menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Chậm phát triển tâm thần

user

Ngày:

09/09/2014

user

Lượt xem:

2202

Bài viết thứ 10/13 thuộc chủ đề “Dị tật bẩm sinh”

Thế nào là chậm phát triển tâm thần?

Chậm phát triển tâm thần là một khiếm khuyết của sự phát triển trí não, trẻ bị chậm phát triển tâm thần có trí thông minh thấp hơn so với bình thường và các kỹ năng sinh hoạt hằng ngày cũng bị hạn chế. Chậm phát triển tâm thần được gặp rất phổ biến với tỷ lệ từ 1-3% dân số. Với tỷ lệ này mỗi năm Việt nam sẽ có khoảng từ 12.000 đến 36.000 trẻ sẽ bị loại khuyết tật này.

Giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển tâm thần

Hình 1: Giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển tâm thần

Trẻ bị chậm phát triển tâm thần bị giới hạn về chức năng trí tuệ và trong các kỹ năng sinh hoạt hằng ngày, kỹ năng xã hội, giao tiếp, ngôn ngữ, vận động v.v… làm trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và tiếp thu kiến thức. Trẻ mất nhiều thời gian hơn để tập nói, tập đi đứng và học cách tự chăm sóc bản thân trong các nhu cầu hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo v.v…

Chậm phát triển tâm thần không phải là do trẻ lười biếng, không chịu học tập mà là một rủi ro ngoài ý muốn. Do đó trẻ cần nhận được sự cảm thông, tình thương và tôn trọng của gia đình và cộng đồng. Trẻ cần nhận được sự đảm bảo về mặt y tế, xã hội, giáo dục như các trẻ bình thường khác. Nếu được hỗ trợ, giáo dục, hướng dẫn thích đáng, đa số trẻ có thể phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội (hình 1).

Những nguyên nhân nào gây ra chậm phát triển tâm thần?

Nguyên nhân của chậm phát triển tâm thần rất phức tạp, khoảng 60% trường hợp chưa xác định được nguyên nhân và khoảng từ 20-40% là do di truyền. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Do di truyền

Chậm phát triển tâm thần xảy ra do trẻ nhận vật liệu di truyền (gen, nhiễm sắc thể) bất thường từ bố mẹ. Trường hợp bất thường phổ biến nhất là hội chứng Down do có tới 3 NST thứ 21, hội chứng NST giới tính X dễ gãy v.v… và một số bệnh do bố mẹ truyền gen bị đột biến như bệnh suy giáp bẩm sinh, đi tiểu ra phenylkêtôn do rối loạn chuyển hóa axit amin phenylalanin v.v..

Do các bất thường xảy ra trong thời kì mang thai

Do trong thời kỳ mang thai mẹ sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh, bị nhiễm phóng xạ, tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc nghiện rượu. Nếu khi mang thai mẹ bị mắc một số bệnh nhiễm virut như rubella, cytomegalovirus v.v… cũng có thể làm cho trẻ bị chậm phát triển tâm thần.

Do các biến cố xảy ra khi sinh trẻ

Trẻ bị sinh non tháng, bị chấn thương não hoặc bị ngạt khi sinh cũng có thể bị chậm phát triển tâm thần.

Các nguyên nhân xảy ra sau sinh

Trẻ bị viêm não hoặc biến chứng viêm não do virut hoặc vi khuẩn mà không được điều trị hiệu quả; bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng; trẻ vô tình bị nhiễm các các chất độc như chì, thủy ngân qua thức ăn v.v… cũng có thể gây ra chậm phát triển tâm thần.

Các yếu tố xã hội

Tình trạng đói nghèo, trẻ không được quan tâm chăm sóc, không có điều kiện để giao tiếp v.v… cũng có thể làm cho trẻ bị chậm phát triển tâm thần.

Trẻ bị chậm phát triển tâm thần có những biểu hiện như thế nào?

Trẻ chậm phát triển tâm thần thường được phát hiện ở tuổi đến trường, khi mà những yêu cầu của việc học làm cho tình trạng khó khăn trong học tập và những biểu hiện bất thường về hành vi của trẻ trở nên rõ ràng. Trẻ bị chậm phát triển tâm thần có thể có một số biểu hiện như sau:

  • Chậm phát triển vận động: trẻ chậm biết lật, ngồi, bò và đi đứng.
  • Chậm biết nói hoặc khó khăn khi nói.
  • Khó nhớ được các sự việc.
  • Kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản.
  • Không ý thức được hậu quả về các hành vi của mình.
  • Khó khăn khi tự phục vụ như tự ăn uống, vệ sinh cá nhân.
  • Khó khăn trong suy nghĩ hợp tình hợp lý.
  • Quá năng động, kém tập trung, hung dữ, chống đối, tự gây thương tích cơ thể.
  • Tâm trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Trẻ cũng có thể bị động kinh hoặc có một vài vấn đề tâm thần, hành vi bất bình thường. Trẻ có thể rơi vào tâm trạng buồn phiền, chán nản nếu bị bạn học xa lánh hoặc cảm thấy bị mọi người coi thường. Nhiều trẻ có thể những hành đông phá phách, hung bạo, không tự chủ được trước một bất bình nhỏ. Điều này xảy ra là do là trẻ không thể học cách hành xử, suy luận như trẻ bình thường.

Làm thế nào để đánh giá mức độ chậm phát triển tâm thần?

Để đánh giá mức độ chậm phát triển tâm thần người ta thường dựa vào việc đánh giá thương số trí tuệ IQ (Intelligence Quotient), trẻ bị chậm phát triển tâm thần có thương số trí tuệ IQ thấp. Việc đo thương số trí tuệ được thực hiện bởi các chuyên gia về tâm lý hoặc tâm thần. Có nhiều loại trắc nghiệm đã được các chuyên gia sử dụng để đánh giá như trắc nghiệm Raven, Unit v.v…

Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần như thế nào?

Bên cạnh việc thực hiện các xét nghiệm sinh hóa, chụp X quang, phân tích bộ nhiễm sắc thể v.v… để tìm kiếm nguyên nhân, việc chẩn đoán chậm phát triển tâm thần được thực hiện bởi các chuyên gia đã qua đào tạo dựa trên việc đánh giá hai khả năng căn bản sau đây của trẻ thông quá phỏng vấn bố mẹ và đánh giá trẻ một cách trực tiếp:

  • Khả năng trí tuệ của trẻ trong việc học hiểu, suy nghĩ, giải quyết vấn đề và giải thích ý nghĩa các ngôn từ: Khả năng này được phản ảnh qua việc đo thương số trí tuệ IQ. IQ trung bình là 100, thấp hơn 70 thì được coi là bị chậm phát triển tâm thần.
  • Khả năng sống độc lập: Đánh giá xem trẻ có thể làm được những gì so với trẻ bình thường trong việc tự chăm sóc bản thân, như biết mặc quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống, cách trò chuyện với người khác, khả năng hiều được điều người khác nói và cách trả lời, cách cư xử với mọi người chung quanh.

Chậm phát triển tâm thần được phân loại như thế nào?

Chậm phát triển tâm thần được chia ra làm bốn mức độ:

  • Nhẹ: trẻ có IQ từ 50 đến 69. Hầu hết trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này (khoảng 85%). Các em có thể học đến lớp 6, có thể sống tự lập với sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng.
  • Trung bình: trẻ có IQ từ 35 – 49. Có khoảng 10% trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này. Trẻ có thể tự chăm sóc bản thân nếu được hướng dẫn, trẻ cần đến những trường học đặc biệt để được học các kỹ năng cần thiết để chung sống với cộng đồng.
  • Nặng: trẻ có IQ từ 20 – 34. Chỉ có khoảng 2 – 3% trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này. Trẻ cần đến các trường học đặc biệt để được học về các kỹ năng cơ bản để có thể tự chăm sóc bản thân và phát triển một số kỹ năng cần thiết khác.
  • Rất nặng: trẻ có IQ dưới 20. Có khoảng 1 – 2 % trẻ chậm phát triển tâm thần thuộc nhóm này. Trẻ thường bị tổn thương thần kinh và cần được theo dõi và giúp đỡ thường xuyên.

Chậm phát triển tâm thần được điều trị như thế nào?

Chậm phát triển tâm thần không thể điều trị được. Mục đích chính của điều trị là giúp trẻ phát triển tối đa các khả năng của mình. Các chương trình giáo dục và huấn luyện đặc biệt nên được bắt đầu ngay từ lúc trẻ còn bé (được gọi là can thiệp sớm) mà mục đích là giúp trẻ phát triển càng giống bình thường càng tốt. Một số trung tâm có tổ chức hướng nghiệp để giúp trẻ học một số nghề đơn giản và tạo việc làm có thu nhập.

Đối với trẻ chậm phát triển tâm thần có các dấu hiệu của bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn suy nghĩ, có hành vi phá phách v.v… cần được khám bởi các bác sĩ tâm thần để có phương pháp điều trị thích hợp.

Làm thế nào để phòng ngừa chậm phát triển tâm thần?

Việc phòng ngừa chỉ hiệu quả đối với các trường hợp có nguyên nhân rõ ràng. Y học hiện nay cho phép thực hiện một số các xét nghiệm và siêu âm trước sinh giúp phát hiện sớm một số bệnh có gây chậm phát triển tâm thần như bệnh Đao hoặc xét nghiệm ngay sau sinh để phát hiện bệnh như trường hợp suy giáp bẩm sinh để có biện pháp điều trị kịp thời.

Các bà mẹ cần được tư vấn để chích ngừa phòng bệnh sởi do virut rubella. Không uống nhiều rượu và cần ăn uống đầy đủ trong thời gian mang thai. Để có thể dự phòng chậm phát triển tâm thần các bà mẹ nên đến bác sĩ tư vấn di truyền để được tư vấn.

Việc học của trẻ sẽ như thế nào?

Trong điều kiện của Việt Nam hiện này các trẻ chậm phát triển tâm thần, đặc biệt là các trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ trung bình và nặng khó có thể theo học ở các trường học bình thường. Trẻ chỉ có thể học tốt nếu nhận được sự giúp đỡ cho từng cá nhân. Tại các trường học chuyên biệt, giáo viên sẽ lập chương trình riêng cho mỗi em, xác định nhu cầu của mỗi trẻ và phối hợp với gia đình để cùng giúp trẻ học tập và phát triển.

Trẻ chậm phát triển học toán

Hình 2: Trẻ chậm phát triển tâm thần đang học toán tại lớp học

Nhìn chung nội dung học của trẻ tại trường chuyên biệt tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng:

  • Giao tiếp;
  • Tự chăm sóc (tự tắm rửa, ăn uống, thay quần áo, đánh răng, đi vệ sinh v.v…);
  • Học hiểu các kiến thức tổng quát về sức khỏe và an toàn cá nhân căn bản;
  • Giúp các công việc ở nhà như quét nhà, rửa chén bát, sắp bàn;
  • Tập giao tế xã hội, học hiểu các quy luật ứng xử thông thường;
  • Học đọc, viết và làm các phép tính đơn giản (hình 2);
  • Khi trẻ trưởng thành sẽ được học các nghề nghiệp đơn giản và tạo việc làm ổn định cho trẻ.

Cám ơn bác sĩ BS.Lê Thanh Nhã Uyên đã chia sẻ bài viết này

Tài liệu tham khảo

  1. http://chaodontuonglai.vn/modules.php?name=Thongtin&go=page&pid=37
  2. Clifford J. Drew; Michael L. Harrdman; Donald R. Logan (1992), Mental retardation, a Life Cycle Approach, 6th edition, Prentice-Hall Inc.
  3. Murray Krantz ((1994), Child Development, Risk and Opportunity,1st edition, International Thomson Publishing.
  4. William L. Heward (1996), Exceptional Children. An Introduction to Special Education. 5th Edition, Prentice-Hall Inc.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích