menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thủy đậu

user

Ngày:

01/04/2019

user

Lượt xem:

1078

Bài viết thứ 05/58 thuộc chủ đề “Các bệnh Nhi khoa”

Định nghĩa

Thủy đậu (trái rạ) là một dạng bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, làm cơ thể phát ban (ban giống như những mụn nước), ngứa ngáy khó chịu. Người chưa từng mắc bệnh và chưa tiêm vaccine thủy đậu sẽ rất dễ bị lây nhiễm. Trước đây, khi tiêm ngừa vaccine chưa trở thành thông lệ, hầu như ai cũng sẽ nhiễm bệnh trước tuổi trưởng thành và đôi lúc còn bị các biến chứng nghiêm trọng. Ngày nay, số ca mắc bệnh và nhập viện đã giảm xuống rất nhiều.

Đối với hầu hết mọi người, thủy đậu chỉ là một bệnh rất nhẹ nhưng tốt hơn hết vẫn nên tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine thủy đậu rất an toàn, hiệu quả, giúp phòng tránh bệnh thủy đậu và các biến chứng của bệnh.

Triệu chứng

Bệnh thủy đậu thường kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Phát ban là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện một hoặc hai ngày trước khi phát ban, gồm có:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi và cảm giác không khỏe

Khi ban thủy đậu xuất hiện, nó thường trải qua 3 giai đoạn:

  • Xuất hiện các nốt màu hồng hoặc đỏ nổi trên da
  • Khoảng một ngày sau, từ các nốt ban nổi đó sẽ xuất hiện các mụn nước trong rồi sau một vài ngày, các mụn nước sẽ bong vỡ hoặc xì ra.
  • Nổi vảy (che kín các mụn nước xì, vỡ) và lành lặn sau một vài ngày.

Ban vẫn tiếp tục xuất hiện trong khoảng vài ngày. Có thể bạn sẽ trải qua cả ba giai đoạn phát ban – ban nổi, mụn nước và vết thương đóng vảy – cùng một lúc vào ngày thứ hai phát ban. Một khi nhiễm bệnh, virus từ người bệnh có thể lây nhiễm sang người khác trong vòng 48 giờ trước khi phát ban, và bệnh vẫn tiếp tục có khả năng lây nhiễm cho đến khi tất cả các nốt ban đều đóng vảy khô.

Bệnh thường ở mức độ nhẹ đối với các trẻ em khỏe mạnh. Trong các ca nặng, ban lan ra toàn bộ cơ thể, và có thể gây ra các vết thương ở cổ họng, mắt, và ở các màng nhầy ở niệu đạo, hậu môn và âm đạo. Các vết ban mới vẫn tiếp tục xuất hiện trong khoảng vài ngày.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Nếu nghi ngờ mình hoặc con mình nhiễm thủy đậu, bạn nên nhờ bác sỹ tư vấn ngay. Bác sỹ sẽ kiểm tra các vết ban, xem xét các triệu chứng đi kèm để chẩn đoán bệnh thủy đậu. Nếu cần, bác sỹ có thể sẽ cho thuốc để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và điều trị các biến chứng. Hãy gọi điện xin hẹn gặp bác sỹ. Phải nói rõ nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu của mình để được sắp xếp, không phải chờ đợi lâu vì có thể làm lây nhiễm cho những người khác trong phòng đợi khám bệnh.

Báo cho bác sỹ nếu có các biến chứng sau:

  • Ban lan đến một hoặc cả hai mắt.
  • Ban màu đỏ, sờ thấy ấm và mềm, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn gây ra.
  • Phát ban kèm theo cảm giác chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, thở gấp, run rẩy, không thể điều khiển phối hợp hoạt động của các cơ, ho ngày càng nhiều, nôn ói, cổ cứng đờ hoặc sốt cao hơn 39.4 C (103 F).
  • Bất cứ ai bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra, rất dễ lây nhiễm và lây lan nhanh chóng. Có thể nhiễm virus do tiếp xúc với ban hoặc các giọt hô hấp bắn trong không khí khi ho hoặc hắt hơi.

Bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu:

  • Chưa từng bị thủy đậu
  • Chưa được tiêm vaccine ngừa thủy đậu
  • Làm việc hoặc đi học ở trường hoặc một cơ sở giữ trẻ
  • Sống cùng trẻ em

Hầu hết những người đã tiêm vaccine hoặc đã từng bị thủy đậu sẽ miễn dịch với virus.

Biến chứng

Thông thường, thủy đậu chỉ là bệnh nhẹ nhưng bệnh có thể nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Các loại biến chứng gồm có:

  • Da, các mô mềm, xương, khớp hoặc hoặc máu bị nhiễm khuẩn
  • Viêm phổi
  • Viêm não
  • Hội chứng sốc độc
  • Hội chứng Reye đối với những người dùng aspirin khi đang bị thủy đậu

Những ai có nguy cơ?

Những người có nhiều nguy cơ sẽ bị biến chứng từ thủy đậu:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà mẹ của bé chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa được tiêm vaccine
  • Người lớn
  • Phụ nữ mang thai & chưa từng bị thủy đậu
  • Người có hệ thống miễn dịch suy giảm do thuốc, ví dụ như hóa trị, hoặc do bị bệnh khác như ung thư hoặc HIV
  • Người đang dùng thuốc steroid để điều trị bệnh hoặc các tình trạng khác, ví dụ như trẻ bị bệnh suyễn
  • Người dùng các loại thuốc làm ức chế hệ thống miễn dịch

Thủy đậu và mang thai

Các biến chứng khác của thủy đậu sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Nhiễm thủy đậu trong thời gian đầu của thai kỳ có thể gây ra nhiều vấn đề cho trẻ sơ sinh, bao gồm tình trạng thiếu cân khi sinh và dị tật bẩm sinh (ví dụ: dị tật ở tay chân). Nếu người mẹ mắc bệnh thủy đậu trong tuần lễ trước khi sinh, sẽ rất nguy hiểm cho em bé. Em bé sơ sinh có thể bị nhiễm trùng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu bạn có thai và không miễn dịch với thủy đậu, hãy hỏi bác sỹ về những nguy cơ có thể xảy ra với mình và với em bé chưa ra đời.

Thủy đậu và bệnh zona

Nếu bạn đã từng bị thủy đậu, bạn có nguy cơ mắc một bệnh khác do virus varicella-zoster gây ra – đó là bệnh zona. Sau khi nhiễm thủy đậu, một số virus varicella-zoster vẫn còn lưu lại trong các tế bào thần kinh của bạn. Nhiều năm sau, virut có thể kích hoạt trở lại và xuất hiện dưới dạng zona – một dải mụn nước mau vỡ hơn và rất đau. Virus thường xuất hiện trở lại ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, yếu kém.

Zona cũng dẫn đến các biến chứng khác – đó là tình trạng đau đớn kéo dài ngay cả sau khi mụn nước đã biến mất. Loại biến chứng này – gọi là đau dây thần kinh sau zona – có thể rất nghiêm trọng.

Người trên 60 tuổi và từng bị thủy đậu thường được khuyên nên tiêm vaccine zona (gọi là vaccine Zostavax).

Chuẩn bị cho buổi hẹn bác sỹ

Gọi điện cho bác sỹ nếu bạn hoặc con bạn có các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở bệnh thủy đậu. Sau đây là những thông tin bạn cần chuẩn bị cho buổi hẹn.

Những thông tin cần chuẩn bị trước

  • Trước buổi hẹn. Hỏi xem bạn hoặc con bạn phải làm gì, ví dụ như cách ly để không lây nhiễm cho người khác trong thời gian chờ đến ngày hẹn gặp bác sỹ.
  • Tiền sử triệu chứng bệnh. Ghi lại tất cả các triệu chứng mà bạn hoặc con bạn có, và các triệu chứng đó kéo dài trong bao lâu.
  • Tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm. Cố gắng nhớ lại xem liệu bạn hoặc con bạn có tiếp xúc với ai vừa bị thủy đậu trong vài tuần trước đó không.
  • Thông tin y tế quan trọng. Ghi lại các vấn đề về sức khỏe của bạn hoặc con bạn và tên các loại thuốc đang dùng.
  • Câu hỏi cho bác sỹ. Ghi lại tất cả các câu hỏi, thắc mắc của bạn để có thể tận dụng tốt nhất thời gian khám bệnh với bác sỹ.

Những câu hỏi nên đặt ra cho bác sỹ về bệnh thủy đậu:

  • Nguyên nhân chính của những dấu hiệu và triệu chứng này là gì?
  • Có thể còn có những nguyên nhân nào khác không?
  • Nên điều trị như thế nào?
  • Bao lâu sau thì các triệu chứng sẽ thuyên giảm?
  • Liệu có phương pháp điều trị tại nhà hoặc tự chăm sóc nào để giúp các triệu chứng thuyên giảm hay không?
  • Tôi hoặc con tôi có dễ gây lây nhiễm cho người khác không? Trong bao lâu?
  • Làm sao để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác?

Đừng ngần ngại đặt bất cứ câu hỏi nào.

thủy đậu

Hình minh họa trẻ bị thủy đậu

Thông tin cung cấp cho bác sỹ

Bác sỹ có thể đặt các câu hỏi sau:

  • Bạn để ý thấy có những dấu hiệu và triệu chứng nào, và chúng xuất hiện từ khi nào?
  • Có người quen nào của bạn có những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở bệnh thủy đậu trong vòng vài tuần qua hay không?
  • Bạn hoặc con bạn đã tiêm vaccine ngừa thủy đậu chưa? Bao nhiêu liều?
  • Bạn hoặc con bạn đang được hoặc vừa được điều trị bệnh khác hay không?
  • Bạn hoặc con bạn đang dùng thuốc gì, kể cả thuốc không kê toa, vitamin và thuốc bổ?
  • Con bạn đang đi học hay đi nhà trẻ?
  • Bạn đang mang thai hay cho con bú hay không?

Những việc bạn có thể làm trong khi chờ đợi

Trong khi chờ đợi đến buổi khám bệnh, bạn có thể dùng ibuprofen (vd: Advil, Motrin IB, v.v…) và acetaminophen (vd: Tylenol, v.v..) để giảm sốt. Những người vừa khỏi bệnh thủy đậu không nên uống aspirin do aspirin có liên quan đến hội chứng Reye – một chứng bệnh rất hiếm nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng – ở những người vừa khỏi bệnh thủy đậu.

Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và tránh tiếp xúc với người khác. Thủy đậu rất dễ lây nhiễm cho đến khi nào các vết thương trên da đóng vảy khô hoàn toàn.

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sỹ thường chẩn đoán bệnh thủy đậu dựa trên quan sát loại ban nổi trên da.

Nếu vẫn không chắc về kết quả chẩn đoán, có thể làm xét nghiệm như thử máu hoặc nuôi cấy vi khuẩn trong mẫu vết thương/mụn nước để biết chắc có bị thủy đậu hay không.

Phương pháp và thuốc điều trị

Đối với những trẻ em khỏe mạnh, thường không cần thuốc điều trị thủy đậu. Bác sỹ có thể kê thuốc kháng histamine để giảm ngứa. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần để bệnh phát triển tự nhiên và tự chấm dứt.

Nếu bạn có nguy cơ cao sẽ bị biến chứng

Đối với người có nhiều nguy cơ bị biến chứng từ thủy đậu, bác sỹ có thể cho thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng và giảm nguy cơ biến chứng.

Nếu bạn hoặc con bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao, bác sỹ có thể đề nghị cho dùng thuốc kháng virut ví dụ như acyclovir (Zovirax) hoặc một loại thuốc khác – đó là globulin miễn dịch tiêm vào tĩnh mạch (IGIV). Các loại thuốc này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu dùng trong vòng 24h sau khi bắt đầu phát ban. Các loại thuốc kháng virus khác như alacyclovir (Valtrex) và famciclovir (Famvir) cũng giúp bệnh giảm nhẹ nhưng chỉ được dùng cho người lớn. Ở một số ca, bác sỹ có thể khuyên tiêm vaccine ngừa thủy đậu sau khi có tiếp xúc với virus. Tiêm ngừa sẽ giúp phòng bệnh hoặc làm giảm nhẹ khi bị bệnh.

Không cho bất kỳ ai bị thủy đậu – người lớn hay trẻ em – loại thuốc có chứa aspirin bởi vì dùng loại thuốc này khi đang bị thủy đậu được cho là có liên quan đến hội chứng Reye.

Điều trị biến chứng

Nếu có biến chứng, bác sỹ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là thích hợp. Có thể dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi. Đối với viêm não, bác sỹ thường cho dùng thuốc kháng virus. Một số trường hợp khác có thể cần nhập viện để được điều trị.

Cách điều trị tại nhà

Để làm giảm nhẹ các triệu chứng của các ca thủy đậu nhẹ, hãy thực hiện các biện pháp tự chăm sóc sau:

Không gãi ngứa

Gãi ngứa sẽ để lại sẹo, vết thương lâu lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Nếu con bạn không thể ngừng gãi, bạn hãy:

  • Cho bé đeo găng tay, đặc biệt là vào ban đêm
  • Cắt ngắn móng tay cho bé

Làm giảm ngứa và các triệu chứng khác

Nốt ban thủy đậu thường rất ngứa và khi mụn nước bong, vỡ, sẽ cảm thấy đau rát. Cảm giác khó chịu này cùng với cơn sốt, đau đầu và mệt mỏi thường làm người bệnh thấy thật tệ hại. Để giảm các triệu chứng đó, hãy thử:

  • Tắm trong bồn nước mát, hòa thêm vào nước tắm bột baking soda, bột yến mạch chưa nấu -loại bột yến mạch xay mịn, dễ tan.
  • Dùng sữa lotion calamin vỗ nhẹ lên các nốt thủy đậu.
  • Nếu ban thủy đậu nổi trong miệng, hãy ăn những thức ăn mềm, nhạt, ít gia vị.
  • Dùng các loại thuốc kháng histamine như diphenhydramine (Benadryl) để giảm ngứa. Hãy hỏi bác sỹ xem cho trẻ dùng thuốc kháng histamine có an toàn không.
  • Dùng Acetaminophen (Tylenol, v.v..) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, v.v..) đối với sốt nhẹ.

Không cho bất kỳ ai bị thủy đậu uống các loại thuốc có chứa aspirin bởi vì dùng loại thuốc này khi đang bị thủy đậu có thể sẽ dẫn đến hội chứng Reye. Không nên tự chữa khi bị sốt cao mà không hỏi ý kiến bác sỹ.

Phòng ngừa

Vaccin thủy đậu (varicella) là cách tốt nhất để ngừa bệnh. Theo các chuyên gia của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh, vaccine sẽ giúp bảo vệ khoảng 90% trẻ em đã tiêm chủng khỏi mắc virus này. Mặc dù vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối, nhưng tiêm ngừa sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.

Nên tiêm ngừa vaccine thủy đậu (Varivax) cho:

  • Trẻ nhỏ. Ở Hoa Kỳ, trẻ em thường được cho hai liều vaccine varicella – liều đầu tiên trong khoảng từ 12-15 tháng và liều thứ hai trong khoảng từ 4-6 tuổi – đây là một phần trong lịch chủng ngừa thông thường cho trẻ em. Có thể kết hợp tiêm vaccine thủy đậu cùng với vaccine MMR (sởi, quai bị và rubella), nhưng tiêm kết hợp có thể tăng nguy cơ bị sốt và co giật do vaccine. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những điểm lợi và bất lợi khi tiêm kết hợp các loại vaccine.
  • Trẻ lớn chưa được tiêm vaccine. Trẻ em từ 7 đến 12 tuổi mà chưa từng được chủng ngừa nên được bổ sung 2 liều vaccine varicella, mỗi liều cách nhau 3 tháng. Trẻ em 13 tuổi hoặc lớn hơn mà chưa từng được chủng ngừa cũng nên được bổ sung 2 liều vaccine varicella, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần.
  • Người lớn chưa được chủng ngừa, chưa từng bị thủy đậu và có nguy cơ tiếp xúc cao. Đó là nhân viên chăm sóc y tế, giáo viên, nhân viên nhà trẻ, những người hay du lịch nước ngoài, quân nhân, người lớn sống cùng trẻ nhỏ và tất cả phụ nữ ở độ tuổi sinh nở. Những người lớn chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa được chủng ngừa thủy đậu thường được cho hai liều vaccine, mỗi liều cách nhau từ 4 đến 8 tuần. Nếu bạn không nhớ đã từng bị thủy đậu hoặc đã được chủng ngừa hay chưa, cần thử máu để xác định tình trạng miễn dịch.

Nếu bạn đã từng bị thủy đậu, bạn không cần tiêm vaccine thủy đậu nữa. Người từng mắc thủy đậu thông thường sẽ được miễn dịch với virus đó suốt đời. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mắc thủy đậu nhiều hơn một lần nhưng không phổ biến. Nếu bạn trên 60 tuổi, hãy nói chuyện bác sỹ về vaccine ngừa zona.

Không được tiêm vaccine thủy đậu đối với:

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như người bị HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
  • Người dị ứng với gelatin hoặc neomycin kháng sinh

Hãy hỏi bác sỹ nếu bạn không chắc liệu có cần tiêm vaccine hay không. Nếu bạn có ý định mang thai, hãy hỏi bác sỹ để bảo đảm bạn đã được tiêm ngừa vaccine đầy đủ trước khi thụ thai.

Có an toàn và hiệu quả không?

Các bậc cha mẹ thường thắc mắc liệu vaccine có an toàn hay không. Từ khi có vaccin thủy đậu, các nghiên cứu đều cho thấy vaccine này an toàn và hiệu quả. Các phản ứng phụ thường rất nhẹ như sưng, đỏ, đau, hoặc đôi khi nổi u ở chỗ tiêm vaccine.

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích