menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Vì sao con bạn khóc và cách xử trí

user

Ngày:

20/07/2017

user

Lượt xem:

954

Bài viết thứ 12/24 thuộc chủ đề “Chăm sóc trẻ sơ sinh”

Khi con bạn còn nhỏ, khóc là cách duy nhất để giao tiếp với bố mẹ, qua đó bé muốn truyền đạt những nhu cầu của mình, và cũng là cách để phản hồi tới bố mẹ.

Nhưng đôi khi cũng rất khó để biết được con bạn cần gì. Khi lớn hơn, bé sẽ học được nhiều cách khác để giao tiếp với bố mẹ. Ví dụ, bé sẽ giao tiếp bằng mắt tốt hơn, tạo tiếng ồn và mỉm cười.

Nhưng trong thời gian khi mà bé chỉ biết giao tiếp bằng khóc, bạn cần phải hiểu được bé đang cần gì. Đây là một số lý do tại sao con bạn khóc, và bạn có thể làm gì dỗ bé.

Bé khóc

Bé khóc vì đói

Đói là một trong những lý do thường gặp nhất làm con bạn khóc, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Càng nhỏ bé càng hay khóc vì đói.

Dạ dày của em bé còn nhỏ và không thể chứa đựng được nhiều nên sẽ bị đói rất nhanh. Nếu được nuôi bằng sữa mẹ, hãy cho trẻ bú, ngay cả khi vừa mới bú cách đây không lâu. Đây được gọi là cho bú theo nhu cầu.

Nếu được cho bú bằng sữa công thức, con bạn có thể không cần thêm sữa trong ít nhất hai giờ sau bữa bú. Tuy nhiên mỗi trẻ mỗi khác. Một số bé thích bú ít trong mỗi bữa nhưng lại thích bú nhiều lần. Trong trường hợp này, bạn có thể thử cho các bữa bú gần nhau hơn.

Nếu bé không hết khóc ngay nhưng vẫn còn muốn bú, hãy để cho bé bú tiếp.

Chỉ là vì bé muốn khóc

Khi con bạn nhỏ hơn 4 tháng tuổi, bé có thể khóc nhiều hơn vào đêm hoặc chiều tối. Điều này có thể là bình thường, và không có nghĩa là trẻ có bệnh tật gì.

Khóc kéo dài ở những bé khỏe mạnh đôi khi còn được gọi là cơn đau bụng nhũ nhi (colic). Con của bạn có thể khóc đến đỏ mặt và không gì có thể làm bé thoải mái được. Ngoài khóc, bé có thể biểu hiện khó chịu như nắm chặt tay, gập gối và cong lưng.

Một số quan điểm cho rằng có liên quan giữa colic và các vấn đề của bụng, có thể là do dị ứng hay bất dung nạp thứ gì đó trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Ngày nay, chúng ta có những hiểu biết nhiều hơn về thế nào là biểu hiện của một cơn khóc colic. Một số chuyên gia cho rằng colic không liên quan đến các vấn đề ở bụng. Cơn khóc này có những biểu hiện sau:

  • Đỉnh của cơn khóc. Mỗi tuần, bé có thể sẽ khóc nhiều hơn, nhiều nhất lúc hai tháng tuổi, sau đó giảm vào giữa tháng thứ ba và tháng thứ năm.
  • Khóc đột ngột. Cơn khóc có thể đến và đi mà bạn không biết vì sao.
  • Không dỗ được. Không may, dù bạn đã thử mọi cách có thể, bé của bạn có thể vẫn không ngừng khóc.
  • Vẻ mặt như là đau đớn. Con bạn có thể như đang đau đớn, nhưng có lẽ thực tế không phải vậy.
  • Thời gian khóc kéo dài. Khóc có thể kéo dài vài giờ trong một ngày.
  • Buổi tối. Con bạn thường khóc nhiều hơn vào buổi chiều tối hoặc về đêm.

Có một em bé khóc nhiều thực sự làm không khí trong gia đình rất căng thẳng. Tuy nhiên cũng có một số phương pháp giúp bạn đối phó, sẽ được trình bày ở phần sau.

Bé khóc vì cần được ôm ấp

Em bé rất cần được âu yếm, sự tương tác từ bố mẹ cũng như cảm giác được an toàn. Vì vậy bé khóc cũng có thể là do chỉ muốn được ôm ấp mà thôi.

Vỗ về và hát ru trong khi bạn ôm ấp bé sẽ giúp bé cảm giác thoải mái hơn.

Khi bạn ôm ấp con của mình, bé có thể được dỗ dành bởi chính nhịp đập từ trái tim, từ hơi ấm cũng như mùi cơ thể của chính bạn. Bạn có thể thử sử dụng các loại địu (babywearing) để giữ trẻ bên cạnh bạn được lâu hơn.

Bé khóc vì mệt và cần được nghỉ ngơi

Bé thường sẽ biểu hiện khó ngủ, đặc biệt là khi quá mệt mỏi. Sau khi có con, bạn sẽ nhanh chóng nhận biết được những dấu hiệu nào là khi con bạn buồn ngủ. Chẳng hạn như bứt rứt, khóc nhè dù với những kích thích nhẹ nhất, nhìn chằm chằm vào không gian và trở nên yên lặng.

Chú ý quá nhiều vào những vị khách đến thăm có thể kích thích bé và gây khó ngủ. Trước giờ đi ngủ, hãy thử cho bé ở trong một căn phòng yên tĩnh có thể giúp bé dễ ngủ hơn.

Bé khóc vì lạnh hay nóng quá

Bạn có thể kiểm tra liệu bé của bạn có bị nóng hoặc lạnh quá hay không bằng cách cảm nhận bụng của bé. Đừng ước lượng nhiệt độ bằng cách sờ bàn tay hay bàn chân của bé. Có thể bạn cảm nhận bình thường nhưng với trẻ thì đang lạnh.

Sử dụng tấm vải hay các loại chăn lưới để làm giường hoặc nôi cho trẻ. Nếu bạn cảm nhận bụng trẻ quá nóng, hãy lấy bớt chăn, nếu cảm giác lạnh, thêm chăn cho bé.

Chú ý không mang quá nhiều áo quần vì có thể làm bé quá nóng. Nói chung bé thường chỉ cần mang nhiều hơn bạn một lớp áo quần mà thôi.

Bé khóc vì cần thay tã

Bé sẽ phản ứng lại nếu tã bị ẩm ướt hoặc bị bẩn. Một số trẻ cũng chẳng để ý điều này trừ khi da của chúng cảm thấy bị kích thích.

Nếu con bạn có vẻ không thích được thay tã. Đó có thể là do khi bạn thay tã, bé có cảm giác lạ do có không khí lạnh ở trên da. Bạn sẽ giải quyết được chuyện này sau một hoặc vài tuần. Khi bạn biết cách thay tã chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn. Nếu không được, khi bạn thay tã, hãy thử đánh lạc hướng bé bằng một bài hát hay đồ chơi mà bé có thể nhìn và để ý.

Bé khóc vì thấy không được khỏe

Khi bé bị ốm, hầu như các bé đều khóc nhưng với giọng khóc rất khác biệt so với những lần trước đây. Bé có thể khóc yếu hơn, cũng có thể khóc dữ dội hơn, khóc liên tục hay âm sắc cao (kiểu khóc thét). Nếu bé khóc nhiều những sau đó trở nên im lặng khác thường. Đó cũng có thể là một dấu hiệu chứng tỏ bé bị bệnh.

Mọc răng cũng có thể làm bé trở nên khó chịu hơn bình thường. Trẻ thường cáu kỉnh và thao thức khó ngủ trong tuần trước khi răng mọc. Bạn có thể tìm hiểu thêm các dấu hiệu của mọc răng ở những bài viết khác.

Tuy nhiên, rõ ràng là không ai biết rõ bé có khỏe hay không bằng chính bạn. Vì vậy, nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn với con mình, hãy gọi cho nhân viên y tế hay đem con đi khám. Các bác sĩ sẽ có những thăm khám tỉ mỉ và cụ thể hơn.

Hãy đem bé đi khám ngay nếu như bé khóc kéo dài và có sốt, nôn, hay tiêu chảy hoặc táo bón.

Nếu bé có biểu hiện khó thở khi khóc. Hãy gọi ngay cho tổng đài cấp cứu để nhận được những tư vấn tức thời và hãy đưa trẻ đến phòng cấp cứu nhi gần nhất.

Bé vẫn còn khóc. Làm thế nào để dỗ?

Khi bạn dần dần hiểu được tính cách của bé. Bạn sẽ tự học dược cách dỗ tốt nhất cho con bạn. Nếu việc ôm ấp hay cho bú không thành công, bạn có thể thử một số cách sau:

Hãy cho bé nghe một âm thanh có âm sắc đều đều.

Trong tử cung, em bé có thể nghe được nhịp đập từ trái tim của bạn. Sau khi chào đời, chắc chắn bé vẫn thích được ôm ấp gần bạn bởi vì tiếng tim của mẹ vẫn rất quen thuộc với bé.

Cũng có thể cho trẻ nghe những tiếng ồn khác tương tự những âm thanh mà bé nghe được khi còn trong tử cung. Tiếng ồn lặp lại của máy hút bụi hay máy sấy tóc có thể giúp bé dễ ngủ hơn. Hoặc bạn có thể bế bé đến phòng cạnh máy giặt. Nhịp điệu đều đều của máy có tác dụng làm bé êm dịu hơn.

Bạn cũng có thể tải về những file hoặc những ứng dụng điện thoại có tên là “tiếng ồn trắng – white noise”, hay là mua một đĩa CD được ghi dành riêng cho em bé.

Ru bé ngủ.

Hầu hết các bé đều được thích ru nhẹ nhàng. Bạn có thể ru ngủ em bé khi:

  • Đi dạo.
  • Đặt bé trong một ghế ru ngủ.
  • Trong nôi/võng.

Bạn cũng có thể thử cho trẻ ngồi trong xe hơi và chở đi hay cho bé đi dạo trong xe đẩy.

Thử mát-xa hay xoa bụng cho trẻ.

Sử dụng dầu hay kem mát-xa, xoa nhẹ nhàng lưng hay bụng của bé theo chiều kim đồng hồ.

Mát-xa thường xuyên sẽ giúp con bạn giảm quấy khóc. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để mát-xa cho bé là khi bé đang ổn định và tỉnh chứ không phải khi bé đang quấy khóc hay ngủ rồi. Nếu bé khóc trong khi đang mát-xa thì nên dừng lại. Vì bé đang muốn nói với bạn là không cần mát-xa thêm nữa.

Thử thay đổi tư thế cho bú.

Một số trẻ khóc trong hoặc sau khi cho bú. Nếu bạn cho con bú, bạn có thể nhận thấy được thay đổi cách bế khi cho bú có thể giúp bé thoải mái hơn, không khóc nữa. Tuy nhiên bạn cần hỏi người có chuyên môn xem tư thế cho bú mới có đảm bảo cho trẻ bú tốt hay không.

Nếu bé được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa bình mà bạn cảm thấy có vẻ như bé khó chịu vì cảm giác đầy hơi, có thể con bạn ưa thích được cho bú ở tư thế đứng thẳng hơn.

Giúp trẻ loại bỏ hơi sau bú bằng cách ôm bé tựa vào vai của bạn và vỗ hay xoa nhẹ nhàng lên lưng của bé. Nếu con bạn khóc ngay sau khi kết thúc bữa bú, có thể bé vẫn còn đói.

Hãy cho bé ngậm một thứ gì đó.

Với một số bé, nhu cầu bú rất lớn. Khi bạn nuôi bằng sữa mẹ, hãy để cho trẻ tiếp tục ngậm vú để trẻ thoải mái. Một cách khác, bạn có thể cho trẻ ngậm ngón tay hoặc khớp đốt ngón tay sạch của bạn. Hầu hết các bé sẽ không bao giờ cần tới núm vú giả. Tuy nhiên, đây cũng là một sự lựa chọn mà bạn có thể thử nếu nó có thể giúp cho con bạn dễ ngủ hơn.

Tắm ấm cho em bé.

Tắm nước ấm có thể giúp bé êm dịu hơn. Nhớ phải kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi tắm bé. Nhiệt độ nên trong khoảng 37 – 38 độ C. Nếu không có nhiệt kế, hãy đặt khuỷu tay của bạn vào trong nước, cách này sẽ giúp bạn cảm nhận được nước có nóng hay lạnh quá hay không.

Cần lưu ý rằng, không phải trẻ nào cũng thích cảm giác ngâm mình ở trong nước nên một số có thể khóc nhiều hơn. Khi đó, bạn cũng sẽ biết được con bạn thích hay không thích điều gì.

Nên làm gì nếu đã thử mọi cách những vẫn không dỗ được?

Thực ra, trẻ em khóc là chuyện bình thường, vì vậy cũng đừng tự trách bản thân mình nếu như không dỗ được bé.

Bé có thể khóc liên tục nhưng không gây hại gì cho bé. Dù vậy, điều này làm bố mẹ bé trong trạng thái căng thẳng. Nếu bé vẫn khó chịu và từ chối mọi cố gắng dỗ dành, có khi bạn sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và chán nản.

Tuy nhiên bạn phải hiểu rõ rằng bạn không phải là nguyên nhân làm trẻ khóc. Đôi khi, đơn giản chỉ là phải chấp nhận bạn có một em bé hay khóc mà thôi. Sau khi bạn đã đáp ứng hết những nhu cầu của bé và đã thử mọi cách để dỗ dành bé. Đây là lúc bạn cũng phải tự chăm sóc cho bản thân mình và tìm kiếm một hướng giải quyết khác:

  • Hãy đặt bé trong nôi và tránh không nghe bé khóc trong một vài phút. Hít một hơi thật sâu và để cho bản thân bạn được thư giãn một lúc.
  • Nếu bạn và cả bé đều trở nên mệt mỏi và bạn cũng đã thử mọi cách. Hãy nhờ một người bạn hay họ hàng để giúp đỡ. Bạn hãy nghỉ ngơi một chút và để cho họ chăm sóc em bé.
  • Tìm sự hỗ trợ từ những cặp bố mẹ ở gần nhà. Cách này giúp bạn có thể gặp gỡ được thêm nhiều gia đình cũng có hoàn cảnh tương tự của bạn và có được sự hỗ trợ về tinh thần.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm kiếm một phương pháp giải quyết khác.
  • Hãy gọi cho trung tâm hỗ trợ nếu khu vực bạn sống có dịch vụ này.

Khóc nhiều chỉ là một giai đoạn của bé mà thôi. Đây là một biểu hiện rất thường gặp và sẽ chóng trôi qua. Khi bé lớn hơn, bé sẽ học được thêm nhiều cách khác để truyền đạt những nhu cầu của bé cho bạn. Và khi làm được điều đó, những cơn khóc dữ dội này sẽ nhanh chóng kết thúc. Tuy nhiên lưu ý rằng, nếu bạn cảm thấy con bạn khóc một cách khác thường cũng như cảm giác cháu không khỏe, hãy đưa con bạn đến khám bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

https://www.babycentre.co.uk/a536698/seven-reasons-babies-cry-and-how-to-soothe-them

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích