hít. Máy khí dung sẽ giúp phun những hạt sương chứa thuốc giãn phế quản. Bạn hít thuốc bằng một mặt nạ hoặc một đầu ngậm.

Mặc dù khí dung thường không có hiệu quả hơn thuốc hít bằng bình xịt kèm buồng đệm nhưng nó sẽ hữu ích nếu bạn đang rất mệt mỏi với những hoạt động hô hấp gắng sức.

Điều trị oxy

Bạn có thể cần thêm oxy để thở. Đôi khi các phương thức thở không xâm lấn (thở hai áp lực dương (BiPAP) hoặc thở áp lực dương liên tục (CPAP)) được sử dụng hỗ trợ thở. Chúng còn được gọi là thở máy không xâm lấn (NIV), bao gồm một mặt nạ áp vào mặt và một hệ thống thúc đẩy oxy vào phổi, làm đường thở trong phổi mở ra.

Trong những trường hợp rất nặng, bạn có thể cần sự giúp đỡ hô hấp nhiều hơn, trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Một ống có thể được đưa vào khí quản và kết nối với hệ thống máy hô hấp (máy thở) để “thở” thay cho bạn.

Làm thế nào để giảm nguy cơ bùng phát?

Điều quan trọng là cần giảm nguy cơ gây đợt bùng phát trong tương lai.

Đợt bùng phát có thể làm cho bạn không khỏe và đợt bùng phát thường xuyên có thể làm cho các triệu chứng thông thường hàng ngày trở nặng ngay cả khi bạn không bùng phát. Nguy cơ của đợt bùng phát có thể giảm khi bạn kiểm soát tốt các triệu chứng BPTNMT. Điều này bao gồm:

  • Không hút thuốc
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc y tá
  • Tái khám định kỳ để đảm bảo căn bệnh được kiểm soát tốt
  • Chủng ngừa cúm và phế cầu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng

Tiên lượng đợt bùng phát ra sao?

Hầu hết các đợt bùng phát đáp ứng tốt với điều trị và triệu chứng sẽ cải thiện về mức bình thường sau 7-10 ngày.

Nhưng đợt bùng phát cũng có thể rất nghiêm trọng. Nó có thể làm cho bạn không khỏe và cần phải điều trị khẩn cấp hoặc thậm chí cấp cứu ở tại bệnh viện.

Có khoảng 3-4% bệnh nhân nhập viện vì bùng phát BPTNMT sẽ tử vong. Nguy cơ tử vong cao hơn ở những bệnh nhân điều trị ở đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).

Đợt bùng phát BPTNMT làm tăng tốc độ tiến triển nặng dần của các triệu chứng BPTNMT thông thường dù đợt bùng phát đã được giải quyết, đặc biệt là nếu đợt bùng phát xảy ra thường xuyên. Bệnh nhân cũng có thể bị hạn chế hoạt động đáng kể và giảm chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo

  1. https://patient.info/health/chronic-obstructive-pulmonary-disease-leaflet/acute-exacerbations-of-copd-copd-flare-ups
  2. https://www.uptodate.com/contents/management-of-exacerbations-of-chronic-obstructive-pulmonary-disease
  3. https://mayoclinic.pure.elsevier.com/en/publications/acute-exacerbations-of-chronic-obstructive-pulmonary-disease
  4. https://copdnewstoday.com/2017/07/27/action-plan-copd-flare-ups/
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích