menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Làm thế nào để biết thông tin về bệnh ung thư trên các trang mạng xã hội là tin giả

user

Ngày:

04/08/2022

user

Lượt xem:

145

Bài viết thứ 94/91 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Ung thư đang là một gánh nặng ngày càng gia tăng trên toàn cầu. “Ung thư” cũng đã trở thành từ hay được tìm kiếm trên Google và mạng xã hội. Thống kê cho thấy có xấp xỉ 2,3 triệu người mắc ung thư trên toàn thế giới và họ đang tìm những thông tin về bệnh của mình để điều trịthay đổi lối sống. Theo một cuộc khảo sát của Healthline năm 2017, có tới 89% người mắc bệnh ung thư lên mạng để tìm kiếm thêm thông tin về bệnh tật. Nhưng làm thế nào để bệnh nhân có thể định hướng tốt và tìm tới các thông tin chính thống trong một rừng thông tin sức khỏe rộng lớn và hỗn tạp?

Thông tin sai lệch về bệnh ung thư

Thông tin sai lệch đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với khoa học cũng như sức khỏe cộng đồng. Với khả năng lan truyền nhanh chóng thông qua mạng xã hội, thông tin sai lệch đã bỏ xa thông tin chính thống trong việc “tiếp cận” cộng đồng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng hơn với ung thư, vì đây là bệnh có nhiều người mắc hơn, thường được cho là nặng hơn và có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Vì lẽ đó, ung thư đã và đang trở thành mục tiêu của các bài viết chia sẻ không chính xác, và cũng là “miếng bánh ngon” của những người quảng cáo và rao bán các liệu pháp không chính thống.

Khi những thông tin về “thần dược” chưa được kiểm chứng này ngày càng tràn lan trên mạng xã hội, bệnh nhân là những người bị đe dọa thực sự. Người mắc bệnh ung thư thường là nhạy cảm, dễ bị thu hút tới các tin về liệu pháp chữa lành, chữa khỏi vì họ đang hoang mang và tìm kiếm sự hỗ trợ. Những thông tin sai này có thể dẫn trì hoãn điều trị, thậm chí làm mất cơ hội điều trị bởi các phương pháp tốt hơn và làm bệnh ngày càng nặng. Theo một số báo cáo, thông tin sai lệch làm giảm chất lượng cuộc sống và cả cơ hội sống sót của người bệnh.

Có 2 loại thông tin giả:

  • Thông tin hoàn toàn bịa đặt không đúng sự thật để lừa dối hoặc gây hại cho mọi người
  • Thông tin có một ít sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác.

Phương pháp phát hiện tin giả

Mặc dù tránh tin giả một cách triệt để là không hề dễ, có một số phương cách để phát hiện chúng.

Luôn đọc cả tiêu đề lẫn nội dung

Để cảnh giác với những tiêu đề hấp dẫn và giật gân, hãy đọc toàn bộ thông tin trong bài. Thận trọng khi bấm nút “chia sẻ”, “thích” hoặc bình luận trước khi xác thực thông tin. Đừng rơi vào bẫy hay gặp là bài có nội dung quá dài và đánh vào tâm lý lười đọc của người xem.

Kiểm tra về tác giả

Tìm kiếm thông tin về tác giả và những công việc mà họ đã làm. Họ có phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó hay không. Hãy thận trọng với những bài báo được đăng ẩn danh hoặc bí danh.

Nhìn ngày đăng bài

Hãy bỏ qua những tin bài đã cũ hoặc các bài báo đã được đính chính, gỡ bỏ trước đó, mặc dù chúng thường xuất hiện trên mạng xã hội.

Tìm kiếm nguồn gốc của bức ảnh

Đôi khi những hình ảnh bắt mắt được sử dụng để thu hút sự chú ý của người đọc và có thể không liên quan đến nội dung bài viết. Việc tìm hiểu nguồn gốc bức hình qua Google (link dưới) có thể giúp bạn xác minh điều mình không chắc chắn hoặc hé lộ câu chuyện đằng sau bài viết.

https://support.google.com/websearch/answer/1325808

Xem những ai đang bàn luận

Xác minh thông tin trong bài báo bằng cách tìm kiếm những thông tin đó trên mạng xã hội, xem có những ai đang tham bàn luận về nó. Các chuyên gia hay nguồn đáng tin cậy đang có nhận định gì? Bạn có thể kiểm tra lại thông tin đó trên các nguồn tin/ website uy tín về y khoa. Bạn cũng có thể hỏi các chuyên gia về vấn đề này.

Đánh giá nguồn tin

Kiểm tra phần “Giới thiệu về chúng tôi” hoặc “Liên hệ với chúng tôi” và địa chỉ URL của trang web hoặc mạng xã hội để xem nội dung đến từ đâu và ai là tác giả. Hãy cẩn thận với các trang có nhiều cửa sổ bật lên và có chương trình quảng cáo.

Đánh giá “mục đích” đằng sau bài báo

Có phải bài báo được viết để truyền đạt sự thật hay chỉ là quan điểm chắp vá đang cố gắng thuyết phục bạn? Nó là một bài viết kèm quảng cáo được tài trợ? Nhiều bài viết đang sử dụng thông tin sai để tiếp thị các phương pháp và dịch vụ chưa được kiểm chứng. Nên suy nghĩ xem liệu bài báo có đang cố dẫn người đọc đến hành động mà tác giả mong muốn, như truy cập trang web của bên thứ ba hoặc mua thứ gì đó.

Kiểm tra cách viết

Tìm các lỗi chính tả và ngữ pháp; việc lạm dụng quá nhiều chữ in hoặc dấu chấm than thường là cách viết không chuẩn mực. Những nguồn thông tin uy tín thường có bài viết chuyên nghiệp và cập nhật.

Cảnh giác với những bài viết hài hước/châm biếm

Những chuyện châm biếm và hài hước hoặc khó tin thường được chia sẻ rộng rãi hơn. Hiện có rất nhiều trang tin như vậy. Vì thế, hãy chắc chắn rằng bài viết mà bạn đang đọc không thuộc nhóm này.

Công cụ hỗ trợ

Trên đây chỉ là một số cách để tìm hiểu về độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội. Có một công cụ hỗ trợ cho vấn đề này được gọi là CREDIBLE. Nó được tạo ra bởi nhà nghiên cứu sức khỏe kỹ thuật số Bác sĩ Gunther Eisenbach. Hệ thống CREDIBLE chỉ ra rằng thông tin sức khỏe phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Cập nhật: thông tin mới và được cập nhật thường xuyên
  • Tài liệu tham khảo: các công bố được liên kết với các bài báo y khoa tương ứng
  • Rõ ràng: dễ dàng tìm thấy mục đích và chủ ý của trang web
  • Nhà tài trợ: dễ dàng tìm ra thông tin về người hỗ trợ cho trang web
  • Ràng buộc lợi ích: có công khai thông tin về ràng buộc lợi ích trong nội dung của bài báo (nếu có)
  • Nội dung cân đối: nội dung không có tính chất một chiều
  • Mức độ bằng chứng: nói về độ tin cậy của bằng chứng hỗ trợ cho kết luận trong bài báo

Lưu ý các đặc điểm thường ám chỉ thông tin giả

  • Sử dụng câu chuyện của bệnh nhân thay vì bằng chứng khoa học
  • Các từ khóa ấn tượng (mỹ từ) như “phương pháp thần kỳ”, “không có tác dụng phụ”, “thần dược”,…
  • Thông tin mua bán trực tiếp trên trang web
  • Nội dung có mục đích làm người đọc lo sợ
  • Khuyên người đọc không nên nghe lời bác sĩ

Bất kỳ người nào sử dụng internet đều có thể tiếp xúc với thông tin không chính xác.
Vì vậy, trau dồi kỹ năng kiểm chứng là rất quan trọng.
Hãy luôn xác nhận và cân nhắc thông tin đang đọc trước khi bấm nút “like” hoặc “share”!

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/blog/2020-09/how-tell-if-cancer-information-social-media

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích