menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Xử lý những biến chứng hay ảnh hưởng muộn của ung thư ở trẻ em

user

Ngày:

16/09/2017

user

Lượt xem:

211

Bài viết thứ 07/13 thuộc chủ đề “Các kiến thức chung về Ung thư trẻ em”

Biến chứng hay ảnh hưởng muộn là tình trạng bệnh tiếp tục hoặc phát triển từ 5 năm trở lên sau khi chẩn đoán ung thư. Một số biến chứng/ảnh hưởng muộn xuất hiện nhiều năm sau khi kết thúc điều trị ung thư.

Không phải tất cả trẻ em bị ung thư đều phát triển các biến chứng/ảnh hưởng muộn. Tuy nhiên, tìm hiểu về những gì con bạn có khả năng trải qua có thể giúp ích. Hãy hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe của con bạn về cách xử lý, điều trị hoặc ngăn ngừa biến chứng/ảnh hưởng muộn sau điều trị ung thư.

Trước khi bắt đầu điều trị

Hãy hỏi bác sĩ Nhi khoa chuyên về ung thư hoặc bác sĩ chuyên điều trị ung thư trẻ em về các biến chứng/ảnh hưởng muộn có thể xảy ra.

Để hiểu rõ những rủi ro trong điều trị, hãy xem xét hỏi bác sĩ các câu hỏi sau:

  • Phương pháp điều trị đề nghị có khả năng xảy ra những biến chứng/ảnh hưởng muộn gì?
  • Những việc có thể làm để giảm nguy cơ của các biến chứng/ảnh hưởng muộn?
  • Các triệu chứng của biến chứng/ảnh hưởng muộn là gì?
  • Tôi nên làm gì nếu nhận thấy con mình có các biến chứng/ảnh hưởng muộn?
  • Bác sĩ có kinh nghiệm chăm sóc những người vượt qua bệnh ung thư không?
  • Bác sĩ có thể giới thiệu một phòng khám chuyên về các biến chứng/ảnh hưởng muộn không?

Trong quá trình điều trị

Hãy cùng với nhóm chăm sóc của con bạn tạo ra một bản tóm tắt điều trị chi tiết. Đưa bản tóm tắt đó cho những bác sĩ khác chăm sóc con của bạn. Cập nhật bản tóm tắt thường xuyên.

Con bạn nên luôn luôn giữ một bản sao tóm tắt điều trị này. Việc này giúp các bác sĩ chăm sóc con bạn tốt hơn khi con lớn lên.

Bản tóm tắt điều trị nên bao gồm

  • Tên bệnh nhân và ngày sinh
  • Ngày chẩn đoán ung thư và ngày tái phát
  • Loại ung thư, bao gồm loại mô/tế bào, giai đoạn hoặc cấp độ ung thư
  • Nơi điều trị
  • Tên và số điện thoại của bác sĩ ung thư chính
  • Ngày bắt đầu và kết thúc điều trị
  • Loại thuốc và liều lượng hoá trị (nếu có)
  • Vị trí xạ trị và phân liều xạ (nếu có)
  • Những thông tin điều trị khác. Ví dụ, ghép tủy xương hoặc truyền máu (nếu có)
  • Các vấn đề liên quan đến điều trị
  • Những biến chứng/ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra của việc điều trị
  • Những đề nghị tầm soát và kiểm tra các biến chứng/ảnh hưởng muộn

Cân nhắc việc sử dụng Kế hoạch Chăm sóc Điều trị và Vượt qua Ung thư của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (ASCO). Đây là mẫu đơn thuận tiện để lưu trữ thông tin về tình trạng bệnh.

Đừng lo lắng nếu đã nhiều năm trôi qua sau khi hoàn tất điều trị. Không bao giờ là quá muộn để thu thập thông tin.

Sau khi điều trị

Theo dõi tầm soát định kỳ rất quan trọng sau khi điều trị ung thư. Chăm sóc theo dõi sớm để chắc chắn rằng ung thư chưa trở lại. Thông thường, việc tầm soát những khả năng biến chứng/ảnh hưởng muộn bắt đầu trong vòng 2 năm sau khi kết thúc điều trị. Chăm sóc theo dõi lâu dài nên tiếp tục suốt tuổi trưởng thành, nhằm đảm bảo sức khỏe của những người đã vượt qua căn bệnh này.

Kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tầm soát

Thông thường, những trẻ em vượt qua bệnh ung thư cần tái khám ít nhất mỗi năm một lần. Trong buổi tái khám, nhóm chăm sóc sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Họ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm tầm soát, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X-quang và các khảo sát hình ảnh khác
  • Kiểm tra hoạt động của các cơ quan nội tạng (ví dụ, siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim)

Tổ chức Ung thư Trẻ em cung cấp các khuyến cáo về tầm soát thay đổi dựa trên bệnh sử và phương thức điều trị của bệnh nhân khỏe. Hãy thảo luận với nhóm chăm sóc của con bạn để lựa chọn những xét nghiệm tầm soát cần thiết, và lịch trình của các xét nghiệm này.

Các phòng khám theo dõi sức khỏe (Follow-up clinics)

Nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện nay cung cấp dịch vụ theo dõi cho những trẻ em đã vượt qua bệnh ung thư.

Một số trẻ cần được tiếp tục thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa ung thư. Tuy nhiên, hầu hết những trẻ em đã vượt qua bệnh ung thư có thể đến khám tại các phòng khám theo dõi sức khỏe. Các nhân viên phòng khám này có kinh nghiệm với những biến chứng/ảnh hưởng muộn của ung thư ở trẻ em. Các phòng khám thường cung cấp một số dịch vụ như sau:

  • Phổ biến kiến thức cho bệnh nhân về những biến chứng/ảnh hưởng muộn có thể xảy ra
  • Tầm soát và giám sát những biến chứng/ảnh hưởng muộn
  • Giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ chuyên về các vùng trên cơ thể bị ảnh hưởng bởi biến chứng/ảnh hưởng muộn
  • Giúp đỡ khi bệnh nhân gặp khó khăn liên quan đến điều trị trong trường học hoặc nơi làm việc
  • Hỗ trợ tinh thần cho những người đã vượt qua bệnh ung thư và các thành viên trong gia đình
  • Cung cấp chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe
  • Giáo dục bệnh nhân giảm thiểu các hành vi rủi ro, như sử dụng thuốc lá
  • Cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản
  • Giúp bệnh nhân chuyển sang giai đoạn chăm sóc sức khỏe người lớn
  • Giúp đỡ về bảo hiểm sức khỏe và các vấn đề tài chính

Một số phòng khám sẽ chăm sóc những trẻ em đã vượt qua bệnh ung thư đến 18 tuổi. Những phòng khám khác có thể chăm sóc theo dõi bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Hãy hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe của con bạn để được giúp đỡ tìm phòng khám theo dõi. Một số phòng khám cung cấp đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe lâu dài cho những biến chứng/ảnh hưởng muộn.

Đối phó với những biến chứng/ảnh hưởng muộn

Những trẻ em đã vượt qua bệnh ung thư có thể e ngại khi tiếp tục được chăm sóc theo dõi sau khi điều trị xong. Con bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi vì thuốc men, bệnh viện hoặc sợ khám sẽ ra thêm bệnh. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì những biến chứng/ảnh hưởng muộn trầm trọng rất hiếm, đặc biệt với các phương pháp điều trị hiện nay. Việc tầm soát các biến chứng/ảnh hưởng muộn có thể giúp tìm ra vấn đề sớm hơn, giúp cho việc xử lý dễ dàng hơn. Con bạn còn có thể tìm hiểu các cách giảm thiểu rủi ro về vấn đề sức khỏe trong những buổi tái khám.

Giảm nguy cơ các biến chứng/ảnh hưởng muộn

Những lời khuyên sau có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các biến chứng/ảnh hưởng muộn, nguy cơ bị ung thư thứ phát cũng như các bệnh khác:

  • Không hút hoặc nhai thuốc lá, và tránh hút thuốc gián tiếp/thụ động
  • Không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều
  • Hạn chế uống rượu
  • Không sử dụng ma túy bất hợp pháp
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, thức ăn ít béo và nhiều chất xơ
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Chủng ngừa theo lịch trình đề nghị, chẳng hạn như tiêm chủng virus HPV.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích