menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Những nguyên nhân gây sảy thai

user

Ngày:

03/05/2023

user

Lượt xem:

121

Bài viết thứ 14/16 thuộc chủ đề “Sẩy thai”

Biên dịch: Nguyễn Phạm Hoàng Nghi

Hiệu đính: BS. Phạm Hồng Vân

Những nguyên nhân nào thường gây sảy thai?

Khi mang thai, bạn có thể lo lắng về các nguy cơ sảy thai. Sảy thai là thai bị mất trước tuần thứ 20. Thực tế, thường rất khó để xác định chính xác các nguyên nhân gây sảy thai và cũng rất khó để kiểm soát những nguyên nhân này. Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể giúp bạn cảm thấy an tâm và gia tăng xác suất có một thai kỳ khỏe mạnh, đủ tháng.

Dưới đây là tổng quan về một số nguyên nhân phổ biến nhất gây sảy thai.

Bất thường nhiễm sắc thể

Khi sảy thai xảy ra trong 12 tuần đầu, hơn một nửa trường hợp là do đột biến nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể chứa các gen quy định các đặc điểm độc nhất của em bé, ví dụ như tóc và màu mắt. Em bé không thể phát triển một cách bình thường với nhiễm sắc thể bị sai sót về số lượng hoặc bị hư hỏng. 

Một bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi có thể gây ra một số vấn đề. Trong số đó phổ biến nhất là:

  • Trứng trống (thai không phôi): Phôi không phát triển.
  • Thai trứng toàn phần: Tất cả nhiễm sắc thể đều có nguồn gốc từ cha, không nhận từ mẹ. Bánh nhau phát triển bất thường và không có sự hiện diện của phôi thai.
  • Thai trứng bán phần: Vật chất di truyền đến từ hai tinh trùng khác nhau và đến từ một trứng. Phôi thai có thể phát triển được một thời gian ngắn sau đó ngừng lại. 

Một vài bất thường nhiễm sắc thể khác có thể gây ra sảy thai. Gồm có ba nhiễm sắc thể 13, 18, 21 (Hội chứng Down), một nhiễm sắc thể (Hội chứng Turner), và những bất thường nhiễm sắc thể giới tính khác.

Sau đây là một số điều lưu ý về bất thường nhiễm sắc thể:

  • Không có cách phòng ngừa các vấn đề về nhiễm sắc thể.
  • Càng lớn tuổi, đặc biệt tuổi trên 35, càng tăng nguy cơ đột biến nhiễm sắc thể nói riêng và sảy thai nói chung.

Sảy thai do vấn đề nhiễm sắc thể thường hiếm khi xảy ra ở những lần mang thai kế tiếp.

Các vấn đề y khoa

Sảy thai thường do vấn đề sức khoẻ của người mẹ. Một trong số đó bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Cytomegalovirus hoặc rubella.
  • Bệnh mạn tính kiểm soát kém: Đái tháo đường, tăng huyết áp.
  • Bệnh tuyến giáp, lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn khác.
  • Các tình trạng bất thường của tử cung và cổ tử cung: U xơ tử cung, dị dạng tử cung, cổ tử cung mở quá sớm, hay gọi là hở eo tử cung.
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Nhiễm chlamydia, lậu, giang mai hoặc HIV.
  • Rối loạn đông máu làm tắc mạch cung cấp máu cho nhau thai.

Lối sống

Khi mang thai, những thói quen vốn có của bạn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Sau đây là một số thói quen gây nguy hiểm cho sự phát triển của em bé:

  • Hút thuốc lá: Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai tăng lên ngay cả khi chỉ có người cha hút thuốc.
  • Nghiện rượu.
  • Sử dụng ma tuý.

Mối nguy hiểm môi trường

Ngoài hút thuốc lá thụ động, một số chất trong môi trường ở nhà hoặc nơi làm việc của bạn có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ, gồm có:

  • Chì trong ống nước cũ hoặc nước sơn nhà trước năm 1978.
  • Thuỷ ngân từ nhiệt kế hoặc bóng đèn huỳnh quang bị vỡ.
  • Các dung môi như chất pha loãng sơn, chất khử dầu, chất tẩy vết ố và sơn dầu.
  • Thuốc diệt côn trùng hoặc loài gặm nhấm.
  • Asen từ những bãi bỏ hoang hoặc trong một số giếng nước.

Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về những nguy cơ này. Bạn có thể thấy nó không nghiêm trọng như bạn nghĩ.

Thuốc

Một số thuốc kê đơn và không kê đơn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, gồm có:

  • Misoprostol, dùng cho các tình trạng như loét dạ dày và viêm khớp dạng thấp.
  • Methotrexate, dùng cho viêm khớp dạng thấp.
  • Retinoids, dùng cho các vấn đề ở da như chàm và mụn.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), dùng cho đau và viêm.

Điều gì không gây sảy thai?

Bạn có thể lo lắng về một số hoạt động hoặc cảm xúc nhất định có khả năng đe doạ thai kỳ. Thai kỳ của bạn vẫn an toàn nếu bạn gặp những trường hợp sau đây: 

  • Làm việc
  • Ngồi hoặc đứng trong khoảng thời gian hợp lý
  • Tập thể dục (trao đổi với bác sĩ về mức độ tập luyện phù hợp với bạn)
  • Quan hệ tình dục
  • Đi máy bay
  • Ăn thực phẩm cay
  • Bị sốc tâm lý hoặc sợ hãi
  • Căng thẳng hoặc trầm cảm

Phòng ngừa sảy thai

Mặc dù không có cách nào để phòng ngừa sảy thai một cách tuyệt đối nhưng bạn có thể thực hiện các bước dưới đây để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh:

  • Khám tiền sản.
  • Khám thai định kỳ để bác sĩ có thể giúp phòng ngừa và sớm điều trị các bất thường nếu có. Ưu tiên chăm sóc các vấn đề sức khoẻ hiện có nhằm mang lại cho con bạn cơ hội phát triển tốt nhất.
  • Hạn chế những thói quen, lối sống gây nguy hiểm cho thai kỳ. Nếu bạn không thể tự kiềm chế, hãy trao đổi với bác sĩ để nhận được sự trợ giúp. 
  • Hỏi bác sĩ về nguy cơ sảy thai do môi trường và cách tự bảo vệ mình.
  • Hỏi bác sĩ xem bạn có nên đến khám bác sĩ chuyên khoa sản như bác sĩ sản phụ khoa chuyên về các thai kỳ nguy cơ cao, đặc biệt nếu bạn đã sảy thai trên một lần. Các bác sĩ này chuyên về các trường hợp mang thai có nguy cơ.
  • Bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày.
  • Hạn chế caffeine.
  • Chế độ ăn cân bằng, lành mạnh.
  • Tránh một số loại thực phẩm có khả năng nhiễm khuẩn.
  • Duy trì cân nặng khoẻ mạnh.
  • Hãy nhớ rằng bạn có thể làm mọi thứ đều “đúng” mà vẫn bị sảy thai. Đừng cảm thấy tội lỗi. Thường xuyên trao đổi với bác sĩ và thay đổi lối sống lành mạnh, hãy yên tâm vì bạn đã làm mọi thứ có thể để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo

https://www.webmd.com/baby/4-common-causes-miscarriage

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích