menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tưa miệng / Đẹn miệng

user

Ngày:

22/02/2019

user

Lượt xem:

5346

Bài viết thứ 37/58 thuộc chủ đề “Các bệnh Nhi khoa”

Định nghĩa

Tưa/đẹn miệng – hay còn gọi là Candida miệng – là một tình trạng trong đó nấm Candida albicans phát triển ở lớp niêm mạc miệng. Ở điều kiện bình thường, Candida cũng tồn tại trong miệng bạn với các vi sinh vật khác. Nhưng đôi khi, chúng quá phát và gây nên triệu chứng.

Nấm miệng gây nên những tổn thương có màu trắng mịn thường xuất hiện trên lưỡi hoặc mặt trong của má. Đôi khi chúng có thể lan rộng lên vòm miệng, nướu, amidan hoặc thành sau họng.

Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị nấm miệng, nhưng trẻ em, người già hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch, hoặc những người đang sử dụng liệu pháp kháng sinh dễ mắc bệnh hơn. Nếu bạn khỏe mạnh, nấm miệng chỉ là một vấn đề nhỏ. Nhưng nếu hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu, những triệu chứng có thể nặng nề hơn và khó kiểm soát

Hình ảnh minh họa nấm miệng

Hình ảnh minh họa: Tưa/đẹn miệng

Triệu chứng

Ban đầu có thể bạn không nhận thấy những triệu chứng báo hiệu. Những dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện từ từ hay đột ngột phụ thuộc vào bệnh lý nền và tồn tại nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng, bao gồm:

  • Những tổn thương màu trắng mịn xuất hiện trên lưỡi, mặt trong má, và đôi khi ở vòm miệng, nướu và amidan.
  • Tổn thương hơi gồ lên với phần chóp giống phô mai.
  • Đỏ hoặc đau có thể gây khó khăn cho việc ăn và nuốt.
  • Chảy máu nhẹ khi trầy hoặc cạo.
  • Nứt và đỏ góc miệng (đặc biệt khi có đeo răng giả).
  • Có cảm giác như bông ở trong miệng.
  • Mất vị giác.

Trong trường hợp nặng, tổn thương có thể lan xuống phía dưới vào thực quản (nấm Candida thực quản) làm cho bạn khó nuốt và có cảm giác thức ăn bị mắc ở họng.

Trẻ sơ sinh được nuôi ăn sữa mẹ

Ngoài những tổn thương đặc trưng màu trắng ở miệng, trẻ có thể lười bú và quấy khóc hoặc kích thích. Bệnh có thể lây qua người mẹ thông qua việc mút bú, và lây qua lây lại giữa bầu ngực mẹ và miệng trẻ.

Những phụ nữ bị nấm ở ngực thường có các triệu chứng:

  • Ít đỏ, tăng nhạy cảm, nứt vú hoặc ngứa núm vú.
  • Từng mảng mỏng và sáng màu trên nền đen, bao quanh núm vú
  • Ít đau khi chăm sóc, hoặc đau núm vú khi cho trẻ bú
  • Cảm giác đau như dao đâm sâu trên ngực

Khi nào cần gặp bác sĩ

Nếu bạn hoặc con bạn đau nhiều ở những tổn thương trắng trong miệng, hãy tới gặp bác sĩ hoặc nha sĩ. Nếu nấm miệng ở những trẻ lớn hơn thì cần phải điều trị, bởi nó có thể gây nên bởi một bênh nền khác hoặc do một liệu pháp điều trị đang dùng.

Nguyên nhân

Thông thường, hệ miễn dịch của bạn hoạt động để chống lại vi sinh vật gây hại như vi rút, vi khuẩn, nấm, cùng lúc giữ cân bằng giữa vi sinh vật “tốt” và “xấu” trú ngụ trong cơ thể bạn. Nhưng đôi khi cơ chế bảo vệ này thất bại, số lượng nấm gia tăng mạnh và gây bệnh nấm miệng.

Candida miệng và nhiễm nấm Candida ở những nơi khác diễn ra khi hệ miễn dịch của bạn suy yếu bởi bệnh tật hoặc bởi thuốc như là prednisone, hoặc khi kháng sinh đang dùng phá hỏng thế cân bằng vi sinh vật bên trong cơ thể bạn.

Những bệnh và tình trạng sau làm bạn tăng nhạy cảm với nhiễm nấm miệng:

  • HIV/AIDS. Vi rút gây suy giảm miễn dịch người (HIV) – loại vi rút gây bệnh AIDS- làm tổn thương hoặc tiêu diệt những tế bào của hệ thống miễn dịch, làm bạn tăng nhạy cảm với nhiễm trùng cơ hội. Nếu nấm miệng tái đi tái lại, kết hợp với một số triệu chứng khác, có thể là một chỉ điểm sớm của tình trạng thiếu hụt miễn dịch, như là nhiễm vi rút HIV.
  • Ung thư. Nếu bạn mắc ung thư, hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu do bản thân bệnh ung thư hoặc do các liệu pháp điều trị như hóa trị liệu và xạ trị liệu, cả hai sẽ tăng nguy cơ bệnh nấm Candida như nấm miệng.
  • Đái tháo đường. Nếu bạn không điều trị đái tháo đường hoặc căn bệnh không được kiểm soát tốt, tuyến nước bọt có chứa lượng đường lớn và thúc đẩy sự phát triển của nấm.
  • Nấm men âm đạo. Nấm men âm đạo và nấm miệng đều do cùng 1 loại nấm gây bệnh. Mặc dù nó không nguy hiểm, nhưng nếu bạn mang thai thì em bé của bạn có thể nhiễm nấm trong khi sinh, và kết quả là bé có thể bị nấm miệng.

Yếu tố nguy cơ

Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị nấm miệng, nhưng một số người nhất định dễ mắc bệnh hơn, bao gồm:

  • Đang có thai hoặc lớn tuổi
  • Hệ miễn dịch hoạt động không tốt
  • Đeo hàm giả
  • Có những vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như đái tháo đường
  • Đang dùng thuốc điều trị, như kháng sinh hoặc corticosteroids dạng uống hay hít
  • Đang trong quá trình hóa trị liệu và xạ tri liệu điều trị ung thư
  • Có một bệnh lý khác gây khô miệng

Biến chứng

Nấm miệng ít khi là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và người trưởng thành khỏe mạnh, mặc dù tình trạng bệnh có thể quay lại sau khi đã được điều trị. Đối với một vài người có hệ miễn dịch kém, như nhiễm HIV hoặc ung thư, nấm miệng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Nếu không điều trị, nấm miệng có thể dẫn tới nhiễm Candida đa hệ thống nghiêm trọng.

Nếu bạn có một hệ miễn dịch suy yếu:

  • Nấm có thể lan tràn vào nhiều cơ quan khác trong cơ thể, như hệ tiêu hóa, phổi, gan, van tim.
  • Bạn có thể có những triệu chứng nặng trong miệng và thực quản, gây đau và khó khăn cho việc ăn uống.
  • Nấm có thể lan tràn vào ruột gây khó khăn để nhận đầy đủ dưỡng chất cần thiết.

Chuẩn bị cho cuộc gặp bác sĩ

Bạn nên bắt đầu bằng việc gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, nếu bạn có một bệnh lý nền, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị.

Dưới đây là một vài thông tin giúp bạn sẵn sàng cho cuộc gặp.

Bạn có thể làm những gì?

  • Lập danh sách tất cả các triệu chứng, bao gồm cả những vấn đề dường như không liên quan đến cuộc hẹn về nấm miệng.
  • Lập danh sách tất cả thuốc, vitamin, thức ăn bổ sung bao gồm cả liều lượng. Tương tự, cho bác sĩ của bạn biết về kháng sinh hoặc corticoid uống hoặc hít bạn dùng gần đây.
  • Lập danh sách những điều muốn hỏi bác sĩ.

Về nấm miệng, một số câu hỏi cơ bản bao gồm:

  • Nguyên nhân gây nên tình trạng này?
  • Tôi có cần làm bất cứ xét nghiệm nào không? Nếu có thì cần chuẩn bị gì cho các xét nghiệm đó?
  • Có những phương pháp điều trị nào? Và bác sĩ khuyên nên dùng phương pháp nào?
  • Những điều trị này có gây tác dụng không mong muốn nào không?
  • Tôi có những vấn đề sức khỏe khác, liệu tôi có thể kiểm soát chúng cùng lúc được không?
  • Tôi có cần tuân thủ một chế độ ăn đặc biệt nào không?
  • Có điểm chung nào giúp lựa chọn giữa các loại thuốc mà bác sĩ đề cập không?
  • Tôi có thể đề phòng bệnh tái phát bằng cách nào?
  • Tôi có cần làm một xét nghiệm cho những bệnh có liên quan không?

Đừng e ngại hỏi bất cứ câu hỏi nào về vấn đề bạn đang gặp phải

Bạn mong chờ điều gì từ bác sĩ

Bác sĩ chắc chắn sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi, đại loại như:

  • Khi nào bạn bắt bầu cảm nhận được những triệu chứng
  • Gần đây bạn có sử dụng kháng sinh không
  • Bạn có bị hen không? Nếu có, bạn có dùng steroid hít không
  • Bạn có bất kỳ bệnh lý mãn tính nào không
  • Bạn có bất kỳ triệu chứng nào mới không

Xét nghiệm và chẩn đoán

Nấm miệng có thể được chẩn đoán dễ dàng bằng quan sát tổn thương, nhưng đôi khi cũng cần một xét nghiệm kiểm tra dưới kính hiển vi để chẩn đoán xác định.

Ở trẻ lớn hay vị thành niên không có các yếu tố nguy cơ nhiễm nấm rõ ràng, có thể trẻ đang mắc một bệnh lý nào đó có thể dẫn đến nấm miệng. Trong trường hợp này, trẻ sẽ được khám toàn diện và làm các xét nghiệm máu giúp tìm thấy vấn đề trẻ đang mắc phải.

Nếu bạn bị nấm thực quản

Nấm lan xuống thực quản là một tình trạng nghiêm trọng. Để giúp chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm 1 hay cả 2 xét nghiệm sau:

  • Cấy dịch họng. Thành họng của bạn sẽ được làm sạch bằng bông vô khuẩn. Sau đó, một mẩu mô lấy ra sẽ được nuôi cấy để xác định nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, nấm hay bất cứ thứ gì khác.
  • Nội soi kiểm tra. Bác sĩ sẽ kiểm tra thực quản, dạ dày hay tá tràng của bạn bằng một ống nội soi mềm, có đèn soi và được gắn camera ở đầu.

Điều trị và thuốc

Mục tiêu chung là chặn đứng sự lan tràn của nấm, nhưng hiệu quả tốt nhất còn phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe chung và nguyên nhân gây bệnh

  • Người trưởng thành khỏe mạnh và trẻ em. Bác sĩ có thể đề nghị dùng liệu trình kháng nấm, gồm nhiều dạng chế phẩm như viên ngậm, thuốc viên hoặc dung dịch.
  • Trẻ nhỏ và bú mẹ. Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ và em bé đang bị nấm miệng, bạn và bé có thể lây truyền bệnh qua lại cho nhau. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng nấm nhẹ cho bé và kem kháng nấm bôi ngực cho bạn. Hãy hỏi bác sĩ cách tốt nhất để làm sạch núm vú, bình bú, núm vú giả và dụng cụ vắt sữa.
  • Người trưởng thành với hệ miễn dịch suy giảm. Hầu hết bác sĩ sẽ khuyến nghị liệu pháp kháng nấm. Nhưng nấm Candida có thể trở nên đa kháng với thuốc kháng nấm, đặc biệt là những bệnh nhân đang nhiễm HIV ở giai đoạn muộn. Khi đó Amphotericin B có thể được dùng, nhưng chỉ khi những thuốc khác không có tác dụng, bởi vì nó có thể gây nên những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Lối sống và chăm sóc tại nhà

Đây là những gợi ý giúp bạn trong suốt đợt nhiễm nấm miệng

  • Thực hành vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng tối thiểu hai lần một ngày và dùng chỉ tơ nha khoa tối thiểu một lần mỗi ngày. Thay bàn chải đánh răng thường xuyên cho đến khi hết nấm miệng. Nếu bạn gặp khó khăn với lực đánh hay sự khéo léo trong đánh răng, có thể dùng bàn chải đánh răng điện. Tránh dùng nước súc miệng, chúng có thể thay đổi môi trường bình thường trong khoang miệng. Không dùng chung bàn chải đánh răng. Hỏi nha sĩ cách tốt nhất để làm sạch răng giả.
  • Súc miệng nước muối ấm. Hòa một muỗng cà phê muối với 240 ml nước ấm. Súc miệng sạch và nhổ ra lại, không được nuốt.
  • Sử dụng miếng dán. Nếu bạn đang nuôi con bú và bị nấm ở ngực, dùng miếng dán để ngăn nấm lan vào áo đang mặc. Tìm loại miếng dán không có tấm chắn bằng chất dẻo vì điều này có thể kích thích sự phát triển của nấm. Nếu không có miếng dán thuận tiện, hãy giặt sạch miếng gián và áo ngực trong nước nóng và chất tẩy.

Phòng bệnh

Những cách sau sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiễm nấm:

  • Súc miệng. Nếu bạn bị hen và đang dùng corticoid hít, hãy súc miệng bằng nước sạch và đánh răng sau khi dùng thuốc.
  • Đánh răng tối thiểu hai lần mỗi ngày và dùng chỉ tơ nha khoa hằng ngày hay theo lời khuyên của nha sĩ.
  • Vệ sinh răng giả. Vệ sinh răng giả hằng ngày. Hãy hỏi nha sĩ cách tốt nhất để làm sạch loại răng giả của bạn.
  • Gặp nha sĩ thường xuyên. Đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang đeo răng giả. Hãy hỏi nha sĩ bao lâu bạn cần khám một lần.
  • Lựa chọn thức ăn. Hạn chế thức ăn chứa đường, men bia/rượu vì chúng có thể kích thích sự phát triển của nấm.
  • Kiểm soát tốt đường máu nếu bạn mắc tiểu đường. Kiểm soát tốt đường máu có thể làm giảm lượng đường trong tuyến nước bọt và giảm sự phát triển của nấm.
  • Điều trị nhiễm nấm men âm đạo trội lên vào thời kỳ mang thai sớm nhất có thể.

Tài liệu tham khảo

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/oral-thrush/basics/definition/con-20022381

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích