Thứ Bảy , 2 Tháng Mười Một 2024
Trang chủ Chuyên mục Ung thư Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư Chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư người lớn Chăm sóc giảm nhẹ là gì ? Làm thế nào để được chăm sóc giảm nhẹ ?

Chăm sóc giảm nhẹ là gì ? Làm thế nào để được chăm sóc giảm nhẹ ?

Bài viết thứ 2 trong 5 bài thuộc chủ đề Tài liệu cơ bản về chăm sóc giảm nhẹ
 

Hiệu đính

Bác sĩ Nguyễn Đình Vân

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý

Nhóm biên soạn

Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể

Bác sĩ Phạm Trường Giang

Bác sĩ Trịnh Ngọc Gia Khánh

Lê Đăng Tuấn Khanh

Lê Hoàng Lan Anh

Phạm Như Hiển

Chăm sóc giảm nhẹ là gì?

Ung thư thường gây ra nhiều triệu chứng, và quá trình chữa trị ung thư có thể gây ra nhiều tác dụng ngoại ý hay phản ứng phụ. Việc phòng ngừa hoặc giảm nhẹ những triệu chứng và tác dụng phụ là một phần quan trọng trong quá trình chữa trị ung thư, bất kể tuổi tác, loại ung thư hay giai đoạn bệnh. Thực hiện được những điều này sẽ giúp bệnh nhân thoải mái và duy trì được chất lượng cuộc sống từ khi bị chẩn đoán, xuyên suốt quá trình điều trị và hơn thế nữa. Những tiếp cận và phương pháp này gọi là Chăm sóc giảm nhẹ.

Ngoài việc chữa trị những vấn đề về thể chất như đau, buồn nôn, và mệt mỏi, chăm sóc giảm nhẹ còn tập trung vào việc hỗ trợ các nhu cầu về tình cảm, tinh thần và các khó khăn thực tế của bệnh nhân và cả gia đình của họ.

Tiếp nhận chăm sóc giảm nhẹ không có nghĩa là ngừng chữa trị trực tiếp bệnh ung thư. Bệnh nhân vẫn thường tiến hành điều trị để làm chậm, chấm dứt hoặc loại bỏ ung thư song song với các phương pháp làm giảm nhẹ các triệu chứng gây khó chịu. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng những bệnh nhân tiếp nhận cả hai phương pháp điều trị này thường có ít triệu chứng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn, và họ cũng hài lòng hơn với kế hoạch điều trị.

Xem thêm "24 từ tiếng Anh dùng trong chăm sóc giảm nhẹ"

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là gì

Chăm sóc giảm nhẹ khác với chăm sóc cận tử như thế nào?

Mặc dù bạn có thể nghe “chăm sóc giảm nhẹ” và “chăm sóc cận tử” được sử dụng tương tự nhau, hai nhóm từ này không hoàn toàn giống nhau. Chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp ở mỗi bước của quá trình trị liệu như là một biện pháp bổ sung để hỗ trợ bệnh nhân ở bất kỳ giai đoạn nào của ung thư. Chăm sóc cận tử là một loại đặc biệt của chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp cho những người bệnh giai đoạn cuối, có tiên lượng sống ít hơn 6 tháng.

Nếu người bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối hay giai đoạn muộn, bác sĩ có thể đề xuất chuyển trọng tâm điều trị sang chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ. Chọn lựa ngưng chữa trị trực tiếp căn bệnh, ví dụ như ngưng hóa trị, không có nghĩa là từ bỏ chiến đấu với bệnh tật hoặc đội ngũ y bác sĩ sẽ bỏ mặc người bệnh. Thay vào đó, chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp người bệnh tập trung vào việc giảm bớt khổ sở/gánh nặng triệu chứng và tiếp nhận thêm các hỗ trợ khác trong tất cả mọi mặt của cuộc sống.

Nếu bệnh nhân quyết định bắt đầu chăm sóc cận tử, các thành viên trong nhóm chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp đỡ bệnh nhân trong quá trình chuyển tiếp này cũng như tiếp cận các vấn đề về thể chất và tâm lý liên quan.

Để có thêm thông tin về việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh ung thư giai đoạn muộn, xem thêm www.cancer.net/advancedcancer.

Xem thêm giới thiệu về “Tài liệu chăm sóc giảm nhẹ” nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư và người thân.

Chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu khi nào và ở đâu?

Chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, khi cần thiết, trong quá trình chữa trị ung thư và tiếp tục xuyên suốt tất cả các giai đoạn bệnh. Người bệnh có thể tiếp nhận chăm sóc giảm nhẹ ở phòng khám, bệnh viện, trung tâm ung thư, cơ sở chăm sóc dài hạn, hoặc thậm chí tại nhà riêng, tùy vào phương pháp điều trị được đề nghị và nguồn lực sẵn có. Hãy nói về lựa chọn của bạn với bác sĩ, điều dưỡng hoặc nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực ung thư.

Xem thêm "4 mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ"

Ai là người cung cấp chăm sóc giảm nhẹ?

Vì chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc giúp bệnh nhân và gia đình các hỗ trợ về thể chất, tâm lý tình cảm, xã hội, tâm linh và giải quyết các vướng mắc thực tế, thường sẽ có nhiều nhân viên y tế cùng tham gia hỗ trợ. Bác sĩ, điều dưỡng/điều dưỡng chuyên ngành ung thư và các nhân viên y tế khác luôn quan tâm đến sự thoải mái của người bệnh nên chăm sóc giảm nhẹ cũng thường được cung cấp bởi nhóm chăm sóc phụ trách điều trị trực tiếp căn bệnh ung thư. Đôi khi bác sĩ chuyên khoa ung thư có thể đề nghị người bệnh gặp bác sĩ chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ. Bác sĩ chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ được đào tạo để giúp bệnh nhân và người thân đương đầu với những bệnh nặng đe dọa sống còn.

Nếu bạn được gửi tới khoa chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ khoa này sẽ không thay thế bác sĩ chuyên khoa ung thư của bạn. Các bác sĩ sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra kế hoạch chăm sóc phù hợp với những nhu cầu đặc thù của bạn. Đội ngũ y tế này sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch chăm sóc khi nhu cầu và nguyện vọng của bạn thay đổi. Họ cũng sẽ giới thiệu những bác sĩ chuyên khoa và nhân viên y tế chuyên nghiệp khác/mới khi cần. Các thành viên mới của đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ có thể gồm:

  • Điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ. Điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ cung cấp chăm sóc tổng quát, giúp bạn kiểm soát đau và những triệu chứng khác. Họ thường là đầu mối chính giúp liên lạc với những thành viên khác trong nhóm chăm sóc giảm nhẹ và với các nhân viên y tế khác bao gồm cả bác sĩ chuyên khoa ung thư. Nếu bạn được chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, các điều dưỡng sẽ đến thăm bạn thường xuyên để đảm bảo bạn nhận được những chăm sóc cần thiết.
  • Nhân viên công tác xã hội. Những nhân viên này tư vấn cho bệnh nhân và gia đình, giúp đỡ cách xử trí các vấn đề tài chính, tìm hiểu phương tiện đi lại, sắp xếp những cuộc họp gia đình, kết nối bệnh nhân và gia đình với những nguồn lực ở địa phương. Họ còn giúp bệnh nhân xuất viện về nhà và tìm các giúp đỡ tại nhà hay tìm nơi chăm sóc cận tử khi cần.
  • Chuyên gia về đau. Các chuyên gia về đau là các bác sĩ rành rõi việc tìm ra nguyên nhân gây đau và biết cách điều trị nó. Họ có thể thảo luận với bác sĩ chuyên khoa ung thư và nhóm chăm sóc giảm nhẹ để kê toa thuốc, đề xuất một chương trình phục hồi chức năng và/hoặc thực hiện các thủ thuật làm giảm đau. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ cũng là một chuyên gia trong xử trí đau.
  • Cha xứ/Thầy tu. Cha xứ/Thầy tu có thể giúp lắng nghe và tiếp cận những băn khoăn của bệnh nhân và người thân về đức tin và tâm linh, đặc biệt ở trường hợp bệnh nặng sắp qua đời.
  • Chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp giải quyết những vấn đề về dinh dưỡng, như buồn nôn hoặc biếng ăn. Những chuyên gia này cho lời khuyên thiết thực về các chất bổ sung dinh dưỡng; và đề ra các chế độ ăn chuyên biệt.
  • Nhân viên vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu. Nhân viên vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân duy trì vận động và cải thiện khả năng di chuyển. Nhân viên vật lý trị liệu cũng có thể đề ra chương trình tập thể dục để duy trì hoặc cải thiện thể chất trong và sau khi điều trị. Nhân viên hoạt động trị liệu tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ và hoạt động hàng ngày, đặc biệt là các động tác ở phần trên của cơ thể, giúp bệnh nhân tự lập mức tối đa có thể.
  • Tình nguyện viên. Nhiều chương trình chăm sóc giảm nhẹ đã huấn luyện cho các tình nguyện viên tới thăm những bệnh nhân muốn có bạn bè và cần hỗ trợ tinh thần. Các tình nguyện viên thường thực hiện những nhiệm vụ đơn giản, như đọc sách cho bệnh nhân nghe, viết lại các ghi chú, gọi điện thoại giúp, hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên cạnh và nói chuyện.
  • Chuyên gia về đời sống trẻ em. Những người được đào tạo để giúp trẻ em và gia đình hiểu được căn bệnh nghiêm trọng của trẻ cũng như trợ giúp các anh chị em của trẻ.
  • Người an ủi đau buồn và mất mát. Người được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội hoặc tâm lý học giúp an ủi các thành viên trong gia đình đang đối mặt hoặc chịu đau khổ vì sự mất mát người thân yêu.

Làm thế nào để được chăm sóc giảm nhẹ?

Nếu bạn nghĩ rằng chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp ích nhưng bác sĩ ung thư không đề cập đến phương pháp này, hãy hỏi các hệ thống dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ ở gần nơi sinh sống. Bạn có thể cầm tài liệu này để bắt đầu cuộc nói chuyện. Sau đó, bạn có thể giải thích tại sao bạn nghĩ chăm sóc giảm nhẹ là cần thiết cho mình và gia đình. Bạn cũng có thể yêu cầu được giới thiệu tới gặp một chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ. Các nhân viên y tế thường hoan nghênh sự giúp đỡ và thông tin từ các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ và sẽ kết nối giúp bạn.

Xem thêm "Những câu hỏi nào bệnh nhân ung thư cần được giải đáp?"

Câu chuyện của KATE

Kate, một bà mẹ 39 tuổi có 2 con, nghĩ rằng việc thở nông và khò khè của cô ấy là do dị ứng gây ra. Tuy nhiên, bác sĩ của cô nói cho cô biết là cô bị ung thư phổi và khuyên cô cần điều trị trực tiếp căn bệnh và chăm sóc giảm nhẹ. Qua cuộc nói chuyện, bác sĩ hỏi Kate và chồng cô, Steve, về nỗi lo sợ lớn nhất của họ về cách chữa trị là gì. Cả hai đều lo lắng rằng Kate sẽ cô đơn ở nhà trong khi hóa trị vì Steve là phi công nên vắng nhà thường xuyên.

Kate và Steve được giới thiệu tới một điều dưỡng giúp giải thích những tác dụng phụ mà Kate có thể gặp phải khi hóa trị, và một nhân viên công tác xã hội giúp cung cấp thông tin về công ty chăm sóc tại nhà đáng tin cậy. Kate cho rằng cô ấy sẽ cảm thấy thoải mái khi ở nhà mà không cần sự trợ giúp nào, nhưng nhân viên công tác xã hội đã gọi điện đến công ty chăm sóc tại nhà và giúp cử một điều dưỡng để Steve yên tâm hơn. Nhân viên công tác xã hội cũng kết nối Kate và Steve với một người tư vấn giúp đối phó với những căn bệnh hiểm nghèo. Tư vấn viên này đã giúp Kate và Steve nói chuyện về căn bệnh với các con của họ.

“Bị chẩn đoán ung thư là một cú sốc lớn và tôi cảm thấy cuộc sống như đang biến động ngoài tầm kiểm soát”, Kate giải thích. “Nhóm chăm sóc đã giúp tôi lấy lại kiểm soát nhanh bằng cách giúp tôi chủ động quyết định trước khi bắt đầu điều trị. Tôi cảm thấy mạnh mẽ, và gia đình tôi cũng vậy.”