menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ung thư ở trẻ em – Chẩn đoán

user

Ngày:

06/05/2019

user

Lượt xem:

294

Bài viết thứ 13/13 thuộc chủ đề “Các kiến thức chung về Ung thư trẻ em”

Bài viết giới thiệu về những xét nghiệm thường quy, quy trình và những phương tiện chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán ung thư trẻ em. Sử dụng menu dưới đây để xem các bài viết khác.

Các bác sĩ sử dụng nhiều xét nghiệm để tìm hoặc chẩn đoán ung thư, hay đánh giá sự lan tràn của ung thư sang các cơ quan khác từ khối u nguyên phát (gọi cách khác là di căn). Ví dụ như ta có thể thấy được hình ảnh di căn bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (các xét nghiệm cho thấy những hình ảnh bên trong cơ thể). Ngoài ra, các xét nghiệm cũng được sử dụng để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Đối với hầu hết các loại ung thư, sinh thiết là cách duy nhất kết luận chắc chắn có ung thư hay không. Trong quá trình sinh thiết, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ của vùng nghi ngờ để xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đối với các trường hợp không thể sinh thiết, ung thư có thể được chẩn đoán bằng nhiều xét nghiệm khác.

Dưới đây là danh sách các xét nghiệm có thể sử dụng để chẩn đoán ung thư ở trẻ em. Việc lựa chọn xét nghiệm nên được xem xét qua các yếu tố như:

  • Loại ung thư nghi ngờ
  • Dấu hiệu và triệu chứng của trẻ
  • Tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ
  • Kết quả của các xét nghiệm trước đó

Các xét nghiệm được liệt kê dưới đây không phải được sử dụng cho tất cả mọi người. Nếu có thể, các xét nghiệm này nên được thực hiện ở một trung tâm chuyên khoa nhi, nơi các xét nghiệm được giám sát bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi (những chuyên gia y tế chuyên chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở trẻ em). Ngoài việc thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư ở trẻ em:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường quy giúp đo số lượng các loại tế bào khác nhau trong máu. Số lượng của một số tế bào quá cao hoặc quá thấp có thể gợi ý một số loại ung thư.
  • Sinh thiết: Lấy một lượng nhỏ mô để kiểm tra dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm khác có thể gợi ý sự tồn tại của ung thư, tuy nhiên chỉ có sinh thiết mới có thể chẩn đoán xác định (ngoại trừ một số loại u não). Sinh thiết có thể thực hiện dưới hướng dẫn của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (như CT hoặc MRI; xem bên dưới) để đảm bảo sự chính xác. Phương pháp sinh thiết được thực hiện phụ thuộc vào vị trí của ung thư. Mẫu mô sau khi được lấy ra sẽ được phân tích bởi các bác sĩ giải phẫu bệnh (các bác sĩ chuyên thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và đánh giá các tế bào, mô và cơ quan để chẩn đoán bệnh)
  • Chọc hút và sinh thiết tủy xương: Đây là 2 xét nghiệm tương tự nhau và thường được thực hiện cùng lúc để kiểm tra tủy xương, mô xốp, mô mỡ bên trong một số xương lớn. Tủy xương bao gồm một phần dịch lỏng và một phần mô đặc. Cả 2 kỹ thuật đều sử dụng kim, trong đó, chọc hút tủy xương là lấy một mẫu chất lỏng của tủy xương và sinh thiết tủy xương là lấy một mẫu mô rắn. Kết quả sau đó được đọc bởi bác sĩ giải phẫu bệnh. Vị trí thường chọc hút và sinh thiết tủy xương là xương chậu, nằm ở vùng dưới của lưng gần khớp hông. Thường gây tê vùng da tại vị trí chọc trước khi thực hiện kỹ thuật. Các loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để chặn cảm giác đau (gây mê) hoặc làm an dịu, thư giãn trẻ (thuốc an thần).
  • Chọc dò tủy sống: Chọc dò tủy sống là phương pháp sử dụng kim để lấy mẫu dịch não tủy (CSF) tìm tế bào ung thư, máu hoặc các dấu ấn ung thư. Dấu ấn ung thư là những thành phần được tìm thấy với số lượng cao hơn bình thường trong máu, nước tiểu hoặc các mô cơ thể của những người bị một số loại ung thư. Dịch não tủy là chất lỏng chảy quanh não và tủy sống. Trước khi chọc dò, bệnh nhân thường được gây vô cảm vùng lưng dưới. Các loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để chặn cảm giác đau (gây mê) hoặc làm an dịu, thư giãn trẻ (thuốc an thần).
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT): CT scan sử dụng tia X chụp từ các góc khác nhau để tạo nên những hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể. Sau đó, máy tính sẽ kết hợp những hình ảnh này thành một hình ảnh 3 chiều chi tiết, từ đó cho thấy bất cứ bất thường hay khối u nào. Chụp CT cũng có thể được sử dụng để đo kích thước của khối u. Đôi khi, người ta sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là thuốc cản quang trước khi chụp để có được chi tiết tốt hơn trên hình ảnh. Thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân hoặc dùng dưới dạng thuốc viên hoặc chất lỏng để uống. Nếu có thể, xét nghiệm này tốt nhất nên được thực hiện trong một trung tâm chuyên khoa nhi, nơi nó có thể được giám sát bởi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhi khoa. Các trung tâm này sẽ hiểu rõ các rủi ro tiềm ẩn của việc phơi nhiễm phóng xạ từ CT scan.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). MRI sử dụng từ trường, không phải tia X, để tạo ra các hình ảnh chi tiết của cơ thể. MRI cũng có thể được sử dụng để đo kích thước của khối u. Một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là thuốc cản quang được sử dụng trước khi chụp để tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn. Thuốc cản quang có thể được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân hoặc dùng dưới dạng thuốc viên hoặc chất lỏng để uống.
  • Chụp Positron cắt lớp (PET) hoặc chụp PET-CT: Chụp PET thường được kết hợp với chụp CT scan (xem bên trên), được gọi là Chụp PET-CT. Tuy nhiên, bạn có thể nghe bác sĩ của bạn gọi phương pháp này chỉ là chụp PET. Chụp PET là một cách để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và mô bên trong cơ thể. Sau khi tiêm một lượng nhỏ hợp chất giống như đường được đánh dấu bằng phóng xạ vào cơ thể bệnh nhân, chất này được hấp thụ bởi các tế bào sử dụng nhiều năng lượng nhất. Bởi vì ung thư có xu hướng sử dụng năng lượng tích cực, nó hấp thụ chất phóng xạ này nhiều hơn. Sau đó, máy quét sẽ phát hiện chất này để tạo ra những hình ảnh bên trong cơ thể.
  • Chụp hoặc nghiên cứu đồng vị phóng xạ. Trong phương pháp này, một chất có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ (được gọi là chất đánh dấu phóng xạ) được tiêm vào cơ thể. Sau đó theo dõi bằng một camera đặc biệt hoặc chụp x-quang để xem chất đánh dấu này đi đâu. Những nghiên cứu này có thể tìm thấy những bất thường ở gan, não, xương, thận và các cơ quan khác.

Nhiều trong số các xét nghiệm này có thể được lặp đi lặp lại trong và sau thời gian điều trị của trẻ để đánh giá hiệu quả điều trị. Ngoài ra, xem lời khuyên và hướng dẫn về cách chuẩn bị trẻ cho các xét nghiệm, thủ thuật.

Sau khi kiểm tra chẩn đoán xong, bác sĩ sẽ xem xét tất cả các kết quả cùng với bạn. Nếu chẩn đoán là ung thư, những kết quả này cũng giúp bác sĩ phân loại hoặc mô tả ung thư; việc này được gọi là phân chia giai đoạn ung thư.

Những thông tin từ các xét nghiệm chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ đề xuất một kế hoạch điều trị cụ thể. Phần tiếp theo trong hướng dẫn này là Các phương pháp điều trị. Sử dụng menu để đọc một phần khác trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/childhood-cancer/diagnosis

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích