menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Các giai đoạn của chuyển dạ và sinh thường

user

Ngày:

27/08/2022

user

Lượt xem:

192

Bài viết thứ 18/20 thuộc chủ đề “Chuyển dạ và Sinh nở”

Biên dịch: Phạm Thu Hải

Hiệu đính: Bs Hoàng Bảo Nhân

Giai đoạn 1 của chuyển dạ

Trong giai đoạn 1 của chuyển dạ, các cơn co làm cho cổ tử cung mở từ từ. Đây là giai đoạn dài nhất trong quá trình chuyển dạ sinh thường.

Khi bắt đầu giai đoạn chuyển dạ, cổ tử cung sẽ bắt đầu mềm và mở ra. Giai đoạn này gọi là thời kỳ tiềm tàng, bạn có thể cảm thấy những cơn co tử cung không đều đặn. Trước khi chính thức bước vào chuyển dạ, giai đoạn tiềm tàng có thể kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày.

Chuyển dạ bắt đầu là khi cổ tử cung mở được 4cm và những cơn co tử cung trở nên đều đặn.

Ở giai đoạn tiềm tàng, bạn nên ăn uống bởi vì quá trình chuyển dạ cần rất nhiều năng lượng.

Nếu chuyển dạ vào ban đêm, hãy cố gắng giữ thoải mái và thư giãn, nên ngủ nếu có thể.

Nếu chuyển dạ vào ban ngày, bạn nên đứng thẳng và hoạt động nhẹ nhàng. Điều này giúp em bé của bạn di chuyển xuống khung xương chậu và cũng giúp cổ tử cung giãn nở tốt hơn.

Những bài tập thở, mát xa và tắm nước ấm có thể giúp giảm đau trong giai đoạn đầu của chuyện dạ.

Liên hệ đội hộ sinh khi có các dấu hiệu

+ Các cơn co đều nhau và mỗi 10 phút bạn có 3 cơn co.

+ Vỡ nước ối.

+ Các cơ co mạnh và bạn cần giảm đau.

+ Bạn lo lắng về bất cứ điều gì.

Nếu bạn đến bệnh viện hoặc nhà hộ sinh trước khi cuộc chuyển dạ thực sự bắt đầu, các nhân viên y tế (Bác sĩ hoặc hộ sinh) có thể khuyên bạn về nhà và chờ đợi.

Khi chuyển dạ bắt đầu, hộ sinh sẽ thăm khám thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn cũng như quá trình chuyển dạ để có thể hỗ trợ bạn và giảm đau nếu cần thiết.

Bạn có thể đi bộ xung quanh hoặc tìm một tư thế thoải mái để quá trình chuyển dạ suôn sẻ.

Hộ sinh sẽ kiểm tra âm đạo để theo dõi quá trình chuyển dạ. Nếu bạn không muốn thì bạn có thể từ chối, tuy nhiên nữ hộ sinh của bạn sẽ giải thích sự cần thiết của việc thăm khám thường xuyên đó.

Cổ tử cung của bạn cần phải mở khoảng 10cm để cho em bé có thể ra ngoài. Khi đó, cổ tử cung đã mở hết.

Trong giai đoạn 1 của chuyển dạ, thời gian từ lúc bắt đầu đến khi cố tử cung mở hết thường kéo dài 8-12 giờ. Nếu bạn mang thai lần 2, lần 3, giai đoạn này sẽ rút ngắn lại (khoảng 5 tiếng).

Khi sắp kết thúc giai đoạn 1 của chuyển dạ, bạn có thể cảm thấy mót rặn.

Theo dõi em bé trong quá trình sinh nở

Trong quá trình sinh nở, hộ sinh sẽ theo dõi sức khỏe của cả bạn và em bé để bảo đảm rằng cả hai đều ổn trong khi chuyển dạ..

Việc theo dõi này bao gồm việc sử dụng một thiết bị cầm tay. Thiết bị này dùng để nghe tiếng tim thai mỗi 15 phút. Lúc này bạn có thể đi lại thoải mái nếu bạn muốn.

Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ, hoặc khi bạn lựa chọn giảm đau trong đẻ bằng gây tê tủy sống thì tim thai cần phải được theo dõi liên tục bằng máy đo tim thai (Máy CTG – Cardiotocography). Máy này bao gồm hai đầu dò được gắn vào bụng của bạn.Một đầu dò để theo dõi các cơn co tử cung và một đầu dò để theo dõi nhịp tim thai. Các đầu dò đó được kết nối với một máy theo dõi  và trên đó bạn sẽ thấy nhịp tim thai và cơn co tử cung.

Có một số máy sử dụng đầu dò được gắn vào da đầu em bé, điều này giúp theo dõi nhịp tim thai chính xác hơn.

Bạn có thể yêu cầu được theo dõi tim thai liên tục dù không có vấn đề gì. Tuy nhiên, như vậy bạn sẽ phải nằm yên một chỗ và hạn chế cử động.

Nếu nhịp tim thai của bạn có vấn đề, việc sử dụng máy CTG là cần thiết. Tuy nhiên, nếu CTG bình thường thì máy có thể được tháo ra để bạn đi lại thoải mái.

Máy theo dõi nhịp tim thai bằng đầu dò gắn trên da đầu em bé sẽ chỉ được tháo khi em bé đã được sinh ra.

Chuyển dạ có thể chậm hơn so với dự kiến. Nguyên nhân là do cơn co tử cung không đều hoặc yếu, hay em bé đang trong một tư thế không thuận lợi để sinh thường.

Lúc này, bác sĩ hoặc hộ sinh sẽ chọn: chọc ối hoặc truyền oxytocin để tăng tốc độ chuyển dạ.

Chọc ối

Màng ối là màng bọc chứa nước ối quanh em bé, chọc ối thường là đủ để gây ra những cơn co mạnh và đều hơn. Thủ thuật này được gọi là chọc ối nhân tạo (ARM).

Hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn sẽ tạo một lỗ nhỏ trên màng ối trong lúc khám âm đạo. Điều này giúp các cơn co mạnh hơn và bạn sẽ thấy đau hơn. Vì vậy hộ sinh sẽ đề nghị bạn sử dụng giảm đau.

Truyền oxytocin 

Nếu chọc ối thất bại, hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ lựa chọn truyền oxytocin (syntocinon) để cơn co mạnh hơn. Oxytocin sẽ được truyền nhỏ giọt qua tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch cổ tay hoặc tĩnh mạch cánh tay.

Oxytocin làm cho các cơn co tử cung mạnh và đều hơn. Truyền oxytocin thường có hiệu quả rất nhanh và bạn sẽ được đề nghị dùng giảm đau.

Sau khi tiêm truyền oxytocin, bạn phải theo dõi qua CTG và thăm khám âm đạo thường xuyên hơn.

Giai đoạn 2 của chuyển dạ

Giai đoạn này kéo dài từ lúc cổ tử cung mở hết đến khi em bé được sinh ra.

Xác định tư thế để sinh thường

Hộ sinh của bạn sẽ giúp bạn xác định một tư thế phù hợp để sinh em bé. Bạn có thể ngồi, nằm nghiêng một bên, đứng, quỳ, hoặc squat. Tuy nhiên, squat có thể khó nếu bạn chưa quen tư thế đó.

Nếu bạn có chứng đau lưng khi sinh, có thể lựa chọn tư thế hai tay chống đất và hai chân quỳ. Trước khi sinh, bạn có thể thử các tư thế để tìm tư thế phù hợp. Hãy chia sẻ điều này với chồng bạn để bạn có những sự giúp đỡ từ họ.

Rặn đẻ

Khi cổ tử cung mở hết, em bé sẽ di chuyển dần xuống cổ tử cung và âm đạo để ra ngoài. Bạn cần có một cơn co để đẩy em bé ra ngoài. Bạn sẽ có cảm giác mót rặn như khi đi vệ sinh.

Bạn có thể rặn giữa các cơn co bất cứ khi nào cảm thấy mót rặn. Bạn có thể không cảm thấy mót rặn để rặn ngay lập tức. Nếu bạn gây tê ngoài màng cứng, bạn có thể không cảm thấy cảm giác này. Lúc đó, bạn sẽ rặn sinh dưới sự hướng dẫn của hộ sinh hoặc của bác sĩ.

Nếu bạn mang thai lần đầu, quá trình rặn có thể kéo dài không quá 3 giờ. Nếu bạn đã từng mang thai rồi, quá trình này kéo dài không quá hai giờ.

Sinh thường là một việc nặng nhọc, tuy nhiên bạn sẽ được hỗ trợ, động viên từ hộ sinh. Chồng bạn cũng có thể có mặt để hỗ trợ bạn.

Giai đoạn 3 của giai đoạn chuyển dạ

Trong giai đoạn 3, cơn co tử cung sẽ giúp bánh nhau sẽ đi ra ngoài theo đường âm đạo.

Trong giai đoạn này, có 2 biện pháp can thiệp:

+ Can thiệp chủ động (xử lý tích cực giai đoạn 3). Đây là cách sử dụng các b làm giai đoạn 3 diễn ra nhanh hơn.

+ Không can thiệp. không sử dụng các biện pháp can thiệp và quá trình này diễn ra tự nhiên.

Hộ sinh của bạn sẽ giải thích cả hai cách khi bạn mang thai hoặc trong giai đoạn 1 của chuyển dạ và bạn có  thể chọn cách bạn muốn.

Có một vài trường hợp bắt buộc phải can thiệp tích cực. Khi đó, hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ giải thích cho bạn.

Thế nào là can thiệp tích cực giai đoạn 3?

Hộ sinh của bạn sẽ tiêm oxytocin vào bắp đùi của bạn ngay sau khi em bé được sinh ra. Điều này sẽ tạo nên cơn co tử cung.

Có bằng chứng cho rằng không nên cắt dây rốn ngay tức thì sau khi sinh. Vì vậy, hộ sinh sẽ đợi khoảng 1 đến 5 phút sau sinh để làm việc này. Việc cắt dây rốn phải bắt buộc làm sớm nếu em bé gặp sự cố như dây rốn quấn chặt cổ.

Khi nhau thai đã bong khỏi tử cung, hộ sinh sẽ kéo dây rốn – dây nối liền với nhau thai- kéo cả nhau thai ra ngoài qua âm đạo. Việc này thường diễn ra trong 30 phút sau khi em bé đã được sinh ra.

Can thiệp chủ động làm bong nhanh nhau thai, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh, tuy nhiên nó cũng là tăng một số nguy cơ cho bạn. Và nó cũng khiến bạn cảm thấy đau (giống như khi tử cung co) hoặc thậm chí là đau hơn.

Thế nào là điều trị không can thiệp?

Khi không tiêm oxytocin vào đùi, giai đoạn 3 diễn ra tự nhiên.

Dây rốn không được cắt cho đến khi tự nó hết đập. Điều này có nghĩa là máu vẫn sẽ tiếp tục tự truyền từ nhau thai sang em bé. Việc này diễn ra trong khoảng 2 đến 4 phút.

Khi nhau thai bong khỏi tử cung, bạn cảm thấy nặng bụng dưới. Lúc này bạn cần rặn để nhau thai ra ngoài. Quá trình này có thể kéo dài đến một tiếng. Tuy nhiên nếu nhau đã bong, bạn chỉ cần vài phút để rặn.

Nếu nhau thai không bong ra tự nhiên hoặc bạn bắt đầu mất máu nặng, bạn sẽ được hộ sinh hoặc bác sĩ khuyên chuyển sang can thiệp tích cực. Bạn có thể được can thiệp điều này vào bất cứ lúc nào trong giai đoạn 3 của chuyển dạ.

Tài liệu tham khảo

www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/the-stages-of-labour-and-birth

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích