menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Trẻ chậm nói- Dấu hiệu báo động đỏ và Thang điểm M-CHAT-R

user

Ngày:

19/10/2020

user

Lượt xem:

3996

Bài viết thứ 56/58 thuộc chủ đề “Các bệnh Nhi khoa”

Câu hỏi số 1: Phụ huynh không biết cháu có bị chậm nói không? 

Thưa bác sĩ, hiện nay tình trạng chậm nói, rối loạn phát triển ngôn ngữ xảy ra rất nhiều. Con tôi năm nay 26 tháng tuổi, cháu thích chơi với bạn, hứng thú chơi đùa với các thú vật, bắt chước chị gái chơi đồ hàng như chơi trò bác sĩ khám bệnh, nhận biết mắt mũi miệng và thích chơi chi chi chành chành nhưng mới nói được vài từ mỗi khi giận dỗi (như đi ra, đi về), tôi rất lo lắng không biết cháu có bị chậm nói không. Xin nhờ bác sĩ giải đáp ạ!

Trả lời

Chào chị. 

Để theo dõi sự phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ và phát hiện sớm tình trạng chậm nói, người ta thường dựa theo các mốc ngôn ngữ bình thường ở trẻ em như sau:

  • 1 – 2 tuổi: khả năng ngôn ngữ rất đa dạng. Trẻ có thể chỉ ngón trỏ để thể hiện nhu cầu (sữa, bánh) hay điều yêu thích (bóng, chó mèo), biết vẫy tay tạm biệt, biết bắt chước tiếng động vật, biết dùng những từ đơn giản (như “nữa”) để ra ý muốn, hiểu khi ba mẹ nói “không”, bắt đầu nói được từ đôi (ba ơi, đi chơi).
  • 2 – 3 tuổi: nhận biết được các bộ phận cơ thể, biết kết hợp danh từ và động từ, sử dụng từ đôi thành thục và nói được các câu ngắn, có khoảng 450 từ vựng, thích nghe đọc chuyện lặp đi lặp lại, 
  • 3 – 4 tuổi: trả lời được 4 màu sắc cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh dương), sao chép hình tròn, biết “lớn” và “nhỏ”, bắt đầu đặt câu hỏi, nói câu gồm 4 – 5 từ, có thể kể chuyện, từ vựng khoảng 1000 từ, biết trả lời về tuổi, phái, biết hát vài bài hát mẫu giáo đơn giản
  • 4 – 5 tuổi: nói câu dài 4 – 5 từ, từ vựng khoảng 1500 từ, nhận biết thêm màu sắc (hồng, cam, tím, đen trắng), sao chép hình vuông, biết đếm đến 5, hỏi rất nhiều câu dạng “tại sao?” và “ai đó?”. Hiểu 100% điều người khác nói và ngược lại. 
  • 5 – 6 tuổi: nói câu dài 5 – 6 từ, từ vựng khoảng 2000 từ, biết đếm đến 10, biết tay phải và tay trái, biết liên hệ không gian (trước, sau, trên dưới, xa, gần), nhận biết “giống nhau” và “khác nhau”, biết địa chỉ nhà, sử dụng nhiều loại câu nói khác nhau.

Hiện tại, theo như chị mô tả thì cháu nhà chị 26 tháng, đạt được gần hết yêu cầu của mốc 2 tuổi. Tuy nhiên, số lượng từ chưa theo mốc tuổi nên cần được đánh giá toàn diện sau đó can thiệp âm ngữ qua chơi đùa để vốn từ được tăng cường hơn. Chị có thể yên tâm nhé!

Câu hỏi số 2: Hiện tại khi mẹ lo lắng về ngôn ngữ của con mà ông bà thì khuyên để từ từ bé sẽ nói thì em nên làm gì ạ?

Em chào bác sĩ ạ. Bác cho em hỏi, hiện tại khi mẹ lo lắng về ngôn ngữ của con mà ông bà thì khuyên để từ từ bé sẽ nói thì em nên làm gì ạ?

Trả lời

Một số trường hợp trẻ này có thể chậm hơn trẻ khác. Do đó, cha mẹ nên so với những mốc ngôn ngữ chuẩn đã đề cập thay vì so sánh với các trẻ khác. Nếu con bạn không đạt được những mốc phát triển chuẩn thì đầu tiên nên cho bé đi kiểm tra thính lực cho bé để loại trừ khiếm thính (cho dù hằng ngày bé vẫn “có vẻ” nghe tốt). Các bé giỏi nhận biết bằng mắt các dấu hiệu và lời nói nhưng diễn đạt cần được hỗ trợ thêm. Việc phát hiện sớm sẽ giúp cho việc can thiệp cho bé sẽ tốt hơn và kịp thời hơn.

Nếu thính lực bé vẫn ổn thì bạn nên đăng ký khám tâm lý để được đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ trong sự hiện diện của cha mẹ và người chăm sóc để tìm ra vấn đề của cháu từ não hay môi trường, hiểu được tiềm năng và định hướng can thiệp. Vì não của các bé có tính linh hoạt và nhạy cảm nên phát hiện càng sớm càng can thiệp hiệu quả, chị nhé. 

Câu hỏi số 3: Vậy giáo viên nên làm thế nào để giúp phụ huynh hiểu rõ vấn đề về ngôn ngữ của bé, hợp tác phát hiện sớm để cải thiện tốt hơn? 

Em chào bác sĩ. Dạo gần đây em phát hiện bé nhà mình có khó khăn về ngôn ngữ. Bé chưa nói tốt như các bé khác cùng độ tuổi và em thấy bé có vẻ khó khăn để hiểu lời của bố, mẹ nói; đôi khi bé cũng không làm theo yêu cầu của người trong nhà.

Em rất lo lắng và đã thử chia sẻ với gia đình, nhưng bố mẹ chồng không chấp nhận và cho rằng bé vẫn phát triển bình thường, chỉ là do em suy nghĩ lung tung. Mong bác sĩ chia sẻ một vài cách để em và gia đình có thể tự đánh giá khách quan tình trạng của bé, cũng như cho em biết một số dấu hiệu nguy hiểm cần đưa bé đi khám ngay ạ. Em cảm ơn bác sĩ.

Một vài bé ở trường mầm non chậm nói và không hiểu và chưa làm theo lệnh nhưng giáo viên gặp khó khăn khi đề cập đến vấn đề này với phụ huynh vì phụ huynh không để ý cũng như thấy bé làm được những yêu cầu hằng ngày như đi tắm, ăn uống. Vậy giáo viên nên làm thế nào để giúp phụ huynh hiểu rõ vấn đề của bé, hợp tác phát hiện sớm để cải thiện tốt hơn? 

Trả lời

Chào phụ huynh và chào các giáo viên mầm non. Lo lắng của người mẹ bao giờ cũng nên được ghi nhận, giải thích thấu đáo. Những người chăm sóc khác như cha hay ông bà cũng vì muốn nâng đỡ mẹ nên thường trấn an là trẻ rồi sẽ khá lên mặc dù trong lòng cũng không chắc chắn. 

Thái độ tích cực là nên tìm hiểu thông tin, chia sẻ với các nhà chuyên môn về sự phát triển của trẻ như với bác sĩ về nhi khoa phát triển hành vi, chuyên viên âm ngữ, chuyên viên tâm lý phát triển trẻ em, giáo viên mầm non và giáo viên chuyên biệt. Theo Viện Hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ và Hội Tâm thần hoa kỳ, dưới đây là các dấu hiệu báo động đỏ về ngôn ngữ rối loạn phổ tự kỷ 

Ngoài ra, Viện Hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến nghị các bé 18, 24 và 30 tháng tuổi nên được tầm soát sớm các dấu hiệu Rối loạn phổ tự kỷ qua bảng tầm soát dấu hiệu rối loạn tự kỷ khi khám sức khỏe định kỳ. Đây là các thông tin đáng tin cậy, hữu ích để người cha mẹ có thể tham khảo, giáo viên mầm non có thể làm việc với phụ huynh khách quan hơn.

Những dấu hiệu “báo động đỏ” về ngôn ngữ từ 0 đến 8 tuổi

  • 0-3 tháng: không phản ứng âm thanh, không quay đầu xung quanh, khóc bất thường, có vấn đề bú và nuốt
  • 3-6 tháng: Không vui vẻ khi tương tác xã hội
  • 6-9 tháng: không bập bẹ, hứng thú với đồ vật hơn với người 
  • 9-12 tháng: không có chú ý liên kết, thờ ơ với giao tiếp
  • 12-15 tháng: không nhìn và chỉ ngón trỏ người/vật khi được gọi tên
  • 18 -24 tháng: không làm theo lệnh đơn giản, không chỉ người thân khi được gọi tên, lập đi lập lại từ trẻ nghe, không chơi giả vờ
  • 30-36 tháng: không đáp ứng to rõ bằng gật đầu, lắc đầu và khi gọi câu hỏi, không hỏi “tại sao?”, “cái gì vậy?”; không theo lệnh gồm 2 phần và không hiểu từ hành động.
  • 36-48 tháng: không kể chuyện từ bắt đầu và kết thúc; không biết dùng giới từ, dùng đại từ không phù hợp
  • 60-72 tháng: hành vi xã hội không phù hợp;khó diễn đạt sự kiện trong ngày; khó kể câu chuyện và đưa ra cách giải quyết; khó kể câu chuyện bằng cách miêu tả bắt đầu và kết thúc 
  • 72-96 tháng: khó hiểu chiến lược dấu và phát hiện vấn đề; thất bại khi sử dụng từ ghép; sử dụng văn phạm không chính xác; không phát hiện lỗi trong trong câu chuyện 

Những dấu hiệu “báo động đỏ” về rối loạn tự kỷ

  • Không cười lớn và vui đùa 
  • Không bập bẹ và chơi ú òa lúc 9 tháng tuổi
  • Không chỉ ngón trỏ, vẫy tay, bái bai lúc 12 tháng tuổi
  • Không nói từ đơn lúc 16 tháng
  • Không nói từ đôi lúc 24 tháng
  • Mất bất kỳ ngôn ngữ hay kỹ năng xã hội nào vào tất cả thời điểm

Bảng tầm soát dấu hiệu rối loạn tự kỷ ở trẻ tập đi độ tuổi 16-30 tháng thang điểm M-Chat-R

Hãy trả lời các câu hỏi sau về con bạn. Hãy nghĩ về cách cư xử thường xuyên của trẻ. Nếu bạn đã thấy trẻ có cách cư xử như vậy một vài lần mà không phải thường xuyên thì hãy trả lời là không. Khoanh câu trả lời là có hoặc không cho tất cả các câu hỏi. Cảm ơn bạn.

STT Câu hỏi Câu trả lời
1 Nếu bạn chỉ vào một điểm trong phòng, con bạn có nhìn theo không?

(VÍ DỤ, nếu bạn chỉ vào đồ chơi hay con vật, con bạn có nhìn vào đồ chơi đó hay con vật đó không?)

Có  Không
2 Bạn có bao giờ tự hỏi liệu con bạn có bị điếc không? Có  Không
3 Con bạn có chơi trò chơi tưởng tượng hoặc giả vờ không?

(VÍ DỤ, giả vờ uống nước từ một cái cốc rỗng, giả vờ nói chuyện điện thoại, hay giả vờ cho búp bê hoặc thú giả ăn)

Có  Không
4 Con bạn có thích leo trèo lên đồ vật không?

(VÍ DỤ, trèo lên đồ đặc trong nhà, đồ chơi ngoài trời, hoặc leo cầu thang)

Có  Không
5 Con bạn có làm các cử động ngón tay một cách bất thường đến gần mắt của bé không?

(VÍ DỤ, con bạn có vẫy/đưa qua đưa lại ngón tay gần mắt của bé không?)

Có  Không
6 Con bạn có dùng ngón tay trỏ của bé để yêu cầu việc gì đó, hoặc muốn được giúp đỡ không?

(VÍ DỤ, chỉ vào bim bim hoặc đồ chơi ngoài tầm với)

Có  Không
7 Con bạn có dùng một ngón tay để chỉ cho bạn thứ gì đó thú vị mà trẻ thích thú không?

(VÍ DỤ, chỉ vào máy bay trên bầu trời hoặc một xe tải lớn bên đường)

Có  Không
8 Con bạn có thích chơi với những đứa trẻ khác không?

(VÍ DỤ, con bạn có quan sát những đứa trẻ khác, cười với những đứa trẻ này hoặc chơi với chúng không?)

Có  Không
9 Con bạn có khoe bạn những đồ vật bằng cách mang hay ôm chúng đến cho bạn xem – không phải để được bạn giúp đỡ, chỉ để chia sẻ với bạn không?

(VÍ DỤ, khoe với bạn một bông hoa, thú giả hoặc một cái xe tải đồ chơi)

Có  Không
10 Con bạn có đáp lại khi được gọi tên không?

(VÍ DỤ, con bạn có ngước tìm người gọi, nói chuyện, hay bập bẹ, hoặc ngừng việc bé đang làm khi bạn gọi tên của bé?)

Có  Không
11 Khi bạn cười với con bạn, con bạn có cười lại với bạn không? Có  Không
12 Con bạn có cảm thấy khó chịu bởi những tiếng ồn xung quanh?

(VÍ DỤ, con bạn có hét lên hay khóc khi nghe tiếng ồn của máy hút bụi, hoặc nhạc to?)

Có  Không
13 Con bạn có đi bộ không? Có  Không
14 Con bạn có nhìn vào mắt bạn khi bạn đang nói chuyện với bé, chơi cùng bé hoặc mặc quần áo cho bé không? Có  Không
15 Con bạn có bắt chước những điều bạn làm không?

(VÍ DỤ, vẫy tay bye bye, vỗ tay, hoặc tạo ra những âm thanh vui vẻ khi bạn làm) 

Có  Không
16 Nếu bạn quay đầu để nhìn gì đó, con bạn có nhìn xung quanh để xem bạn đang nhìn cái gì không?  Có  Không
17 Con bạn có cố gắng gây sự chú ý để bạn phải nhìn vào bé không? 

(VÍ DỤ, con bạn có nhìn bạn để được bạn khen ngợi, hoặc nói “nhìn” hoặc “nhìn con”?

Có  Không
18 Con bạn của bạn có hiểu bạn nói gì khi bạn yêu cầu con làm không?

(VÍ DỤ, Nếu bạn không chỉ tay, con bạn có hiểu “để sách lên ghế” hoặc “đưa mẹ/bố cái chăn”không?)

Có  Không
19 Nếu có điều gì mới lạ, con bạn có nhìn bạn để xem bạn cảm thấy thế nào về việc xảy ra không?

(VÍ DỤ, nếu con bạn nghe thấy 1 âm thanh lạ hoặc thú vị, hoặc nhìn thấy đồ chơi mới, con bạn có nhìn bạn không?)

Có  Không
20 Con bạn có thích những hoạt động mang tính chất chuyển động không?

(VÍ DỤ, được lắc lư hoặc nâng lên hạ xuống trên đầu gối của bạn không?

Có  Không

Hướng dẫn chấm điểm thang điểm M-CHAT-R

Câu trả lời “KHÔNG” cho tất cả các câu hỏi ngoại trừ câu 2, 5, và 12 cho thấy nguy cơ rối loạn tự kỷ. Với các câu hỏi 2, 5, và 12, câu trả lời “CÓ” thể hiện nguy cơ rối loạn tự kỷ. Thang cho điểm sau đây tối đa hóa những đặc tính đo lường tâm lý của M-CHAT-R

NGUY CƠ-THẤP  Tổng điểm là 0-2

nếu trẻ nhỏ hơn 24 tháng; làm lại một lần nữa sau qua sinh nhật 2 tuổi; Chưa cần phải hành động gì trừ khi trong quá

trình theo dõi bạn phát hiện nguy cơ rối loạn tự kỷ của trẻ.

NGUY CƠ-TRUNG BÌNH Tổng điểm từ 3-7; thực hiện bảng hỏi Phần Theo dõi (Giai đoạn thứ 2 của M-CHAT-R/F) để có thêm thông tin về những câu trả lời chỉ ra nguy cơ tự kỷ. 

Nếu điểm sàng lọc trẻ bằng bảng hỏi theo dõi vẫn là 2 hoặc cao hơn, đứa trẻ được xác nhận có kết quả sàng lọc dương tính.

Hành động cần thiết: Giới thiệu trẻ đi đánh giá chẩn đoán và xác định tính hợp lệ cho chương trình can thiệp sớm. 

Nếu điểm từ 0-1, đứa trẻ

được có kết quả sàng lọc âm tính. Không cần hành động gì cả trừ khi

quá trình theo dõi cho thấy nguy cơ của trẻ đối với rối loạn tự kỷ. Trẻ

nên được sàng lọc lại trong các lần thăm khám sức khỏe tiếp theo.

NGUY CƠ-CAO Tổng điểm từ 8 – 20; có thể bỏ qua bước sàng lọc bằng bảng hỏi theo

dõi và ngay lập tức giới thiệu trẻ đi đánh giá chẩn đoán và xác định tính

hợp lệ cho chương trình can thiệp sớm.

Câu hỏi số 4: Bác sĩ ơi cho em hỏi chậm nói có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ ạ?

Trả lời

Ngôn ngữ rất quan trọng trong quá trình phát triển bình thường của trẻ. Ngôn ngữ giúp trẻ bày tỏ nhu cầu, ý kiến để vui chơi, kết bạn, học hỏi và lớn lên. Ngôn ngữ cũng là một bộ phận quan trọng của trí thông minh. 

Do đó, tăng cường ngôn ngữ với những trẻ bình thường không bị chậm nói là một việc làm vô cùng cần thiết nhưng dễ bị bỏ quên. Bố mẹ có thể giúp trẻ tạo các thói quen tốt như đọc sách, chơi đóng vai hoặc tạo điều kiện cho bé luyện tập kỹ năng giao tiếp hằng ngày (cho con vui chơi với bạn bè, nói chuyện với con). 

Đối với những trẻ bị chậm nói hay có nguy cơ bị chậm nói, vấn đề tăng cường ngôn ngữ càng phải được phát hiện sớm và chú trọng nhiều hơn. Có thể kể đến một số kiểu chậm nói thường gặp cần được phát hiện sớm như:

  • Thiếu vốn từ
  • Không hiểu điều người khác nói
  • Diễn đạt mà người khác không hiểu
  • Nói ngọng
  • Nói không đúng ngữ cảnh (như lặp lại câu hỏi thay vì trả lời) 

Những rối loạn ngôn ngữ này sẽ dẫn đến các hành vi gây hấn, bạo lực không đáng có (như la hét vô cớ, ném đồ, đánh bạn bè) hoặc làm trẻ nhút nhát, bám mẹ bám cô, sợ đám đông không dám chơi đùa cùng bạn bè.

Can thiệp càng sớm càng mang lại hiệu quả cao, nhất là trong giai đoạn từ 3 đến 5 năm đầu đời và cha mẹ đóng vai trò sống còn trong quá trình này. Việc phát hiện sớm và can thiệp sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng ngôn ngữ cho trẻ, giúp trẻ hòa nhập hơn với cộng đồng, cho bé cơ hội phát triển bình thường.

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích