menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tế bào gốc trung mô: Ứng dụng và hiệu quả trên lâm sàng?

user

Ngày:

26/08/2018

user

Lượt xem:

3728

Bài viết thứ 47/91 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

  • Lâu lâu bạn nghe “người ta” kể rằng “ai đó” sử dụng trị liệu tế bào gốc thành công và hết bệnh.
  • Thỉnh thoảng bạn đọc thấy vài mẫu tin tức, thậm chí trên các báo lớn như CNN, BBC, … và vô số hãng khác kể câu chuyện bệnh nhân được trị liệu tế bào gốc thành công ở Mexico, Brazil, …

Những câu chuyện này có làm bạn tự hỏi:

  • Tại sao liệu pháp tế bào gốc thần kì như vậy mà lại không đem ra làm đại trà cho bệnh nhân không?
  • Có phải những tổ chức quản lý như FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) của Mỹ và tương đương của châu Âu làm quá và giám sát quá nghiêm ngặt không? Tại sao họ phải làm vậy? Để ép các cơ sở y tế dịch vụ?
  • Những liệu pháp tế bào gốc thường được nói tới đó thuộc dạng nào?

Có thể nói rằng phần lớn các dạng dịch vụ tế bào gốc trên thị trường hiện nay sử dụng tế bào gốc (tbg) trung mô. Bên cạnh đó, số lượng các thử nghiệm lâm sàng với tbg trung mô đang tăng mạnh những năm gần đây (850 thử nghiệm tại thời điểm hiện tại). Danh sách các căn bệnh được thử nghiệm với tbg trung mô ngày càng dài ra, từ tiểu đường, tim mạch, thấp khớp, COPD, tự kỉ, … và cả trong làm đẹp.

Mặc dù tbg trung mô dễ thu nhận từ chính bệnh nhân. Nhưng hiệu quả và tác động của chúng còn rất rất nhiều điều chưa rõ ràng, vẫn còn đang bị bàn cãi.

Tế bào gốc trung mô – cái tên không có xuất xứ và căn cứ rõ ràng

Lần theo lịch sử, TS Alexander Fridenstein là người đầu tiên tìm ra tế bào nền (stromal cells) có vai trò hỗ trợ tbg tạo máu trong tuỷ xương. Nên chúng được gọi là tế bào nền từ tuỷ xương. Sau đó, mặc dù chỉ với một ít dữ liệu thực nghiệm, người ta lại cho rằng những tế bào nền này có thể tạo thành cơ, sụn, … nên đổi tên chúng thành “tbg trung mô” (mesenchymal stem cell).

Nhưng mà thực ra, chữ “trung mô” – mesenchyme lại cũng không chính xác. Mesenchyme là một dạng mô chỉ tồn tại trong quá trình phát triển phôi, có thể phát triển thành mô liên kết (connective tissue – là dạng mô đệm, nằm giữa kết nối các loại mô khác lại với nhau) và hệ máu và mạch máu. Trong khi đó, những “tbg trung mô” được thu nhận ở người trưởng thành thì lại không có khả năng đó!

Thông thường, để phân lập một loại tbg, người ta thường dựa vào một – vài protein đặc trưng (marker) cho loại tbg đó. Đáng buồn là người ta lại không tìm được một loại protein nào đặc trưng cho tbg trung mô cả. Vì vậy, chúng thường được xác định là loại cuối cùng, còn sót lại, sau khi loại bỏ tất cả những loại tế bào khác. (Quy trình phân lập này được trình bày chi tiết trong Chương 11 của cuốn sách Tbg – Khám phá cùng nhà khoa học).

Từ từ, bất kể từ mô hay cơ quan nào, cứ loại bỏ hết những tế bào khác đi, còn sót lại thì được cho là tbg trung mô. Thông thường, dạng tế bào sót lại này thường là từ mô liên kết. Nên người ta lại đồng hoá “tbg trung mô” với mô liên kết. Và cứ như vậy thì tbg trung mô có ở mọi cơ quan trong cơ thể. Mà nếu điều này là đúng đi nữa, thì mô liên kết ở mỗi cơ quan lại rất khác nhau. Nên tbg trung mô có xuất xứ khác nhau cũng khác biệt và không thể đánh đồng. Chức năng và phản ứng của chúng ở mỗi môi trường cũng khác nhau và khó dự đoán được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu sẽ được đề cập đến ở phần sau.

Cái tên này đã được sử dụng không chính xác, đã đi quá xa so với nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của nó. Nhiều chuyên gia đề xuất loại bỏ cái tên “tbg trung mô” ra khỏi hệ thống thuật ngữ của tbg. Nếu trong nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ này thận trọng bao nhiêu, thì trên thị trường dịch vụ tbg, nó lại được sử dụng “vô tội vạ” bấy nhiêu.

Cái tên thể hiện bản chất của sự việc. Một cái tên không đúng và chính xác, nhất là trong khoa học, thường dẫn đến nhiều ngộ nhận và hiểu lầm. Cái tên “tbg trung mô” là một trường hợp như vậy.

Tế bào gốc trung mô hiện nay được lấy từ đâu?

Như đã nói ở trên, cứ là thành phần tế bào còn sót lại, sau khi loại bỏ những tế bào khác, thì được cho là tbg trung mô. Nên người ta có thể tìm thấy nó ở mọi nơi trong cơ thể. Trong trị liệu, mô mỡ, cuống rốn, tuỷ xương là những địa điểm được ưa chuộng để phân lập các tế bào – được cho là tbg trung mô. Đặc biệt, mô mỡ – loại mô bị ghét bỏ nhất – lại là nơi được cho là có nhiều tbg trung mô nhất. Cứ lấy mỡ ra là có tbg!

Gần đây, tbg trung mô còn được tạo ra từ tbg vạn năng nhân tạo iPSC nữa. Hiện có vô số quy trình “sản xuất” tbg trung mô dạng này, mỗi quy trình tạo ra một sản phẩm khác nhau.

Tế bào gốc trung mô có khả năng tạo thành tế bào chức năng gì?

Một đặc tính sống còn của tbg là khả năng biệt hoá – tức là khả năng tạo ra nhiều loại tế bào chức năng khác nhau. “Tbg trung mô” từ tuỷ xương nói riêng và các cơ quan khác nói chung, có khả năng biệt hoá rất hạn chế, tạo thành xương, sụn và mô mỡ mà thôi. Khả năng biệt hoá hạn chế này không có giá trị nhiều trong trị liệu. Nhưng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Tế bào gốc trung mô với khả năng điều hoà miễn dịch

Theo kỳ vọng và tiên đoán của nhiều người, khả năng điều hoà miễn dịch của tbg trung mô là tự nhiên và vô song. Ở hiện tại, không có đủ dữ liệu thực nghiệm và lâm sàng chứng tỏ cho kỳ vọng đó!

Điều hoà miễn dịch (immunomodulation) là khả năng tiết ra các hợp chất sinh học để điều hoà hệ miễn dịch, duy trì sự cân bằng cho cơ thể. Bởi vì nếu hệ miễn dịch hoạt động quá mạnh hay quá yếu đều dẫn đến nhiều bệnh tật. Tbg trung mô có khả năng này không? Có. nhưng điều hoà như thế nào, ở đâu, bằng phương thức gì, tác động ra sao,… thì vô cùng khác nhau tuỳ vào nguồn gốc của tbg trung mô, nơi nó tới, môi trường xung quanh, tình trạng cơ thể,… Số liệu và bằng chứng từ thực nghiệm và lâm sàng cho những câu hỏi này vẫn còn rất ít ỏi.

Chẳng hạn, tbg trung mô từ tuỷ xương được chứng minh là có thể ức chế/kích hoạt/điều hoà hoạt động của một loạt tế bào miễn dịch như tế bào T, B, NK,… Nhưng, tbg trung mô từ các cơ quan khác thì khả năng này rất khác nhau và hạn chế. Một nghiên cứu xem xét khả năng ức chế tế bào T, B, NK ở máu ngoại vi và thấy rằng tbg trung mô từ cuống rốn không có tác dụng nhiều với tế bào B và NK.

Các vấn đề khi sử dụng tế bào gốc trung mô vào trị liệu

Vì bản chất, chất lượng và số lượng của tbg trung mô phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố như bệnh nhân, loại mô được thu nhận, quy trình thu nhận/nuôi cấy. Còn tác dụng của tbg trung mô sau khi cấy ghép thì cũng bị ảnh hưởng bởi dạng bệnh, cơ quan bị bệnh, loại tế bào bị bệnh,… Ngoài ra, chất lượng của tbg trung mô còn phụ thuộc rất nhiều vào thao tác trong quy trình thu nhận, nuôi cấy và bảo quản. Ví dụ tbg trung mô từ mô mỡ được cấy vào khớp thì sẽ có tác dụng khác với cấy lên mặt trong thẩm mỹ. Ở mỗi nơi, làm sao biết được chúng sẽ có tác dụng như thế nào?

Đây là lí do mà FDA và các tổ chức tương đương quản lí và giám sát chặt chẽ đối với các quy trình trị liệu tbg trung mô. Đối với mỗi phác đồ điều trị mới, như áp dụng loại tbg trung mô nào để chữa bệnh gì, những người thực hiện phải đưa ra kết quả và dữ liệu của nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật và thực hiện thử nghiệm lâm sàng theo quy trình chặt chẽ, trong từng giai đoạn từ I – IV. (Đọc thêm về các quy định mới của FDA: https://www.facebook.com/notes/sách-tbg-khám-phá-cùng-nhà-khoa-học/đọc-báo-giùm-bạn-cân-bằng-giữa-an-toàn-và-phát-minh-cho-ngành-y-học-tái-tạo/263055587568334/).

Hiện tại, mặc dù có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng với tbg trung mô. Nhưng những thử nghiệm này thường không cho hiệu quả rõ ràng vì những lý do sau:

  • Nhiều thử nghiệm cho thấy hiệu quả do điều trị tbg trung mô so với giả dược (placebo) là không khác biệt đáng kể.
  • Nhiều trường hợp thử nghiệm (đặc biệt do trung tâm y tế dịch vụ) không công bố những trường hợp có kết quả xấu hoặc không đáng kể.
  • Với nhiều yếu tố biến động như vậy, để thử nghiệm lâm sàng có kết quả đáng tin cậy thì cần số lượng mẫu lớn. Tuy nhiên, hầu hết các thử nghiệm chỉ được thực hiện với số ít bệnh nhân. Hơn nữa, các thử nghiệm cũng dàn trải trên rất nhiều loại bệnh, nên rất khó để so sánh hiệu quả và cách thức tác động.
  • Sự thay đổi về nguồn tbg trung mô và tuổi của bệnh nhân cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả.
  • Các quy trình thao tác không nhất quán có thể làm thay đổi chất lượng tbg trung mô trong thử nghiệm.

Tóm tắt

Tế bào gốc trung mô rất đa dạng về nguồn gốc và xuất xứ. Vì vậy tác động và hiệu quả cho từng bệnh cũng rất khác nhau. Trước khi áp dụng vào điều trị một loại bệnh mới. Cần phải thực hiện quy trình nghiên cứu và thử nghiệm đầy đủ để hiểu rõ tác dụng và độ an toàn. Bên cạnh đó, cần chuẩn hoá quy trình phân lập, thao tác, nuôi cấy, bảo quản tbg trung mô. Cơ chế tác động của tbg trung mô đối với từng loại bệnh cũng cần được nghiên cứu làm rõ. Các bệnh nhân nên tìm hiểu rõ quy trình và phác đồ điều trị, thông tin về thử nghiệm lâm sàng, tính an toàn của mỗi quy trình trước khi tham gia.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.nature.com/articles/cddis2015327#ref1
  2. https://www.nature.com/articles/nrm.2016.10
  3. https://www.nature.com/articles/nm.3028
  4. https://www.nature.com/articles/nbt.2816
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5399967/
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích