menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bạn cần làm gì sau khi sẩy thai: Phục hồi, chăm sóc và phòng ngừa.

user

Ngày:

30/01/2021

user

Lượt xem:

12523

Bài viết thứ 12/16 thuộc chủ đề “Sẩy thai”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẩy thai là một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra trong quá trình mang thai của phụ nữ. Thống kê cho thấy rằng 12 đến 15% trường hợp mang thai lâm sàng bị sẩy thai và 17% đến 22% bị sẩy thai trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Nhưng đây không phải là chấm hết. Mặc dù thời gian đau buồn sẽ kéo dài, nhưng bạn có thể vượt qua được nó và lên kế hoạch cho gia đình mình một lần nữa. MomJunction sẽ giúp bạn biết những việc cần làm sau khi sẩy thai và cách phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần sau sự việc đau buồn này.

Sẩy thai là gì?

Sẩy thai được định nghĩa là hiện tượng mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20 (ở Mỹ) hoặc tuần thứ 24 (ở Anh). Về mặt y học, nó được gọi là sẩy thai tự nhiên, nghĩa là thai bị tống xuất khỏi buồng tử cung.

Nguyên nhân của việc sẩy thai

Nguyên nhân chính gây sẩy thai là do nguyên nhân di truyền và bất thường nhiễm sắc thể. Những yếu tố này kìm hãm sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh những yếu tố trên, nồng độ nội tiết tố, đái tháo đường không kiểm soát tốt, tiếp xúc với các tác nhân độc hại, bất thường ở tử cung, dùng thuốc, hút thuốc, lạm dụng rượu và ma túy cũng có thể dẫn đến sẩy thai. Huyết khối cũng có thể dẫn đến sẩy thai.

Thai ngoài tử cung cũng có thể bị sẩy tự nhiên khoảng tuần thứ sáu đến thứ tám của thai kỳ .

Sẩy thai là một trải nghiệm tiêu cực, gây tác động đến cả vợ và chồng. Trong đó, người phụ nữ phải trải qua những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần nặng nề.

Ảnh hưởng sau sẩy thai là gì?

Dưới đây là một số ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần mà phụ nữ gặp phải sau khi sẩy thai.

Ảnh hưởng về thể chất

Cơ thể các chị em sẽ mất khoảng vài tuần đến vài tháng để giảm bớt được các triệu chứng và phục hồi lại sức khỏe.

Chảy máu

Vì sẩy thai xảy ra với sự tách rời của bào thai khỏi niêm mạc tử cung, chảy máu sau sẩy thai là không thể tránh khỏi. Chảy máu do sẩy thai bắt đầu xuất hiện một đốm nhẹ và sau đó chảy máu ngày càng nhiều hơn kèm theo cục máu đông. Mặc dù chảy máu sẽ giảm dần trong vòng một hoặc hai tuần, nhưng thời gian chảy máu phụ thuộc vào việc tình trạng sẩy thai là tự nhiên hay có can thiệp ngoại khoa. Trong trường hợp chảy máu kéo dài hơn hai tuần, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Bạn nên tắm rửa, vệ sinh thường xuyên ở nhà và đảm bảo rằng không sử dụng hồ bơi công cộng hoặc vòi hoa sen để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Nhiễm trùng

Phẫu thuật nong và nạo được thực hiện để loại bỏ các mô còn sót lại của thai nhi ra khỏi tử cung, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn từ âm đạo vào tử cung. Nhiễm khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật. Nếu bào thai còn sót lại không được phát hiện và không được phẫu thuật, sẽ làm tăng tiết dịch âm đạo và đau vùng chậu sau khi sẩy thai. Nếu bị đau dữ dội, đau co thắt từng cơn liên tục, chảy máu kéo dài và sốt, bạn nên đi khám.

Đau bụng

Đau bụng sau khi sẩy thai thường do các cơn co thắt của tử cung. Chuỗi các hiện tượng xảy ra bên trong tử cung sẽ gây ra những cơn đau bụng dữ dội. Những cơn đau này lan sang các bộ phận khác của cơ thể và phần lưng dưới bị ảnh hưởng nhiều nhất.

HCG

Hormone hCG vẫn còn trong máu vài tháng sau khi sẩy thai và nồng độ này chỉ về 0 sau khi các mô nhau thai bị tống xuất hoàn toàn. Trong hầu hết các trường hợp, hCG giảm xuống dưới 5mlU/ml. Nếu bị sẩy thai sớm (khoảng tuần thứ 8 đến tuần thứ 10), thì bạn cần một khoảng thời gian khá dài để nồng độ hCG trở lại bình thường vì hormone này đạt đỉnh điểm trong những tuần này. Các cơ sở y tế sẽ đo nồng độ hCG bằng cách lấy mẫu máu của bạn.

Tử cung sau sẩy thai

Phải mất ít nhất hai tuần sau sẩy thai để cổ tử cung đóng lại và tử cung co trở lại kích thước bình thường. Nhưng trong một số trường hợp, tử cung không thể tống xuất hết các mô thai. Tình trạng này được gọi là sẩy thai không hoàn toàn. Sẩy thai không hoàn toàn gây đau nhiều và có liên quan đến cơn đau quặn và kéo dài trong hai tuần hoặc hơn. Trong trường hợp này, cơ thể bạn sẽ trải qua cảm giác tương tự một cuộc chuyển dạ nhỏ với máu chảy nhiều và đau dữ dội. Máu chỉ ngừng chảy khi tử cung trở lại kích thước bình thường. Xoa bóp vùng tử cung giúp tử cung trở lại kích thước bình thường trước khi mang thai. 

Tiết sữa

Tùy thuộc vào thời gian mang thai, bạn sẽ bị rỉ sữa ở vú hoặc chảy sữa sau khi sẩy thai. Ngực của bạn có thể cảm thấy căng đầy, nhưng áp lực sẽ giảm dần. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để chấm dứt tình trạng này sớm sau khi sẩy thai.

Chăm sóc sức khỏe sau khi sẩy thai

Cơ thể hồi phục khá nhanh sau khi sẩy thai (dù sớm hay muộn). Thông thường, một người phụ nữ rụng trứng sau hai đến bốn tuần sau khi sẩy thai và có kinh nguyệt bình thường sau hai tuần kể từ khi rụng trứng. Dưới đây là một số cách chăm sóc bản thân sau khi sẩy thai.

Nghỉ ngơi

Bạn đã trải qua một trải nghiệm đau thương và cần thời gian để chữa lành. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Bạn có thể cảm thấy khó ngủ vì tinh thần bị ảnh hưởng. Uống sữa nóng để dễ ngủ hơn là một lựa chọn thích hợp dành cho bạn. Bạn cũng nên tập các bài tập nhẹ bất cứ khi nào có thể.

Dùng thuốc

Cơn đau do sẩy thai có thể khác nhau tùy thuộc vào tính chất của sẩy thai. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau chống co thắt như Cyclopam và Buscopan. Nhưng bạn phải hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng chúng. Trong trường hợp cơn đau tăng lên theo thời gian, bạn cần đi khám.

Theo dõi nhiệt độ cơ thể

Trong năm ngày đầu tiên sau khi sẩy thai, bạn phải theo dõi nhiệt độ cơ thể. Nếu nhiệt kế hiển thị con số lớn hơn 37.6 , hãy liên hệ với bác sĩ. Sốt sau khi sẩy thai có thể là do cơ thể đang bị nhiễm trùng.

Giữ vệ sinh đúng cách

Sử dụng băng vệ sinh cotton khi bạn bị chảy máu sau sẩy thai, và thay băng sau mỗi 4-6 giờ. Bạn cũng cần tắm một hoặc hai lần một ngày để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Không thụt rửa hoặc sử dụng các chất khử trùng để vệ sinh vùng âm đạo vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Chườm nóng và lạnh

Nhiều phụ nữ bị đau đầu sau khi sẩy thai. Chườm nóng và lạnh có thể giúp bạn giảm đau và giảm đau bụng.

Chế độ ăn uống lành mạnh sau khi sẩy thai

Cơ thể bạn cần được phục hồi và nạp năng lượng sau khi sẩy thai, vì vậy hãy xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh. Đảm bảo bữa ăn của bạn có các phần protein, carbohydrate, chất xơ, chất béo, các khoáng chất và vitamin cần thiết.

  • Đối với chất béo lành mạnh, bạn có thể có dầu dừa, bơ và dầu ô liu.
  • Tái tạo cơ thể bằng các loại protein như trứng, pho mát, thịt gia cầm, thịt đỏ, thịt nội tạng và hải sản (cá mòi và cá hồi).
  • Trái cây nguyên quả và rau quả có hàm lượng dinh dưỡng cao và không cần thời gian chuẩn bị. Rau xanh, đậu, cải Brussels, đậu lăng, đậu nành và trái cây như đu đủ, dâu tây và bưởi rất tốt cho bạn.
  • Mức độ canxi giảm mạnh trong thời kỳ mang thai, do đó bạn sẽ cần nhiều thực phẩm giàu canxi. Vì vậy, điều quan trọng là tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi như sữa, các sản phẩm từ sữa, trái cây khô, đậu nành và rau xanh.

Uống đủ nước

Cơ thể bạn cần nước để phục hồi. Vì vậy, hãy uống ít nhất tám cốc nước mỗi ngày. Bạn có thể thử nước trái cây, trà thảo mộc (bạc hà hoặc hoa cúc) và nước ấm. Tránh xa đồ uống có chứa caffein vì caffein là một chất lợi tiểu và sẽ không có tác dụng phục hồi cho cơ thể.

Quan hệ tình dục sau khi sẩy thai

Cố gắng tránh quan hệ tình dục trong hai tuần đầu sau khi sẩy thai vì bạn cần thời gian để cơ thể hồi phục. Chờ cho máu ngừng chảy và cho cổ tử cung đủ thời gian để co và đóng lại. Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bạn bắt đầu lập kế hoạch lại cho gia đình. Sử dụng biện pháp tránh thai nếu bạn không muốn có thai sớm.

Ảnh hưởng tinh thần sau khi sẩy thai

Sẩy thai kéo theo một loạt các ảnh hưởng nặng nề về tinh thần.

Sốc và phủ nhận

Từ lúc sẩy thai và trong suốt quá trình chữa bệnh, cơ thể bạn sẽ bị sốc. Bạn có thể phủ nhận rằng bạn đã mất em bé.

Cảm giác tội lỗi và tức giận

Bạn có thể đổ lỗi cho bản thân vì sự bất cẩn của mình.  Bạn cũng có thể sẽ đổ lỗi cho người khác mặc dù điều đó có vẻ vô nghĩa. Bạn có thể cảm thấy ghen tị và cáu kỉnh với những phụ nữ mang thai khác và có thể nuôi dưỡng lòng căm thù đối với họ.

Trầm cảm và đau khổ

Một số chị em có thể rơi vào trạng rối loạn trầm cảm nặng. Nó gây ra cảm giác buồn bã dữ dội và dai dẳng trong thời gian dài hơn, và phụ nữ có thể mất hứng thú với mọi thứ. Trong vài tuần tới, bạn có thể cảm thấy:

  • Khó chịu hoặc thất vọng
  • Tuyệt vọng, trống rỗng, buồn bã
  • Lừ đừ, kiệt sức
  • Buồn ngủ hoặc mất ngủ
  • Rất đói hoặc không đói
  • Đau khổ, lo lắng, vô thức
  • Thiếu tập trung vào việc đưa ra quyết định, ghi nhớ mọi thứ
  • Xu hướng tự sát và những cơn đau ngẫu nhiên xuất hiện

Đừng khó khăn với bản thân vì bạn sẽ vượt qua được nỗi đau này và làm lại từ đầu cùng gia đình mình.

Phục hồi tinh thần sau sẩy thai

Sẩy thai không chỉ tàn phá cơ thể bạn mà còn khiến bạn tổn thương về tinh thần. Trước tiên, bạn phải hiểu và tin rằng những điều đã xảy ra không phải lỗi của bạn.

Đừng tự trách mình

Sẩy thai thường là một bất thường về nhiễm sắc thể và không chỉ do sơ xuất của người mẹ. Bạn phải vượt qua nó để lập kế hoạch cho gia đình của bạn trong tương lai.

Bác sĩ có thể giúp

Bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Họ sẽ giải thích cho bạn những lý do (chẳng hạn như u nang buồng trứng, căng thẳng quá nhiều, hút thuốc lá…) mà bạn có thể tránh trong lần mang thai tiếp theo.

Tránh căng thẳng

Ngừng tập trung quá vào nỗi đau thể xác và tinh thần. Hãy nhớ rằng nội tiết tố của bạn đã mất cân bằng và chúng cần một thời gian để bình thường hóa. Bạn sẽ cáu kỉnh và ủ rũ. Hiểu rằng cơ thể đang trên đường hồi phục và sẽ mất một thời gian.

Xác định lý do tổn thương

Xác định lý do

  • Bạn đã từng sẩy thai trước đó chưa? 
  • Bạn có tuyệt vọng về việc có con không? 
  • Bạn đã trên 35 tuổi? 
  • Bạn đang lăn tăn về việc hút thai không thành công? 

Dù đó là gì, hãy thành thật với bản thân để biết điều gì đã làm tổn thương bạn nhiều nhất. Bạn phải hiểu rằng bạn không thể giải quyết vấn đề cho đến khi bạn biết lý do.

Nói chuyện với người khác

Khi bạn đang đối mặt với một cú sốc lớn như sẩy thai, bạn cần phải trút bỏ cảm xúc của mình. Nói chuyện với ai đó, có thể là bạn bè, gia đình của bạn hoặc một chuyên gia. Cảm thấy bị xa lánh là điều bình thường, nhưng đừng khép mình lại, đặc biệt là với chồng của bạn. Hãy nhớ rằng, anh ấy cũng đã mất đứa con của mình. Nói về nó sẽ giúp bạn bớt đi một chút gánh nặng và giúp bạn đi tiếp tốt hơn.

Tập thể dục

Một khi cơ thể bạn đã phục hồi tương đối, hãy cố gắng tập thể dục. Tập luyện tốt sẽ giải phóng hormone hạnh phúc Endorphins trong cơ thể, có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng. Bắt đầu với các bài tập nhẹ như đi bộ, sau đó chuyển sang chạy và các bài tập vận động mạnh khác. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu những bài tập.

Thuốc và phương pháp điều trị

Nếu đang gặp khó khăn trong việc đối phó với chứng trầm cảm, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc cho bạn:

  • Thuốc chống trầm cảm làm giảm các triệu chứng trầm cảm
  • Liệu pháp tâm lý giúp đối phó với đau buồn
  • Liệu pháp co giật điện (ECT) để điều trị các trường hợp nặng bằng cách truyền dòng điện đến não.

Bạn không nên để mình tiếp tục rơi vào trạng thái trầm cảm. Thay vào đó, hãy cố gắng hết sức để thoát khỏi những cảm xúc đó và sống lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến sức khỏe của mình.

Các biện pháp phòng ngừa sau khi sẩy thai

Bạn nên tuân theo các biện pháp phòng ngừa nhất định để duy trì thể chất và tinh thần sau khi sẩy thai. Trong nhiều trường hợp, những biện pháp phòng ngừa này sẽ tránh được những rủi ro trong tương lai và tổn thất thai nghén tái phát:

  • Đừng cố gắng thụ thai cho đến khi bạn đã trải qua ít nhất hai chu kỳ kinh nguyệt.
  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Tránh các loại thực phẩm như thịt sống, pho mát mềm, thực phẩm chế biến sẵn….
  • Tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng phù hợp.
  • Tránh uống rượu và hút thuốc khi mang thai. Hạn chế tiêu thụ caffeine.
  • Uống vitamin trước khi sinh và bổ sung axit folic mỗi ngày, sau khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.
  • Nếu bạn bị sốt, đừng bỏ qua vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng sau sẩy thai, có thể gây vô sinh.
  • Đừng bỏ qua bất kỳ dịch tiết âm đạo bất thường nào.
  • Tránh quan hệ tình dục một thời gian cho đến khi bạn thoát khỏi hậu quả của sẩy thai.

Chỉ cần bạn kiên trì chăm sóc bản thân, bạn sẽ sớm khỏi bệnh. Và dưới đây, chúng tôi cung cấp cho bạn ý tưởng về thời gian sớm nhất để bạn có thể hồi phục.

Cơ thể của bạn mất bao lâu để lành lại sau sẩy thai

Mất khoảng vài ngày đến vài tháng để cơ thể lành lại sau khi sẩy thai. Tuy nhiên, chảy máu âm đạo có thể kéo dài đến một tuần và đau bụng dưới lên đến hai ngày.

Thời gian chữa bệnh cũng phụ thuộc vào mức độ tổn thương tinh thần mà bạn đang gánh chịu.

Những hành động sai lầm có thể gây thêm nhiều thương tổn hơn và có thể sẽ hủy hoại cuộc đời bạn. Hãy tự cho mình cơ hội để hiểu cơ thể mình hơn, tìm hiểu về tình trạng bệnh lý để đưa ra những kế hoạch phù hợp cho tương lai.

Trong khi một số phụ nữ có thể vượt qua và bắt đầu mang thai mới một cách cẩn thận, một số người khác lại mất rất nhiều thời gian để thoát khỏi cơn đau. Dù là gì thì bạn và người ấy cũng nên trò chuyện và chia sẻ cảm xúc của nhau. Hãy nhớ rằng tinh thần và thể chất mạnh mẽ sẽ giúp bạn sớm khỏe lại.

Nếu bạn có bất kỳ đề xuất hoặc lời khuyên nào cần chia sẻ, hãy để lại trong phần bình luận bên dưới.

Tài liệu tham khảo

https://www.momjunction.com/articles/ways-to-heal-your-body-after-a-miscarriage_00350190/?fbclid=IwAR0UuXjjHsgm5wog0T83nwGkzKG7xCDXcxQhqIpggvSh6qtCmFLhtLKTE04

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích