menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Vai trò của viêm mạn tính với ung thư: bạn có biết?

user

Ngày:

31/03/2019

user

Lượt xem:

1163

Bài viết thứ 10/19 thuộc chủ đề “Các bài viết tổng hợp từ Fanpage Từ SINH HỌC đến SỨC KHỎE”

Biên dịch: Châu Tiểu Lan

Ung thư là bệnh có liên quan đến gene. Các đột biến trên DNA gây mất cân bằng giữa hiện tượng “sinh ra” và “chết đi” của tế bào, làm tăng số lượng tế bào một cách bất thường. Đây chính là cơ chế sinh bệnh. Còn nguyên nhân đưa đến các đột biến thì gồm nhiều yếu tố, còn được gọi là các yếu tố nguy cơ (risk factors), trong đó, tuổi tác, rượu, các chất gây ung thư, viêm mãn tính, dinh dưỡng, hormone, ức chế miễn dịch, các yếu tố gây viêm nhiễm, béo phì, tia bức xạ, nắng, thuốc lá…là các yếu tố được nghiên cứu nhiều nhất.

Ngoài vấn đề tuổi tác vốn không thể tránh khỏi, các yếu tố khác nếu có hiểu biết đúng đắn thì sẽ giúp chúng ta hạn chế được phần nào nguy cơ mắc bệnh.

  • Phòng tránh cấp độ 1: Giảm/Tránh tiếp xúc với yếu tố nguy cơ.
  • Phòng tránh cấp độ 2: Phát hiện ung thư từ giai đoạn rất sớm, ngay khi chưa có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, khi tế bào ung thư chưa di căn, thông qua các chương trình tầm soát (screening procedures).
  • Phòng tránh cấp độ 3: Sử dụng các biện pháp như phòng vệ miễn dịch (immunoprevention) bằng cách tiêm vaccines hay thuốc phòng vệ (chemoprevention). Thuốc phòng vệ hiện nay chỉ có một số ít được cho phép, trong đó các có các thuốc kháng viêm thông dụng (dưới chỉ định của bác sĩ).

Tại sao là thuốc kháng viêm?

Trong các yếu tố nguy cơ, viêm mãn tính có một vị trí đáng kể, luôn có vai trò trong mọi giai đoạn của bệnh ung thư: khởi phát, tiến triển và di căn, tái phát, và cả đề kháng thuốc ung thư.

Mối liên hệ giữa phản ứng viêm (inflammation) và ung thư được lần đầu phát hiện nhờ vào quan sát của bác sĩ và nhà nghiên cứu Rudolf Ludwig Carl Virchow từ vào năm 1863, khi ông phát hiện có các tế bào bạch cầu hiện diện gần các mô ung thư. Thông qua việc mô tả một hiện tượng loạn sản tế bào hay thường đi đôi với các thay đổi trong quá trình sinh lý làm lành vết thương, ông cho rằng chính phản ứng viêm tạo tiền đề cho ung thư phát triển. Suốt hơn hai thập niên qua, từ những năm cuối thế kỷ 20 ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học được tích lũy và ủng hộ cho mối tương tác này.

Phản ứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) vốn là một phản ứng có lợi của cơ thể để đương đầu với các tổn thương mô. Hệ thống miễn dịch được huy động để điều động các loại tế bào bạch cầu từ hệ bạch huyết vào vị trí bị thương tổn nhằm mục đích làm lành vết thương. Các phản ứng này có các cơ chế tự điều chỉnh và chấm dứt một khi các yếu tố xâm hại được loại bỏ và quá trình làm lành vết thương được hoàn tất. Tuy nhiên nếu vì một lý do nào đó, các phản ứng viêm bị mất khả năng tự kiểm soát thì chúng sẽ tiếp tục quá trình này dai dẳng, và trở thành viêm mãn tính. Chính hiện tượng viêm mãn này, với hệ quả là hàm lượng các yếu tố kích thích tế bào sinh trưởng (groth factors), gốc tự do oxi hóa (ROS) hay gốc tự do nito hóa (NOS) bị tăng cao sẽ làm thúc đẩy sự hình thành các đột biến gene gây khởi phát ung thư. Ngoài ra trong quá trình viêm mãn, nhiều tế bào miễn dịch sẽ liên tục hoạt động, nhưng chúng không đủ khả năng bảo vệ cơ thể nữa mà ngược lại còn làm hại cơ thể hơn vì vô tình thúc đẩy cho các giai đoạn bệnh ung thư ngày càng phát triển.

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có ít nhất 20% các loại bệnh ung thư khởi nguồn trực tiếp từ bệnh viêm mãn tính.

Nếu như các đột biến gene là que diêm châm ngòi cho ung thư thì hiện tượng viêm là nguồn nhiên liệu tiếp tục sự thiêu đốt đó. Ngoài ra phản ứng viêm còn là cơ chế chung cho nhiều yếu tố nguy cơ đã liệt kê ở trên (rượu, thuốc lá, béo phì,…).

Ở các nước kém phát triển, tần suất ung thư cao có phần do các bệnh viêm nhiễm mãn tính (vi khuẩn, virus do điều kiện vệ sinh và nguồn nước uống…); trong khi đó ở các nước phát triển, tình trạng béo phì là một yếu tố nguy cơ do khả năng gây tác động xấu làm quá trình viêm bị mất kiểm soát.

Hiểu vai trò của hiện tượng viêm đối với bệnh ung thư, chúng ta sẽ càng hiểu hơn vì sao ung thư không phải là trò may rủi của số phận. Chính lối sống của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý trong cơ thể, tạo điều kiện cho hiện tượng viêm mất kiểm soát có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Một vài loại ung thư có thể được giảm nguy cơ mắc nếu mọi người biết phòng ngừa viêm nhiễm vi khuẩn (H pylori- ung thư dạ dày) hay virus (HBV- ung thư gan; HPV-ung thư cổ tử cung…).Tuy nhiên từng trường hợp cụ thể sẽ lần lượt đề cập chi tiết hơn ở những bài sau.

vai-tro-viem-man-tinh-voi-ung-thu

Tài liêu tham khảo:

  1. https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk
  2. https://www.nature.com/articles/nature01322.pdf
  3. https://www.nature.com/articles/nrclinonc.2015.105
  4. http://www.cancernetwork.com/…/chronic-inflammation-and-can
  5. http://cancerpreventionresearch.aacrjournals.org/cont…/…/895

Bảng danh sách bệnh và nguy cơ được lấy từ bài viết trong link này: http://benhvien108.vn/…/tinbai/1937/viem-man-tinh-va-ung-thu

Ghi chú: bài viết không nhằm mục đích đem lại lời khuyên chữa trị nào cho các bệnh nhân. Với các tình huống bệnh cụ thể, bệnh nhân phải liên hệ với bác sĩ của mình.

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích