menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Sẩy thai liên tiếp

user

Ngày:

17/09/2017

user

Lượt xem:

458

Bài viết thứ 05/16 thuộc chủ đề “Sẩy thai”

Thế nào là sẩy thai liên tiếp

Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa là khi bị sẩy thai hơn 2 lần. Phụ nữ sau 3 lần sẩy thai nên đi khám toàn diện.

Tỉ lệ bị sẩy thai liên tiếp là bao nhiêu?

Chỉ có một số nhỏ phụ nữ (1%) bị sẩy thai liên tiếp.

Nguyên nhân thường gặp gây ra sẩy thai liên tiếp

Phần lớn trường hợp sẩy thai (khoảng 60%) xảy ra ngẫu nhiên do phôi nhận nhiễm sắc thể với số lượng bất thường trong quá trình thụ thai. Loại bất thường di truyền này xảy ra ngẫu nhiên chứ không phải do bệnh lý nào gây ra. Tuy nhiên nó thường gặp hơn ở phụ nữ lớn tuổi mang thai.

sẩy thai liên tiếp

Sẩy thai liên tiếp có liên quan đến bệnh di truyền hay không?

Trong một số nhỏ trường hợp sẩy thai, người ta tìm thấy ở bố hoặc mẹ có hiện tượng một phần nhiễm sắc thể này bị chuyển sang một nhiễm sắc thể khác. Hiện tượng này gọi là chuyển vị nhiễm sắc thể. Người mang nhiễm sắc thể chuyển vị thường không biểu hiện triệu chứng hay bất thường về cơ thể nào, nhưng trứng hay tinh trùng của họ sẽ mang nhiễm sắc thể bất thường. Nếu phôi có quá nhiều hay quá ít vật liệu di truyền, nó thường dẫn đến sẩy thai.

Bất thường về cơ quan sinh dục có liên quan đến sẩy thai liên tiếp không?

Một số bất thường bẩm sinh ở tử cung có liên quan đến sẩy thai liên tiếp. Có nhiều loại bất thường nhưng dạng phổ biến nhất là tử cung có vách ngăn. Trong trường hợp này tử cung bị chia làm hai ngăn bởi một vách ngăn.

Hội chứng Asherman, là hội chứng mô dính và sẹo hình thành trong tử cung, cũng có thể liên quan đến sẩy thai liên tiếp mà sự sẩy thai liên tiếp này xảy ra thậm chí trước khi người phụ nữ biết là mình có thai. U xơ và polyp, hai dạng u lành tính (không ung thư) hình thành trong tử cung, cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp.

Có loại bệnh nào làm tăng nguy cơ bị sẩy thai liên tiếp không?

Có một số bệnh ở phụ nữ có thể làm tăng khả năng bị sẩy thai. Hội chứng kháng phospholipid (tiếng Anh là “antiphospholipid syndrome”, viết tắt là “APS”) là một loại rối loạn tự miễn do hệ thống miễn dịch mắc sai lầm mà sản sinh ra kháng thể chống lại các chất liên quan đến quá trình đông máu. APS có thể gây ra sẩy thai liên tiếp và thai chết lưu. Một loại bệnh khác cũng có thể dẫn đến sẩy thai là đái tháo đường. Bệnh này được biểu hiện bằng lượng đường (đường glucose ) cao trong máu. Phụ nữ mang bệnh đái tháo đường, nhất là khi bệnh không được chữa trị cẩn thận, thường có khả năng bị sẩy thai cao hơn. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng có khả năng bị sẩy thai cao hơn.

Sẩy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân có thường gặp không?

Khoảng 50-75% số phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân. Có thể tìm ra đầu mối gây bệnh nhưng không thể tìm ra được câu trả lời chính xác hoàn toàn.

Các xét nghiệm nào có thể được dùng để tìm nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp?

Để tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử y khoa và các trường hợp mang thai trước đây. Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu khám tổng quát, bao gồm cả khám phụ khoa. Bệnh nhân cũng có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem có vấn đề gì với hệ thống miễn dịch hay không. Xét nghiệm xác định bộ nhiễm sắc thể hoặc xét nghiệm microarray cũng có thể được tiến hành để tìm nguyên nhân di truyền. Các xét nghiệm về hình ảnh cũng có thể được dùng để kiểm tra xem tử cung có bất thường gì không.

Nếu đã xác định được nguyên nhân, có cách để điều trị sẩy thai liên tiếp không?

Nếu tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp, bác sĩ có thể đề ra biện pháp chữa trị.

Nếu phát hiện bị chuyển vị nhiễm sắc thể, tôi phải làm gì?

Nếu bị chuyển vị nhiễm sắc thể, bạn nên đến gặp bác sĩ tư vấn về di truyền. Kết quả xét nghiệm di truyền sẽ cho biết bạn có những lựa chọn nào. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với xét nghiệm di truyền đặc biệt gọi là chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi có thể được dùng để loại bỏ phôi bất thường.

Các bất thường về cơ quan sinh dục được điều trị ra sao?

Có thể tiến hành phẫu thuật điều chỉnh để tăng khả năng mang thai thành công. Ví dụ, vách ngăn trong tử cung có thể được phẫu thuật cắt bỏ.

Nếu tôi bị hội chứng kháng phospholipid, có thể điều trị được không?

Phụ nữ bị hội chứng này có thể sẽ được kê đơn dùng thuốc chống đông máu, như heparin, và đôi khi cùng với aspirin liều thấp, trong suốt quá trình mang thai và vài tuần sau đó. Phương pháp này có thể giúp làm tăng khả năng mang thai thành công ở những phụ nữ này.

Tôi có cơ hội đậu thai không sau khi tôi bị liên tiếp sẩy thai mà không phát hiện ra nguyên nhân?

Khoảng 65% số phụ nữ sau vài lần sẩy thai thì có thể đậu thai thành công.

Giải thích thuật ngữ

  • Bẩm sinh: là các đặc tính của cơ thể có sẵn từ khi sinh ra.
  • Xét nghiệm xác định bộ nhiễm sắc thể: là hình ảnh bộ nhiễm sắc thể của con người được sắp xếp thứ tự theo kích cỡ .
  • Chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi: là loại xét nghiệm di truyền có thể thực hiện trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Trứng đã thụ tinh sẽ được xét nghiệm trước khi cấy vào tử cung.
  • Chuyển vị: là sai sót trong cấu trúc nhiễm sắc thể trong đó một phần của nhiễm sắc thể này bị chuyển sang một nhiễm sắc thể khác.
  • Glucose: là loại đường có trong máu và là nguồn nguyên liệu chính của cơ thể.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: là trường hợp mang hai hoặc ba đặc điểm sau: xuất hiện u nang (tiếng Anh gọi là “cyst”) trên buồng trứng, kỳ kinh bất thường, và nồng độ một số loại hoc-môn (hormone) tăng.
  • Hội chứng kháng phospholipid: là loại rối loạn khi cơ thể mắc sai lầm mà sản sinh ra kháng thể chống các chất làm đông máu. Bệnh này có thể dẫn đến đông máu bất thường và ảnh hưởng đến quá trình mang thai, bao gồm sẩy thai.
  • Khám phụ khoa tổng quát: là phương pháp kiểm tra cơ quan sinh dục nữ.
  • Kháng thể: là các protein có trong máu do cơ thể sản sinh ra khi có vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi khuẩn hoặc virút gây bệnh.
  • Microarray: là kỹ thuật so sánh bộ gen của một người với bộ gen bình thường để phát hiện ra nhiều loại bất thường di truyền cùng một lúc.
  • Mô sẹo dính: là mô sẹo làm bề mặt các cơ quan dính liền vào nhau.
  • Nhiễm sắc thể: là cấu trúc nằm trong tế bào, chứa gen (thông tin di truyền) quyết định các đặc tính của cơ thể.
  • Phôi: là thai được tính từ khi trứng thụ tinh bám vào tử cung cho đến hết 8 tuần thai.
  • Rối loạn tự miễn: là rối loạn trong đó cơ thể tự tấn công các cơ quan của chính mình.
  • Sẩy thai liên tiếp: là khi bị sẩy thai nhiều hơn hai lần.
  • Thụ thai: là sự giao hợp của trứng và tinh trùng.
  • Thụ tinh nhân tạo: là quá trình lấy trứng khỏi buồng trứng của người mẹ, thụ tinh trong phòng thí nghiệm sử dụng tinh trùng của người cha, và cấy trứng đã được thụ tinh trở lại vào tử cung của mẹ để người mẹ có thể mang thai.
  • Tiểu đường: là trạng thái khi lượng đường trong máu quá cao.
  • Tinh trùng: là tế bào sinh dục nam, được sản sinh trong tinh hoàn, để thụ tinh cho trứng của người phụ nữ.
  • Trứng: là các tế bào sinh dục nữ, được sản sinh từ buồng trứng.
  • Tử cung: là một cơ quan nằm trong vùng chậu nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.

Chú ý

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào trạng thái của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Repeated-Miscarriage

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích