menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Những điều cần biết về hồi phục sau sinh

user

Ngày:

16/04/2013

user

Lượt xem:

417

Bài viết thứ 06/21 thuộc chủ đề “Chuyển dạ và Sinh nở”

Cuối cùng điều bạn mong đợi, hồi hộp cũng đã đến, con bạn đã chào đời. Tuy nhiên, bạn gần như đã kiệt sức, không thoải mái, tâm trạng rối bời với nhiều cảm xúc đan xen. Và bạn tự hỏi liệu bao lâu nữa bạn có thể mặc quần jean vừa vặn như trước. Các lớp tập huấn đã giúp bạn chuẩn bị cho việc sinh nở, nhưng bạn thì chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả những điều này!

Hồi phục sau sinh

Những thay đổi về thể chất trong một vài tuần đầu

Cũng giống như những thay đổi cảm xúc và thể chất lúc mang thai, sau khi con bạn chào đời, trong vài tuần lễ đầu bạn sẽ nhận thấy một số thay đổi cả về thể chất và cảm xúc.

Về thể chất, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Đau ngực trong vài ngày do căng sữa, núm vú cũng có thể đau.
  • Táo bón. Nhu động ruột đầu tiên sau chuyển dạ sẽ xuất hiện vài ngày sau sanh; bệnh trĩ, vết may tầng sinh môn đang lành, đau cơ có thể góp phần gây táo bón.
  • Cắt tầng sinh môn. Nếu vùng đáy chậu (vùng giữa bộ phận sinh dục và hậu môn) được bác sĩ cắt chủ động hoặc nếu bị rách trong khi sinh, các mũi khâu có thể làm đau vùng này khi bạn ngồi xuống hay đi bộ trong suốt thời gian lành bệnh. Nó cũng có thể gây đau khi bạn ho hoặc hắt hơi trong thời gian này.
  • Bệnh trĩ cũng thường gặp và thường xuất hiện bất ngờ (do dãn các búi tĩnh mạch ở trực tràng).
  • Những cơn nóng bừng hay ớn lạnh. Sự điều chỉnh của cơ thể bạn theo nồng độ của nội tiết và lưu lượng máu có thể ảnh hưởng lên vùng điều nhiệt của cơ thể và gây ra hiện tượng này.
  • Tiêu tiểu không kiểm soát. Các cơ vùng chậu bị kéo dãn trong khi sinh có thể làm cho bạn bị són tiểu khi ho, cười, hoặc căng thẳng, hoặc có thể gặp khó khăn khi kiểm soát nhu động ruột của bạn, đặc biệt nếu bạn chuyển dạ sinh ngả âm đạo kéo dài.
  • “Đau sau sinh”. Sau khi sinh, tử cung của bạn sẽ tiếp tục có các cơn co trong một vài ngày để thu hồi nhỏ lại. Điều này làm cho bạn bị đau bụng từng cơn, đặc biệt là khi cho bé bú hoặc khi bạn sử dụng thuốc để giảm chảy máu.
  • Sản dịch. Máu ra ở âm đạo lúc đầu sậm màu và nhiều hơn cả khi hành kinh, thường kèm máu cục, sau đó nhạt màu dần, chuyển sang màu trắng hoặc màu vàng và hết hẳn trong vòng vài tuần.
  • Trọng lượng. Trọng lượng sau khi sinh của bạn có thể giảm 5 – 6 kg (gồm trọng lượng của em bé, nhau thai và nước ối) so với trọng lượng của bạn vào thời điểm thai đủ tháng.

Những thay đổi về cảm xúc trong một vài tuần đầu

Bạn có thể có những thay đổi về cảm xúc như:

  • Rối loạn cảm xúc (baby blue). Nhiều người mới làm mẹ thường trải qua trạng thái kích thích, buồn bã, khóc, hay lo lắng, xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh. Những trạng thái này rất phổ biến và có thể liên quan đến thay đổi thể chất (bao gồm cả thay đổi nội tiết, mệt mỏi, và chưa có kinh nghiệm sinh đẻ). Những chuyển biến cảm xúc như vậy giúp bạn thích nghi với vai trò làm mẹ mới mẻ của mình và đứa con mới sinh. Tình trạng rối loạn cảm xúc này thường biến mất trong vòng một tuần.
  • Trầm cảm sau sinh. Nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn so với tình trạng rối loạn cảm xúc. Trầm cảm hiện diện trong 10% -25% các trường hợp mới làm mẹ. Nó có thể gây ra thay đổi tâm trạng, lo lắng, tội lỗi, và buồn dai dẳng. Trầm cảm sau sinh có thể được chẩn đoán đến một năm sau khi sinh. Nó thường gặp hơn ở những phụ nữ có tiền sử trầm cảm, căng thẳng nhiều trong cuộc sống, và tiền sử gia đình có bệnh trầm cảm.
Xem thêm bài Trầm cảm sau sinh của Ths. BS. Nguyễn Khánh Linh và Lê Minh Hòa 
  • Ngoài ra, khi nói đến quan hệ tình dục, hai vợ chồng bạn có thể chưa hòa hợp với nhau. Khi con bạn sắp chào đời, bạn thường có khuynh hướng ngưng quan hệ vợ chồng, trong khi chồng bạn vẫn luôn sẵn sàng cho chuyện đó. Sau khi sinh, bạn có thể chưa cảm thấy thoải mái về thể chất hoặc tình cảm – và thường không khao khát điều gì khác ngoài một giấc ngủ ngon. Thêm vào đó, các bác sĩ thường đề nghị người phụ nữ nên chờ đợi vài tuần để vết may tầng sinh môn lành trước khi quan hệ vợ chồng.

Quá trình lành vết mổ

Mất nhiều tháng để cơ thể chuẩn bị cho việc sinh nở, và phải mất thời gian để phục hồi. Nếu bạn sinh mổ, có thể mất thời gian lâu hơn để vết mổ lành. Quá trình này cũng có thể gây ra một số rối loạn về cảm xúc.

Bạn sẽ bị đau nhiều nhất vào vài ngày đầu sau mổ, sau đó các cơn đau này sẽ giảm dần. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về các biện pháp chăm sóc sau mổ, hướng dẫn bạn sinh hoạt lại bình thường, như tắm rửa và bắt đầu các bài tập nhẹ nhàng để tăng tốc độ phục hồi và tránh táo bón.

Hồi phục sau sinh 2

Những điều cần biết

  • Uống 8-10 ly nước mỗi ngày.
  • Theo dõi sản dịch.
  • Tránh đi cầu thang cho đến khi bác sĩ cho phép.
  • Đừng lái xe cho đến khi có sự đồng ý của bác sĩ. Ngoài ra, hãy đợi cho đến khi bạn có thể chịu được các chuyển động đột ngột và mang đai an toàn đúng cách mà không có cảm giác khó chịu.
  • Nếu vết mổ chuyển màu đỏ hoặc sưng lên, hãy gọi bác sĩ của bạn.

Ngừa thai

Bạn có thể mang thai lại trong thời gian hậu sản này. Mặc dù điều này ít có khả năng xảy ra nếu bạn cho bú mẹ hoàn toàn (cả ngày và đêm, không cho ăn dặm, không bú bình, ít nhất 8 lần một ngày, không bao giờ để hơn 3 giờ trong ngày hoặc 6 giờ vào ban đêm mà không cho bé bú), không có kinh, và con bạn dưới 6 tháng tuổi.

Nếu bạn muốn ngừa thai, hãy thảo luận với bác sĩ về các lựa chọn của bạn. Các biện pháp ngừa thai có thể sử dụng gồm các phương pháp rào cản (như bao cao su hoặc màng ngăn), dụng cụ tử cung, thuốc viên, miếng dán, que cấy, hoặc thuốc tiêm.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Bạn cần ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, nạp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là khi bạn đang cho con bú. Một cách dễ dàng để uống đủ nước là phải có một ly nước bất cứ nơi nào. Ít nhất cho đến khi bạn đủ sữa cho con bú, cố gắng tránh cà phê. Vì cà phê gây lợi tiểu, sẽ làm bạn dễ mất nước và đôi khi làm cho con bạn khó ngủ và quấy khóc.

Nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì khi nuôi con bằng sữa mẹ, hãy thông báo với bác sĩ, nữ hộ sinh của bạn, hoặc một chuyên gia dinh dưỡng. Phòng khám hoặc bệnh viện chuyên về nuôi con bằng sữa mẹ có thể tư vấn cho bạn làm thế nào để xử trí với bất kỳ vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ. Chữa tắc ống dẫn sữa bằng cách massage vú, chăm sóc thường xuyên, cho bú sau khi tắm nước ấm, dùng gạc ấm suốt cả ngày.

Nếu bạn bị sốt hay ớn lạnh hoặc vú của bạn bị đỏ, bạn có thể bị nhiễm trùng (viêm vú) và cần dùng thuốc kháng sinh. Gọi bác sĩ nếu điều này xảy ra. Tiếp tục cho con bú hoặc hút sữa vào bình để cho bé bú. Bạn cần uống nhiều nước trong lúc này.

Căng sữa – Ngực sẽ bớt căng sữa hơn khi bạn cho con bú đều đặn, hoặc nếu bạn không cho bé bú, cơ thể của bạn ngừng sản xuất sữa – thường là trong vòng một vài ngày.

Chăm sóc vết may tầng sinh môn

Tiếp tục ngồi tắm (nước ngập phần mông và trên hông) với nước lạnh trong vài ngày đầu tiên, sau đó dùng nước ấm. Ép hai mông lại khi ngồi để tránh các mũi khâu bị kéo căng sẽ gây đau.

Sử dụng một bình xịt nước ấm để rửa vùng kín mỗi khi đi vệ sinh. Lau cho khô. Sau khi đi tiêu nên lau từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng. Chườm lạnh để giảm sưng.

Nói với bác sĩ khi bạn muốn sử dụng một loại thuốc kháng viêm như ibuprofen để giảm đau và viêm.

Tập thể dục

Tập thể dục lại ngay sau khi bạn đã được sự cho phép của bác sĩ. Điều này giúp khôi phục lại sức khỏe và vóc dáng trước khi mang thai, tăng cường năng lượng và cảm giác thoải mái, đồng thời còn giúp giảm táo bón. Bắt đầu lại từ từ và tăng dần. Đi bộ và bơi lội là những lựa chọn tốt nhất.

Xem thêm bài Tập thể dục giữ vóc dáng sau sinh của TS. BS. Tô Mai Xuân Hồng và TS. Nguyễn Thị Thu Trang

Trĩ và táo bón

Tắm ngồi xen kẽ nước ấm và lạnh có thể giúp giảm bệnh trĩ. Ngồi trên một miếng nệm phồng cũng có thể giảm bệnh trĩ.

Hỏi bác sĩ về thuốc làm mềm phân. Không sử dụng thuốc nhuận trường, thuốc nhét hoặc dung dịch thụt tháo mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, trái cây và rau quả. Tập thể dục có thể rất hữu ích.

Quan hệ tình dục sau sinh

Cơ thể của bạn cần thời gian để lành lặn. Các bác sĩ thường khuyên bạn nên chờ đợi 4-6 tuần sau mới quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và hở vết may.

Bắt đầu từ từ, hôn, ôm ấp, và những cử chỉ thân mật khác. Bạn có thể cảm nhận chất nhờn âm đạo giảm (điều này là do hormone và thường chỉ là tạm thời), do đó bạn có thể sử dụng dung dịch bôi trơn. Cố gắng tìm tư thế ít gây áp lực nhất lên các vùng đau và khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất. Tâm sự với chồng nếu bạn đang đau hay sợ hãi về sự đau đớn trong khi quan hệ. Điều này có thể giúp cả hai bạn cảm thấy ít lo lắng và an toàn hơn khi nối lại đời sống tình dục của hai vợ chồng.

Tiêu tiểu không kiểm soát

Tiêu tiểu không kiểm soát thường biến mất dần khi cơ thể của bạn trở lại trạng thái bình thường trước khi mang thai. Bạn nên thực hiện các bài tập Kegel, giúp tăng cường các cơ sàn chậu. Hãy làm như bạn đang cố gắng để ngừng đi tiểu: co thắt cơ trong vài giây, sau đó thư giãn (bác sĩ có thể kiểm tra để chắc chắn rằng bạn thực hiện các động tác này một cách chính xác). Lót băng vệ sinh trong khi làm. Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ lần tiêu tiểu không kiểm soát nào mà bạn bị.

Những điều bạn có thể tự làm để giúp quá trình hồi phục nhanh hơn

Bạn sẽ cảm thấy rất thích thú trong vai trò mới – làm mẹ – và việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu bạn quan tâm cho cả bạn và em bé mới sinh. Ví dụ:

  • Khi bé ngủ, bạn cũng nên chợp mắt. Cố gắng nghỉ ngơi thêm.
  • Dành thời gian mỗi ngày để đọc sách hay nghe nhạc.
  • Tắm hàng ngày.
  • Tập thể dục và hít thở không khí trong lành, dù bạn phải trông bé hay có người trông hộ.
  • Dành thời gian tâm sự với chồng mỗi ngày đều đặn, dù chỉ 15 phút.
  • Dành thời gian mỗi ngày để vui chơi cùng con bạn, và khuyến khích chồng cùng làm điều này.
  • Giảm việc nội trợ và các tiêu chuẩn bữa ăn ngon trong thời gian này. Nên hạn chế tiếp khách trong thời gian này.
  • Nói chuyện với những người mới làm mẹ khác (có thể từ lớp tập huấn trước sinh của bạn) và tạo nhóm hỗ trợ riêng cho bạn.

Nhận sự trợ giúp từ những người khác

Hãy nhớ rằng, Người Phụ Nữ Hoàn Hảo chỉ là hư cấu. Hãy nhờ chồng, bạn bè và gia đình giúp đỡ. Hãy ghi lại những việc nhỏ và hữu ích mà người khác có thể giúp bạn ngay khi chúng nảy ra trong đầu bạn. Khi người khác đề nghị giúp đỡ, hãy kiểm tra danh sách này. Ví dụ:

  • Nhờ bạn bè hoặc người thân lấy đồ dùm bạn tại siêu thị, ghé qua và giữ em bé của bạn một lát trong khi bạn đi bộ hoặc tắm, hoặc có thể nhờ họ nấu dùm bạn một bữa ăn.
  • Thuê một người láng giềng hoặc một dịch vụ làm sạch đến dọn dẹp nhà.
  • Có thể thuê một người giúp việc hoặc một người hỗ trợ chuyên nghiệp về các dịch vụ chăm sóc sau sinh.

Khi nào cần gọi bác sĩ

Bạn nên gọi bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Sốt ≥ 38ºC.
  • Ra dịch âm đạo ướt đẫm hơn một tấm băng vệ sinh trong một giờ, có máu cục, hoặc sản dịch nhiều hơn.
  • Vết mổ lấy thai hoặc vết may tầng sinh môn viêm đỏ, căng, rỉ dịch hoặc mủ.
  • Chân bạn mới xuất hiện triệu chứng đau, sưng.
  • Vú bạn đau, đỏ, sờ thấy nóng, hoặc rạn nứt hay chảy máu từ núm vú hay quầng vú.
  • Sản dịch có mùi hôi.
  • Tiểu đau hay không kiểm soát được việc đi tiểu.
  • Có những cơn đau ngày càng tăng ở vùng âm đạo.
  • Mới xuất hiện ho, đau ngực, nôn ói.
  • Có ảo giác, chán nản hoặc ý nghĩ tự tử, hoặc bất kỳ suy nghĩ nào làm tổn hại đến em bé của bạn.

Mặc dù quá trình hồi phục sau sinh có rất nhiều việc khiến bạn phải nhức óc, mọi việc sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, trên hết, bạn hãy cứ tận hưởng cảm giác hạnh phúc bên đứa con mới chào đời của mình.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/labor-childbirth/recovering-from-delivery.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích