menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Chăm sóc trẻ khỏe giai đoạn 12 tháng tuổi

user

Ngày:

25/05/2015

user

Lượt xem:

4327

Bài viết thứ 22/24 thuộc chủ đề “Chăm sóc trẻ sơ sinh”

Phát triển thể chất

Ở độ tuổi 12 tháng bé có thể: tự ngồi‚ tự bám để đứng dậy‚ bò bằng tay và đầu gối‚ bò hoặc bám vịn để đi quanh các đồ vật‚ và có thể tự đi một vài bước. Bé có thể cầm và gõ hai khối đồ chơi vào nhau‚ có thể bốc ăn và uống bằng cốc. Ở giai đoạn này‚ bé có khả năng cặp một đồ vật nhỏ bằng ngón tay cái và ngón trỏ một cách chính xác.

Phát triển cảm xúc

Bé ở giai đoạn 12 tháng tuổi có thể diễn đạt được nhu cầu của mình cho người khác thấy thông qua điệu bộ và cử chỉ. Bé có thể tỏ ra căng thẳng hoặc khóc khi bố mẹ đi ra chỗ khác hoặc khi bé bị vây quanh bởi những người lạ. Ở giai đoạn này các bé thích bố mẹ hơn tất cả những người chăm sóc khác.

Phát triển xã hội

  • Bé có thể bắt chước người khác‚ có thể vẫy tay chào tạm biệt và có thể chơi “ú òa”.
  • Bé có thể bắt đầu thử phản ứng của bố mẹ với các trò nghịch ngợm của mình (ví dụ ném thức ăn đi khi bé đang ăn).
  • Bạn có thể dùng kỷ luật với những trò nghịch ngợm này bằng cách áp dụng luật “hết giờ” (ví dụ bạn nói với bé hết giờ ăn và bạn cất đồ ăn đi) và ngược lại bạn nên khen bé khi bé có các hành động tốt.

Phát triển trí tuệ

Bé ở giai đoạn 12 tháng tuổi có thể bắt chước âm thanh và nói “má/mẹ”, “ba/cha/bố” và một vài từ khác nữa. Bé có thể chơi trò tìm một vật được giấu đi và có thể phản ứng khi bố mẹ nói không.

Tiêm chủng

Đợt tiêm này của bé có thể gồm:

  • Liều thứ 4 của vắc-xin DTaP chứa biến độc tố bạch hầu‚ uốn ván‚ và ho gà vô bào.
  • Liều thứ 3 hoặc thứ 4 vaccine viêm màng não Hib (Haemophilus influenzae type b).
  • Liều thứ 4 vaccine phế khuẩn cầu (dạng vắc-xin phế cầu khuẩn có thể dùng cho bé dưới 2 tuổi, dự kiến có mặt tại Việt Nam vào quý 1 năm 2015)‚ vắc-xin sởi‚ vắc-xin sởi Đức (thường được gọi là rubella)‚ vaccine quai bị‚ vaccine thủy đậu MMRV‚ và vaccine viêm gan A.
  • Nếu lần tiêm trước bé chưa tiêm thì lần này bác sĩ cũng có thể tiêm nốt liều cuối vắc-xin viêm gan B.
  • Trong mùa cúm‚ bạn cũng nên cho bé tiêm một liều phòng bệnh cúm.

Xét nghiệm cho bé

Bé nên được tầm soát tình trạng thiếu máu với xét nghiệm kiểm tra lượng huyết sắc tố (hemoglobin) hay tỉ lệ hồng cầu. Tùy vào sự hiện diện các yếu tố nguy cơ ở từng trường hợp cụ thể mà bé có thể cần được kiểm tra lượng chì trong máu hay xét nghiệm bệnh lao.

Dinh dưỡng và sức khỏe răng miệng

  • Những bé đang bú mẹ nên tiếp tục được cho bú.
  • Bé từ 12 tháng tuổi có thể dừng uống sữa bột và chuyển sang uống sữa tươi nguyên kem. Một ngày bé nên uống 2-3 cốc (0.47 L tới 0.70 L).
  • Nên uống tất cả các loại sữa/nước hoa quả/thức ăn… bằng cốc chứ không bằng bình để chống sâu răng.
  • Hạn chế uống các loại nước hoa quả chứa vitamin C quá nhiều, không nên vượt quá 0.11 L – 0.17 L/ ngày, và khuyến khích bé uống nước lọc.
  • Dùng thực đơn cân bằng cho bé và khuyến khích bé ăn rau quả.
  • Cho bé ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ trong một ngày.
  • Cắt đồ ăn thành miếng nhỏ để bé không bị nghẹn.
  • Đảm bảo cho bé tránh thức ăn có hàm lượng mỡ‚ muối‚ và đường cao. Dần dần giúp bé chuyển thực đơn sang bữa ăn bình thường của gia đình thay vì thức ăn đặc biệt cho trẻ nhỏ.
  • Cho bé ngồi ở ghế ăn cao ngang bàn để tăng giao tiếp của bé trong bữa ăn.
  • Đừng ép bé ăn hết các đồ ăn trong đĩa.
  • Tránh cho bé ăn các loại hạt cứng‚ kẹo cứng‚ ngô bung‚ và kẹo cao su để tránh bị dị vật đường thở do hít sặckhi nuốt.
  • Khuyến khích bé tự ăn bằng thìa và có bát/đĩa riêng.
  • Bé cần đánh răng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Đưa bé đi khám răng và nói chuyện với nha sĩ về sức khỏe răng miệng của bé.

Phát triển

  • Đọc sách cho bé hàng ngày và khuyến khích bé chỉ vào một vật khi bạn đọc tới vật đó.
  • Chọn sách có nhiều hình vẽ‚ màu sắc và cấu trúc/hoa văn thú vị.
  • Hát lại các điệu nhạc và bài hát cho bé nghe hoặc khuyến khích bé bắt chước theo.
  • Gọi tên các đồ vật chính xác và nhất quán để bé học theo. Giải thích bạn đang làm gì cho bé nghe khi bé tắm‚ ăn‚ mặc và chơi.
  • Chơi các trò chơi tưởng tượng với búp bê‚ các khối đồ‚ hoặc các đồ vật thông dụng trong nhà.
  • Thường thì bé chưa sẵn sàng để tập dùng bồn cầu cho đến khi bé được 18 tới 24 tháng.
  • Hầu hết các bé vẫn còn 2 giấc ngủ ngắn mỗi ngày. Nên tập cho bé có các giấc ngủ dài và ngắn đúng giờ. Khuyến khích bé ngủ ở giường riêng.

Các lời khuyên cho cha mẹ

  • Mỗi ngày nên có khoảng thời gian riêng chỉ có bạn và bé với nhau.
  • Ở giai đoạn này‚ bạn cần biết là con bạn ít có khả năng để hiểu về thứ tự sự vật/sự việc/thời gian.
  • Giảm thời gian xem ti vi của bé xuống chỉ còn một tiếng mỗi ngày. Trẻ ở giai đoạn này cần chơi các trò chơi hoạt động nhiều và cần tương tác với người khác.

mẹ và bé chơi đùa

Hình ảnh minh họa: mẹ và bé chơi đùa

Đảm bảo an toàn

  • Cần ý thức rõ và thảo luận với người trông bé các vấn đề an toàn cho bé tại nhà‚ ví dụ như: sử dụng cửa‚ các ổ cắm điện‚ bọc cho các tay nắm cửa‚ đảm bảo chắc chắn các vật dụng không thể bị rơi đổ nếu bé trèo lên.
  • Giữ nhiệt độ máy sưởi nước (nếu có) khoảng 49°C.
  • Tránh các dây lòng thòng như dây điện‚ dây rèm cửa‚ hay dây điện thoại.
  • Giữ môi trường xung quanh bé không có khói thuốc lá và không để các loại thuốc uống hay hóa chất.
  • Sử dụng cửa tự đóng xung quanh bể bơi.
  • Đừng bao giờ chơi trò tung người bé lên.
  • Để tránh bé bị nghẽn/tắc họng‚ cần đảm bảo là bé chơi các đồ chơi lớn hơn miệng của bé.
  • Đảm bảo tất cả các đồ chơi của bé đều làm từ chất không độc hại.
  • Trẻ em khi còn bé có thể bị ngộp thở chỉ với một vũng nước nhỏ‚ do đó không để bé chơi một mình với nước.
  • Không để các đồ vật nhỏ‚ các đồ chơi với thòng lọng‚ chuỗi dài‚ hay dây ở cạnh bé.
  • Giữ các bóng đèn điện xa so với rèm cửa và chăn đệm để đề phòng cháy.
  • Không đeo núm vú giả quanh tay hoặc cổ của bé.
  • Phần vòng to của núm vú giả phải rộng tối thiểu 3.8 cm để đề phòng bé nuốt.
  • Kiểm tra toàn bộ đồ chơi để tránh các cạnh sắc cũng như các phần có thể bị rời ra để phòng ngừa tình huống bé có thể nuốt các phần này.
  • Khi lái xe hơi riêng‚ bạn cần cho con bạn ngồi chắc chắn trên ghế an toàn ở giữa hàng ghế sau và không bao giờ được cho bé ngồi hàng ghế trước cạnh vị trí túi khí. Cài ghế an toàn này theo cách bé có thể nằm dựa vào ghế và nhìn về phía sau xe (rear facing) cho đến khi bé được 2 tuổi hoặc khi bé phát triển chiều cao/cân nặng quá giới hạn của ghế cài đặt theo cách này.
  • Lắp bộ máy phát hiện khói trong nhà và đảm bảo thay pin thường xuyên cho máy này.
  • Cần đậy nắp chặt các lọ thuốc và để ở vị trí bé không lấy được. Giữ các loại hóa chất và chất tẩy rửa ở vị trí bé không với được. Nếu bình chữa cháy được đặt trong nhà cần khóa cẩn thận để bé không tự mở được.
  • Cẩn thận với chất lỏng nóng và đảm bảo bé không kéo được các dụng cụ đang nấu nóng ra (tay cầm nên hướng vào phía trong). Dao kéo và các vật nặng cũng cần được để ở chỗ bé không lấy được.
  • Luôn để mắt tới con bạn‚ kể cả khi bạn tắm.
  • Đảm bảo cửa được đóng để bé không ngã ra ngoài.
  • Đảm bảo cho con bạn được đeo kính râm để tránh cả hai loại tia cực tím A và B và có chỉ số tránh nắng ít nhất là 15.
  • Bị cháy nắng khi còn bé có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn về sau‚ do đó nên tránh đưa trẻ ra nắng vào những lúc nắng nhất trong ngày.
  • Bạn cần biết số điện thoại của trung tâm sức khỏe gần nhà và giữ số điện thoại đó ở nơi dễ tìm như gắn vào tủ lạnh.

Tài liệu tham khảo

http://www.rockwallpediatrics.com/resources/wellchild/

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích