menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Cơ thể bạn sau điều trị ung thư vú

user

Ngày:

03/03/2021

user

Lượt xem:

829

Bài viết thứ 47/89 thuộc chủ đề “Ung thư vú”

Giới thiệu

Ung thư vú và điều trị ung thư vú có thể gây ra nhiều thay đổi về cơ thể và cảm xúc. Bài viết này sẽ cho biết những thay đổi ấy có thể tác động lên cảm giác về cơ thể của bạn như thế nào và có thể ảnh hưởng tới tình dục và sự gần gũi ra sao.

Bài viết sẽ giải thích về những biến đổi cơ thể mà bạn có thể phải đối mặt sau điều trị ung thư vú, đó có thể là thay đổi vùng ngực sau phẫu thuật, rụng tóc sau hóa trị, tăng cân … và ảnh hưởng của những biến đổi này lên cách bạn nhìn nhận cơ thể mình. Bài viết cũng sẽ đưa ra các lời khuyên để bạn có thể ứng phó với những thay đổi và làm quen với cơ thể bạn sau điều trị.

Ung thư vú và điều trị ung thư vú có thể gây ra những thay đổi trên cơ thể và ngoại hình của bạn.

Ví dụ sau phẫu thuật, cơ thể bạn sẽ có một hoặc một vài vết sẹo, bạn cũng có thể  phải tạm thời “chia tay” mái tóc của mình nếu phải hóa trị. Nhiều người cũng gặp tình trạng tăng cân trong hoặc sau khi điều trị.

Nếu bạn đã phẫu thuật tái tạo vú, bạn có thể gặp khó khăn trong việc làm quen với bầu vú mới do thay đổi về hình dáng cũng như cảm giác sẽ rất khác với bầu vú tự nhiên ban đầu, và bạn có thể cần thêm thời gian để thích nghi.

Ngay cả khi biết rằng các ảnh hưởng của quá trình điều trị có thể chỉ là tạm thời, chúng có thể vẫn làm bạn cảm thấy lo lắng và có ảnh hưởng không nhỏ lên cách bạn nhìn cơ thể mình, ít nhất là do chúng là những dấu hiệu bên ngoài chỉ ra bạn mắc ung thư. Cách mà bạn nhìn nhận về cơ thể mình có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ của bạn với những người xung quanh bạn, đặc biệt là người bạn đời/người yêu của bạn.

Để làm quen với những thay đổi đã xảy ra và điều chỉnh cuộc sống sau ung thư vú, bạn có thể cần có thời gian. Cảm giác đau buồn vì những thứ đã mất là điều tự nhiên – cho dù nó là toàn bộ hoặc một phần vú của bạn nếu bạn phải phẫu thuật, rụng tóc nếu bạn phải hóa trị, hoặc cách bạn nhớ về cơ thể mình trước khi mắc ung thư vú.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Mỗi người sẽ phản ứng khác nhau với bệnh ung thư vú và điều trị, cảm giác của bạn về cơ thể mình có thể sẽ không giống với cảm xúc của những người bệnh khác. Bạn cảm nhận về cơ thể bạn như thế nào trước khi có chẩn đoán và điều trị cũng có thể có ảnh hưởng đến cách bạn đối diện và ứng phó với những thay đổi này.

Trong phần đầu của bài viết này, bạn có thể đọc về những thay đổi mà bạn có thể đã trải qua, cảm giác của bạn trước những thay đổi này, và những lời khuyên có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về cơ thể sau điều trị ung thư vú.

Những thay đổi trên cơ thể bạn sau phẫu thuật

Hầu hết phụ nữ mắc ung thư vú sẽ được phẫu thuật như là một phần của quá trình điều trị. Lần đầu tiên nhìn vào cơ thể mình sau phẫu thuật có thể sẽ là một việc khó khăn. Sau phẫu thuật vú, khu vực ngực bị bầm tím và sưng, nhưng tình hình sẽ cải thiện theo thời gian.

Làm quen với những thay đổi trên cơ thể

Đối với một số phụ nữ, phẫu thuật không ảnh hưởng tới cách họ cảm nhận về bản thân. Nhưng với nhiều người, phải chấp nhận những thay đổi này là một việc không hề dễ dàng. Sự tự tin và tự tôn của bạn có thể bị ảnh hưởng và bạn có thể cảm thấy không còn nữ tính hoặc không còn hấp dẫn nữa. Một số phụ nữ cảm thấy hai bên ngực không cân xứng hoặc không hoàn thiện. Trước tiên bạn có thể cảm thấy rất không tự tin khi đứng trước người khác, ví dụ như khi bạn ở trong phòng thay đồ chung.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Nghiên cứu cho thấy rằng bạn càng sớm đối mặt với những thay đổi trên cơ thể thì bạn càng dễ dàng lấy lại sự tự tin về ngoại hình hơn. Tuy nhiên, một số người sẽ không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để làm điều này sớm hơn. Nếu bạn có bạn đời/người yêu, hãy để họ nhìn vết sẹo phẫu thuật và những thay đổi trên cơ thể bạn sớm, cùng nhau thấy sự thay đổi tích cực ở đó theo thời gian, điều này có thể giúp sự gần gũi trở nên dễ dàng hơn về sau.

Một vài lần đầu khi nhìn lại mình bạn có thể cảm thấy buồn và sốc, và bạn có thể không muốn nhìn lại mình thêm lần nào nữa. Tuy nhiên cảm giác tồi tệ ban đầu ấy có thể sẽ giảm dần theo thời gian khi bạn đã quen hơn với ngoại hình của mình.

Dưới đây là một số lời khuyên về các bước để giúp bạn có thể tìm lại chính cơ thể mình:

  • Trước tiên, hãy tự nhìn vào hình ảnh toàn bộ cơ thể của mình trong gương khi bạn mặc quần áo đầy đủ và chỉ ra ba điều bạn thực sự thích về bản thân.
  • Sau đó, cố gắng làm như vậy khi chỉ mặc quần áo lót.
  • Khi đã cảm thấy sẵn sàng, bạn có thể chuyển sang nhìn nhìn ngắm toàn bộ cơ thể mình trong gương khi không mặc gì. Hãy mô tả bạn đã thấy điều gì, bạn thích điều gì hoặc điều gì làm bạn cảm thấy ngượng nghịu hoặc không thoải mái.
  • Ngắm nhìn và chạm tay vào vết sẹo hoặc vú tái tạo để làm quen với cảm giác của bạn ngay lúc này.
  • Bạn càng nhìn ngắm và chạm vào cơ thể mình thường xuyên, bạn sẽ càng ít cảm thấy cơ thể mình khác biệt

Một số phụ nữ sẽ tiếp tục cảm thấy không thoải mái khi nhìn vào cơ thể họ. Nếu bạn đã cố gắng thực hiện các điều nói trên và vẫn cảm thấy buồn chán chán và khó khăn khi nhìn vào cơ thể mình thì bạn nên gặp gỡ và nói chuyện với chuyên gia tư vấn.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Xăm nghệ thuật sau phẫu thuật ung thư vú

Một số người đã cân nhắc việc xăm nghệ thuật lên vú hoặc ngực sau phẫu thuật. Có thể xăm lên vú sau phẫu thuật bảo tồn, xăm lên thành ngực (sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú) hoặc lên vú sau phẫu thuật tái tạo vú.

Xăm hình có thể giúp một số người cảm thấy tự tin hơn sau điều trị. Những người khác xăm hình chỉ vì họ muốn đánh dấu cho điều họ đã trải qua và tạo nên một dấu ấn cá nhân mới. Một số xăm hình để che sẹo hoặc cải trang lại vết sẹo.

Nếu bạn đang xem xét việc có nên xăm hình hay không, hãy hỏi nhóm bác sĩ điều trị để họ tư vấn xem liệu đó có thể là lựa chọn phù hợp cho bạn không, và khi nào là thời gian tốt nhất để làm việc đó.

Tái tạo vú và độn ngực

Cách thức chúng ta cảm nhận về bản thân có thể có liên hệ chặt chẽ với việc chúng ta nhìn nhận về ngoại hình như thế nào, và nhiều phụ nữ muốn khôi phục lại hình ảnh vú tự nhiên của mình sau phẫu thuật ung thư vú.

Một số phụ nữ cảm thấy tái tạo vú là cần thiết để khôi phục lại sự tự tin của họ. Một số phụ nữ có thể chọn tái tạo vú vì mong muốn sẽ tạo nên sự khác biệt mới với bạn đời/người yêu của họ hoặc để có thể giúp giải quyết các vấn đề trong hoạt động tình dục.

Không phải tất cả phụ nữ có thể thực hiện tái tạo vú, ví dụ do tình trạng sức khỏe hiện tại của họ không cho phép. Một số phụ nữ cảm thấy thoải mái khi đeo đồ độn (vú giả) bên trong áo ngực để khôi phục lại vóc dáng của họ. Những người khác lại chọn không tái tạo vú hoặc độn ngực.

Việc lựa chọn có tái tạo vú hay hoặc dùng độn ngực hay không là hoàn toàn  mang tính chất cá nhân, và điều quan trọng là bất kỳ quyết định nào mà bạn đưa ra đều phải cân nhắc xem liệu nó có phù hợp với bạn hay không.

Tái tạo vú

Tái tạo vú có thể được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật cắt vú (tái tạo tức thì) hoặc sau đó vài tháng, thậm chí vài năm (tái tạo có trì hoãn). Tái tạo vú thường gồm một vài lần phẫu thuật để mang lại kết quả tốt nhất có thể.

Tái tạo vú chỉ có thể tái tạo lại hình dáng vú chứ không thể mang bầu vú giống như ban đầu, cũng không thể mang lại sự nhạy cảm ban đầu của vú, núm vú. Để có thêm thông tin về sự giảm nhạy cảm, đề nghị xem trang sau.

Hầu hết phụ nữ tái tạo vú đều hài lòng với kết quả. Tuy nhiên không phải trải nghiệm của mọi người đều tích cực và một số phụ nữ vẫn cảm thấy không tự tin với hình dạng mới của họ hoặc cảm thấy mình đang dành chú ý quá nhiều tới bên vú sau tái tạo.

Nếu bạn đang cân nhắc việc tái tạo vú, bạn có thể tìm thêm thông tin, kể các các chi tiết về các lựa chọn khác nhau trong bài viết Tái tạo vú.

Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục

Dùng vú nhân tạo

Vú nhân tạo thay thế cho hình dạng của toàn bộ hoặc một phần vú đã được cắt bỏ. Vú nhân tạo bỏ vừa vào trong cup ngực của áo ngực và có thể có hoặc không có may thêm túi.

Hầu hết vú nhân tạo được làm từ gel silicon mềm và bao ngoài là màng phim mỏng. Chúng được đúc để làm giống hệt hình dạng tự nhiên của toàn bộ, hoặc một phần của bầu vú. Bề mặt bên ngoài có cảm giác mềm và mịn, và có thể có cả núm vú.

Đối với một số phụ nữ, việc đeo vú nhân tạo có thể là một lựa chọn tạm thời trước khi thực hiện tái tạo vú. Những phụ nữ khác không lựa chọn tái tạo vú (hoặc không thể) có thể thấy việc đeo vú nhân tạo là sự lựa chọn hiệu quả và phù hợp lâu dài.

Vú nhân tạoc có nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau. Chúng được làm từ vật liệu đặc biệt đã được thiết kế phù hợp để di chuyển, cảm nhận và có trọng lượng càng tương tự với bầu vú tự nhiên càng tốt. Vú nhân tạo gần màu với màu da bạn có thể giúp bạn cảm thấy tự tin và thoải mái hơn.

Áo ngực và quần áo

Cảm giác lo lắng về ngoại hình sau phẫu thuật, về quần áo sẽ nhìn không giống trước kia hoặc lo ngại người xung quanh nhận thấy sự khác biệt là tâm lý khá phổ biến.

Tuy nhiên, theo thời gian hầu hết phụ nữ nhận ra rằng họ trở nên tự tin hơn khi nhận ra điều gì là thực sự tốt cho họ và điều gì làm họ cảm thấy thoải mái.

Các triệu chứng mãn kinh

Các triệu chứng mãn kinh là hậu quả phổ biến của điều trị ung thư vú, do điều trị có thể làm dừng hiệu quả của nội tiết nữ hoặc làm dừng việc sản xuất nội tiết nữ.

Các điều trị như hóa trị, điều trị nội tiết hoặc ức chế buồng trứng (làm cho buồng trứng dừng hoạt động vĩnh viễn hoặc tạm thời) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các triệu chứng mãn kinh.

Do đó, bạn có thể trải qua một số hoặc tất cả các triệu chứng sau và điều này có thể ảnh hưởng tới cảm giác của bạn về cơ thể, sự gần gũi và tình dục:

  • Bốc hỏa
  • Vã mồ hôi ban đêm
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Thay đổi trải nghiệm của bạn về cực khoái
  • Khô và đau rát âm đạo.

Lên cân

Nhiều người bị tăng cân trong và/hoặc sau điều trị. Điều này có thể do một số nguyên nhân, ví dụ một số thuốc có thể làm tăng cảm giác ngon miệng hoặc bạn có thể hoạt động ít hơn bình thường khi đang điều trị, hoặc nhiều người có thói quen ăn nhiều hơn bình thường khi lo lắng hoặc do chế độ sinh hoạt thường ngày bị thay đổi.

Tăng cân có thể là một tác động tiêu cực của điều trị. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc cảm nhận của bạn về cơ thể và làm cho bạn kém tự tin. Tuy nhiên một số thay đổi đơn giản về cách bạn ăn uống và tập luyện có thể giúp bạn giảm cân và tránh tăng cân.

Rụng tóc và mọc lại tóc

Rụng tóc có thể là một trong những tác dụng phụ đáng buồn nhất của hóa trị. Một số thuốc hóa trị sẽ làm cho tóc cũng như lông mày, lông mi, lông nách và lông mu  đều rụng.

Ở hầu hết bệnh nhân, rụng tóc chỉ là trạng thái tạm thời và tóc thường mọc lại  khi kết thúc hóa trị, đôi khi còn sớm hơn. Sau khoảng ba tới sáu tháng bạn sẽ có lớp tóc mới trên đầu. Lông mày, lông mi và lông ở vị trí khác có thể mọc trở lại nhanh hơn và khác nhau ở mỗi người.

Tóc có thể cũng là một phần quan trọng trong cảm nhận của bạn về bản thân mình và rụng tóc có thể ảnh hưởng tới sự tự tin và tự tôn của bạn. Khi tóc bạn mọc lại, chất lượng và cấu trúc của tóc của thể sẽ khác so với trước kia. Tóc có thể xoăn hơn hoặc có màu khác. Đôi khi liệu pháp nội tiết cũng có thể ảnh hưởng tới tóc của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, tóc bạn sẽ thường có màu và có trạng thái như trước khi điều trị nhưng đôi khi có thể thay đổi vĩnh viễn.

Để có thêm thông tin về việc rụng tóc, bạn có thể xem bài viết Rụng tóc trong điều trị ung thư

Phù bạch huyết

Phù bạch huyết là tình trạng cánh tay, bàn tay hoặc khu vực bầu vú/ngực bị sưng nề  do tích tụ dịch bạch huyết ở mô gây nên. Phù bạch huyết có thể xuất hiện do tổn thương hệ thống mạch bạch huyết liên quan tới phẫu thuật, xạ trị vào vú hoặc vào các hạch bạch huyết dưới cánh tay và khu vực xung quanh.

Việc bị phù bạch huyết có thể ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của bạn. Điều này có thể làm cho bạn cảm nhận khác đi về cơ thể mình, nghĩa là bạn phải thích ứng với một thay đổi nữa về hình ảnh cơ thể và ngoại hình của bạn.

Để có thêm thông tin bạn có thể xem thêm trong bài viết Giảm nguy cơ phù bạch huyết 

Tài liệu tham khảo

https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc110_your_body_intimacy_and_sex_web.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích