menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Những câu hỏi nào bệnh nhân ung thư cần được giải đáp ?

user

Ngày:

16/12/2017

user

Lượt xem:

2074

Bài viết thứ 04/05 thuộc chủ đề “Tài liệu cơ bản về chăm sóc giảm nhẹ”

Hiệu đính

Bác sĩ Nguyễn Đình Vân

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý

Nhóm biên soạn

Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể

Bác sĩ Phạm Trường Giang

Bác sĩ Trịnh Ngọc Gia Khánh

Lê Đăng Tuấn Khanh

Lê Hoàng Lan Anh

Phạm Như Hiển

Thảo luận về việc chăm sóc sức khỏe của bạn

Thảo luận về bệnh ung thư, các liệu pháp điều trị ung thư và nhu cầu của bạn là một phần quan trọng của chăm sóc giảm nhẹ bởi vì nó giúp làm rõ các mục tiêu và nguyện vọng của bạn. Điều này có thể là mong muốn tiếp tục điều trị trực tiếp/đối đầu căn bệnh theo hướng kéo dài thời gian sống càng lâu càng tốt, bất kể khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, hay ưu tiên duy trì chất lượng cuộc sống ở một mức cụ thể, ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc dừng điều trị đối đầu tại một thời điểm nào đó. Chăm sóc giảm nhẹ chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi có sự phối hợp giữa bệnh nhân, gia đình và đội ngũ y tế.

Bạn đừng ngại đặt câu hỏi cho các bác sĩ hay nêu lên những ý kiến, mong muốn hay lo lắng của mình. Hãy nói với bác sĩ và điều dưỡng về bất kỳ cơn đau, khó chịu, hoặc tác dụng ngoại ý như loét miệng, buồn nôn, nôn mửa, và táo bón mà bạn gặp phải, ngay cả khi bạn cảm thấy chúng không nghiêm trọng. Có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng này, nhưng bác sĩ và điều dưỡng cần biết bạn đang đau đớn hoặc khó chịu để có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nếu thấy bối rối về các lựa chọn của mình, hãy nói với họ. Họ có thể cung cấp thêm thông tin và hướng dẫn trong quá trình ra quyết định, để bạn có thể đưa ra các lựa chọn tốt nhất trong việc chăm sóc bản thân.

Nếu bạn đã được giới thiệu đến chuyên khoa Chăm sóc giảm nhẹ, nhóm chăm sóc này sẽ giúp bạn và người thân hiểu hơn về chẩn đoán, kế hoạch điều trị và tiên lượng hay cơ hội hồi phục. Những điều này có thể thay đổi trong suốt quá trình bệnh, do đó bạn cần tiếp tục trao đổi thẳng thắn với cả bác sĩ chuyên khoa ung thư và nhóm chăm sóc giảm nhẹ.

Xem bài trước "Chăm sóc giảm nhẹ là gì?" và "Tài liệu chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư"

Câu chuyện của Jan – Ung thư vú

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ của Jan đã khuyên cô nên điều trị bằng hóa trị trước khi phẫu thuật để loại bỏ khối u ở vú trái. Chỉ vài giờ sau mỗi lần hóa trị, cô cảm thấy rất buồn nôn và bắt đầu nôn mửa. Việc này cứ lặp lại sau mỗi lần hóa trị và kéo dài trong vài giờ.

Vài tuần sau điều trị, bác sĩ của Jan đã hỏi cô ấy cảm giác như thế nào. Jan kể cho ông nghe về các cơn buồn nôn và nôn mửa của mình, nhưng cô cho rằng đó là “phần tất yếu xảy ra khi hoá trị.” Tuy nhiên, bác sĩ đã giải thích rằng mặc dù những phản ứng phụ này là phổ biến, có thể kiểm soát chúng bằng các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ.

Sau đó, Jan bắt đầu được tiêm vào tĩnh mạch một loại thuốc chống buồn nôn 30 phút trước khi bắt đầu hóa trị. Bác sĩ cũng kê một loại thuốc chống buồn nôn mà cô có thể mang về nhà uống ba lần một ngày. Một điều dưỡng cũng cho cô những lời khuyên khác, chẳng hạn như ăn gừng và ngồi một lúc sau khi ăn. Nhờ đó Jan đã đỡ mệt mỏi, nhưng thuốc cô dùng tại nhà lại làm cô buồn ngủ đến mức không thể tỉnh táo hơn vài tiếng sau mỗi lần uống. Vì vậy, bác sĩ đã thay chúng bằng miếng dán có chứa thuốc khác, làm cả buồn nôn và buồn ngủ đều biến mất.

“Tôi đã luôn nghĩ rằng việc bị mệt và gặp tác dụng phụ do hóa trị là một phần luôn có của điều trị ung thư”, Jan nói. “Tôi đã học được rằng với tất cả các loại thuốc mới hiện nay, tôi sẽ không phải chịu đựng nữa. Tôi đã hoàn thành hóa trị và có một cuộc phẫu thuật thành công.”

Xem thêm bài viết "4 mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ"

Để được chăm sóc theo đúng ý nguyện của bạn

Mặc dù việc thảo luận với gia đình, người thân hay nhóm chăm sóc y tế về các ý nguyện của bạn thường là đủ, có một loại giấy tờ pháp lý quan trọng mà bạn có thể soạn ra để ghi rõ các loại điều trị và chăm sóc mà bạn MUỐN hay KHÔNG MUỐN trong trường hợp bản thân không thể tự ra quyết định được nữa. Đó là Di chúc y tế hay Giấy ghi trước ý nguyện (Advance directives). Nhiều người nghĩ những loại văn bản này chỉ hữu ích khi bệnh ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, việc có chúng trong hồ sơ y tế là rất quan trọng bất kể căn bệnh đang ở giai đoạn nào.

Di chúc y tế

Nhờ việc ghi lại các ý nguyện về y tế thành văn bản, bạn luôn giữ được quyền kiểm soát các quyết định về sức khỏe của mình, ngay cả khi mình không thể nói lên điều đó. Điều này cũng giúp giảm áp lực (cảm giác tội lỗi) và lo lắng cho các thành viên trong gia đình khi phải thay mặt bạn đưa ra những quyết định điều trị và chăm sóc bạn dựa trên các giả định và phỏng đoán. Nếu biết rằng đó là những nội dung điều trị mà bạn muốn, người thân của bạn sẽ có thể thấy nhẹ nhõm hơn.

Ngay cả khi đưa ra Di chúc y tế, bạn vẫn có thể thay đổi nó khi cần, miễn là bạn vẫn còn hoặc đã khôi phục khả năng ra quyết định. Bạn cần phải thông báo cho nhóm bác sĩ chuyên khoa ung thư, nhóm chăm sóc giảm nhẹ, và nhân viên y tế khác nếu có bất kỳ thay đổi nào. Nên đảm bảo rằng bạn và những người tham gia vào việc ra quyết định về chăm sóc/điều trị có thể tiếp cận dễ dàng với phiên bản mới nhất của các văn bản nêu trên. Bạn cũng nên gửi bản sao đến tất cả những nơi mà bạn đang được điều trị hoặc chăm sóc, chẳng hạn như bệnh viện, phòng khám, hoặc viện dưỡng lão.

Những lời khuyên khi trao đổi với nhóm chăm sóc

  • Viết ra các câu hỏi trước mỗi cuộc hẹn khám bệnh. Điều này có thể làm giảm đi sự căng thẳng và giúp bạn tận dụng thời gian nói chuyện với bác sĩ.
  • Ghi ra danh sách các mối quan tâm về thể chất, tinh thần, lo lắng thực tế…để bạn có thể chia sẻ với bác sĩ, điều dưỡng hoặc một thành viên khác trong nhóm chăm sóc.
  • Hỏi thêm nhóm chăm sóc nếu bạn thấy khó hiểu lời giải thích, mô tả của bác sĩ, hoặc không quen các thuật ngữ y khoa.
  • Nói cho nhóm chăm sóc biết về những đau đớn hay khó chịu của bạn, ngay cả khi bạn thấy nó không nghiêm trọng.
  • Đi khám cùng người thân hoặc bạn bè để họ có thể ghi lại thông tin cho bạn. Điều này giúp bạn tập trung vào cuộc trò chuyện mà vẫn có thể đọc/nghe lại thông tin sau đó.
  • Theo dõi và ghi lại diễn tiến các triệu chứng và các phản ứng phụ, ví dụ là triệu chứng gì, tần suất xảy ra, mức độ nghiêm trọng,…để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp. Các cổng trực tuyến hoặc apps chuyên dụng có thể giúp ích cho quá trình trao đổi với nhóm chăm sóc.
  • Tìm hiểu thêm về loại ung thư của bạn từ các trang web đáng tin cậy, chẳng hạn như Cancer.Net, và Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, www.cancer.gov. Việc này sẽ giúp bạn dễ đặt câu hỏi hơn.

Câu hỏi nào bệnh nhân ung thư cần được giải đáp

Những câu hỏi cần được giải đáp

Việc nói chuyện với đội ngũ y tế ngay sau khi nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư là rất quan trọng để có thể hiểu thêm về tiên lượng, mục tiêu điều trị và các lựa chọn để làm giảm triệu chứng và các tác dụng phụ. Lập kế hoạch cho tất cả các khả năng có thể xảy ra, bao gồm cả nhu cầu được chăm sóc giảm nhẹ, sẽ giúp bạn, gia đình và người chăm sóc bạn đối phó tốt hơn với những điều có thể xảy ra phía trước.

Câu hỏi về chẩn đoán

  • Tôi bị bệnh ung thư gì, loại gì?
  • Loại ung thư này có phân loại hay đặc tính nào nên biết thêm không?
  • Vị trí chính xác của khối u?
  • Bệnh ung thư đang ở giai đoạn nào? Điều đó có nghĩa là gì?
  • Loại ung thư này có di truyền không? Người thân trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh này không?
  • Tiên lượng bệnh của tôi như thế nào? Liệu tôi có thể hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị hay không?
  • Tôi có thể tìm thêm thông tin về bệnh ung thư này ở đâu?

Câu hỏi về các triệu chứng bệnh

  • Những triệu chứng phổ biến của loại ung thư này và giai đoạn này là gì?
  • Các triệu chứng sẽ thay đổi như thế nào trong hoặc sau khi điều trị?
  • Có những cách nào để giảm bớt các triệu chứng này?
  • Có những cách nào để phòng ngừa các triệu chứng này?
  • Có hoạt động nào có thể làm triệu chứng tệ hơn?

Câu hỏi về điều trị

  • Có những lựa chọn điều trị nào trong trường hợp của tôi?
  • Phương pháp điều trị hoặc kết hợp điều trị nào là tốt nhất? Tại sao?
  • Mục tiêu của mỗi phương pháp điều trị là gì? Để điều trị đối đầu/loại bỏ bệnh ung thư, giúp tôi cảm thấy tốt hơn, hay cả hai?
  • Ai sẽ là thành viên của nhóm điều trị/chăm sóc cho tôi, và nhiệm vụ/công việc của mỗi thành viên là gì?
  • Tôi có thể tham gia vào thử nghiệm lâm sàng nào không? Nếu có thì nó được thực hiện ở đâu và tôi có thể tìm thêm thông tin từ đâu?
  • Việc điều trị này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào? Liệu tôi có thể tiếp tục làm việc, tập thể dục và sinh hoạt bình thường hay không?

Câu hỏi về tác dụng phụ do điều trị

  • Các tác dụng phụ tiềm ẩn ngắn hạn và dài hạn của mỗi phương pháp điều trị?
  • Tôi có thể chuẩn bị những gì để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ?
  • Có thể làm gì để xử trí các tác dụng phụ gặp phải?
  • Làm thế nào để theo dõi ghi lại các triệu chứng hay tác dụng phụ?
  • Nếu một triệu chứng mới xuất hiện hoặc triệu chứng cũ xấu đi, tôi phải làm gì?
  • Làm thế nào để giữ cơ thể khỏe mạnh nhất có thể trong quá trình điều trị?
  • Việc điều trị sẽ ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?
  • Điều trị này có ảnh hưởng đến khả năng mang thai hoặc có con của tôi không? Nếu có, tôi có thể làm gì để duy trì khả năng sinh sản?
  • Các tác dụng phụ dài hạn khác liên quan đến điều trị ung thư là gì?

Câu hỏi về sự hỗ trợ

  • Chăm sóc giảm nhẹ có thể cung cấp các loại dịch vụ hỗ trợ gì?
  • Có thể giới thiệu cho tôi một chuyên viên chăm sóc giảm nhẹ không?
  • Tôi có thể nhận dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ ở đâu?
  • Có những dịch vụ hỗ trợ nào khác dành cho tôi và gia đình tôi không?
  • Nếu tôi lo lắng về việc quản lý chi phí điều trị, tìm kiếm phương tiện di chuyển, hoặc những mối quan tâm thực tế khác, ai có thể giúp tôi?

Câu hỏi cho nhân viên chăm sóc giảm nhẹ

  • Ai sẽ là thành viên trong nhóm chăm sóc giảm nhẹ của tôi? Vai trò của họ là gì?
  • Tôi sẽ gặp hay liên lạc với nhóm chăm sóc giảm nhẹ thường xuyên như thế nào?
  • Khi nào thì tôi nên liên lạc với nhóm chăm sóc giảm nhẹ, và bằng cách nào?
  • Tôi nên liên lạc với ai sau giờ làm việc hoặc trong trường hợp khẩn cấp?
  • Nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ phối hợp điều trị với bác sĩ ung thư và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác như thế nào?
  • Nếu tôi có thắc mắc, tôi nên liên lạc với nhóm chăm sóc giảm nhẹ trước hay với bác sĩ ung thư trước?
Xem thêm "Tiếng anh dùng trong chăm sóc giảm nhẹ"
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích