menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Đừng trách đời hay người, chỉ nên trách mình

user

Ngày:

18/08/2019

user

Lượt xem:

7504

Bài viết thứ 05/28 thuộc chủ đề “Các bài viết của Sư cô Liên Trí”

Tác giả: Sư cô Liên Trí

Lắm lúc bạn thấy cuộc sống phức tạp, nặng nề quá và nhẩm tính lại, những ngày tháng hạnh phúc, nhẹ nhàng không được là bao, chẳng so được với số ngày nặng nề, buồn chán. Thường thì khi buồn, bạn buồn gì, buồn ai? Buồn đời khi đời không là mơ, thường diễn ra không theo ý mình muốn! Buồn người khi người phụ bạc và vô tâm, thiếu tình và thực dụng…

Nếu bạn buồn đời, để rồi than vãn, trách móc, khổ sở… thì thật là hoài phí thời gian, công sức của một đời người! Nếu bạn có thể dành thời gian cả một kiếp này để buồn đời cũng không giải quyết được gì. Dù đời thế nào, bạn vẫn phải sống, thì tại sao phải chọn cách sống khổ như vậy?

Nếu bạn trách người, thì đâu đâu bạn cũng thấy toàn những người khó ưa, không biết điều, sống ích kỷ, thiếu chân thật, tham lam… Bạn mang sẵn cặp kính “không ưa” và “trách móc” thì đi khắp thế gian, bạn không thể nào tìm được sự bình yên, dù nhỏ nhoi, dù ngắn ngủi!

Có khi nào bạn bình tâm dám nhìn vào chính mình và cảm thấy buồn cho chính mình chưa? Nếu chưa, hãy tập cho mình dần quen với điều này. Đây là một kỹ năng, một việc không hề dễ dàng và đòi hỏi có sự tập luyện một cách nghiêm túc và thường xuyên của một người có suy nghĩ trưởng thành và chín chắn. Chỉ khi nào bạn trang bị cho mình kỹ năng này, bạn mới có thể thay đổi bản thân, thay đổi hoàn cảnh, thay đổi cách giao tiếp và cuộc sống chắc chắn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, vui hơn và quan trọng nhất, bình an và tự tại hơn. Bạn có thể thay đổi, điều chỉnh và làm mới bản thân nếu bạn không hài lòng về mình với những gì bạn đã suy nghĩ, nhận định, hành động và ứng xử trong các mối quan hệ ở quá khứ. Nếu bạn trách đời, đời không thể yêu chiều bạn mà thay đổi theo ý bạn muốn. Nếu bạn trách người, người lạnh lùng không quan tâm đến cảm xúc của bạn đâu!

Khi việc gì không như ý xảy ra, việc duy nhất bạn cần làm là hãy bình tĩnh, công tâm với chính mình, làm “trọng tài” để nhìn nhận vấn đề. Nếu vấn đề nằm ở con người và hoàn cảnh ngoài kia, chuyện đó không quá quan trọng, vì nó “ở ngoài” nên nếu bạn không cho phép, không “ân cần” mời gọi nó bước vào tâm bạn thì không ai, không hoàn cảnh nào có thể quấy nhiễu tâm bạn. Nên nhớ, bạn có quyền mở cửa tâm hay đóng cửa. Nếu đó là khách quý (những lời hay ý đẹp, những lời khuyên bổ ích, những chia sẻ thật tâm, những thấu hiểu, yêu thương…) thì bạn cứ mở rộng cửa mời đón vào tâm mình! Còn nếu đó là những người bạn xấu tệ không mời (những đố kỵ dèm pha, những “ghen ăn tức ở”, những thù hận xoi mói, những ích kỷ nhỏ nhen, những lắm điều đơm đặt, những khen chê thiếu thiện chí…) thì bạn có quyền, và nên mạnh dạn đóng cửa cài then để tâm bạn được an toàn và khỏe mạnh!

Thế nhưng, phần lớn vấn đề là ở chính bạn, chứ không phải người khác, không phải hoàn cảnh. Thường thì bạn nghĩ mình là nạn nhân, nhưng nhìn sâu nghĩ thấu, bạn chính là tác giả của những nỗi khổ niềm đau bạn tự chuốc lấy cho mình. Ví dụ khi làm một việc không phải, đến khi tin đến tai người thân mình, phản ứng đầu tiên của bạn là tìm xem ai là người đưa tin để ghét, để ác cảm với người đó, chứ không phải chịu khó nhìn lại chính bản thân mình, tự xét tự trách: sao mình lại làm một việc không hay như vậy, và tìm ra hướng khắc phục trong tương lai là gì.

Nên nhớ: những gì bạn làm là do sự lựa chọn của chính bạn; không nên đổ thừa cho ai khác, như các mối quan hệ từ trước, công việc, kinh tế gia đình, thời tiết, một cuộc tranh luận, hay vấn đề tuổi tác. Bạn, chính bạn chứ không ai khác, chịu hoàn toàn trách nhiệm về mỗi một quyết định và chọn lựa của mình.
Do đó, đừng trách đời, đừng trách người, hãy trách mình để chứng tỏ mình đã trưởng thành!

Cần vượt qua tâm lý thường tình của người phàm phu là soi mói lỗi người, giấu kỹ lỗi mình, như đức Phật đã dạy:

“Dễ thay thấy lỗi người; Thấy lỗi mình thật khó. Lỗi người ta phanh tìm; Như tìm thóc trong gạo; Lỗi mình ta giấu kỹ; Như kẻ gian giấu bài” (Pháp cú, câu 239).

Nhận ra và chấp nhận mình vụng về, sai quấy mới có thể bắt đầu cho sự tiến bộ và hoàn thiện hơn. Điều này có nghĩa là cuộc đời bắt đầu vui hơn với việc chấp nhận mình chưa hoàn hảo, sẵn sàng cho sự “làm mới” và tốt hơn mỗi ngày. Hãy làm cho lỗi lầm của bạn trở nên sáng giá; hãy để quá khứ làm cho bạn tốt hơn (better), chứ không phải là món ăn cay đắng (bitter) khó nuốt!

Bình tĩnh, công tâm và sáng suốt là tất cả những đặc tính của “chánh niệm tỉnh giác” vậy.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/lientri.70/posts/869391460097374

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích