menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

4 mục tiêu của Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

user

Ngày:

16/12/2017

user

Lượt xem:

2581

Bài viết thứ 03/05 thuộc chủ đề “Tài liệu cơ bản về chăm sóc giảm nhẹ”

Hiệu đính

Bác sĩ Nguyễn Đình Vân

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý

Nhóm biên soạn

Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể

Bác sĩ Phạm Trường Giang

Bác sĩ Trịnh Ngọc Gia Khánh

Lê Đăng Tuấn Khanh

Lê Hoàng Lan Anh

Phạm Như Hiển

Mục tiêu của Chăm sóc giảm nhẹ

Khác với những phương pháp chữa trị trực tiếp bệnh ung thư với mục tiêu làm chậm, dừng hoặc loại bỏ ung thư, mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ là cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này nhằm giúp bạn sống theo cách bạn muốn trong và sau khi điều trị, đồng thời hướng dẫn cho gia đình và người thân biết cách hỗ trợ bạn cũng biết cách tự chăm sóc họ. Chăm sóc giảm nhẹ có thể làm được điều này bằng cách tiếp cận những thử thách khác nhau liên quan tới ung thư.

Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư bao gồm:

  1. Xử trí triệu chứng và các tác dụng ngoại ý/phản ứng phụ: thể chất, tinh thần, tình dục
  2. Giúp đỡ các vấn đề thực tế
  3. Tiếp cận các thắc mắc hay quan tâm về tâm linh
  4. Hỗ trợ gia đình, bạn bè và người chăm sóc
Xem bài trước "Giới thiệu tài liệu chăm sóc giảm nhẹ" và "Làm gì để được chăm sóc giảm nhẹ?"

Xử trí triệu chứng và tác dụng ngoại ý/phản ứng phụ

Ung thư có thể gây ra những triệu chứng về thể chất và tinh thần. Các phương pháp điều trị ung thư, như hóa trị, xạ trị, và phẫu thuật, thường gây ra tác dụng ngoại ý/ tác dụng phụ. Những triệu chứng/tác dụng phụ cụ thể mà bạn có thể gặp và mức độ của chúng tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm

  • Loại và giai đoạn của ung thư
  • Cơ quan bị ảnh hưởng
  • Kế hoạch điều trị
  • Sức khỏe tổng trạng.

Chăm sóc giảm nhẹ nhằm vào việc dự phòng, kiểm soát, và/hoặc làm giảm các triệu chứng khó chịu liên quan với ung thư dù là do nguyên nhân gì và bất chấp các khó chịu đó là nhẹ, vừa hay nặng.

Thể chất

Các triệu chứng về thể chất của ung thư, như đau, mệt, khó thở, sụt cân thay đổi rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Nhóm chăm sóc sẽ song hành cùng người bệnh tìm ra cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng về thể chất, cũng như dự phòng và làm nhẹ các tác dụng phụ liên quan với điều trị, như buồn nôn và nôn ói, tiêu chảy và chán ăn.

Trước khi bắt đầu điều trị, một thành viên trong nhóm chăm sóc y tế sẽ giúp bệnh nhân hiểu các tác dụng phụ thường xảy ra nhất và đặt ra một kế hoạch để dự phòng và kiểm soát các vấn đề này. Thường phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng về thể chất và các tác dụng phụ, thường bao gồm:

  • Thuốc. Nhiều loại thuốc được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng và tác dụng phụ. Ví dụ, các thuốc chống nôn (anti-emetics) giúp phòng ngừa nôn ói. Đau cũng thường được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc. Bác sĩ chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ hay bác sĩ ung thư có thể khuyến cáo bạn dùng thuốc không thuộc nhóm opioid (non-opioid), bao gồm acetaminophen (ví dụ Tylenol) và ibuprofein (ví dụ Advil hoặc Motrin). Opioids, hay còn gọi là thuốc phiện dùng trong y tế, phải được bác sĩ kê đơn, có thể được đề xuất để kiểm soát đau mức độ từ trung bình đến nặng.
Xem thêm bài viết "Cách xử trí đau".
  • Vật lý trị liệu. Điều trị ung thư có thể gây yếu cơ, mất cân bằng cơ, thay đổi trong tư thế, và các vấn đề về vận động/khó khăn di chuyển. Các chương trình tập luyện chuyên biệt làm tăng sức cơ sẽ có thể giúp cải thiện các vấn đề này.
  • Hoạt động trị liệu. Những thay đổi về thể chất kèm theo bệnh ung thư có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Chuyên viên phục hồi chức năng, nhất là ngành hoạt động trị liệu có thể giúp bệnh nhân cải thiện khả năng thực hiện các động tác sinh hoạt, hoặc đề xuất việc dùng dụng cụ hỗ trợ, các phương pháp thay đổi môi trường để hỗ trợ người bệnh.
  • Tư vấn dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bệnh nhân tìm cách uống đủ nước và duy trì cân nặng; cho lời khuyên để làm giảm buồn nôn và nôn; cải thiện cảm giác ngon miệng và rối loạn vị giác, khuyến cáo các thức ăn, sinh tố (vitamins) và các chất bổ sung khác có thể thiếu trong chế độ ăn, và đề nghị các hình thức dinh dưỡng khác khi cần thiết.
  • Các kỹ thuật thư giãn. Thư giãn có thể làm tăng sinh khí và giảm đau bằng cách thư giãn cơ. Có nhiều kỹ thuật thư giãn khác nhau bao gồm hít thở sâu, thiền định, và tưởng tượng có hướng dẫn (guided imagery), là cách kết hợp giữa hít thở và thiền.
  • Xoa bóp (Massage). Nghiên cứu cho thấy xoa bóp có thể giúp giảm đau và mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư. Một số nhân viên xoa bóp chuyên làm việc với các bệnh nhân có vấn đề sức khỏe phức tạp như bệnh ung thư.
  • Châm cứu. Trong quá trình châm cứu, chuyên gia châm cứu sẽ kích thích những vùng chuyên biệt trên cơ thể, được biết như là những điểm huyệt, với những chiếc kim nhỏ. Đôi khi châm cứu có thể dùng để kiểm soát các triệu chứng và các tác dụng phụ như đau, mệt, buồn nôn, nôn ói, sụt cân, mất ngủ, khô miệng, cơn bốc hỏa, và các vấn đề về thần kinh.
  • Các chương trình tập luyện. Vận động thể chất, ví dụ như đi bộ hoặc tập yoga, có thể giúp tăng sinh lực và cải thiện khả năng dung nạp điều trị. Một số bệnh nhân cần được theo dõi trong quá trình luyện tập, nhưng đa số bệnh nhân có thể tự tập.

Bạn cũng có thể được điều trị chăm sóc giảm nhẹ giống như các biện pháp điều trị loại bỏ ung thư như phẫu thuật hoặc xạ trị. Thành viên trong nhóm chăm sóc y tế sẽ giúp bạn hiểu mục tiêu của mỗi phương pháp và giúp bạn nhận được cách điều trị có lợi nhất. Ví dụ, nếu gặp khó khăn khi uống thuốc giảm đau, các bác sĩ sẽ tìm cách khác như dùng miếng dán giảm đau hoặc chuyển sang tiêm thuốc.

Hãy đảm bảo rằng bạn báo với nhóm chăm sóc khi gặp các vấn đề để chúng được xác định và giải quyết sớm nhất có thể. Làm giảm các khó chịu về thể xác có thể giúp bạn hoàn tất kế hoạch điều trị, duy trì sự độc lập và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Câu chuyện của Sam – Ung thư tuyến tiền liệt

Sam đã sống với bệnh ung thư tuyến tiền liệt trong suốt 14 năm đến khi biết ung thư đã lan đến hông phải và cột sống. Bác sĩ chuyên khoa ung thư chỉ định phối hợp điều trị thuốc và vật lý trị liệu; hai biện pháp này giúp ông giảm đau không nhiều. Lo lắng về sự khó chịu ngày càng tăng của Sam, bác sĩ đã giới thiệu Sam đến gặp chuyên gia điều trị đau.

Khi gặp chuyên gia, Sam kể rằng ông rất bực bội khi không thể ngồi hoặc đứng lên trong một vài phút vì đau, và thuốc đang uống làm ông chóng mặt nhiều. Sam muốn đi bộ một mình tới thùng thư và chở cháu nội đi tập bóng chày. Ông ấy rất muốn duy trì tự lập các các sinh hoạt.

Sau khi xem xét hồ sơ bệnh của Sam, chuyên gia giảm đau đề nghị phẫu thuật cấy một bơm để cho thuốc giảm đau trực tiếp vào tủy sống. Sau cuộc phẫu thuật, Sam có thể ngưng uống hầu hết các thuốc, và năng động hơn xưa rất nhiều.

Xử trí cơn đau

Đau là một triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, cần biết rằng gần 95% đau đớn liên quan đến ung thư có thể được điều trị hoặc kiểm soát tốt. Đáng tiếc thay, không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều được giảm đau bằng các phương pháp thích hợp vì họ không nói với nhóm chăm sóc y tế về cơn đau của mình. Nhiều khi nỗi đau của bệnh nhân chưa được lắng nghe và quan tâm đúng mức. Cơn đau không được điều trị có thể làm cho các vấn đề khác của ung thư trở nên xấu đi, chẳng hạn như mệt mỏi, suy yếu, khó thở, buồn nôn, táo bón, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu và các triệu chứng tâm thần khác.

Bác sĩ hoặc thành viên của nhóm chăm sóc có thể giúp bệnh nhân tìm ra cách giảm đau hiệu quả nhất. Thông thường, những loại thuốc giảm đau sẽ được sử dụng theo thời gian/lịch trình định sẵn. Thuốc giảm đau không chứa opiod, bao gồm acetaminophen và các loại thuốc giảm đau không phải steroids (NSAIDs) như ibuprofen, được sử dụng để điều trị những cơn đau nhẹ hoặc vừa. Chúng cũng được sử dụng cùng với một số thuốc giảm đau nhóm opiod (còn được gọi là thuốc phiện dùng trong y tế) để điều trị các cơn đau nặng hơn. Thuốc giảm đau nhóm opiod bao gồm hydrocodone, fentanyl, hydromorphone, methadone, morphine, oxycodone, và oxymorphone. Do chúng là những loại thuốc giảm đau mạnh, cần được sử dụng và lưu trữ đúng cách phải được chú ý cao độ.

Nhìn chung, việc ngăn cơn đau xuất hiện hoặc tệ đi dễ hơn việc làm dứt cơn đau. Nếu bạn đã bị đau, việc dùng thuốc thường xuyên có thể ngăn chặn cơn đau trở lại. Nếu cơn đau vẫn xảy ra dù đã dùng thuốc giảm đau thường xuyên theo lịch trình, bác sĩ có thể đề nghị thêm liều hoặc tăng liều.

Uống thuốc không phải là lựa chọn duy nhất để kiểm soát cơn đau. Một số phương pháp điều trị ung thư cũng giúp giảm đau. Ví dụ, xạ trị có thể được sử dụng để điều trị đau do ung thư di căn vào xương. Các cách thức khác như vật lý trị liệu, kỹ thuật phân tâm, châm cứu, hình dung và tưởng tượng (imagery and visualization), liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback) và xoa bóp (massage). Cách tiếp cận đầy đủ nhất và có khả năng kiểm soát cơn đau tốt nhất thường kết hợp nhiều phương pháp, và các phương pháp này có thể thay đổi khi sức khỏe của bệnh nhân thay đổi.

Tinh thần

Bên cạnh những tác dụng phụ ảnh hưởng lên thể chất, quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư thường gây ra những cảm xúc khó chịu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Điều dưỡng chuyên khoa ung thư và chăm sóc giảm nhẹ không những có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về ung thư, điều trị ung thư và các tác dụng phụ, mà còn có thể cung cấp và kết nối bệnh nhân với các nguồn lực hỗ trợ về mặt tinh thần và xã hội. Những nguồn lực này sẽ giúp bệnh nhân đối phó hiệu quả với các vấn đề thường gặp, chẳng hạn như các vấn đề sau:

  • Lo sợ về các tác dụng phụ liên quan tới điều trị

Trong quá trình chuẩn bị để bắt đầu điều trị, nhiều bệnh nhân thường lo sợ về những điều không lường trước và lo lắng rằng việc điều trị sẽ không thuận lợi. Việc nắm bắt chính xác thông tin liên quan tới kế hoạch chẩn đoán và điều trị có thể giúp ích rất nhiều trong việc làm bệnh nhân an tâm, chủ động hơn trong việc đối phó với những điều sẽ có thể xảy ra.

  • Trầm cảm

Trầm cảm được biểu hiện bằng việc xuống tinh thần, suy sụp, buồn bã; ít hứng thú hoặc ít cảm nhận niềm vui từ những việc thường làm; hay cảm thấy vô vọng. Trầm cảm có thể xuất hiện ngay sau khi bị chẩn đoán ung thư hoặc bất cứ lúc nào trong hoặc sau quá trình điều trị. Trầm cảm làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn các phương pháp điều trị của người bệnh. Trầm cảm nặng ảnh hưởng đến các quan hệ cá nhân, khả năng chịu trách nhiệm cũng như khả năng sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, việc phát hiện và xử trí trầm cảm được xem là phần quan trọng trong quá trình điều trị. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn thấy các triệu chứng nói trên kéo dài hơn 2 tuần. Dù nhiều bệnh nhân ung thư bị trầm cảm, đây là rối loạn tâm thần có thể điều trị được và nó không được xem là một phần mà bệnh nhân phải sống chung.

  • Lo lắng

Sự lo lắng khiến cho người ta cảm thấy căng thẳng, như đứng trên bờ vực, hoặc lo âu suốt ngày và có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hoạt động hằng ngày. Bạn có thể lo lắng về khả năng tử vong, khả năng tái phát bệnh hoặc di căn sau điều trị, về việc điều trị hoặc các tác dụng phụ do điều trị, mất khả năng kiểm soát các quyết định liên quan tới cuộc sống tương lai, trở nên phụ thuộc vào người khác, và những thay đổi có thể xảy ra trong quan hệ với gia đình và bạn bè. Các triệu chứng của sự lo lắng có thể làm các tác dụng phụ về mặt thể chất tệ thêm. Ví dụ, sự lo lắng có thể làm bạn mệt mỏi hơn do điều trị ung thư.

  • Giận dữ

Giận dữ thường là một trong những phản ứng đầu tiên khi nhận chẩn đoán bị ung thư, nhưng nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong và sau quá trình điều trị. Nếu không được kiểm soát, sự giận dữ có thể dẫn đến trầm cảm. Bằng việc học cách biểu đạt cảm xúc này theo hướng tích cực và an toàn, giận dữ có thể trở thành một nguồn sức mạnh giúp thay đổi mọi thứ tốt hơn.

  • Căng thẳng

Bị bệnh như ung thư có thể là một trong những trải nghiệm căng thẳng nhất trong đời. Cảm giác căng thẳng có thể gia tăng do gia đình, công việc và các nguyên nhân về tài chính. Tình trạng này kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, gây ra các vấn đề sức khỏe khác và làm giảm cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống.

  • Cảm giác có lỗi

Bệnh nhân ung thư thường tin rằng họ đã làm sai điều gì đó, dẫn đến việc mắc bệnh hoặc dẫn đến việc không chữa lành bệnh tại một số thời điểm trong hoặc sau quá trình điều trị. Sự giải thoát khỏi cảm giác này có thể giúp người bệnh vui vẻ hơn và tăng khả năng ứng phó với bệnh tật.

  • Thay đổi thể chất

Thay đổi thể chất có thể xảy ra do sự tiến triển của bệnh ung thư và quá trình điều trị ung thư, thí dụ như tăng cân, giảm cân, sẹo sau mổ, rụng tóc,… hoặc những thay đổi không nhìn thấy được như vô sinh. Chúng có thể làm người bệnh không thoải mái và ngại ngùng khi gặp người khác.

  • Tương lai bất định

Nhiều bệnh nhân ung thư phải đối mặt với sự bất định. Người bệnh có thể cảm thấy rằng cuộc sống của mình ít được đảm bảo hơn hoặc khó dự đoán hơn trước. Bệnh nhân cũng không biết tương lai sẽ ra sao. Sự không chắc chắn này cũng là nguyên nhân dẫn đến những cảm giác tiêu cực khác, như lo lắng, tức giận, buồn bã, hoặc sợ hãi từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu cho thấy việc chia sẻ nỗi sợ hãi và lo lắng với gia đình, bạn bè, người tư vấn, thầy tu/cha xứ/giáo sĩ, hoặc các nhóm hỗ trợ giúp củng cố sức khỏe tinh thần và thậm chí cải thiện cả thể chất của người bệnh. Điều dưỡng hoặc nhân viên xã hội có thể kết nối bệnh nhân với những nguồn lực xã hội này hoặc hướng dẫn bệnh nhân cách thể hiện cảm xúc của mình một cách riêng tư thông qua các hoạt động như viết nhật ký hay thiền định. Một số phương pháp thường được sử dụng để điều trị tác dụng phụ về mặt thể chất, bao gồm xoa bóp, kỹ thuật thư giãn và châm cứu cũng giúp giải quyết những vấn đề về cảm xúc.

  •  Tình dục

Những thay đổi về thể chất và tinh thần mà bệnh nhân trải qua trong và sau khi điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến ham muốn và khả năng tình dục. Ngay cả khi việc điều trị không ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh dục, nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, sinh lực và cảm giác thỏa mãn của bệnh nhân. Người bệnh có thể thấy khó khăn hay lúng túng, nhưng việc trao đổi cởi mở với bác sĩ, điều dưỡng/điều dưỡng hoặc một thành viên khác trong nhóm chăm sóc về lo lắng liên quan tới tình dục và quan hệ ái ân là rất quan trọng. Có một số cách mà qua đó bệnh nhân cũng như đối tác/vợ/chồng của bệnh nhân có thể nhận được hỗ trợ khi có những lo ngại này, bao gồm việc nói chuyện với nhân viên xã hội, nhóm hỗ trợ hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực y học tình dục.

  • Những vấn đề về tình dục liên quan đến thể chất

Các vấn đề tình dục như bất lực có thể xảy ra trong, ngay sau khi điều trị, hoặc nhiều năm sau đó. Giảm bớt các tác dụng phụ ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục để thực hiện và thỏa mãn nhu cầu tình dục là một phần quan trọng của quá trình chăm sóc và điều trị. Nhóm chăm sóc sức khỏe giúp bạn chẩn đoán các vấn đề về tình dục và cung cấp thêm thông tin về cách xử trí, chẳng hạn như dùng thuốc và các dụng cụ hỗ trợ.

  • Những thay đổi về ham muốn tình dục

Tình dục không chỉ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chất; sức khỏe tinh thần đóng một vai trò quan trọng. Những cảm xúc xung quanh chẩn đoán và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận và ham muốn tình dục. Thành viên của nhóm chăm sóc có thể cùng bệnh nhân tiếp cận các vấn đề về cảm xúc, như trầm cảm, lo sợ tái phát và thay đổi ngoại hình.

  • Lo lắng về khả năng sinh sản

Vô sinh là một tác dụng phụ thường gặp của các phương pháp trị ung thư. Vô sinh có thể là tạm thời hay vĩnh viễn. Những bệnh nhân lo lắng đến khả năng sinh con có thể nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc một thành viên của nhóm chăm sóc trước khi bắt đầu điều trị. Khi đó, các công đoạn/thủ tục giúp duy trì khả năng sinh sản sẽ được thực hiện xong trước khi chính thức điều trị. Họ có thể giúp bạn hiểu kế hoạch điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào và các cách thức để bảo tồn sinh sản.

Xem thêm bài viết "Những câu hỏi về bệnh ung thư"

Giúp đỡ các vấn đề thực tế

Chi phí của điều trị ung thư

Gánh nặng tài chính liên quan tới chẩn đoán và điều trị ung thư thường gây nên căng thẳng và lo lắng cho bệnh nhân và gia đình. Với một số người, chi phí là nguyên nhân chính của việc không theo hết kế hoạch điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe trong tương lai. Nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giúp bệnh nhân ước lượng chi phí phải chịu trong thời gian bao lâu, cũng như chỉ ra một số cách giải quyết các vấn đề tài chính để bệnh nhân có thể được chăm sóc tốt nhất.

Nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giúp tìm ra các nguồn trợ giúp tài chính liên quan đến điều trị, hẹn khám bác sĩ và thuốc men, cũng như giúp bệnh nhân tính các loại phí khác có thể tăng thêm gánh nặng tài chính như chi phí chăm con và phí xăng dầu. Nhân viên xã hội, điều dưỡng điều phối về ung thư và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc cũng có thể giúp người bệnh giải quyết các lo lắng thực tế khác, như:

  • Di chuyển và tạm trú

Điều quan trọng là phải xem bệnh nhân sẽ đi khám/điều trị và về nhà bằng phương tiện gì: xe máy, xe hơi, xe buýt hay xe lửa. Tùy vào nơi điều trị, bệnh nhân cũng có thể phải tìm khách sạn, căn hộ hoặc một nơi nào đó để ở.

  • Chi phí sinh hoạt

Một số chi phí có thể phát sinh liên quan tới sinh hoạt của bệnh nhân và gia đình trong suốt quá trình điều trị. Đó là những việc cần được cân nhắc và lên kế hoạch trước, như chăm sóc con cái, chăm sóc người già và các hỗ trợ khác khi cần.

  • Chăm sóc tại nhà và chăm sóc lâu dài

Một số bệnh nhân cần thêm sự chăm sóc khác như thuê một người để nấu ăn, cho ăn hoặc đưa đón khi khám bệnh. Một số khác cũng có thể cần thêm dịch vụ chăm sóc/điều dưỡng tại cơ sở y tế chuyên môn hoặc tại nhà.

  • Vấn đề việc làm, pháp lý và tài chính

Một số bệnh nhân nhận thấy cần có hướng dẫn chuyên sâu về các vấn đề việc làm, pháp lý và tài chính liên quan tới chẩn đoán ung thư. Điều này bao gồm việc giải quyết chuyện mất thu nhập, tìm hiểu về các quyền lợi lao động theo luật định, khai báo các chi phí y tế trong quá trình nộp thuế hoặc chuẩn bị di chúc.

Tiếp cận các thắc mắc hay quan tâm về tâm linh

Nhiều bệnh nhân thường tự hỏi tại sao họ mắc bệnh ung thư và liệu việc tiếp tục trị bệnh có ý nghĩa gì không. Đối với một số người thì tổ chức tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày; đức tin là nguồn động viên và các giáo sĩ/thầy tu/cha xứ có thể an ủi tinh thần cho họ. Đối với một số khác thì nguồn động viên tinh thần lại có thể nằm ở sự kết nối với thiên nhiên hoặc giữa người với người.

Thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giới thiệu về các nguồn lực giúp người bệnh khám phá các góc nhìn tâm linh cũng như đức tin khi người bệnh cố gắng giải thích những trải nghiệm và tìm ra ý nghĩa mới trong cuộc sống. Nhiều bệnh viện và trung tâm ung thư có các thầy tu/cha xứ để hỗ trợ về đức tin cho người có tôn giáo, cũng như đối với những người không theo tôn giáo nào. Ngoài ra, nhóm chăm sóc có thể kết nối bệnh nhân và gia đình với các tổ chức về tâm linh và tín ngưỡng có kinh nghiệm giúp đỡ bệnh nhân ung thư trong cộng đồng.

Hỗ trợ gia đình, bạn bè và người chăm sóc

Những cảm giác phức tạp và thay đổi lối sống do bệnh ung thư và các phương pháp điều trị cũng có thể gây áp lực lên gia đình, bạn bè và người chăm bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người chăm sóc cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm. Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ được đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của người chăm bệnh và giúp họ đương đầu với những căng thẳng và tổn thương tinh thần.

Nghiên cứu cũng gợi ý rằng người chăm sóc được giới thiệu tới các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ càng sớm thì họ sẽ có có thể đương đầu với hiện trạng tốt hơn. Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ có thể hỗ trợ người chăm bệnh bằng cách:

  • Giải thích về bệnh tật, điều trị và thuốc men
  • Chỉ cho họ kiến thức và cách xử trí các vấn đề về chăm sóc
  • Khuyến khích tự chăm sóc, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục, và thư giãn
  • Giúp họ giữ mối quan hệ tốt và chăm sóc bệnh nhân hiệu quả
  • Cung cấp mạng lưới hỗ trợ và phương pháp để phát triển mạng lưới đó
  • Hướng dẫn việc ra quyết định và hỗ trợ việc quyết định
  • Liên kết họ với dịch vụ tư vấn và nghỉ dưỡng, để họ có thể nghỉ ngơi trong một vài giờ hoặc vài ngày
  • Cung cấp các hỗ trợ thực tế và hỗ trợ tài chính
  • Hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc từ trước (advanced care planning)
Xem thêm "Tiếng Anh dùng trong chăm sóc giảm nhẹ"

Câu chuyện của Alfonson

Alfonso, một người cha đơn thân, đã phải vất vả để làm hai công việc bán thời gian và chăm sóc đứa con trai 8 tuổi Matias sau chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lúc 2 tuổi. Bệnh tình của Matias đã thuyên giảm, nhưng sau đó cháu cần phải cấy ghép tế bào gốc. Bác sĩ chuyên khoa ung thư nói rằng sau khi Matias rời khỏi bệnh viện, bé cần phải ở nhà và cách ly với bên ngoài ít nhất 3 tháng. Alfonso biết rằng mình không thể xin nghỉ phép nhiều để chăm sóc, do đó, nhóm chăm sóc giảm nhẹ đã tham gia hỗ trợ.

Đầu tiên, một nhân viên xã hội đã giúp Alfonso lên một lịch trình trong đó em gái của Alfonso sẽ ở cùng với con anh khoảng ba ngày một tuần. Sau đó, cô liên hệ với một tổ chức từ thiện địa phương để có thể hỗ trợ cho Alfonso một khoản tiền để chi trả cho một người trợ giúp y tế hai ngày trong tuần. Tiếp theo, một điều dưỡng chuyên về ung thư đã đến nhà Alfonso và dạy anh và người em cách vệ sinh tay chân, khử trùng nhà cửa, đeo khẩu trang và găng tay khi giao tiếp với Matias. Điều dưỡng cũng giải thích cách thức và thời điểm cho cháu uống thuốc và cách nhận biết các triệu chứng nhiễm trùng.

Khi thấy Alfonso có vẻ mệt mỏi và ốm đi, điều dưỡng đã đề nghị được nói chuyện riêng với anh trong nhà bếp. Anh chia sẻ cảm giác lo sợ con trai chuyển bệnh nặng trong khi anh đang làm việc, và anh ấy đã không ngủ quá vài tiếng trong nhiều tháng qua. Theo gợi ý của điều dưỡng, anh bắt đầu tham dự một nhóm hỗ trợ tại địa phương dành cho cha mẹ của các trẻ mắc bệnh ung thư và tiếp nhận toa thuốc cũng như tư vấn về lo lắng. Hiện nay, bệnh của Matias vẫn đang được kiểm soát và Alfonso đã tìm được một công việc toàn thời gian mà giờ giấc có thể linh hoạt để chăm sóc con.

“Tôi không thể chăm sóc bản thân và con trai tôi một mình”, Alfonso nói. “Nếu không có sự quan tâm đặc biệt, tôi không biết làm thế nào để chúng tôi có thể vượt qua. Tôi rất biết ơn tất cả sự giúp đỡ mà chúng tôi nhận được. “

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích