menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Học được gì từ thói quen sinh hoạt và chăm sóc răng miệng của người Nhật

user

Ngày:

05/03/2022

user

Lượt xem:

330

Bài viết thứ 34/37 thuộc chủ đề “Sức khỏe răng miệng”

Tác giả: ThS. BS. Hồ Đắc Chiến

Hơn năm năm làm việc trong môi trường toàn người Nhật, cộng với thời gian sống chung nhà với vợ con và cha mẹ vợ người Nhật đã cho tôi cơ hội để mắt thấy tai nghe những thói quen sinh hoạt của họ, đặc biệt là về khía cạnh chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Học được gì từ thói quen sinh hoạt và chăm sóc răng miệng của người Nhật
Học được gì từ thói quen sinh hoạt và chăm sóc răng miệng của người Nhật

 

Với người Nhật, việc giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh răng miệng, rất được coi trọng. Việc mang theo bàn chải khi đi làm, đi học được xem là chuyện nên làm.

Buổi sáng, để đến được chỗ làm, tôi phải chuyển tàu 2 lần. Nếu không kịp đặt chân lên chuyến tàu đầu tiên lúc 8 giờ 30 phút sáng thì tôi sẽ phải đợi đến 10 giờ mới có chuyến tiếp theo. Đứng trước áp lực mỗi buổi sáng nếu trễ 1 giây sẽ đồng nghĩa với việc trễ thêm 1 tiếng rưỡi nữa nên nhiều lúc tôi không kịp chải răng, chỉ kịp ngậm nước súc miệng rồi chạy bộ ra nhà ga gần nhà cho kịp chuyến, vậy mà nhìn phía sau, Yuho – cô vợ tôi chạy theo gọi í ới, tay cầm theo một cái chén. Vợ tôi hỏi (tiếng Nhật): “Anh định nhổ ra ở đâu?”. Tôi thấy hai bên đường có thảm cỏ xanh rì, nhổ tí thì có sao đâu nên phân trần. Cô ấy nói, anh làm ơn nhổ vào đây cho em. Em không muốn keikan (cảnh sát Nhật) hỏi thăm anh. Tôi mắc cỡ làm theo, bị vợ sửa lưng nên trong lòng cảm thấy quê lắm.

Trên chiếc chikatetsu (tàu điện ngầm) lúc này không còn chỗ ngồi, tôi tìm cho mình một chỗ đứng và có nắm tay treo phía trên, trong khoang tàu cả trăm người nhưng rất im lặng, người Nhật chỉ nói chuyện lí nhí rất nhỏ để không phiền người bên cạnh. Nghĩ lại chuyện nhổ nước súc miệng ban sáng mà tôi không sao quên được. Tôi chợt nhớ cách đây một năm khi con trai 8 tuổi của tôi về Việt Nam chơi với mấy bạn gần nhà cứ bị bạn “mắng vốn” là Phúc (con của tôi, biết rất ít tiếng Việt) đánh bạn. Tôi ra hỏi lý do thì cháu nói: “Bạn ấy nhổ nước bọt”. Tôi hỏi tiếp: “Bạn nhổ vào người con à?” “Không ạ, bạn nhổ xuống đất” – Phúc trả lời (tiếng Nhật)”. Nhưng vì con tôi cố giải thích cho bạn bằng tiếng Nhật thì bạn lại không hiểu, nên mới ra nông nỗi như vậy. Thì ra, nhổ nước bọt là điều khó chấp nhận ở Nhật!

Tàu đã tạm dừng ở một ga, cho một số người xuống và lên. Tôi may mắn có được một chỗ ngồi do người ngồi trước mặt tôi đi xuống. Ga tôi đến còn xa phải qua mấy ga trung gian nữa, nên tôi tiếp tục hồi tưởng lại trong gia đình tôi: 2 con, bố mẹ vợ, vợ, cả thảy 6 người là có 6 đôi đũa khác nhau, 6 cái chén khác nhau để không ai dùng nhầm của người khác. Trên bàn ăn, mọi người đều có dĩa thức ăn của riêng mình, một số món phải ăn chung cùng dĩa. Khi đó, muốn gắp một muốn shushi chẳng hạn, thì mình phải xác định trước gắp cái nào, chứ không được đụng đũa vô miếng này thấy không ưng ý, chuyển sang gắp miếng khác thì miếng kia sẽ còn mãi đến cuối bữa ăn. Trước khi ăn, miệng phải nói: itadikimasu.

Người Nhật nổi tiếng “ở sạch”. Các vấn đề vệ sinh cá nhân được xem là phép lịch sự tối thiểu. Trong đó, việc chăm sóc răng miệng để đảm bảo nụ cười và hơi thở thơm tho đem lại thiện cảm cho người đối diện là một trong những điều được người Nhật thực hiện kỹ lưỡng mỗi ngày. Giờ Kyuke (nghỉ trưa & giải lao), mọi người đứng quay quần trò chuyện rôm rả, trong khi tay không ngừng chải răng. Ở đây, hầu như ai đi làm cũng có đem bàn chải và kem chải răng, nước uống, thậm chí là obento (hộp cơm). Việc một người Nhật vừa nói chuyện với bạn vừa chải răng là rất bình thường

Chăm sóc răng miệng cũng là một nghệ thuật

Học được gì từ thói quen sinh hoạt và chăm sóc răng miệng của người Nhật

Một khảo sát của Chính phủ Nhật Bản từ năm 1984 cho thấy tỷ lệ sâu răng ở trẻ em và người trưởng thành giảm đều theo mỗi năm. Trong khi đó, số răng tự nhiên giữ được ở người cao tuổi tăng lên. Điều này có được một phần là nhờ thói quen chăm sóc răng miệng khoa học được người Nhật rèn luyện từ khi còn nhỏ.

Hai con của tôi học mẫu giáo và tiểu học được khám răng định kỳ, được hướng dẫn tự chải răng, hướng dẫn dùng nước màu để phát hiện mảng bám. Đứa anh bắt đứa em gái ngậm dung dịch màu, xong nhổ ra nằm ngữa há miệng để đứa anh xem còn mảng bám hay không, tôi rất ngạc nhiên và thú vị khi chứng kiến điều này.

Hôm nọ cả gia đình tôi đi khám răng định kỳ về, mẹ vợ hỏi vợ tôi: “Con có bị lỗ sâu nào không?”. Yuho trả lời: “Dạ không có ạ”. Thế “Chiến-san có bị sâu răng không?”. Vợ tôi nhanh nhảu trả lời hộ: “Dạ anh ấy cũng không có răng sâu ạ!”. Thật khó tưởng tưởng khi sống ở một đất nước rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe răng miệng mà tôi lại bị sâu răng, thêm vào việc tôi lại còn một bác sĩ nha khoa thì mọi chuyện sẽ bi hài đến mức nào!

Người Nhật còn có quan niệm độc đáo về việc chăm sóc sức khỏe răng miệng – đó là nguyên tắc 80/20. Tức là 80 tuổi còn giữ ít nhất 20 cái răng trên cung hàm.[1]  Theo các nhà nghiên cứu tại xứ sở hoa anh đào, những người vẫn còn giữ được nhiều răng khi tuổi đã cao sẽ khỏe mạnh và minh mẫn hơn.

Để đạt được nguyên tắc đó, trẻ em được tập chải răng từ sớm, và đây được xem là một hoạt động gắn kết tình cảm gia đình. Khi đi học, trẻ được hướng dẫn và dành thời gian chải răng sau mỗi bữa ăn. Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, có đến 50% người tham gia chải răng 2 lần mỗi ngày, và 30% chải răng sau mỗi bữa ăn, kể cả tại công sở hay khi đi ăn bên ngoài. Thậm chí, các hãng còn sản xuất riêng loại bàn chải có thể gấp gọn để người tiêu dùng có thể mang theo trong túi.

Người Nhật cho biết họ duy trì việc chải răng ít nhất 3 lần mỗi ngày sau các bữa ăn, mỗi lần thực hiện trong 2-3 phút thay vì dùng các dụng cụ làm sạch hỗ trợ như chỉ nha khoa, máy tăm nước,… để loại bỏ các mảng bám trên răng. Đồng thời, việc đi khám răng định kỳ được thực hiện nghiêm túc, giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Một nghiên cứu mới đây của Takashi Ohi và cộng sự về thói quen sử dụng các dịch vụ nha khoa của người Nhật cao tuổi cho thấy: những người hút thuốc thường ít đi khám răng trong năm vừa qua. Những người có số răng trong miệng càng nhiều thì thường đi khám răng trong năm qua nhiều hơn những người có ít răng. Tuy nhiên thói quen này không liên quan đến tuổi hay giới tính.[2]

Bố mẹ vợ tôi trên dưới 80 tuổi cũng thường đi khám răng định kỳ và thường xuyên chia sẻ thông tin về sức khỏe răng miệng với nhau. Họ thường chăm sóc bộ răng giả (họ được sử dụng bộ hàm khung kim loại) rất kỹ và ngâm trong nước chuyên dụng mỗi tối. Nói đến việc này tôi lại nghĩ về bảo hiểm y tế chi trả cho chăm sóc răng miệng ở Nhật. Hiện nay, người bệnh cần thanh toán 30% chi phí, còn lại bảo hiểm lo. Hơn nữa tất cả các phòng khám tư nhân của Nhật đều được áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế (Bảo hiểm của Bộ y tế Nhật – 社会保険, shakai hokken)

Nhớ lại khi còn làm ở một phòng khám lớn ở Tokyo, chúng tôi phải thiết kế 3D phục hình khung bộ, các cầu răng, mão răng (một dạng phục hình cố định được bảo hiểm chi trả). Ở Tokyo, các phòng khám nha khoa lớn có một đội ngũ tạm dịch là “Vãng nha”( 家庭訪問 katei homon), đội ngũ này gồm nhiều bác sĩ, y tá nha khoa, chuyên đi thăm khám răng miệng cho các hộ gia đình thuộc khu vực mà họ phụ trách, nếu họ phát hiện ra sâu răng hay có vấn đề về răng là ghi phiếu báo về phòng khám, phòng khám sẽ gửi giấy mời đến khám (dĩ nhiên chỉ trả 20% chi phí). Và lẽ đó, nơi tôi làm việc phải chứa đầy ắp và quá tải 1 phòng hồ sơ bệnh án, chúng tôi phải mua 4 containers sắt để ngoài trời (không lo tời tuyết hay nắng mưa) để chuyển tất cả hồ sơ này ra ngoài, nhường chỗ ngồi làm việc.

(Bài tới, cuộc sống của bác sĩ răng hàm mặt ở Nhật)

Tài liệu tham khảo

  1. F. Shinsho, “New strategy for better geriatric oral health in Japan: 80/20 movement and Healthy Japan 21,” Int. Dent. J., vol. 51, pp. 200–206, 2001.
  2. T. Ohi et al., “Determinants of the utilization of dental services in a community-dwelling elderly Japanese population,” Tohoku J. Exp. Med., vol. 218, no. 3, pp. 241–249, 2009, doi: 10.1620/tjem.218.241.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích