menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ: Những vấn đề sức khỏe thường gặp

user

Ngày:

15/12/2019

user

Lượt xem:

83

Bài viết thứ 08/17 thuộc chủ đề “Hướng dẫn dành cho phụ huynh khi con mình mắc ung thư”

Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường

Hiệu đính: Ths.Bs. Lê Thỵ Phương Anh, Lê Hà Cảnh Châu

Trong quá trình điều trị, nhóm chăm sóc sức khỏe của con bạn sẽ thực hiện điều trị chăm sóc giảm nhẹ hay còn gọi là điều trị triệu chứng. Đây là loại chăm sóc nhằm ngăn ngừa và quản lý các vấn đề sức khỏe gây ra bởi ung thư và điều trị ung thư, chẳng hạn như nhiễm trùng, căng thẳng, các vấn đề về dinh dưỡng, đau và các thay đổi trong lịch trình tiêm chủng của trẻ. Bài viết này chứa những lời khuyên giúp bạn đối phó với từng vấn đề sức khỏe nêu trên.

Nhiễm trùng

“David rất giỏi trong việc rửa tay. Y tá nói rằng đây là bước quan trọng nhất mà gia đình tôi và bé có thể làm để ngăn ngừa nhiễm trùng”

Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và phát triển bên trong cơ thể. Trẻ em đang được điều trị với ung thư thường tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một số loại ung thư và một số phương pháp điều trị gây khó khăn cho cơ thể trong việc tạo ra các tế bào bạch cầu mới – là những tế bào giúp chống lại nhiễm trùng. Thông thường, nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm trùng ở những trẻ có số lượng bạch cầu thấp hơn mức bình thường là do những vi khuẩn từ chính cơ thể của trẻ.

Xem thêm bài viết Số lượng bạch cầu trung tính và giảm bạch cầu trung tính

Y tá sẽ lấy máu kiểm tra số lượng các tế bào máu của trẻ thường xuyên và báo cho bạn nếu số lượng các chỉ số thấp. Giảm số lượng các tế bào máu hoặc các dấu hiệu của nhiễm trùng nặng đồng nghĩa với việc trẻ cần phải ở lại bệnh viện hoặc có thể khiến việc điều trị bị trì hoãn. Trong một vài trường hợp, thuốc có thể được sử dụng nhằm làm tăng số lượng tế bào bạch cầu sau khi hóa trị.

Những lời khuyên giúp bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn

Mặc dù rất khó để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhiễm trùng, hãy nói chuyện với y tá để tìm hiểu thêm về các nguy cơ và những bước bạn và trẻ cần thực hiện:

  • Rửa tay sạch: Trẻ và những người xung quanh trẻ (đặc biệt là gia đình và những người trong nhóm chăm sóc sức khỏe) phải luôn luôn rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước ấm. Đặc biệt là trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi ra ngoài và tiếp xúc với động vật – nếu được phép.
  • Giữ gìn đặc biệt sạch sẽ: Nếu trẻ đang có ống thông thì cần phải giữ vùng xung quanh ống thông được sạch sẽ và khô ráo. Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn và trước khi đi ngủ cũng rất quan trọng. Kiểm tra miệng của trẻ mỗi ngày, tìm các vết loét hay các dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu trẻ bị trầy xước hoặc bị các vết cắt, hãy đảm bảo nó sạch sẽ theo đúng cách.
  • Tránh xa khỏi vi khuẩn: Trẻ cần tránh xa khỏi nơi đông người và những người đang bị bệnh. Bạn cũng cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi chuẩn bị thức ăn. Ví dụ như với hoa quả và rau củ cần phải nấu chín và bóc vỏ, với thịt cần nấu chín kỹ. Giúp đỡ trẻ khi ăn thức ăn nóng và thức ăn lạnh. Đừng để thức ăn ở bên ngoài.

Các dấu hiệu nhiễm trùng

Nhiễm trùng trong quá trình điều trị ung thư là một cấp cứu nội khoa. Thảo luận về những dấu hiệu nhiễm trùng với bác sỹ và hiểu rõ những bước cần làm nếu trẻ có biểu hiện:

  • Ớn lạnh
  • Ho hoặc đau họng
  • Đau tai
  • Sốt (38°C hoặc cao hơn)
  • Đau đầu hoặc đau xoang
  • Cứng cổ hoặc đau cổ
  • Nổi ban
  • Vết loét hoặc mảng màu trắng ở miệng hoặc trên lưỡi
  • Sưng hoặc đỏ, đặc biệt là ở xung quanh ống thông
  • Nước tiểu có máu hoặc đục
  • Tiểu đau hoặc tiểu buốt rát
  • Các dấu hiệu khác:

*Hãy hỏi xem bạn nên đo nhiệt độ ở miệng hay ở trực tràng và hãy nhờ y tá kiểm tra xem bạn đã đo đúng hay chưa.

Xem thêm bài viết Sốt và các dấu hiệu của nhiễm trùng

Căng thẳng

Giải tỏa căng thẳng có thể giúp cải thiện cảm xúc của trẻ, giúp giảm đau và giảm cảm giác không thoải mái.

Những lời khuyên giúp trẻ giải tỏa căng thẳng

  • Chuẩn bị cho trẻ. Làm việc với y tá và chuyên gia đời sống của trẻ để chuẩn bị cho trẻ trước những điều trị mới hoặc trước khi thực hiện những xét nghiệm mới. Chẳng hạn trẻ có thể đến thăm căn phòng nơi chúng được điều trị, chạm vào các trang thiết bị, gặp gỡ bác sỹ và tham gia các trò chơi y tế với chuyên gia đời sống trẻ em và y tá trước khi thực hiện xét nghiệm hay điều trị.
  • Giúp trẻ thư giãn. Tìm kiếm những giải pháp giúp trẻ quên đi căng thẳng và thất vọng. Hỏi về những hoạt động có thể giúp trẻ giải trí và thư giãn. Cho trẻ có những thứ để mong đợi, ví dụ như gọi cho bạn bè, cũng rất có ích.
  • Luôn sẵn sàng khi trẻ cần. Hãy để trẻ biết rằng bạn luôn vì chúng và chúng luôn có thể đến bên bạn khi cần một cái ôm, một nụ cười, một câu trả lời thành thật hay một bờ vai để khóc.
  • Nhận hỗ trợ tư vấn. Nhân viên xã hội, chuyên gia đời sống trẻ em và y tá có thể giúp trẻ cải thiện khả năng đối phó với căng thẳng và những tình huống khó khăn. Đối với những vấn đề cảm xúc tồn tại dai dẳng và ngày càng nặng nề, nhóm chăm sóc sức khỏe có thể gợi ý bạn tới một chuyên gia tâm lý hay những chuyên gia sức khỏe tâm lý.

Đọc phần Thực hành hỗ trợ trẻ: Những tiếp cận y khoa tổng hợp để tìm hiểu về những phương pháp tập luyện giúp giảm thiểu căng thẳng.

“Khi con trai của chúng tôi bị căng thẳng, lái một chiếc scooter xuống sảnh đã giúp cháu đỡ hơn. Những lần khác, chúng tôi chơi với thẻ bài hay cùng nhau viết”.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng tốt giúp trẻ cảm thấy tốt hơn và khỏe mạnh hơn. Thông thường, dinh dưỡng tốt đồng nghĩa với việc ăn nhiều loại thức ăn. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, việc ăn uống đầy đủ đối với trẻ là rất khó. Điều này càng trở nên khó khăn nếu trẻ buồn bã hoặc lo lắng. Một vài đứa trẻ cần được hỗ trợ như dùng thuốc để kích thích thèm ăn, hỗ trợ dinh dưỡng và truyền dịch tĩnh mạch. Trẻ sẽ được kiểm tra cân nặng, chiều cao và máu để chắc chắn rằng trẻ tăng trưởng và nhận được nguồn dinh dưỡng tốt.

Hãy ghi nhớ những gợi ý sau đây:

  • Hãy kiên nhẫn và khen ngợi trẻ khi chúng ăn uống tốt. Điều này cần rất nhiều sự kiên nhẫn, sáng tạo, các món ăn thử nghiệm và đôi khi có những sai sót để giúp trẻ ăn tốt hơn. Đừng tranh luận, trách mắng, hay trừng phạt trẻ hoặc ép chúng phải ăn. Giữ bữa ăn của trẻ thoải mái.
  • Đôi khi xem tivi hoặc một bộ phim có thể đánh lạc hướng trẻ và giúp trẻ dễ ăn hơn.
  • Các hoạt động thể lực như đi bộ hay chạy nhảy giúp tăng sự thèm ăn của trẻ. Hãy hỏi về những hoạt động giúp kích thích sự thèm ăn được khuyến nghị phù hợp với trẻ.

Những lời khuyên giúp trẻ ăn uống tốt

  • Nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng. Gặp gỡ thường xuyên với chuyên gia dinh dưỡng để nhận những lời khuyên và những kế hoạch thiết thực để giúp trẻ.
  • Tìm hiểu về những loại thực phẩm và đồ uống tốt nhất với trẻ. Hầu hết trẻ em cần ăn nhiều loại thực phẩm, đồng thời cần tập trung vào những thực phẩm giàu dinh dưỡng (như thịt nạc, thịt gia cầm, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc và mì ống, đậu, gạo, trái cây, rau củ và các sản phẩm từ sữa). Hỏi chuyên gia dinh dưỡng về công thức nấu ăn và đồ ăn nhẹ được khuyến cáo cho trẻ.
  • Một vài trẻ có thể cần dùng thêm protein và calo. Những thực phẩm giàu protein giúp sửa chữa và tăng cơ bắp. Những thực phẩm giàu calo giúp ngăn ngừa sụt cân. Chúng bao gồm trứng, phô mai, sữa nguyên chất, kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt và cá.
  • Khuyến khích các bữa ăn nhỏ, thường xuyên. Những bữa ăn nhỏ chia đều trong ngày giúp trẻ ăn dễ dàng hơn so với ăn bữa lớn.
  • Kiểm tra trước khi sử dụng vitamin và các chất bổ sung khác. Bổ sung vitamin và thảo dược đôi khi không được khuyến khích vì chúng có thể ảnh hưởng tới điều trị ung thư. Ví dụ như một vài loại viamin ảnh hưởng tới sự hấp thu của một số loại thuốc hóa trị. Tuy nhiên số khác có thể sử dụng an toàn do vậy việc thảo luận với bác sỹ là rất quan trọng.
  • Xử lý và chế biến thực phẩm kỹ lưỡng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bạn cần phải thực hiện một số bước đặc biệt khi xử lý và chuẩn bị thức ăn. Ví dụ như trái cây và rau củ cần được nấu chín hoặc bóc vỏ, thịt cần được nấu kỹ.
  • Giảm các tác dụng phụ. Một vài tác dụng phụ có thể khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Đây là những lời khuyên giúp quản lý các tác dụng phụ như mất cảm giác ngon miệng, táo bón, tiêu chảy, loét miệng, buồn nôn và nôn.
  • Chịu thay đổi. Nếu trẻ không ăn uống được, đừng chờ tới khi trẻ sụt cân mới hành động.

“Bên cạnh uống nước, con tôi sẽ uống sinh tố tự làm với trái cây, sữa, bơ đậu phộng bằng máy xay. Những ngày con không muốn ăn quá nhiều, chúng tôi tập trung cung cấp cho con những thức uống lành mạnh”.

Những lời khuyên giúp trẻ uống các chất lỏng.

Việc uống đủ chất lỏng rất cần thiết, đặc biệt nếu trẻ chán ăn, nôn hoặc tiêu chảy, có thể dẫn tới mất nước – một tình trạng rất nghiêm trọng. Nếu trẻ trở nên yếu, choáng váng, nước tiểu màu vàng đậm, rất có thể trẻ đang bị mất nước.

Thực hiện những bước sau để giúp trẻ uống đủ:

  • Tìm hiểu xem trẻ cần bao nhiều nước mỗi ngày. Hãy thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng hoặc y tế về lượng nước mà trẻ cần uống mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước. Điều này phụ thuộc vào tuổi và tình trạng sức khỏe khác của trẻ, chẳng hạn như mất nước do nôn hay tiêu chảy.
  • Cho trẻ lựa chọn. Bên cạnh việc uống nước, bạn cũng có thể cho trẻ uống các chất lỏng khác như kem que, rau câu, bánh pudding, kem, súp.
  • Chậm đôi khi là tốt nhất. Nếu trẻ có cảm giác khó chịu ở dạ dày, hãy thử với chất lỏng trước. Bắt đầu với một lượng nhỏ nước trong suốt (nước, nước điện giải, nước luộc thịt, rau câu). Nếu trẻ không bị nôn, bạn có thể thử thêm các chất lỏng đậm đặc hơn như ngũ cốc, bánh pudding, sữa chua hoặc sữa lắc trước khi từ từ chuyển trở lại thức ăn đặc.
  • Thử làm sữa lắc hoặc sinh tố. Đối với một số trẻ, sữa lắc và sinh tố làm từ thực phẩm giàu calo, giàu protein dễ hấp thu hơn so với các thức ăn đặc, đồng thời cũng khiến trẻ cảm thấy thú vị hơn khi hút qua ống hút. Nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng xem liệu có cần thêm các thành phần bổ sung không.

Đau

Nhìn con bạn chịu đau đớn là một việc cực kỳ khó khăn. Phần này sẽ giúp bạn học cách làm việc với nhóm chăm sóc sức khỏe để ngăn ngừa và làm dịu cơn đau cho trẻ.

Kiểm soát đau là một phần rất quan trọng của điều trị ung thư. Đau không phải là thứ bắt buộc trẻ phải chịu đựng. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn, khỏe hơn nếu không phải chịu đựng những cơn đau. Đau có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm kéo dài thời gian cơ thể cần để hồi phục, ảnh hưởng tới giấc ngủ và tăng nguy cơ trầm cảm.

Những nguyên nhân gây đau

Những nguyên nhân dưới đây có thể gây đau cho trẻ trong quá trình điều trị:

  • Các phương pháp điều trị, ví dụ như phẫu thuật.
  • Các thủ thuật, ví dụ như chọc hút hoặc sinh thiết tủy xương
  • Lấy máu hoặc tiêm bằng kim tiêm
  • Các tác dụng phụ, ví dụ như loét miệng, táo bón hoặc tiêu chảy
  • Ung thư, ví dụ như trong trường hợp khối u chèn ép vào các dây thần kinh hoặc các bộ phận khác của cơ thể

Làm sao tôi biết được con tôi đang bị đau?

Hãy tin tưởng vào sự đánh giá và quan sát của bạn dưới con mắt của bậc bố mẹ. Nếu bạn nghĩ có điều gì đó không ổn và trẻ có thể đang bị đau, hãy nói với bác sỹ. Các dấu hiệu của đau thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi.

Với những trẻ nhỏ: Những em bé và trẻ nhỏ thể hiện sự khó chịu qua việc khóc khi bị chạm vào. Trẻ cũng có thể khóc nhiều hơn thường xuyên hay có sự thay đổi về tiếng khóc. Các dấu hiệu khác như không thể dỗ được trẻ nín hoặc không thể giao tiếp hay tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, sự thay đổi trong thói quen ăn và ngủ, kéo mạnh một phần cơ thể cũng có thể là các dấu hiệu chỉ ra rằng trẻ đang bị đau.

Với những trẻ lớn hơn: Những trẻ lớn thường sẽ nói với bạn nếu chúng bị đau. Tuy nhiên, một vài trẻ không muốn cho bạn biết rằng chúng bị đau vì sợ làm bạn lo lắng. Khi bị đau, chúng có thể nhăn nhó, rên rỉ hay nhăn mặt. Mắt của trẻ có thể đỏ hoặc sưng do khóc. Hãy khuyến khích trẻ nói với bạn hay bác sỹ về những cơn đau.

Ai sẽ điều trị cơn đau

Những chuyên gia về đau có thể là bác sỹ ung thư, bác sỹ gây mê, bác sỹ thần kinh, bác sỹ phẫu thuật, bác sỹ tâm thần, chuyên gia tâm lý học, y tá hay dược sĩ. Những chuyên gia về âm nhạc trị liệu hay nghệ thuật trị liệu hoặc những chuyên gia châm cứu, liệu pháp phản hồi sinh học, liệu pháp xoa bóp hay thôi miên cũng có thể giúp điều trị giảm bớt cơn đau. Những chuyên gia này thường sẽ làm việc trong cùng một nhóm chăm sóc đau hoặc chăm sóc giảm nhẹ nhằm đánh giá cơn đau của trẻ và xây dựng kế hoạch quản lý đau cho trẻ.

Kiểm soát cơn đau như thế nào?

Mỗi trẻ cần một kế hoạch kiểm soát cơn đau riêng, phụ thuộc vào độ tuổi, loại điều trị và tác dụng phụ. Bạn và nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra kế hoạch quản lý cụ thể. Những thuốc được kê đơn như ibuprofen (với biệt dược là Advil) hoặc acetaminophen (với biệt dược là Tylenol) có thể làm giảm cơn đau và là những lựa chọn phù hợp đầu tiên. Những thuốc opioid có thể được chỉ định nếu các thuốc trên không hiệu quả. Hãy nói chuyện với bác sỹ hoặc y tá của trẻ nếu bạn lo lắng về nguy cơ nghiện thuốc giảm đau. Việc không cho trẻ đủ thuốc giảm đau dẫn tới cơn đau không được ngăn chặn.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, một số phương pháp khác cũng có thể giúp làm giảm đau:

  • Phân tâm và thư giãn. Chơi trò chơi, nghe hoặc đọc sách, xem phim có thể đánh lạc hướng trẻ khỏi những cơn đau. Các hoạt động như âm nhạc, các bài tập thở hoặc thổi bong bóng phần nào giúp trẻ thư giãn, từ đó giúp giảm đau, căng thẳng và căng cơ.
  • Các phương pháp bổ sung như xoa bóp hoặc châm cứu. Những phương pháp này có thể rất hiệu quả trong điều trị giảm đau.
  • Liệu pháp nhiệt và lạnh. Một miếng đệm nóng giúp thư giãn cơ và giảm đau. Các túi chườm lạnh giúp giảm sưng và đau.
  • Tập thể dục. Đi bộ và các bài tập nhẹ nhàng khác làm tăng lưu lượng máu và tăng endorphin (các chất do cơ thể tạo ra một cách tự nhiên nhằm làm giảm đau và mang lại cảm giác hạnh phúc).
  • Ngủ. Nghỉ ngơi tốt giúp làm giảm mức độ đau của trẻ và cải thiện cảm giác hạnh phúc của chúng.

Tìm hiểu thêm về những cách giúp giảm đau tại Thực hành hỗ trợ trẻ em: Tiếp cận Y học Tổng hợp

Tôi có thể làm gì để giúp trẻ giảm đau tại nhà?

Dưới đây là một số cách bạn có thể làm để giúp trẻ giảm đau khi ở nhà:

  • Thực hiện theo tất cả các hướng dẫn của bác sỹ. Bạn có thể được yêu cầu đo nhiệt độ và kiểm tra với bác sỹ trước khi cho trẻ sử dụng một số loại thuốc giảm đau. Điều này được lý giải là do một vài loại thuốc giảm đau có tác dụng hạ sốt, làm che đậy dấu hiệu này (là một dấu hiệu của nhiễm trùng).
  • Cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau đã được kê đơn. Hãy đảm bảo rằng trẻ sử dụng đúng liều lượng và đúng thời gian, đừng trì hoãn hoặc chờ tới khi triệu chứng đau của trẻ trở nên tồi tệ mới cho thuốc giảm đau. Khoảng thời gian quá lâu giữa các liều thuốc có thể khiến thời gian cơn đau biến mất lâu hơn hoặc cần phải sử dụng liều lượng cao hơn mới có thể giảm đau.
  • Tìm hiểu về những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau có thể gây buồn ngủ, cảm giác khó chịu ở dạ dày, táo bón hay chướng bụng. Những tác dụng phụ này giảm dần theo thời gian, tuy nhiên, nhóm chăm sóc sức khỏe của trẻ phải luôn luôn được thông báo về các triệu chứng này.
  • Sử dụng thang điểm đau. Hãy hỏi bệnh viện về thang điểm giảm đau phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Hãy hỏi trẻ những câu hỏi như: Con đau ở đâu? Cơn đau như thế nào? Cơn đau tồi tệ ra sao? Cơn đau bắt đầu từ lúc nào?
  • Theo dõi mức độ đau của trẻ. Giữ một bản ghi theo dõi về cơn đau giúp nhóm chăm sóc sức khỏe phát triển một kế hoạch kiểm soát đau phù hợp cho trẻ. Mang nó theo bên bạn khi đến các cuộc hẹn với bác sỹ. Giữ chúng dưới dạng biểu bồ hoặc ghi chú, hãy viết các thông tin như:
  • Ngày và giờ trẻ bị đau
  • Mức độ đau của trẻ khi đã dùng thuốc
  • Loại thuốc và liều lượng thuốc giảm đau được sử dụng
  • Thời gian cơn đau biến mất hoặc thời gian sử dụng thuốc trở lại
  • Những tác dụng phụ hoặc những vấn đề khác gây ra do thuốc giảm đau

“Chúng tôi sử dụng một biểu đồ tại nhà để ghi lại mức độ cơn đau của Jessie và sau đó đưa nó cho bác sỹ. Chúng tôi nhận thấy rằng thuốc giảm đau đã hiệu quả trong việc kiểm soát đau. Châm cứu cũng đã giúp ích. Đôi khi chúng tôi xem tivi để đánh lạc hướng con khỏi những cơn đau.”

Khi nào tôi nên gọi cho bác sỹ?

Liên lạc với bác sỹ của con bạn ngay nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng và bạn không thể làm giảm nó. Đau không kiểm soát được là một cấp cứu y tế.

Gọi cho bác sỹ nếu:

  • Đau không giảm hoặc không biến mất với thuốc giảm đau
  • Đau khiến trẻ khó ăn, ngủ hoặc chơi
  • Trẻ mới xuất hiện đau

“Bác sỹ đã giúp kiểm soát cơn đau của con trai chúng tôi. Cô ấy thật tốt bụng. Cô ấy cũng đã giải thích rằng con tôi sẽ không bị nghiện những thuốc giảm đau đang được chỉ định. Điều này đã giúp tôi hiểu rằng tôi không nên cố gắng trì hoãn hay hạn chế sử dụng thuốc giảm đau cho con.”

Xem thêm bài viết Điều trị cơn đau do ung thư

Tiêm phòng

“Chúng tôi đã nói chuyện với y tá của Jasmine để tìm hiểu về loại vaccine mà Jasmine và các chị của con có thể sử dụng khi đang điều trị và loại nào thì cần trì hoãn.”

Trong quá trình điều trị, luôn luôn kiểm tra với bác sỹ trước khi tiêm hoặc từ chối bất kỳ loại vaccine nào.

  • Trẻ không nên tiêm các loại vaccine sống hoặc tiếp xúc gần gũi với những người được tiêm vaccine đó gần đây. Các loại vaccine này bao gồm sởi, quai bị, thủy đậu, FluMist, …
  • Trẻ có thể được tiêm phòng vaccine cúm (là một lại vaccine chứa virus bất hoạt), cũng như các loại vaccine không chứa virus hoặc vi khuẩn sống như vaccine chống bạch hầu, ho gà và uốn ván.

Sau điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn khi nào trẻ có thể tiêm các loại vaccine sống, căn cứ vào tình trạng của trẻ.

Các nguồn thông tin liên quan

** Tác dụng phụ

** Gợi ý về ăn uống

** Kiểm soát đau: Hỗ trợ cho người mắc ung thư

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.gov/publications/patient-education/children-with-cancer.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích