menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Rotavirus

user

Ngày:

22/02/2019

user

Lượt xem:

639

Bài viết thứ 39/58 thuộc chủ đề “Các bệnh Nhi khoa”

Rotavirus là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thường khỏi trong vòng một vài ngày, nhưng đôi khi kéo dài lâu hơn. Yếu tố nguy cơ chính là trẻ bị mất nước vì vậy điều trị chủ yếu là bù dịch bị mất cho trẻ.

Rotavirus là gì?

Rotavirus là loại virus có thể gây viêm dạ dày ruột. Viêm dạ dày ruột là một bệnh nhiễm trùng đường ruột, thường gây ra các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy.

Hình ảnh minh họa virus rota

Hình ảnh minh họa: Rotavirus

Rotavirus lây truyền như thế nào?

Rotavirus có trong ruột của người bị bệnh và được thải ra môi trường bên ngoài khi tiêu chảy. Virus có thể dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc. Điều này thường là do tay nhiễm virus sau khi đi đại tiện. Đối với trẻ nhỏ mang tã, virus có thể lây qua bàn tay của người thay tã cho trẻ. Bề mặt hoặc các vật dụng mà người bệnh chạm vào cũng có thể là nguồn lây. Nếu người bệnh mà không vệ sinh an toàn, khi họ chuẩn bị thức ăn cũng có thể làm lây lan virus. Dịch bệnh Rotavirus có thể lây lan cho nhiều người ví dụ ở nhà trẻ hoặc trường học.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường xuất hiện khoảng 48 giờ sau khi tiếp xúc lần đầu với Rotavirus. Giai đoạn này được gọi là “giai đoạn ủ bệnh”.

Nhiễm Rotavirus như thế nào và người nào có thể mắc bệnh?

Rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường gặp nhất trong mùa đông, chủ yếu lây lan qua đường phân – miệng. Người lớn cũng có thể bị nhiễm rotavirus nhưng triệu chứng thường là rất nhẹ. Nhiễm Rotavirus thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn là ở thanh thiếu niên.

Ở Việt Nam, tiêu chảy chiếm 9.880 ca tử vong mỗi năm, trong đó khoảng 15% các ca tử vong ở trẻ em <5 tuổi, hay 6,5 ca trên 1.000 trẻ em. Nếu chỉ 50% những ca tử vong ở Việt nam liên quan đến tiêu chảy do rotavirus, số lượng sẽ đại diện cho 4% – 8% của tất cả các ca tử vong ở trẻ em <5 tuổi, 2.700-5.400 ca tử vong mỗi năm có liên quan đến rotavirus và 1 cái chết mỗi 280-560 trẻ em là do rotavirus trong thời gian 5 năm đầu đời.

Các triệu chứng nhiễm Rotavirus là gì?

Các triệu chứng đầu tiên thường là sốt và nôn, sau đó xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng. Tiêu chảy thường khỏi trong khoảng ba ngày, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể kéo dài đến chín ngày. Trẻ cũng có thể có cảm giác khó chịu do co thắt dạ dày. Triệu chứng này thường giảm bớt sau mỗi lần tiêu chảy.

Do nôn mửa và tiêu chảy, trẻ có nguy cơ bị mất nước. Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu bạn nghi ngờ rằng con của bạn đang bị mất nước. Mất nước nhẹ là thường gặp và có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng bằng cách cho trẻ uống nhiều nước. Mất nước nặng có thể gây tử vong nếu không được điều trị một cách nhanh chóng bởi vì các cơ quan trong cơ thể cần một lượng nước nhất định để hoạt động bình thường.

Các triệu chứng của mất nước

  • Các triệu chứng của mất nước ở trẻ em bao gồm đi tiểu ít, miệng khô, môi lưỡi khô, ít nước mắt khi khóc, mắt trũng, trẻ mệt mỏi, hoặc thiếu năng lượng.
  • Các triệu chứng của tình trạng mất nước nghiêm trọng ở trẻ em bao gồm ngủ gà, da tái nhợt hoặc nổi vân, bàn tay hoặc bàn chân lạnh, tiểu ít, nhịp thở nhanh nông. Đây là tình trạng cấp cứu y tế và phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Mất nước thường xảy ra ở:

  • Trẻ em dưới 1 tuổi (đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi). Điều này do trẻ nhỏ chỉ mất một lượng nước nhỏ cũng đã rơi vào tình trạng bị mất nước.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi đặc biệt là trẻ sinh nhẹ cân và không bắt kịp trọng lượng chuẩn theo tuổi.
  • Hoặc trẻ không được uống đủ nước khi bị nhiễm rotavirus.
  • Hoặc trẻ bị tiêu chảy nặng và nôn mửa nhiều; đặc biệt khi trẻ đi lỏng trên 6 lần hoặc nôn trên 3 lần trong 24 giờ.

Làm thế nào chẩn đoán nhiễm rotavirus?

Rotavirus thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm phân của trẻ. Tuy nhiên, đối với hầu hết trẻ bị viêm dạ dày ruột không cần thiết gửi mẫu phân để xét nghiệm. Bởi vì dù trẻ bị viêm dạ dày ruột do nguyên nhân gì cũng thường điều trị giống nhau.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sỹ?

Hầu hết trẻ em bị viêm dạ dày ruột (bao gồm trường hợp viêm dạ dày ruột do nhiễm rotavirus) có triệu chứng nhẹ và sẽ khỏi trong một vài ngày. Điều quan trọng là phải cho trẻ uống nhiều nước. Trong nhiều trường hợp, bạn không cần phải đưa trẻ đi khám bác sỹ. Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đi khám trong các trường hợp sau đây (hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng khác mà bạn quan tâm):

  • Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Nếu trẻ có bệnh lý kèm theo (ví dụ: bệnh lý tim hoặc thận, tiểu đường, tiền sử sinh non).
  • Nếu trẻ sốt cao.
  • Nếu bạn nghi ngờ dấu hiệu mất nước của trẻ ngày càng nặng hơn.
  • Nếu trẻ có triệu chứng ngủ nhiều hoặc không tỉnh táo.
  • Nếu trẻ bị nôn nhiều và không thể uống được.
  • Nếu trẻ tiêu chảy có máu hoặc nôn ra máu.
  • Nếu trẻ bị đau bụng nghiêm trọng.
  • Nếu trẻ bị suy giảm miễn dịch hệ thống, ví dụ do điều trị hóa trị liệu, điều trị steroid kéo dài hoặc nhiễm HIV.
  • Nhiễm trùng nghi do đi du lịch nước ngoài.
  • Nếu trẻ có triệu chứng nặng hoặc bạn thấy tình trạng của trẻ ngày càng xấu hơn.
  • Nếu triệu chứng của trẻ không đỡ – ví dụ, nôn nhiều hơn 1-2 ngày, hoặc tiêu chảy mà không đỡ sau 5-7 ngày.

Điều trị rotavirus như thế nào?

Không có thuốc đặc hiệu để điều trị rotavirus. Điều quan trọng nhất là cho trẻ uống nhiều nước và không để trẻ bị mất nước. Trẻ thường chỉ cần chăm sóc tại nhà. Đôi khi, trẻ cần nhập viện nếu có các triệu chứng nặng hoặc để điều trị tình trạng mất nước.

Dung dịch để phòng mất nước

Bạn nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Mục đích là để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Dịch bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy cần phải được thay thế. Nên tiếp tục cho trẻ ăn chế độ ăn, uống bình thường. Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Tuy nhiên, cần tránh uống các loại nước ép trái cây hoặc nước uống có ga, vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ bị mất nước cao. Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ bị viêm dạ dày ruột. Nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình như bình thường. Bạn có thể nhận thấy nhu cầu ăn của bé tăng lên. Bạn cũng có thể được tư vấn cho trẻ uống thêm nước hoặc dung dịch bù nước giữa các bữa ăn.

Bác sỹ nhi khoa có thể sẽ tư vấn cho bạn sử dụng dung dịch bù nước đối với những trẻ có nguy cơ bị mất nước (xem ở trên). Dung dịch này được đóng gói và rất sẵn có ở các hiệu thuốc và được kê đơn. Bạn cần được hướng dẫn những kiến thức về số lượng dịch bạn cần cung cấp cho trẻ. Dung dịch bù nước cung cấp một sự cân bằng hoàn hảo giữa nước, muối và đường. Số lượng nhỏ đường và muối giúp nước được hấp thu tốt hơn từ ruột vào cơ thể. Dung dịch hỗn hợp muối và đường được chế biến tại nhà thường được sử dụng ở các nước đang phát triển nếu dung dịch bù nước không có sẵn nhưng nó phải được chế biến một cách cẩn thận bởi quá nhiều muối sẽ thể gây nguy hiểm cho trẻ em. Thức uống bù nước có giá rẻ và sẵn có ở Việt Nam, và là điều trị tốt nhất cho trẻ.

Nếu trẻ bị nôn, chờ 5-10 phút và sau đó bắt đầu cho uống lại một lần nữa, nhưng chậm hơn (ví dụ, một thìa mỗi 2-3 phút). Trong trường hợp trẻ không có khả năng uống từng ngụm bạn có thể sử dụng bơm tiêm để cho trẻ uống.

Lưu ý: nếu bạn nghi ngờ con bạn là mất nước, hoặc có thể mất nước, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn y tế khẩn cấp.

Dung dịch để điều trị mất nước

Nếu trẻ chỉ bị mất nước nhẹ, thì có thể điều trị bằng uống dung dịch bù nước. Bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ tư vấn về cách pha chế để tạo nên các đồ uống để bù dịch và lượng dịch cần cho trẻ uống. Lượng dịch cần cung cấp có thể phụ thuộc vào độ tuổi và cân nặng của con bạn. Nếu bạn đang cho con bú, bạn nên tiếp tục cho trẻ bú trong thời gian này. Mặt khác bạn không nên cho con bạn uống bất kỳ thức uống nào khác trừ khi bác sĩ hoặc y tá cho phép. Điều quan trọng là trẻ phải được bù nước bị mất trước khi cho trẻ ăn các thức ăn rắn.

Đôi khi, trẻ có thể cần phải được nhập viện để điều trị nếu trẻ bị mất nước. Điều trị trong bệnh viện thường bao gồm việc bù nước qua một ống thông đặc biệt gọi là ống thông mũi dạ dày. Ống này đi qua mũi của trẻ, xuống cổ họng của trẻ và trực tiếp vào dạ dày của họ. Biện pháp điều trị này thay thế cho biện pháp điều trị truyền dịch vào tĩnh mạch (truyền dịch).

Cho trẻ ăn như bình thường càng sớm càng tốt khi tình trạng mất nước của trẻ đang được điều trị.

Điều trị tình trạng mất nước là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu con của bạn không bị mất nước (hầu hết các trường hợp), hoặc tình trạng mất nước đang được điều trị, thì khuyến khích cho trẻ ăn chế độ ăn, uống bình thường. Đừng ‘bỏ đói’ một đứa trẻ bị nhiễm rotavirus. Vì vậy:

  • Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ nếu trẻ muốn bú. Thường cho trẻ bú thêm trong quá trình cho trẻ uống dung dịch bù nước (được mô tả ở trên).
  • Trẻ bú bình nên tiếp tục cho trẻ bú bình như bình thường nếu trẻ có thể bú bình. Cho trẻ bú bình thêm trong quá trình cho trẻ uống dung dịch bù nước (được mô tả ở trên).
  • Trẻ lớn hơn – cho trẻ ăn ngay hoặc là sau đó. Tuy nhiên, nếu trẻ không muốn ăn thì cũng không sao. Cho trẻ uống là quan trọng nhất, và việc cho trẻ ăn thức ăn có thể chờ đợi cho đến khi trẻ thèm ăn.

Thuốc thường không cần thiết

Bạn không nên cho trẻ uống các loại thuốc để ngăn chặn tiêu chảy cho trẻ em dưới 12 tuổi. Nó không an toàn cho trẻ em, và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn có thể cho paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt nếu trẻ sốt hoặc đau đầu.

Biến chứng có thể gặp?

Các biến chứng của nhiễm rotavirus thường rất hiếm xảy ra. Có thể gặp các biến chứng sau đây:

  • Mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Nó xảy ra nếu lượng nước và điện giải đã bị mất không được bù lại một cách đầy đủ. Nếu trẻ uống tốt, thì biến chứng này không thể xảy ra, hoặc là chỉ ở mức độ nhẹ và sẽ sớm phục hồi nếu như trẻ được cho uống đầy đủ.
  • Không dung nạp Lactose: đôi khi có thể xảy ra trong một khoảng thời gian sau khi bị nhiễm rotavirus. Đây là tình trạng không dung nạp lactose thứ phát hay mắc phải. Lớp niêm mạc ruột của trẻ có thể bị phá hủy trong giai đoạn trẻ bị bệnh. Điều này dẫn đến sự thiếu một enzyme gọi là lactase, enzyme này cần thiết giúp cơ thể tiêu hóa đường lactose trong sữa. Không dung nạp lactose dẫn đến đầy hơi, đau bụng, phân lỏng sau khi uống sữa. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi tình trạng nhiễm trùng hết và lành niêm mạc ruột.
  • Hội chứng tiêu chảy kéo dài: rất hiếm gặp.

Phòng ngừa lây nhiễm cho người khác

Nếu em bé của bạn bị nhiễm rotavirus, thì bạn phải rửa tay sau khi thay tã và trước khi chuẩn bị, chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn. Tốt nhất là sử dụng xà phòng và nước ấm, sử dụng bất kỳ loại xà phòng nào cũng đều tốt hơn là không sử dụng xà phòng. Lau khô tay của bạn đúng cách sau khi rửa. Đối với trẻ lớn hơn, khi trẻ bị nhiễm rotavirus thì được khuyến cáo như sau:

  • Thường xuyên làm sạch nhà vệ sinh bằng thuốc khử trùng. Làm sạch các tay cầm, bồn cầu, bồn rửa, vòi nước, bề mặt phòng tắm và tay nắm cửa ít nhất mỗi ngày bằng nước nóng và xà phòng. Các loại khăn lau dùng một lần nên được sử dụng (hoặc miếng vải chỉ để sử dụng riêng cho nhà vệ sinh).
  • Nếu chiếc bô đã được sử dụng, thì phải đeo găng tay khi bạn xử lý nó. Đổ chất thải vào bồn cầu, rửa bô bằng nước nóng và xà bông, sau đó để nó khô.
  • Hãy đảm bảo rằng con bạn rửa tay sau khi đi vệ sinh. Tốt nhất, trẻ nên rửa tay với xà phòng bằng nước nước ấm, xử dụng bất kỳ loại xà phòng nào cũng tốt hơn là không sử dụng. Lau khô đúng cách sau khi rửa.
  • Nếu quần áo hoặc chăn mền bị vấy bẩn, đầu tiên bạn phải loại bỏ chất phân (phân) vào bồn cầu. Sau đó giặt riêng biệt với nước nóng ở nhiệt độ càng cao càng tốt.
  • Đừng để con bạn dùng chung khăn.
  • Đừng để con bạn chuẩn bị thức ăn cho người khác.
  • Bạn không nên cho trẻ đi học, nhà trẻ, vv, cho đến khi ít nhất 48 giờ sau khi trẻ hết tiêu chảy hoặc nôn mửa. Trẻ nên tránh tiếp xúc với các trẻ em khác trong thời gian bị bệnh.

Rotavirus có thể được ngăn chặn?

Những lời khuyên được đưa ra trong phần trước là chủ yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan rotavirus từ con bạn cho người khác. Vệ sinh tốt là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của nhiều bệnh nhiễm trùng cho người khác. Rửa tay là điều quan trọng nhất mà bạn và con của bạn có thể làm. Đặc biệt, bạn luôn luôn phải rửa tay và dạy con bạn rửa tay:

  • Sau khi đi vào nhà vệ sinh (và sau khi thay tã hoặc giúp trẻ đi vệ sinh).
  • Trước khi chuẩn bị hoặc chạm vào thức ăn hoặc đồ uống.
  • Trước khi ăn.

Nếu bạn hút thuốc, bạn cũng nên rửa tay trước khi hút thuốc. Rửa tay thường xuyên và đúng cách là cách tốt nhất phòng nhiễm rotavirus và các nhiễm trùng đường ruột khác.

Hình minh họa rửa tay trước khi ăn

Hình ảnh minh họa: Rửa tay trước khi ăn

Chủng ngừa chống rotavirus

Có một loại vắc xin hiệu quả chống lại rotavirus. Vắc xin này đã được sử dụng ở nhiều quốc gia và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Tại Việt Nam hiện nay em bé có thể được chủng ngừa bằng cách uống vaccine để giúp ngăn ngừa rotavirus. Trẻ được uống vaccine khi trẻ được 2 hoặc 3 tháng tuổi. Các loại vắc xin khác được tiêm chủng theo thời gian quy định.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.patient.co.uk/pdf/12507.pdf
  2. Nguyen VM et al. The epidemiology and disease burden of rotavirus in Vietnam: sentinel surveillance at 6 hospitals. J Infect Dis 2001; 183(12): 1707-12

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích