menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Cho – Nhận vô điều kiện

user

Ngày:

09/06/2021

user

Lượt xem:

379

Bài viết thứ 22/28 thuộc chủ đề “Các bài viết của Sư cô Liên Trí”

Tác giả: Sư cô Liên Trí
Cho – nhận vô điều kiện là một điều khó, thậm chí quá khó đối với tất cả mọi người. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta quá quen với khái niệm “trao đổi” trong quan hệ xã giao “có qua có lại, mới toại lòng nhau”. Tôi xin lấy việc cho – nhận quà làm ví dụ điển hình.

Khi vừa nhận một món quà từ ai đó, bạn liền gắn vào tâm một “ghi chú” là: đang mắc người này một món nợ ân tình và cứ tâm tâm niệm niệm khi nào có dịp là “trả ngay” để rồi sau đó, bạn “gỡ” cái ghi chú ra khỏi tâm, để không còn bận lòng đến việc này nữa; dành chỗ trống trong tâm để đính gắn vào các ghi nhớ khác tương tự. Điều này có nghĩa là bạn đang coi món quà ấy là sự trao đổi, và khi “trả” xong, bạn không cần phải nhớ tới nữa.

Về phía người tặng, với tâm lý thường tình, khi cho đi một món quà, bạn bắt đầu dõi theo thái độ người nhận, coi người đó có “biết điều” khi nhận quà của bạn hay không. Nói một cách khác, người ấy có biết “đáp lễ” cho phải lẽ hay không. Rồi dõi theo người ấy có sử dụng món quà tặng đó không. Nếu chẳng may bạn biết được người ấy không dùng mà đem cho người nào đó, lòng bạn chùng xuống, nặng nề, buồn bã pha lẫn niềm tiếc nuối, nghĩ rằng: “biết vậy không thèm cho đâu”. Ở mức tinh tế nhất, thanh tao nhất, bạn cũng muốn thấy người nhận món quà của bạn thể hiện thái độ thế nào, cảm nhận ra sao. Nếu người nhận tỏ vẻ bình thản, không lộ vẻ vui mừng, hớn hở, không nói những lời có cánh rằng thích món quà ấy… thì bạn không vui nổi.

Đó là sự cho – nhận có điều kiện các bạn ạ. Với cách cho – nhận nặng xã giao, nhẹ chân tình này, cả đôi bên đều căng thẳng, mệt mỏi, bất an và thật sự, trong tâm không có được hạnh phúc đúng nghĩa. Người cho đi một món quà, đổi lại là sự bất an khi “gởi con mắt” gắn trên lưng người nhận quà, là sự cho đi chưa phải cách. Về phía người nhận, đi theo với món quà là một một áp lực không hề nhẹ được tạo ra từ sự ảnh hưởng, tác động vô hình từ phía người tặng là chưa biết cách nhận quà.

Để phá vỡ sợi dây ràng buộc chật chội, tạo tâm thế thoải mái và nhẹ nhàng cho cả người cho lẫn người nhận, đức Phật dạy rằng, sự cho – nhận nên được thực hiện trong tinh thần vô tư. Người tặng quà không nên coi mình là “người thi ân”, còn người nhận là kẻ “thọ thí”. Người cho nên khởi tâm biết ơn người nhận, vì nhờ có đối tượng nhận, bạn mới có cơ hội làm một việc tốt để nuôi dưỡng tâm lành của mình. Vì quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng tâm mình sao cho khỏe mạnh, bạn không cần để tâm đến thái độ người nhận, lại càng không nên dõi theo người nhận quà sẽ xử lý thế nào với món quà bạn trao. Cứ cho đi với tâm trong sáng và bình an, bạn liền có công đức ngay lúc khởi tâm. Ngài còn dạy rằng, nếu món quà ấy được cho tiếp đến đối tượng khác nữa, thì công đức của bạn sẽ được nhân lên. Công đức bạn có được còn tùy thuộc vào đối tượng nhận quà nữa. Cùng một món quà, nếu tặng tập thể, công đức bạn tạo được sẽ lớn hơn so với tặng cá nhân, vì món quà của bạn sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người hơn. Trên quan điểm của đạo Phật, không có chỗ cho sự trói buộc và ích kỷ khi cho đi. Nếu bạn có thể cho đi vô điều kiện, bạn sẽ nhận được an lạc, hạnh phúc không giới hạn trong hiện tại và cả ở tương lai.

Về phía người nhận, theo tinh thần đạo Phật, bạn không cần phải quá nặng nề, đau đáu tìm cách trả nợ ân tình người tặng quà cho bạn. Nên hiểu rằng, trong cuộc sống duyên sinh này, bạn thọ ơn rất nhiều người để có được cuộc sống của ngày hôm nay, chứ không chỉ thọ ơn người bạn vừa nhận quà. Do vậy, sẽ công bằng và đầy đủ nghĩa tình với cuộc đời này khi bạn có cách thể hiện rộng thoáng hơn, chứ không chỉ tìm cơ hội “đáp lễ” người vừa tặng bạn một món quà cụ thể nào đó. Cách tốt nhất, theo lời Phật dạy, là trân trọng đón nhận tâm xả thí, không tham lam của người cho quà để có động cơ nuôi dưỡng tâm xả thí ở nơi bạn. Khi tâm xả thí trong bạn đủ lớn, khi có điều kiện, bạn sẵn lòng dang rộng tay chia sẻ với người khác những gì mình đang có, như cách người kia từng làm với bạn. Đây là lúc bạn “đáp lễ” dây chuyền đúng cách nhất khi nhận quà, dù nhìn theo hướng trao đổi đời thường thì có vẻ không hợp lý khi bạn nhận từ người A, mà lại biếu tặng người B. Đây là ý nghĩa của lời đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy “nuôi con là đền ơn cha mẹ” vậy.

Một khía cạnh khác mà người nhận quà cần lưu tâm là hãy sống sao để thấy mình xứng đáng với tấm lòng thương quý của mọi người dành cho bạn tượng trưng qua các món quà. Khi sử dụng quà tặng, bạn nên trân trọng, không phung phí, và chỉ nên sử dụng để làm lợi ích cho mình, cho người, nuôi dưỡng những hạnh lành cho bản thân. Do đó, thay vì ghim vào tâm cảm giác “mắc nợ” và chăm chăm tìm cơ hội “trả nợ” người mình nhận, bạn cứ sống tốt mỗi ngày và sống trọn vẹn với cuộc đời. Đơn giản là sử dụng những món quà một cách chính đáng và cho đi theo cách bạn nhận được, bạn đã thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn một cách thiết thực rồi đó.

Tập cho đi và nhận về trong tinh thần vô tư, không có điều kiện, không kỳ vọng đối với người cho; không trĩu nặng tâm lý “mắc nợ” đối với người nhận, bạn cảm thấy hạnh phúc, an lạc thật giản đơn mà trọn vẹn biết chừng nào. Khi ấy, sự cho – nhận tạo nên chất keo gắn kết tình người, tô điểm cho cuộc đời thêm tươi đẹp vậy.

Cho – nhận vô tư không hề dễ, nhưng muốn thong dong, tự tại trong cho – nhận thì cần phải tập vậy! Khó, không có nghĩa là không thể, nếu mình chọn và quyết tâm.

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích