menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Những điều cơ bản về thử nghiệm lâm sàng: biết để tự bảo vệ

user

Ngày:

31/03/2019

user

Lượt xem:

2228

Bài viết thứ 09/19 thuộc chủ đề “Các bài viết tổng hợp từ Fanpage Từ SINH HỌC đến SỨC KHỎE”

Hiệu đính: Châu Tiểu Lan.
Ở các nước phát triển, việc quan tâm, tham gia, hiểu biết, nắm rõ thông tin về các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến việc điều trị và sức khoẻ không còn là điều mới mẻ với phần đông công chúng. Đây là một vòng tròn hỗ tương giữa cộng đồng (những người tham gia) với các nhà khoa học và bác sĩ/dược sĩ (những người thực hiện) với các nhà chức trách (FDA, bộ Y tế, các hội đồng thẩm định, …).
Ở Việt Nam, vì số thử nghiệm lâm sàng còn khá hạn chế và việc thực hiện chưa phổ biến, nên phần lớn người dân chưa có điều kiện nắm rõ được những thông tin và các nguyên tắc cơ bản của hình thức nghiên cứu này. Gần đây, có nhiều cá nhân và tổ chức đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để chiêu mộ, dụ dỗ bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh nặng như ung thư… tham gia vào các dạng thử nghiệm của họ. Nhưng những thử nghiệm này không được cấp phép, quản lý hay giám sát, càng không có biện pháp bảo vệ người bệnh. (Xem link bên dưới)
Trước tình hình đó, chúng tôi viết bài này nhằm cung cấp những kiến thức phổ thông nhất về thử nghiệm lâm sàng được tiêu chuẩn hoá và thực hiện trên thế giới. Chúng tôi hi vọng rằng khi ý thức được nâng cao và nhu cầu tham gia thử nghiệm ở VN cũng tăng lên, sẽ ngày càng có nhiều thử nghiệm lâm sàng tốt được thực hiện nhằm đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và góp phần vào hiểu biết chung của nhân loại.

Thử nghiệm lâm sàng là gì?

Khi bạn đi mua một chiếc xe mới, bạn hẳn muốn biết nó có hoạt động hay không, chạy có nhanh không, có an toàn không? Những thông tin này thường được nhà sản xuất, nhà phân phối cung cấp. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể chạy thử nữa. Nếu không chắc xe có thể chạy được, bạn có muốn mua không?
Tương tự, khi tiếp nhận một phương thức điều trị, bạn cần đặt ra những câu hỏi như: Phương pháp này có an toàn và hiệu quả không, đến mức nào? Có được kiểm chứng và thực hiện chưa? Ai kiểm chứng?
Nếu câu trả lời là chưa, thì có nghĩa là phương pháp điều trị đó còn mới. Nếu bạn vẫn muốn tiếp nhận điều trị, tức là bạn đang tham gia vào một dạng nghiên cứu được gọi là Thử nghiệm lâm sàng (TNLS – clinical trials). TNLS là quy trình kiểm tra xem các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới, dược phẩm mới,… có an toànhiệu quả cho con người không trước khi được sử dụng đại trà.
Trong lĩnh vực Y Sinh học, TNLS thường được triển khai dựa vào kết quả của những nghiên cứu tiền lâm sàng (preclinical trials) trên tế bào và động vật (như chuột, khỉ, …) vốn đã có kết quả khả quan. Thông qua những kết quả này, các nhà khoa học đã biết được nguyên tắc và cơ chế hoạt động của phương pháp trị liệu mới.

Mục đích của thử nghiệm lâm sàng là gì?

TNLS là để đánh giá tính an toànhiệu quả của một phương pháp điều trị mới trên một số lượng bệnh nhân tăng dần trước khi triển khai điều trị rộng rãi và chính thức.

Thử nghiệm lâm sàng gồm những bước nào?

Với một phương pháp điều trị mới, người ta thường chưa biết được mức độ an toàn của nó, nên TNLS được thực hiện từng bước một, với số lượng người tham gia tăng lên dần. Một TNLS thông thường có 4 giai đoạn. Vì thử thuốc (dược phẩm) chiếm phần lớn các TNLS, nên trình tự và nội dung của TNLS chủ yếu được xây dựng dựa vào quy trình này. Tuy nhiên, quy trình TNLS tương tự cũng được áp dụng với các đối tượng khác như phương pháp điều trị mới, thiết bị y tế mới, liệu pháp mới (như liệu pháp tế bào gốc)…
nhung-dieu-can-biet-ve-thu-nghiem-lam-sang
Hình trích từ chương 7 của cuốn sách Tế bào gốc – khám phá cùng nhà khoa học
  • Giai đoạn 0: thường không bắt buộc, với chỉ khoảng 10-15 người tham gia. Nếu là thử nghiệm thuốc mới thì liều sử dụng thấp, dưới ngưỡng điều trị, chủ yếu để người thực hiện quan sát về sự hấp thu, phân phối, thải loại, … thuốc.
  • Giai đoạn 1: TNLS chính thức bắt đầu, thường với 1 nhóm nhỏ 20 – 80 người. Mục tiêu quan trọng là đánh giá tính an toàn, xác định liều lượng an toàn và phản ứng phụ. Tuy nhiên, vì liều sử dụng vẫn còn thấp, nên ở giai đoạn này người ta thườngvẫn chưa có đầy đủ thông số về phản ứng phụ.
  • Giai đoạn 2: Nếu kết quả giai đoạn 1 cho thấy phương pháp mới an toàn, thì người ta sẽ tăng số lượng người tham gia lên 100 – 300 để tiếp tục đánh giá hiệu quả và thu thập nhiều hơn các số liệu về tính an toàn.
  • Giai đoạn 3: Nếu kết quả của giai đoạn 2 là có hiệu quả và an toàn, thì người ta sẽ mở rộng thử nghiệm ra với nhóm lớn hơn, 1000 – 3000 người. Đây là lúc để khẳng định lại sự hiệu quả, theo dõi các tác dụng phụ, so sánh với các phương pháp khác và thu thập nhiều số liệu hơn về tính an toàn.
  • Giai đoạn 4: Nếu kết quả từ giai đoạn 3 là khả quan, lúc này thuốc có thể được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và thực hiện TNLS vẫn tiếp tục theo dõi, thu thập số liệu với số lượng người dùng lớn hơn, về an toàn và hiệu quả, đặc biệt là ở mức độ dài hạn.

Ai trực tiếp tiến hành thử nghiệm lâm sàng?

Thường một TNLS đòi hỏi chuyên môn của cả nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng.

Vì sao bạn nên tham gia vào thử nghiệm lâm sàng?

  1. Có cơ hội được tiếp nhận trước tiên các phương pháp điều trị mới và tiên tiến nhất.
  2. Góp phần quan trọng vào nghiên cứu Y sinh học, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị mới đang tiến hành.
  3. Nếu TNLS được quản lý và giám sát chặt chẽ và minh bạch, sức khoẻ và sự an toàn của người tham gia sẽ được bảo vệ.

Ai có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng?

Mỗi thử nghiệm có một tiêu chí chọn đối tượng tham gia với những chỉ số về sức khoẻ khác nhau, nên trước khi tham gia họ thường được kiểm tra về các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, điện tâm đồ, kiểm tra máu, nước tiểu, cân nặng, chiều cao, … Những người tình nguyện thường phải đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu thì mới được tham gia.
Ngoài ra, tùy vào quy định quản lý của mỗi nước, có khi người tham gia buộc phải là người thường trú và có bảo hiểm sức khỏe tại nước sở tại; tuy cũng có khi nếu là bệnh hiếm thì người nước ngoài sẽ có khả năng được chấp nhận.

Ai cấp phép và giám sát thử nghiệm lâm sàng?

Trước khi đi vào thực hiện, TNLS phải được đệ trình lên Hội đồng Y đức để xét duyệt và chấp nhận. Ở Mỹ, hội đồng này được gọi là Institutional Review Board (IRB), còn ở châu Âu gọi là Ethics Committees.
Ở Mỹ trong quá trình tiến hành, kết quả của từng giai đoạn phải được nộp lên cho FDA thẩm định và kiểm tra trước khi thuốc mới được công nhận và cho phép lưu hành.
Ở Việt Nam, việc cấp phép và giám sát này chủ yếu thông qua Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế.

Thử nghiệm lâm sàng thường được thiết kế như thế nào?

Vì mục tiêu của TNLS là khảo sát và chứng minh sự hiệu quả của phương pháp trị liệu mới, nên thiết kế TNLS là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong Giai đoạn 2 và 3 để đánh giá và so sánh hiệu quả. Để các đánh giá được khách quan, một TNLS thường có 2 nhóm: nhóm nhận trị liệu và nhóm đối chứng. Việc phân phối người tham gia vào 2 nhóm này có thể theo các phương pháp như sau:
  1.  Phương pháp ngẫu nhiên (randomized test): người tham gia được phân phối một cách ngẫu nhiên vào mỗi nhóm.
  2. Phương pháp ẩn nhóm (blind test): người tham gia không biết họ thuộc nhóm nào. Một số nghiên cứu còn được thiết kế kiểu ẩn nhóm 2 chiều (double blind), tức là cả người tham gia lẫn người thực hiện thử nghiệm đều không biết ai thuộc nhóm nào. Điều này là để ngăn không cho người thực hiện có sự phân biệt nào trong trị liệu giữa 2 nhóm.
  3. Đối chứng với giả dược (placebo): giả dược là dạng sản phẩm giống thuốc thật nhưng lại không có dược chất. Nhóm này được thiết kế để giúp người thực hiện đánh giá hiệu quả thực sự của dược chất.
Kết quả của từng nhóm này sẽ được phân tích và so sánh với nhau. Sự khác biệt giữa nhóm nhận trị liệu với nhóm đối chứng và nhóm giả dược càng lớn thì chứng tỏ hiệu quả càng cao. Vì số liệu được thu thập trên nhiều nhóm người, nên các phương pháp tính toán thống kê thường được áp dụng và sự khác biệt thường phải có ý nghĩa thống kê.

Khi tham gia thử nghiệm lâm sàng, cần cân nhắc điều gì?

Người tham gia cần nắm rõ càng nhiều thông tin về TNLS càng tốt. Họ cần tìm hiểm và trao đổi với bác sĩ và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Trước khi tham gia, họ nên có đủ thông tin cho những câu hỏi quan trọng sau:
  1. Mục đích của thử nghiệm là gì?
  2. Ai là người chủ trì và những ai sẽ thực hiện thử nghiệm?
  3. Làm sao họ biết được điều họ đang thử nghiệm khả quan không? Họ đã có số liệu sơ khởi của các nghiên cứu tiền lâm sàng chưa?
  4. Có những xét nghiệm hay thử nghiệm nào sẽ được tiến hành?
  5. Có những nguy cơ, tác dụng phụ và lợi ích gì? So với phương pháp trị liệu cũ thì sao?
  6. Thử nghiệm kéo dài bao lâu?
  7. Thử nghiệm có đòi hỏi phải nhập viện không?
  8.  Ai sẽ trả tiền cho những trị liệu trong thử nghiệm?
  9. Người tham gia có được theo dõi quan sát về sức khoẻ trong và sau thử nghiệm không?
  10. Ai sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho người tham gia?
  11. Làm sao biết được thử nghiệm thành công hay thất bại? Họ có cung cấp kết quả cho người tham gia không?

Người tham gia có những quyền lợi gì?

Người tham gia cần có được những quyền lợi như:
  1. Được tư vấn đầy đủ trước khi ký cam kết tham gia thử nghiệm.
  2. Quyền được biết đầy đủ thông tin cần thiết về thử nghiệm.
  3. Quyền được chăm sóc và theo dõi trong và ngay cả sau thử nghiệm.

Thông tin và kết quả thử nghiệm được công bố ở đâu?

Hiện nay trang clinicaltrials.gov là nơi chứa thông tin về các thử nghiệm lâm sàng đã và đang diễn ra. Tuy nhiên đó chỉ là nơi để những người thực hiện cung cấp thông tin đăng ký chứ không có nghĩa rằng các thử nghiệm này đã thành công.
Kết quả các thử nghiệm lâm sàng cũng thường được công bố trên những tạp chí khoa học và y học.

Tài liệu tham khảo:

Chương 7-9, Cuốn sách Tế bào gốc – Khám phá cùng nhà khoa học.
  1. https://en.wikipedia.org/wiki/Clinical_trial#Participant_recruitment_and_participation
  2. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/clinical-trials/what-you-need-to-know.html
  3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-quy-dinh-thu-thuoc-tren-lam-sang-2016-329759.aspx
Trường hợp bệnh nhân bị lợi dụng ở VN:
  1. https://www.facebook.com/notes/vu-hong-nguyen/những-cái-bẫy-cho-người-bệnh-nghèo/10157769239290299/
  2. https://www.facebook.com/notes/vu-hong-nguyen/những-con-kền-kền-rỉa-xác-sống/10157775096970299/
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích