menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ngộ độc thủy ngân: Điều trị y tế và phòng tránh tại nhà

user

Ngày:

05/09/2019

user

Lượt xem:

2577

Bài viết thứ 11/11 thuộc chủ đề “Phòng tránh chấn thương tại nhà”

Điều trị y tế khi bị ngộ độc thủy ngân

Khi nghi ngờ hoặc phơi nhiễm với bất kỳ dạng nào của thủy ngân đều cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu nghi ngờ có phơi nhiễm cấp tính, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay nhằm tránh các tổn thương không phục hồi trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Nên tham vấn với trung tâm kiểm soát độc chất và chuyên gia y tế về độc chất. Trong các vụ ngộ độc lớn, nhân viên kiểm soát độc chất của thành phố hoặc quốc gia cần được thông báo để hạn chế sự phơi nhiễm độc hại trong cộng đồng.

Đối với phơi nhiễm cấp tính, bước đầu tiên là cách ly nạn nhân khỏi nguồn thủy ngân, đồng thời cảnh báo những người xung quanh. Nếu có thể, quần áo bị nhiễm bẩn của nạn nhân nên được cởi bỏ, gói lại để xử lý. Nếu hít phải hơi thủy ngân cấp tính một lượng lớn, cần phải tiến hành cấp cứu hô hấp (dùng thuốc giãn phế quản hoặc đặt nội khí quản). Nếu nuốt phải các dạng thủy ngân vô cơ gây ăn mòn, không nên dùng thuốc gây nôn (emetic) vì việc nôn mửa có thể làm tăng nguy cơ độc tố tiếp xúc da.

Với phơi nhiễm mãn tính, nguồn thủy ngân cần phải được xác định và sau đó cách ly khỏi môi trường sống để giảm tiếp xúc.

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại ngộ độc thủy ngân. Nếu nuốt phải cục pin hoặc một dạng thủy ngân vô cơ ăn mòn, việc điều trị sẽ thường bắt đầu bằng việc loại bỏ nguồn độc tố, tiến hành bởi bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm. Nếu nuốt phải thủy ngân vô cơ ở dạng lỏng (không được bọc lại như pin), nên sử dụng than hoạt tính nhằm hấp thụ và bất hoạt thủy ngân. Súc rửa dạ dày “tích cực” cũng được khuyến cáo để loại bỏ độc tố. Những bệnh nhân này cũng hay được truyền dịch bổ sung vì tiêu chảy thường xảy ra bởi độc tố phá hủy niêm mạc ruột.

Ngộ độc thủy ngân hữu cơ cấp tính được xử lý tương tự như ngộ độ vô cơ, ngoại trừ việc độc tố thường không ảnh hưởng ngay đến các tế bào ruột. Việc điều trị có thể không cần tới than hoạt tính và thuốc nhuận tràng.

Nuốt phải thủy ngân đơn chất (ví dụ, từ nhiệt kế bị hỏng) thường không ảnh hưởng đến các tế bào đường tiêu hóa trừ khi chúng bị tổn thương từ trước (ví dụ, những người bị viêm loét đại tràng, có lỗ rò hoặc viêm túi thừa). Thuốc nhuận tràng có thể loại bỏ được thủy ngân đơn chất. Nếu đường ruột bị tổn thương, có thể cần điều trị “tích cực” hơn.

Điều trị y tế và phòng tránh ngộ độc thủy ngân tại nhà

Ngoài ra, điều trị có thể bao gồm cả việc dùng các chất tạo phức (chelators) có khả năng bắt giữ hầu hết các dạng thủy ngân độc hại. Những chất này cạnh tranh với các nhóm sulfhydryl mà thủy ngân dùng để liên kết với tế bào, qua đó ngăn cản độc tính do thủy ngân gây ra. Thuốc thường được sử dụng là Dimercaprol. Các phân tử thủy ngân gắn với Dimercaprol có thể được loại bỏ bằng phương pháp lọc máu. Dimercaprol không nên được sử dụng khi tiếp xúc với methylmercury vì nó có thể làm tăng độc tính lên não và tủy sống. Một tác nhân chelating khác được sử dụng cho cả hai dạng ngộ độc thủy ngân hữu cơ và vô cơ (phơi nhiễm mãn tính và nhẹ) là DMSA (2, 3 – dimercaptosuccinic acid, succimer).

Lưu ý rằng việc điều trị là rất phức tạp và cần ý kiến chuyên gia về độc chất để xác định liều lượng thuốc thích hợp cho từng bệnh nhân.

Theo dõi khi bị ngộ độc thủy ngân

Việc theo dõi khi bị ngộ độc thủy ngân là rất quan trọng để chắc chắn nguồn độc tố được loại bỏ hoàn toàn hoặc không thể gây hại nữa. Điều này đôi khi khó thực hiện nếu nguồn độc tố là từ sản xuất công nghiệp hoặc có trong môi trường. Các cơ quan quản lý chính phủ cần thông báo rõ ràng với trách nhiệm cao để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân, đặc biệt là ngộ độc thủy ngân hữu cơ bị tổn thương thần kinh và họ cần được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được theo dõi, điều trị và phục hồi chức năng.

Chăm sóc tại nhà khi bị ngộ độc thủy ngân

Khác với tầm quan trọng của việc tránh các nguồn ngộ độc thủy ngân tiềm ẩn, việc chăm sóc tại nhà không được đề cao. Tuy nhiên, các biện pháp phòng tránh dưới đây được liệt kê để giúp ngăn ngừa tiếp xúc với các dạng thủy ngân tại nhà và các nơi khác.

Phòng chống ngộ độc thủy ngân

Phòng chống ngộ độc thủy ngân sẽ rất khó khăn nếu không biết nguồn gây độc. Do đó, việc ngăn ngừa cần bắt đầu bằng việc xác định các nguồn độc tố tiềm ẩn hoặc đã biết, sau đó ngừng sản xuất hoặc cô lập chất độc để không ai tiếp xúc được nữa. Các tình huống này thường gặp ở các nguồn thủy ngân công nghiệp hoặc trong môi trường. Rất cần sự can thiệp quyết liệt, có trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để thiết lập các phương án phòng tránh tiếp xúc với thủy ngân.

Phòng chống ngộ độc thủy ngân tại nhà

Tại mỗi gia đình, có một số vật dụng chứa thủy ngân (ví dụ như nhiệt kế, thiết bị y tế, một số chất khử trùng, bóng đèn huỳnh quang) có khả năng trở thành nguồn gây ngộ độc thủy ngân. Mọi người nên đọc tên nhãn hiệu sản phẩm để xem chúng có chứa thủy ngân hay không, có ghi cảnh báo về độc tính tiềm ẩn hoặc có hướng dẫn về cách xử lý sản phẩm khi bị hỏng hoặc không sử dụng được.

Một số quốc gia có một bộ hướng dẫn chi tiết về những việc nên làm và không nên làm khi thủy ngân bị thoát ra ngoài, ví dụ khi bóng đèn huỳnh quang bị vỡ. Các hướng dẫn đó cũng cho biết làm thế nào để loại bỏ các sản phẩm có chứa thủy ngân.

Phòng chống ngộ độc thủy ngân – Chất trám răng hỗn hợp

Mọi người cũng có thể lo ngại về thủy ngân dùng trong vật liệu trám răng. Tuy nhiên, nhiều tổ chức y khoa uy tín như Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã khẳng định rằng không có bằng chứng cho thấy thủy ngân, ngay cả với lượng nhỏ, trong vật liệu trám răng có thể gây hại. Tuy nhiên, hiện đang có một số loại vật liệu trám răng khác tiện dụng hơn, giúp bệnh nhân có thêm nhiều lựa chọn.

Phòng chống ngộ độc thủy ngân – Cá và động vật có vỏ

Cá và động vật có vỏ như tôm, cua, sò, ốc… thường được xem là một thành phần không thể thiếu của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều chứa một lượng nhỏ methylmercury. Để phòng ngừa nhiễm methylmercury độc hại khi ăn hải sản, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra các khuyến cáo như không ăn cá mập, cá kiếm, cá thu hoàng đế,… vì chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao. Cũng nên chú ý đến các cảnh báo của địa phương về sự an toàn của cá được đánh bắt ở các sông, hồ và khu vực ven biển (Cần bổ sung thông tin ở Việt Nam).

Phụ nữ đang có ý định mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú phải đặc biệt chú ý khi tuân theo những khyến cáo này vì não và tủy sống của thai nhi, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với thủy ngân.

Vắc-xin không gây ngộ độc thủy ngân

Một mối quan tâm thường gặp khác là việc sử dụng thimerosal, một chất bảo quản có thủy ngân được sử dụng trong các chế phẩm vắc-xin. Thimerosal chỉ có trong một số vắc-xin cúm, các vắc-xin còn lại hầu như không chứa chất này. Tuy nhiên, lượng thủy ngân trong thimerosal rất thấp. Năm 2008, CDC khuyến cáo rằng vắc-xin cúm hiện nay là an toàn đề sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ em vì chúng chứa rất ít thủy ngân.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.emedicinehealth.com/mercury_poisoning/article_em.htm
  2. https://emedicine.medscape.com/article/1175560-treatment#d9
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích